1. Giáo Hội Công Giáo Nga tiến hành án phong thánh tử đạo
Hôm 21 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Paolo Pezzi của Giáo phận Mẹ Thiên Chúa, ở thủ đô Mascvơva đã chủ tọa phiên họp thứ 10 của tòa án giáo phận để điều chỉnh lại án tuyên phong: con số các Vị Tôi tớ Chúa được cứu xét trong án tuyên phong được giảm từ 15 xuống còn 10 vị, và danh xưng án tuyên phong từ nay được gọi là “Án tuyên chân phước hoặc tuyên bố là tử đạo cho Đức Cha Antonio Maletsky sinh năm 1861 và qua đời năm 1935, Giám mục hiệu tòa Donizana, Giám quản tông tòa Leningrad và 9 bạn bị giết vì sự hận thù đức tin”.
Ngoài Đức Cha Maletsky, còn có giám chức Konstantin Budkevich sinh năm 1867, qua đời 1923, 4 linh mục, Mẹ Ekaterina Sienskaya, tục danh là Anna Abrikosova sinh năm 1883 và qua đời 1936 và một giáo dân. Tất cả đều là những người bị sát hại trong cuộc bách hại của cộng sản Nga.
Bộ Tuyên thánh đã cho phép gộp Đức cha Karol Svlivosky sinh năm 1855, qua đời năm 1933 ở Vladivostok và một linh mục khác vào án tuyên phong này, nhưng loại ba người khác khỏi danh sách. Trong vòng vài năm tới đây, người ta hy vọng có thể hoàn tất cuộc điều tra ở cấp giáo phận về các vị Tôi tớ Chúa này và hồ sơ được chuyển về Bộ Tuyên thánh ở Roma để cứu xét.
2. Tờ New York Times đã phải đính chính một bài báo chỉ trích Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12
Nữ tu Margherita là một giảng viên Đại Học, một học giả văn chương và là một thành viên tận tụy của dòng Giáo viên Tôn giáo Filippini, là dòng sơ đã gia nhập năm 1935. Nữ tu người Mỹ này đã viết tám cuốn sách để bênh vực Đức Piô XII, sau khi nghỉ hưu với tư cách là giáo sư ngôn ngữ và văn học Ý tại Đại học Fairleigh Dickinson. Khi sơ qua đời, cuộc đời và những thành tựu của sơ không chỉ được Vatican và các phương tiện truyền thông Công Giáo ca ngợi, mà cả các cơ quan truyền thông thế tục lớn trên thế giới cũng tôn vinh.
Tuy nhiên, trong khi tôn vinh sơ, nhiều người cũng không bỏ lỡ cơ hội tung ra những tâm tình bài Công Giáo rất sai lầm và vụng về.
Tờ New York Times là một thí dụ điển hình. Sau khi ghi nhận sự nghiệp học thuật rất được ca ngợi và công trình nghiên cứu phi thường của Nữ tu Marchione về Đức Piô XII, tờ New York Times lưu ý rằng “Yad Vashem, đài tưởng niệm các nạn nhân Diệt Chủng ở Israel, nơi cũng thừa nhận những người đã cứu người Do Thái khỏi nạn diệt chủng, đã chỉ trích Đức Piô XII rất nhiều”.
Người viết tường trình rằng “Trong bảo tàng này, bên dưới một bức ảnh của ngài, có ghi các lời sau đây: 'Mặc dù các báo cáo về vụ sát hại người Do Thái đã tới Vatican, nhưng Đức Giáo Hoàng đã không phản đối bằng cách lên tiếng hoặc bằng văn bản. Vào tháng 12 năm 1942, ngài đã không tham gia cùng các thành viên của Đồng minh lên án việc sát hại người Do Thái. Ngay cả khi những người Do Thái đang bị trục xuất từ Rome đến Auschwitz, Đức Giáo Hoàng cũng không can thiệp”.
Trên thực tế, các lời lẽ trên đã được Yad Vashem thay thế vào năm 2012, dựa vào một nghiên cứu tốt hơn, và thuận lợi hơn nhiều đối với Đức Piô XII. Tuyên bố sửa đổi nêu bật bài diễn văn Giáng sinh năm 1942 của Đức Piô XII, trong đó, ngài lên án tội giết người hàng loạt dựa trên quốc tịch hoặc chủng tộc của người ta. Tuyên bố cũng ghi nhận việc Đức Giáo Hoàng kêu gọi các quốc gia bị Đức Quốc xã chiếm đóng giúp đỡ các người Do Thái bị đàn áp ra sao; và thừa nhận nghiên cứu cho rằng chiến lược thời chiến của Đức Piô XII “đã cho phép một số lượng đáng kể các hoạt động giải cứu bí mật diễn ra”.
Bách khoa mở Wikipedia vẫn còn giữ tuyên bố cũ và chính tờ New York Times cũng đã viết về những thay đổi đáng hoan nghênh này trong câu chuyện của mình với nhan đề: “Bảo tàng Diệt chủng của Israel đã làm dịu sự chỉ trích của họ đối với Đức Giáo Hoàng Piô XII”, được công bố ngày 1 tháng 7 năm 2012.
Một độc giả đã ngay lập tức viết một lá thư cho New York Times, khen ngợi họ đã dành sự quan tâm quảng đại đến các thành tựu của Nữ tu Marchione, nhưng chỉ ra lỗi nghiêm trọng trên và yêu cầu sửa chữa. Một ngày sau, vào ngày 2 tháng 6, tờ New York Times đã đăng bài đính chính.
Các biên tập viên thừa nhận rằng cáo phó của tờ báo, “đã nhắc đến một trưng bày lỗi thời về Đức Piô trong một viện bảo tàng do Yad Vashem, đài tưởng niệm các nạn nhân của Diệt chủng ở Israel, điều hành.
Đức Piô XII thực sự đã can thiệp để giải cứu nhiều người Do Thái trong cuộc lục soát cộng đồng Do Thái ở Rôma của Đức Quốc xã. Nhưng chắc chắn ngài không thể quảng cáo sự thật đó, như nhà sử học lỗi lạc Owen Chadwick đã nhận xét, vì sợ rằng điều đó sẽ kích thích Đức Quốc xã xâm nhập các khu trú ẩn của Đức Giáo Hoàng ở Rôma và bắt giữ tất cả những người Do Thái lúc đó đang được Đức Giáo Hoàng và vô số tu sĩ bảo vệ.
3. Ngày bác ái tại Tây Ban Nha
Chúa nhật vừa qua, Giáo Hội Công Giáo tại Tây Ban Nha đã cử hành ngày Bác ái và cho biết trong năm qua, các cơ quan bác ái của Giáo hội tại nước này đã giúp đỡ hơn hai triệu người nghèo.
Trong thư công bố nhân Ngày Bác ái, các giám mục Tây Ban Nha viết: “Với các nhân viên thiện nguyện, chúng ta phá vỡ những xiềng xích cô lập và tách biệt chúng ta, để kiến tạo những nhịp cầu, nhờ lòng yêu thương đối với anh chị em túng thiếu của chúng ta”.
Ngày Bác ái do Ủy ban về hoạt động từ thiện và xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha phối hợp, với sự cộng tác của 86.566 người, trong đó có 80.995 người thiện nguyện, hơn 5.570 nhân viên, phục vụ tại gần 5.600 trung tâm và các văn phòng rải rác tại các giáo xứ Công Giáo trên toàn quốc.
Trong dịp này, Ủy ban đã phổ biến các chứng từ, như của bà Glenda Ursula Pecho, một phụ nữ gốc Peru cùng với chồng và 4 người con ở Badajoz. Gia đình bà đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn, và tìm đến Caritas ở Giáo xứ Đức Mẹ Guadalupe, thuộc vùng Estremadura miền nam Tây Ban Nha để xin hỗ trợ. Bà kể: “Khi các cánh cửa khác bị đóng, cánh cửa Caritas vẫn luôn mở. Tại đây, người ta động chạm cụ thể sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Tại Văn phòng Caritas này, họ đã tiếp đón tôi rất tử tế ngay từ ngày đầu... Tuy ở xa quê hương, nhưng tôi không còn thấy lẻ loi. Và như thể Chúa nói với bạn: “Cha ở đây để giúp đỡ con và bảo đảm cho con tất cả những gì con cần”.
4. Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi dòng kinh sĩ Prémontré
Đức Thánh Cha Phanxicô gửi sứ điệp chúc mừng dòng kinh sĩ Prémontré, nhân dịp kỷ niệm 900 năm thánh Norberto thiết lập đan viện đầu tiên của dòng và ngài mời gọi con cái thánh nhân luôn giữ tâm hồn cởi mở, đón tiếp những ai tìm đến xin giúp đỡ về tinh thần và vật chất.
Thánh Norberto sinh tại Xanten, bên Đức năm 1180. Sau những năm phục vụ tại triều đình hoàng đế Enrico V, ngài theo đuổi đời sống tu trì khổ hạnh, thành lập đan viện đầu tiên tại thung lũng Prémontré, miền bắc Pháp và sau này được bổ nhiệm làm Tổng ‘giám mục giáo phận Mardeburg, bên Đức, thành lập nhiều đan viện trong giáo phận của ngài. Thánh nhân qua đời năm 1134, lúc 54 tuổi. Dòng kinh sĩ Prémontré hiện có 77 đan viện và khoảng 1180 tu sĩ.
Trong sứ điệp gửi cha Jozef Wouters, Viện Phụ tổng quyền dòng kinh sĩ Prémontré, Đức Thánh Cha gợi lại cuộc đời và hành trình tu trì của thánh Norberto, việc thành lập đan viện đầu tiên và ảnh hưởng của thánh nhân: nhiều người nam nữ liên kết với các cộng đoàn dòng kinh sĩ, những người muốn phản ánh cuộc sống của Giáo hội tiên khởi như được mô tả trong Tông đồ Công vụ.
Đức Thánh Cha viết: “Ngay từ đầu các tu sĩ Prémontré đã chứng tỏ sự dấn thân rất lớn đối với những người ở bên ngoài cộng đoàn, sẵn sàng đồng hành với họ. Chẳng bao lâu, từ đó nảy sinh những cộng đoàn mới, theo lối sống của thánh Norberto. Hỡi các con cái của thánh Norberto, anh em hãy luôn bảo tồn sự cởi mở tâm hồn như vậy, và cũng biết mở rộng cửa nhà, để đón nhận những người tìm kiếm lời khuyên nhủ tinh thần, những người xin trợ giúp vật chất, những người muốn chia sẻ kinh nguyện của anh em. Ước gì phụng vụ của anh em luôn luôn là lời chúc tụng Thiên Chúa, cho và với dân Chúa”.