1. Đại nghịch bất đạo: Dân biểu thách các giám mục dám từ chối không cho ông ta rước lễ

Trong một loạt các dòng tweet từ tài khoản mạng xã hội cá nhân của mình vào cuối tuần qua, Dân biểu Ted Lieu của đảng Dân Chủ California đã gọi các giám mục Hoa Kỳ là “những kẻ đạo đức giả có đầu óc đảng phái” và thách thức các ngài dám từ chối không cho ông ta rước lễ vì sự ủng hộ của ông ta đối với việc phá thai, và “Hôn nhân đồng tính”.

Trong một loạt tweets vào hôm thứ Sáu, Ted Lieu, một người Công Giáo, đã viết rằng ông ta ủng hộ phá thai như một “Quyền lựa chọn của phụ nữ” và “Quyền kết hôn đồng giới”.

Ted Lieu hung hăng tweet cho các Giám Mục rằng:

“Lần sau khi tôi đến Nhà thờ, tôi đố ai dám từ chối không cho tôi rước lễ. Tôi đố ai dám cản trở tôi đến với Thiên Chúa.”

Thực ra chẳng ai cản trở hắn ta đến với Thiên Chúa. Chính hắn ta, qua việc chống lại Kinh Thánh, và các giáo huấn của Giáo Hội đã tự mình tách biệt khỏi Thiên Chúa và Giáo Hội.

Người phát ngôn của Tổng giáo phận Los Angeles - bao gồm lãnh thổ của Ted Lieu - đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ CNA vào hôm thứ Hai.

Vấn đề Hiệp thông cho các chính trị gia ủng hộ phá thai đã nổi lên sau cuộc bầu cử của Tổng thống Joe Biden - một người Công Giáo ủng hộ việc phá thai bằng tiền đóng thuế dân.

Điều 915 của Bộ Giáo luật tuyên bố rằng những người Công Giáo “cố chấp kiên trì phạm tội trọng, biểu hiện ra ngoài thì không được phép rước lễ”. Sau đó, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, trong một bản ghi nhớ năm 2004 về Hiệp thông Thánh Thể, nói rằng các chính trị gia Công Giáo “liên tục vận động và bỏ phiếu cho việc hợp pháp hóa phá thai và an tử” được coi là hợp tác chính thức trong các tội nghiêm trọng.

Đức Hồng Y Ratzinger cho biết, trong những trường hợp như vậy, mục tử của các viên chức này phải gặp họ và khuyên nhủ họ, hướng dẫn rằng họ không được rước lễ. Nếu các chính trị gia vẫn tiếp tục chủ trương ủng hộ các tội nghiêm trọng của họ, thì các thừa tác viên “phải từ chối Mình Máu Thánh Chúa”.
Source:Catholic News Agency

2. Vấn đề các trường nội trú bản địa đang lan sang Hoa Kỳ. Xin cầu nguyện cho Giáo Hội

Bộ trưởng Nội vụ Hoa Kỳ Deb Haaland và các quan chức liên bang khác dự kiến sẽ công bố các bước mà chính phủ liên bang có kế hoạch thực hiện để hòa giải di sản rắc rối của chính sách trường nội trú đối với các gia đình và cộng đồng bản địa.

Haaland là thành viên của Laguna Pueblo ở New Mexico và là người Mỹ bản địa đầu tiên làm Bộ Trưởng, Haaland dự kiến sẽ vạch ra con đường phía trước trong khi phát biểu với các thành viên của Đại hội Quốc gia của Người Mỹ da đỏ trong hội nghị giữa năm của nhóm này.

Bắt đầu từ Đạo luật Văn minh Da đỏ năm 1819, Hoa Kỳ đã ban hành luật và chính sách để thành lập và hỗ trợ các trường nội trú dành cho người da đỏ trên toàn quốc. Trong hơn 150 năm, hàng trăm nghìn trẻ em bản địa đã bị bắt khỏi cộng đồng của họ và buộc phải vào các trường nội trú tập trung vào việc đồng hóa.

Việc phát hiện gần đây hài cốt trẻ em được chôn cất tại địa điểm từng là trường nội trú bản địa lớn nhất Canada đã làm tăng thêm sự quan tâm đến di sản đó ở cả Canada và Hoa Kỳ.

Tại Canada, hơn 150,000 trẻ em da đỏ được yêu cầu theo học tại các trường Kitô Giáo do nhà nước tài trợ như một phần của chương trình hòa nhập các em vào xã hội. Họ không được phép nói tiếng mẹ đẻ của mình.

Sau khi đọc về những ngôi mộ vô danh ở Canada, Haaland đã kể lại câu chuyện của chính gia đình cô trong một bài báo gần đây được đăng trên Washington Post.

Những nỗ lực trong quá khứ của chính phủ liên bang nhằm “xóa bỏ nền văn hóa của chúng tôi với tư cách là một dân tộc” là một lịch sử cần được ghi nhận, cô viết.

Các chuyên gia nói rằng việc loại bỏ trẻ em khỏi gia đình và nhà của chúng đã có những tác động đa thế hệ đối với các cộng đồng Bản địa, đặc biệt là việc mất đi các nguồn tài nguyên văn hóa và ngôn ngữ bản địa.

“Đó là một lịch sử mà chúng ta phải học hỏi nếu đất nước của chúng ta muốn chữa lành khỏi kỷ nguyên bi thảm này”, Haaland viết.

Nhiều trường học được duy trì bởi Bộ Nội vụ, mà Haaland hiện đang đứng đầu.
Source:WSCTV

3. Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh địa hy vọng tín hữu sẽ quay lại hành hương

Cha Francesco Patton, bề trên dòng Phanxicô tại Thánh địa, hy vọng các tín hữu hành hương sớm trở lại các nơi thánh.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, hôm 19/6 vừa qua, cha Patton hy vọng rằng trong những tháng tới đây, sẽ mở lại một cuộc đối thoại xây dựng giữa người Israel và Palestine, sau khi tân chính phủ Israel được thành lập với ông Naftali Bennet làm thủ tướng, và mới đây có một thỏa thuận giữa Israel và chính quyền Palestine về sự trao đổi vắcxin Pfizer chống Covid-19.

Cha Patton cũng nói rằng mặc dù có vài vụ đụng độ và bạo lực giữa miền Gaza và Israel, nhưng dường như cuộc ngưng chiến từ ngày 21/5 vừa qua, sau 11 ngày xung đột giữa hai bên, không bị lâm nguy.

Trong cuộc phỏng vấn, cha Patton nói: “Người ta vẫn luôn có thể hy vọng, và lần này có thêm một sự việc mới, đó là những lời đầu tiên của tân thủ tướng Israel, ông Naftali Bennett, cũng như các thành viên Liên đảng cầm quyền, biểu lộ ý muốn dùng một ngôn ngữ khác so với ngôn ngữ trong giai đoạn gần đây, nghĩa là họ muốn “hạ giọng” để tránh khơi dậy những cuộc đụng độ và oán ghét, không những giữa Israel và Palestine, nhưng cả trong cùng quốc gia Israel. Tôi tin rằng có một sự sẵn sàng mở lại đối thoại để khởi sự một tiến trình hòa bình, hầu có thể sống với nhau trên cùng một vùng đất, người Do thái và Palestine. Vì thế, tôi cầu mong có một niềm hy vọng, một cách nào đó được cả hai phía diễn đạt ý hướng qua những bước tiến cụ thể.”

Về phương diện y tế, cha bề trên Patton nhận định rằng tình hình hiện nay khá tốt, tiến trình chích vắcxin mau lẹ, hữu hiệu và có tổ chức khéo. Điều cần làm bây giờ là làm cho công ăn việc làm được tái lập. Trong thời đại dịch, phần lớn dân chúng ở nhà và ăn trợ cấp thất nghiệp. Nhưng tại Israel người dân được lãnh phần lớn lương bổng, còn tại Palestine, phần lớn dân chúng không có công ăn việc làm và không có lợi tức. Vì thế, điều tối cần thiết bây giờ là khởi động lại kinh tế.

“Nhìn tình trạng các các tín hữu Kitô, nhất là tại Palestine, đặc biệt là vùng Bethlehem, điều rất cần thiết là các cuộc hành hương và du lịch được khởi động lại, vì dân chúng tại đó sống nhờ lãnh vực đó. Chúng tôi hy vọng trong mùa hè, các cuộc hành hương được tái lập một cách đáng kể: với sự dung hợp giữa những đòi hỏi an ninh y tế, không làm cho các thủ tục tổ chức hành hương trở nên quá phức tạp và chúng tôi cũng hy vọng các tín hữu Kitô từ các nơi trên thế giới trở lại hành hương tại Thánh địa.
Source:Vatican News

4. Người Công Giáo Hoa Kỳ được kêu gọi thực hành 'tình liên đới' về tự do tôn giáo

Người Công Giáo ở Hoa Kỳ đang được khuyến khích cầu nguyện mỗi ngày trong tuần này về một vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo.

Chủ đề của Tuần lễ Tự do Tôn giáo của các Giám mục Hoa Kỳ - diễn ra từ ngày 22 đến ngày 29 tháng 6 - là “Liên đới trong Tự do”. Mỗi ngày một giám mục nêu ra một mối đe dọa đối với tự do tôn giáo và yêu cầu người Công Giáo cầu nguyện.

“Tự do tôn giáo là của tất cả mọi người”, Đức Hồng Y Timothy Dolan của tổng giáo phận New York, chủ tịch ủy ban tự do tôn giáo của các giám mục Hoa Kỳ, cho biết trong một video được đăng trên tài khoản Twitter của USCCB hôm thứ Hai.

Ngày 22 tháng 6 là ngày lễ hai Thánh Thomas More và John Fisher, là hai vị tử đạo người Anh. Tuần lễ kết thúc vào ngày 29 tháng 6, là ngày lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô. Các chủ đề cầu nguyện cho mỗi ngày bao gồm quyền lương tâm của nhân viên chăm sóc sức khỏe, các tín hữu Kitô ở Iraq, người Công Giáo ở Nicaragua, việc nhận con nuôi và chăm sóc nuôi dưỡng, những hành vi phá hoại nhà thờ, mục vụ Công Giáo trong đại dịch và Đạo luật bình đẳng.

“Như Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã dạy trong Fratelli Tutti, tình liên đới có ý nghĩa hơn nhiều so với việc tham gia vào các hành động quảng đại lẻ tẻ. Nó có nghĩa là suy nghĩ và hành động về mặt cộng đồng”, Đức Hồng Y Dolan giải thích. Ngài nói, tự do tôn giáo, “cho phép Giáo hội, và tất cả các cộng đồng tôn giáo, sống đức tin của họ trước công chúng và phục vụ lợi ích của tất cả mọi người”.

Đức Hồng Y Dolan nói rằng tự do tôn giáo là một trong những nền tảng mà Hoa Kỳ được thành lập, và nói thêm rằng “Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta cử hành tuần lễ này khi chúng ta đến gần Ngày Độc lập, 4 tháng Bảy”.

Ngài cũng kêu gọi những người Công Giáo ở Hoa Kỳ cầu nguyện cho các tín hữu Kitô bị bách hại trên toàn thế giới.

Giám mục Michael Burbidge của Arlington cho biết trong một tuyên bố ngày 21 tháng 6 rằng Tuần lễ Tự do Tôn giáo là một cơ hội để nêu bật “quyền được phục vụ lợi ích chung, là điều mà đức tin của chúng ta thúc đẩy chúng ta, thông qua các tổ chức từ thiện và mục vụ tôn giáo khác nhau”.

Đức Cha Burbidge ghi nhận những người có đức tin đã mang lại hy vọng cho cộng đồng của họ trong đại dịch, vì họ đã “ phục vụ những người cần đến một cách quên mình”.

Trong giáo phận của mình, Đức Cha Burbidge nói rằng các Tổ chức bác ái Công Giáo địa phương và các giáo xứ “đã cung cấp một lượng lương thực và hỗ trợ khẩn cấp chưa từng có cho những người gặp khó khăn về tài chính”. Ngài nói thêm rằng “một con số kỷ lục các gia đình quay sang các cơ quan bác ái Công Giáo trong tình cảnh khó khăn hiện nay”.

“Và, trong những ngày đen tối nhất của đại dịch, các trường Công Giáo của chúng ta đã dẫn đầu trong việc mở cửa trở lại một cách an toàn để học sinh có thể phát triển bằng cách học trực tiếp. Tác động trong cộng đồng của chúng ta là không thể đo lường được, và nhờ ân sủng của Chúa, điều đó vẫn tiếp tục”.
Source:Catholic News Agency