1. Ấn Độ: Thảm họa kinh hoàng - hơn 400 linh mục và tu sĩ đã chết vì Covid-19
Có ít nhất 205 linh mục và 210 tu sĩ, đa số là nữ tu đã chết vì Covid-19 ở Ấn Độ, trong tháng Tư và tháng Năm.
(Tin Vatican - Robin Gomes)
Hơn 400 linh mục và tu sĩ đã bị tử vong ở Ấn Độ do nhiễm Covid-19, phần lớn chết trong giai đoạn cao điểm của đợt nhiễm thứ hai tàn phá nước này vào tháng 4 và tháng 5. Con số nghiệt ngã này đã được Cha Suresh Mathew, một linh mục Dòng Phan Sinh, là biên tập viên của tạp chí Indian Currents do Giáo hội điều hành, tổng kết. Tính đến thứ Bảy ngày 29 tháng 5, 205 linh mục và 210 nữ tu đã chết vì Covid-19, nâng tổng số lên 415. Con số có thể cao hơn vì một số thương vong không được báo cáo.
Danh sách có 3 giám mục: Đức Tổng Giám Mục Antony Anandarayar của Pondicherry-Cuddalore hưu trí và Giám mục Basil Bhuriya của Jhabua qua đời vào ngày 3 và 5 tháng Năm. Giám mục hưu trí Joseph Neelankavil của Sagar theo nghi thức Syro-Malabar, qua đời vào ngày 17 tháng 2 năm nay.
Chết trong một chuỗi dài
Cha Mathew nêu ra “Tỷ lệ thương vong của các linh mục và tu sĩ, đặc biệt nữ tu cao vì họ làm việc ở những vùng sâu vùng xa, nơi không có các cơ sở y tế”. “Phần lớn họ đã liều mình phục vụ Giáo hội và xã hội. Quốc gia Ấn thiếu các cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực y tế, mà họ phải sống và làm việc ở giữa dân chúng trong các vùng nông thôn và chết giữa họ!” Cha Matthêu chia sẻ với Đài Vatican như thế.
Số người chết liên quan đến 98 giáo phận và 106 dòng tu. Bất chấp nguy cơ lây nhiễm, các giáo phận và dòng tu đã và đang nỗ lực xoa dịu những thương đau cho các nạn nhân của cơn đại dịch. Nhiều giáo phận và Dòng tu đã phải tự sửa soạn các phương tiện điều trị cho các nạn nhân Covid-19.
Cha Mathew báo cáo về những trường hợp tử vong từ các cộng đồng và giáo đoàn của Ấn Độ và 174 giáo phận của đất nước để tổng hợp một danh sách. Cha nói rằng con số thương vong có thể còn cao hơn, vì “điều kiện tiếp cận và đưa đến được bệnh viện quá trễ”. Cha cho biết một số người bị nhiễm vì đã làm nhiệm vụ bình thường của họ, như “Tụ tập, tĩnh tâm, hội họp, v.v.” và đã bị nhiễm khuẩn!..” Cha Mathew cho hay: “Chúng ta cấm tụ tập để tránh lây lan, nhưng số người chết sẽ thấp hơn nhiều nếu có đủ vắc-xin và được tiêm chủng.
Tuy nhiên, Cha Mathew nhìn những con số đáng buồn này dưới ánh sáng của đức tin, ngài nói: “Chúng tôi nhìn vào những nạn nhân của Covid và chấp nhận như thánh ý Chúa.” Cha nói, những người chết vì thực hiện sứ mệnh của họ thì “đáng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu”.
Các con số quá tải của Ấn Độ
Ấn Độ, một quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới, hiện đang gánh chịu một sự tàn phá tệ hại nhất của cơn đại dịch, dẫn đầu về số ca nhiễm và số người chết hàng ngày. Quốc gia này hôm thứ Bảy vừa qua đã cho biết có 173.790 ca nhiễm coronavirus mới, mức thấp nhất trong 45 ngày qua, trong khi số ca tử vong tăng 3.617. Theo Bộ Y tế, tổng số ca nhiễm hiện nay là 27,7 triệu (đứng thứ hai sau Mỹ), với số người chết là 322.512 (sau Mỹ và Brazil).
Trong tháng này, Ấn Độ đã ghi nhận số người chết vì Covid-19 cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu tung hoành từ năm ngoái. Chỉ khoảng 3% trong số 1,3 tỷ người của đất nước đã được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ thấp nhất trong 10 quốc gia có nhiều ca bệnh nhất.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích, cả trong và ngoài nước, vì sự cẩu thả và không hành động kịp thời để đảm bảo vắc-xin Covid-19 cho người dân, mặc dù quốc gia này là một trong những quốc gia sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới.
2. Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi một nữ tu Hoa Kỳ vì công việc sơ thực hiện cho người di cư
Đức Thánh Cha Phanxicô gửi một thông điệp video tới Sơ Norma Pimentel, MJ, bày tỏ lòng biết ơn sơ về các công việc sơ làm, để chào đón những người di cư Mỹ Latinh vào Hoa Kỳ.
(Tin Vatican - Devin Watkins)
Sơ Norma Pimentel đã gửi cho Đức Thánh Cha một lá thư ngày 3 tháng 5, mô tả công việc của các Tổ chức Từ thiện Công Giáo ở Thung lũng Rio Grande, nằm ở biên giới phía nam Hoa Kỳ và Mexico.
Đáp lại, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp video tới sơ người Mỹ gốc Mexico và ca ngợi những việc làm của sơ.
Đức Thánh Cha nói: “Cha cảm ơn con vì những gì con và tổ chức của con đang làm, cám ơn các con đã chào đón và tiếp nhận những người di cư đang đi tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Một số đi tìm kiếm sự thăng tiến vươn lên, trong khi những người khác chạy trốn khỏi các địa ngục trần gian”.
Chào đón những người di cư gốc Mỹ Latinh
Đức Thánh Cha tiếp tục khẳng định rằng những người di cư “phải được chào đón, tức là họ phải được bảo vệ, đồng hành và hòa nhập”.
“Bốn điều này,” Đức Thánh Cha đã từng nhấn mạnh: “Được chào đón, bảo vệ, đồng hành và hòa nhập.”
Đức Thánh Cha nói nhóm của Tổ chức Từ thiện Công Giáo ở biên giới phía nam của Texas đang giúp những người “mong muốn được hỗ trợ để cuộc sống họ có phẩm giá hơn”.
Đức Thánh Cha kết luận: “Cha đồng hành với các con. “Cha cầu nguyện cho con và cho tất cả những người đang cộng tác trong công cuộc của con.”
Trong khi ban phép lành cho sơ Norma và tổ chức của sơ, Đức Thánh Cha cũng xin họ cầu nguyện cho ngài.
Sơ Norma là một nữ tu Dòng Truyền giáo Chúa Giêsu, sơ là giám đốc điều hành Tổ chức Từ thiện Công Giáo ở Thung lũng Rio Grande.
Sơ được Hội Từ Thiện Quốc Tế (Caritas Internationalis) và một số tổ chức gần biên giới Hoa Kỳ / Mexico, bao gồm cả Trung tâm cứu trợ nhân đạo McAllen, Texas hỗ trợ.
Theo trang web của tổ chức, thì trung tâm đã “cung cấp nơi ở cho nhiều người nam nữ, trẻ em và các bé sơ sinh có chỗ dừng chân, có những bữa ăn nóng, được tắm rửa và có quần áo sạch sẽ, cũng như thuốc men và các vật dụng khác, trước khi họ tiếp tục cuộc hành trình của họ “.
Hơn 23.000 người đã được giúp đỡ kể từ năm 2015, khi Trung tâm của Dòng Thánh Tâm được thành lập.
Tổ chức từ thiện Công Giáo ở Thung lũng Rio Grande cũng cung cấp các dịch vụ tư vấn, chương trình hỗ trợ khẩn cấp và tư vấn cho các bà mẹ mang thai, cùng các dịch vụ khác.
3. Nội Chiến xảy ra ở Myanmar và các nhà thờ bị tấn công!
Loikaw (Theo TTX Fides) - Một số bom do chính phủ quân sự Miến Điện pháo kích vào nhà thờ Công Giáo Thánh Giuse ở thành phố Demoso, bang Kayah, miền đông Myanmar, nơi có giao tranh dữ dội giữa quân đội của chính phủ và các nhóm kháng chiến địa phương.
Đây là nhà thờ Công Giáo thứ hai bị pháo, sau Nhà thờ Công Giáo Thánh Tâm ở tỉnh Kayanthayar, trong Tiểu bang Loikaw. Như đã được TTX Fides loan tin với lời minh xác của Linh mục Philip Aung Nge, Tổng đại diện của giáo phận Loikaw, các viên đạn cối đã bắn vào nhà thờ ở Demoso! Nhà thờ thánh Giuse cũng như bốn nhà thờ Công Giáo trong thành phố Demoso, đều là các nơi trú ngụ cho những người di tản, thường dân vô tội. Ngoài những thiệt hại về vật chất, may mắn không có ai bị tử thương… nhưng trước sự gia tăng xung đột, các cha xứ đã quyết định di chuyển mọi người đến những ngôi nhà nguyện nhỏ hơn và biệt lập hơn.
Cha Philip Aung Nge cho TTX Fides hay: các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn ở các khu vực Demoso, bang Kayah và các khu vực Pekhon, thuộc bang Shan gần đó. “Chúng tôi đang chứng kiến cảnh giao tranh ngay trong thành phố, một điều chưa từng thấy ở Myanmar kể từ năm 1948”.
Cha Philip Aung Nge nói: “Chúng tôi không thể quả quyết rằng các nhà thờ là mục tiêu pháo bom, nhưng chúng tôi thấy pháo binh bắn bừa bãi vào thành phố, không cần biết nó có thể rơi vào các nơi dân cư như tu viện, nhà thờ, trường học, dân cư!”. Cha cho hay các nhà thờ có nhiều người di tản, chủ yếu họ là Kitô hữu, vì khoảng một phần ba dân số ở tiểu bang Kayah là những tín hữu tin vào Chúa Giêsu. Giáo Hội Công Giáo địa phương, các linh mục tu sĩ đã làm việc không ngừng để tiếp nhận và cung cấp đồ ăn, thức uống cho dân chúng…
Cha Philip Aung Nge cho biết: “Tại tất cả các nhà thờ trong tiểu bang hỗ trợ thực phẩm, thuốc men, đặc biệt là sự an ủi và nâng đỡ tinh thần. Các chiến binh kháng chiến dân sự ở tiểu bang Kayah đã qui tụ thành “Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Karenni” (KPDF) để chống lại việc quân sự hóa khu vực, trong lúc đó chính quyền quân sự cũng ra lệnh tăng cường các biện pháp tình báo, kiểm soát mạng Internet và điện thoại di động của cư dân.
Quân đội Tatmadaw (quân đội Miến Điện) bị thương vong nhiều tại các quận Demoso, Loikaw và Pekhon. Kết quả của những cuộc đụng độ trong 5 ngày qua, làm cho khoảng 70.000 dân thường phải chạy trốn khỏi khoảng 150 ngôi làng ở Demoso, Loikaw và 50.000 người ở Pekhon thuộc bang Kayah và 20.000 ở bang Shan. Nhiều dân làng đã rời bỏ nhà cửa và trốn lên núi đồi hoặc vào rừng sâu. Người dân trong các thành thị thì tìm nương náu trong các tu viện, nhà thờ và các viện dưỡng lão, trường học, nhưng ngay cả ở đó, họ cũng không được an toàn vì các vụ pháo kích...
Theo các nguồn tin của Fides, thì tình trạng du kích có nguy cơ lan rộng ra toàn quốc rất sớm: các nhóm “Lực lượng Phòng vệ Nhân dân”, lực lượng phòng vệ bình dân, hoạt động tích cực trên toàn lãnh thổ, đang tổ chức thành kháng chiến quân có vũ trang ở các thành phố lớn của Miến Điện, trong khi tại 30 trung tâm đô thị lớn thì đã có lệnh giới nghiêm.
“Cuộc nội chiến ngày càng rõ nét... Chúng tôi thực sự đau buồn về những diễn biến này. Người dân thì bị đàn áp, nên họ phải tự vệ, không còn cách nào khác! Quân đội thường bắt bớ tra tấn thường dân, phụ nữ và trẻ em: đây là những tội ác mà người dân phải phản kháng để tự vệ!” nguồn Fides (Agenzia Fides 5/27/2021)
4. Đức Thánh Cha đã kết thúc Tháng cầu Nguyện Marathon với Tràng Chuỗi Mân Côi trong Vườn Vatican.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự việc lần chuỗi Mân Côi toàn cầu vào ngày tối thứ Hai, 31 tháng 5, kết thúc tháng Cầu nguyện Marathon, xin cho cơn đại dịch được chấm dứt.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự để cùng với các tín hữu khắp năm châu lần chuỗi Mân Côi vào ngày cuối cùng của tháng Năm, kết thúc cuộc Cầu nguyện Marathon kéo dài một tháng, để xin Chúa và Mẹ giúp chấm dứt cơn đại dịch Covid-19, hầu nhân loại có thể trở lại sinh hoạt xã hội và cuộc sống thường nhật khắp nơi trên thế giới.
Ảnh Mẹ Maria, “Đấng giải thoát”
Trong buổi tối cầu nguyện cuối cùng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin trưng bày hình Đức Mẹ, “Đấng giải cứu” được trưng bày trong Vườn Vatican, nơi mà buổi cầu nguyện cuối cùng liên đới với các đền thờ trên thế giới được diễn ra.
Đức Thánh Cha có một lòng tôn sùng cách đặc biệt đối với bức ảnh có nguồn gốc từ Augsburg, Đức. Bức tranh vẽ vào thế kỷ 18 cho thấy Đức Trinh Nữ Maria đang tháo các nút thắt trong một dải ruy băng trắng được hai thiên thần nâng, như tháo gỡ những ràng buộc tội lỗi hầu ban cho chúng ta niềm hy vọng, lòng thương xót và sức mạnh chiến thắng sự dữ.
Đức Giám Mục Bertram Johannes Meier, của Giáo phận Augsburg, đã mang một bản sao của hình vẽ gốc này đến Rome cho buổi cầu kinh vào thứ Hai 31/5/2021 này, sau đó bức ảnh đã được tặng lại cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Giám Mục Meier dẫn đầu một cuộc rước trọng thể để khai mạc buổi cầu nguyện, ngài đã đặt biểu tượng bức tranh đó ở một nơi xứng đáng trong Vườn Vatican.
Theo một thông cáo báo chí của Thánh bộ Tân Phúc âm hóa – Thánh bộ đã đứng ra tổ chức Cuộc Cầu Nguyện Marathon này – cho hay Đức Thánh Cha và các tín hữu quy tụ dưới một mái vòm của Đền thờ Thánh Phêrô như một “biểu tượng thành phố Roma cũng như tất cả các thành phố trên thế giới được Mẹ chở che.”
Các nút được gỡ bỏ
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn năm ý chỉ cầu nguyện đặc biệt cho buổi cầu nguyện kết thúc này.
Năm “nút thắt” cần được cởi bỏ:
- Thứ nhất là “mối quan hệ bị tổn thương, sự cô đơn và sự thờ ơ,” đã trở nên tồi tệ trong cơn đại dịch.
- Nút thắt thứ hai là tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là những thử thách đối với giới trẻ, phụ nữ và những người cha trong gia đình, cũng như những doanh nhân đang phải đối diện với việc bênh vực và bảo vệ nhân công của họ.
- Nút thắt thứ ba là: “Kịch tính của bạo lực” - đặc biệt là bạo lực bắt nguồn từ gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực xuất phát từ căng thẳng xã hội trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng hiện nay.
- Ý định thứ tư của Thánh Cha liên quan đến “sự tiến bộ của con người”, cần được hỗ trợ bởi các khám phá qua việc nghiên cứu khoa học mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được, “đặc biệt là những người yếu đau và nghèo khổ”.
- Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho việc chăm sóc mục vụ, để các cộng đồng Công Giáo có thể nhận lại được lòng nhiệt thành của họ và cảm thấy một động lực mới trong các lĩnh vực của đời sống mục vụ; những người trẻ có thể thành hôn, xây dựng gia đình và tương lai.
Tôn vinh hình ảnh của Mẹ
Khi kết thúc buổi Cầu nguyện vào tối thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã long trọng đội vương miện cho bức ảnh của Đức Maria, Đấng Giải cứu (Mary, Untier of Knots).
Buổi lần Chuỗi Mân Côi với Đức Thánh Cha Phanxicô đã được truyền hình trực tiếp qua tất cả các kênh truyền thông của Vatican, bao gồm Đài phát thanh Vatican, các trang mạng Vatican; người khiếm thính cũng có thể thông công qua Ngôn ngữ ký hiệu Ý (LIS).
Nhiều đền thờ Đức Mẹ khắp nơi trên thế giới đã kết nối với Rôma để truyền hình buổi đọc Kinh Mân Côi này.
Một số các đền thờ như: Nhà thờ Đức Bà Boulogne ở Pháp; Đức Mẹ Schoenstatt ở Đức; Đức Mẹ Sầu Bi ở Rwanda; Đền thờ Quốc gia Maipú ở Chile; Nuestra Senora de Os Gozos ở Tây Ban Nha; Đền Đức Mẹ Lộ Đức ở Carfin, Scotland; Vương cung thánh đường La Virgen de los Milagros de Caacupé ở Paraguay; và thánh địa giáo xứ Đức Mẹ Ban ơn ở La Spezia, Ý.