1. Đức Tổng Giám Mục Tokyo được bầu làm tân tổng thư ký của liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu
Đức Tổng Giám Mục Nhật Bản Tarcisio Isao Kikuchi của Tokyo đã được bầu làm tổng thư ký của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, gọi tắt là FABC.
FABC là một hiệp hội của các hội đồng giám mục Công Giáo ở Nam, Đông Nam, Đông và Trung Á, nhằm thúc đẩy tình đoàn kết và trách nhiệm chung vì phúc lợi của Giáo hội và của xã hội trong khu vực.
Đức Cha Tarcisio Isao Kikuchi sẽ thay thế Đức Cha Stêphanô Lý Bân Sinh (Lee Bun-Sang, 李彬生) của Ma Cao sau khi vị giám mục này từ chức vào đầu tháng Bảy vừa qua.
Đức Cha Tarcisio Isao Kikuchi là chủ tịch Caritas Á Châu từ năm 2011 đến năm 2019. Ngài cũng là thành viên của Ủy ban Phát triển Nhân văn của FABC.
Đức Cha Tarcisio sinh ngày 1 tháng 11 năm 1958, và là thành viên của Dòng Ngôi Lời Truyền Giáo. Ngài được truyền chức linh mục vào ngày 15 tháng 3 năm 1986.
Là một nhà truyền giáo, ngài đã phục vụ trong các cuộc truyền giáo ở Ghana, Tây Phi và phục vụ tại Koforidua với tư cách là cha sở trước khi được bầu làm Giám tỉnh của dòng vào năm 1999, khi ngài trở lại Nhật Bản.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục Niigata vào ngày 29 tháng 4 năm 2004. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục Tokyo vào ngày 25 tháng 10 năm 2017.
Source:Licas News
2. Không tin cũng xảy ra: Công Giáo bị chèn ép ngay trên đất Mỹ, hàng triệu Mỹ Kim bị chặn lại
Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết trong một quyết định có thể khôi phục hàng triệu đô la cho các trường Công Giáo, tiểu bang California đã phán quyết rằng Học khu Thống nhất Los Angeles, gọi tắt là LAUSD, đã vi phạm luật liên bang khi cắt giảm khoản tiền trợ giúp cho các học sinh gặp khó khăn trong học tập tại Tổng giáo phận Los Angeles.
“Báo cáo điều tra” dài 58 trang do Bộ Giáo dục California ban hành ngày 25 tháng 6 cho LAUSD thời hạn 60 ngày để thiết lập “các tiếp xúc kịp thời và có ý nghĩa” với tổng giáo phận ngõ hầu có thể sửa chữa bất kỳ sai sót nào trong việc tính toán nhu cầu của học sinh. Bộ Giáo dục California đã ra lệnh cho LAUSD phải “cung cấp các dịch vụ đã thỏa thuận cho các học sinh của tổng giáo phận đủ điều kiện bắt đầu từ đầu năm học 2021-2022.”
Tổng giáo phận đã đệ đơn khiếu nại vào tháng 9 năm 2019, sau khi LAUSD ngăn chặn tất cả 85 trong số 102 trường Công Giáo đủ điều kiện, và trước đây đã được nhận quỹ Title One của liên bang, nhằm hỗ trợ các học sinh có vấn đề về môn toán, và tiếng Anh. Báo cáo gọi hành động của LAUSD là “nghiêm trọng”. Nó thể hiện hoặc là một sự kỳ thị ra mặt, hoặc là một mưu toan tham ô hàng triệu Mỹ Kim.
Theo phúc trình vừa được công bố, trong ba năm trước năm 2019, LAUSD nhận được trung bình hàng năm khoảng 291 triệu đô la trong quỹ Title One và phân bổ từ 2% đến 2.6% cho các trường tư thục. Nhưng vào năm 2019, khi Tổng thống Trump công bố chương trình trợ giúp đặc biệt cho ngành giáo dục, học khu đã nhận được hơn 349 triệu đô la, họ lập tức loại 85 trong số 102 trường Công Giáo ra khỏi danh sách, và phân bổ chưa đến 0.5% cho các trường tư thục.
Hệ quả là tổng số tiền được chia cho các trường tư thục đã giảm từ 7.5 triệu đô la xuống còn 1.7 triệu đô la. Bi đát hơn nữa, trong số các trường tư thục, các trường học Công Giáo chiếm đa số, thế mà các trường Công Giáo chỉ nhận được 11% tổng số tiền cho các trường tư thục, cụ thể là vào khoảng 190 ngàn Mỹ Kim.
Các viên chức Tổng giáo phận bày tỏ sự ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột trong sự phân bổ của LAUSD sau nhiều thập kỷ mà Giáo hội được coi là quan hệ đối tác hiệu quả giữa các trường tư thục và khu học chính.
Title One hỗ trợ cho những học sinh có vấn đề về học lực, bất kể chúng theo học tại các trường công lập, tư thục hay các trường của các tôn giáo. Theo luật, học khu có trách nhiệm phân phối quỹ một cách công bằng nhưng vì sự thù địch với niềm tin tôn giáo, hay sao đó nên họ đã chặn lại hầu hết các khoản tiền trợ cấp cho các trường Công Giáo.
Source:Catholic News Agency
3. Quá sức trơ trẽn: Viện dẫn đức tin Công Giáo, Pelosi bảo vệ việc phá thai bằng tiền đóng thuế của người dân
Hôm thứ Năm 22 tháng 7, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi của đảng Dân Chủ đơn vị California, đã bảo vệ nỗ lực cho phép liên bang tài trợ cho các ca phá thai tự chọn, và viện dẫn đức tin Công Giáo của chính bà ta để biện minh cho hành động đó.
Một dự thảo luật về ngân sách gần đây đã được Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện thông qua sẽ cho phép liên bang tài trợ cho các ca phá thai tự chọn trong Medicaid. Nó loại trừ Tu chính án Hyde, là chính sách liên bang từ năm 1976 cấm tài trợ cho hầu hết các ca phá thai bằng Medicaid.
Trong phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần của bà ta ở Điện Capitol Hoa Kỳ vào hôm thứ Năm, Pelosi cho biết bà ta ủng hộ việc bãi bỏ tu chính án Hyde vì đây là “một vấn đề sức khỏe của nhiều phụ nữ ở Mỹ, đặc biệt là những người có hoàn cảnh thu nhập thấp và ở trong các trạng huống khác nhau”.
“Và nó là cái gì đó đã là một ưu tiên hàng đầu đối với nhiều người trong chúng ta trong một thời gian dài”, Pelosi nói.
Trích dẫn đức tin của mình, và lưu ý các ký giả rằng bà ta là “một người Công Giáo sùng đạo và là mẹ của 5 người trong 6 năm, tôi cảm thấy rằng Chúa đã ban phước cho chồng tôi và tôi với gia đình đẹp đẽ của chúng tôi, năm đứa con trong sáu năm gần như mỗi năm một đứa”.
Bà ta nói thêm rằng bà ta sẽ không đưa ra quyết định cho những phụ nữ khác, về gia đình của họ và về việc phá thai.
Pelosi nói rằng “tài trợ cho việc phá thai bằng Medicaid là một vấn đề về công bằng và công lý cho những phụ nữ nghèo ở đất nước chúng tôi”.
Joe Biden loại bỏ Tu chính án Hyde trong yêu cầu ngân sách của mình với Quốc hội cho năm tài chính 2022. Các đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu đã thúc đẩy việc chấm dứt chính sách này trong những năm gần đây. Do nắm được cả Hành Pháp và Lập pháp, các dự luật phân bổ Lao động, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Giáo dục và Các Cơ quan Liên quan gần đây đã được Ủy ban Chuẩn chi thông qua mà không có bất kỳ sửa đổi nào.
Trong chính trị Hoa Kỳ, Tu chính án Hyde là một đạo luật cấm việc sử dụng quỹ liên bang để chi trả cho việc phá thai ngoại trừ để cứu mạng sống của người phụ nữ, hoặc nếu cái thai phát sinh do loạn luân hoặc cưỡng hiếp. Trước khi Tu chính án Hyde có hiệu lực, ước tính có khoảng 300,000 ca phá thai được thực hiện hàng năm bằng tiền đóng thuế của dân.
Hạ viện thông qua Tu chính án Hyde vào ngày 30 tháng 9 năm 1976 với tỷ lệ bỏ phiếu 312 trên 93. Tu chính án này có tên là Hyde vì do Dân biểu Cộng hòa Henry Hyde của Illinois đề xuất. Tu chính án thể hiện một trong những thành tựu lập pháp lớn nhất và đầu tiên nhất của phong trào ủng hộ sự sống tại Hoa Kỳ, đặc biệt là các phong trào phò sinh của Công Giáo và Ủy ban Quốc gia về Tu chính án Cuộc sống Con người do nhà vận động hành lang Mark Gallagher đứng đầu.
Theo một nghiên cứu do Viện ủng hộ cuộc sống Charlotte Lozier công bố và được cập nhật gần đây, chính sách này ước tính giúp giảm khoảng 60,000 ca phá thai mỗi năm, hoặc khoảng một trong số chín trường hợp phụ nữ mang thai được hưởng trợ cấp Medicaid. Viện tuyên bố rằng chính sách này đã cứu hơn 2.4 triệu sinh mạng kể từ khi nó được thiết lập vào năm 1976.
Hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã kêu gọi các nhà lập pháp bảo vệ Tu chính án Hyde, và hiện đang lưu hành một bản kiến nghị ủng hộ chính sách vì sự sống hiện có hơn 130.000 chữ ký.
Tháng Giêng năm nay, trong chương trình “Bạn và tôi đều ủng hộ Hillary Clinton” ngày 18 tháng Giêng, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, đã mạt sát 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump là một “tai họa cho nước Mỹ” và quyết liệt đổ lỗi cho những cử tri phò sinh đã gây ra cái tai họa ấy và gọi họ là những người phản bội nền dân chủ Mỹ.
Pelosi đã chỉ trích những cử tri phò sinh đã chọn dồn phiếu cho Donald Trump về vấn đề phá thai, và nói rằng lá phiếu của họ khiến bà ấy “rất đau lòng trong tư cách là một người Công Giáo” và cáo buộc họ “sẵn sàng bán đứng toàn bộ nền dân chủ xuống sông chỉ vì một vấn đề đó.”
Đáp lại, Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone của tổng giáo phận San Francisco, là Giám Mục của bà Pelosi, nói:
“Bản thân tôi không thể giả định rằng tôi biết những gì trong tâm trí của các cử tri Công Giáo khi họ bỏ phiếu cho ứng cử viên Tổng thống mà họ lựa chọn, bất kể ứng cử viên ưa thích của họ là ai. Có nhiều vấn đề liên quan đến các hậu quả luân lý rất nghiêm trọng mà người Công Giáo phải cân nhắc trong lương tâm ngay lành của mình khi bỏ phiếu. Nhưng có một điều rõ ràng là: Không một người Công Giáo nào có lương tâm ngay chính lại có thể ủng hộ việc phá thai. ‘Quyền được lựa chọn’ là một hỏa mù nhằm duy trì cả một ngành công nghiệp thu lợi nhuận từ một trong những tệ nạn kinh khủng nhất có thể tưởng tượng được. Mảnh đất của chúng ta thấm đẫm máu của những người vô tội, và nó phải dừng lại.
Đó là lý do tại sao, với tư cách là những người Công Giáo, chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng thay mặt những người không có tiếng nói để nói cho họ, cũng như tiếp cận, an ủi và hỗ trợ những người đang phải chịu đựng những vết sẹo sau khi phá thai. Chúng tôi sẽ làm như vậy, cho đến khi vùng đất của chúng ta cuối cùng thoát khỏi cái tội ác đáng khinh bỉ này.”
Source:Catholic News Agency