Nhân cuộc tranh luận về việc rước lễ của các chính trị gia phò phá thai Hoa Kỳ, một thuật ngữ được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần là “Eucharist Coherence”, một thuật ngữ hơi lạ tai, khiến nhiều độc giả ngỡ ngàng.



Bởi thế, Michael Warsaw, hiện Chủ tọa Hội đồng Quản trị và là Giám đốc điều hành của Mạng Lưới Công Giáo Hoàn Cầu EWTN đồng thời là người xuất bản tờ National Catholic Register, gần đây có bài chuyên nói về ý niệm này.

Theo Warsaw, nói đến Thánh Thể, chủ yếu đây không hẳn là vấn đề liệu Joe Biden hay Nancy Pelosi hoặc bất cứ chính trị gia nào có nên tiến lên rước lễ hay không. Đúng hơn, đây là vấn đề sự thật và lòng trung tín mà mỗi người và mọi người cần tự đặt cho chính mình, mỗi lần và mọi lần tiến lên lãnh nhận Mình Thánh Chúa.

Mẹ Angelica, nhà sáng lập ra hệ thống EWTN, từng nói rằng “tôi sống là nhờ Thánh Thể” để nói lên tầm quan trọng của Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô trở thành hiện diện cho chúng ta trong Thánh Lễ.

Bề sâu của sự phụ thuộc trên vào sự Hiện diện Thực sự là điều mà mọi người Công Giáo nên suy gẫm một cách có hiệu quả, khi chúng ta sắp tiến tới lễ Mình Thánh Chúa vào ngày 6 tháng 6 tới. Cũng như mọi năm, lễ trọng này sẽ là dịp để làm chứng công khai cho sự kiện này là Chúa Kitô hiện diện, cả Mình và Máu, cả Linh hồn và Thần tính, trong Bí tích Thánh Thể. Nhưng Lễ Mình Thánh sẽ có thêm một chiều kích hân hoan cho năm 2021 tại Hoa Kỳ, vì nó xẩy đến vào đúng thời điểm mà ở nhiều nơi, các hạn chế về đại dịch đang được dỡ bỏ và các giáo phận đang khôi phục nghĩa vụ Chúa Nhật nhằm kêu gọi tín hữu trở lại tham dự Thánh lễ.

Đó chính là cách tăng cường mà chúng ta cần trong thời điểm chủ chốt này. Trước khi các sắc lệnh của chính phủ buộc các nhà thờ của chúng ta hạn chế quyền tiếp cận các bí tích để đối phó với đại dịch, căn cứ vào các số liệu thống kê, các vụ đóng cửa giáo xứ và quan sát chung chung, rõ ràng là niềm tin và thực hành Công Giáo đang xuống dốc. Và có những dấu hiệu đáng buồn khi một tỷ lệ phần trăm đáng kể người Công Giáo không thấy cần phải trở lại tham dự Thánh lễ dù các hạn chế COVID-19 đang được nới lỏng; Vào tháng Ba, Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York đã kêu gọi đoàn chiên của mình quay trở lại do sự kiện số người tham dự vào thời điểm đó đã giảm 50% trong tổng giáo phận của ngài.

Sự bất ổn trong niềm tin và thực hành cũng được xác nhận bởi cuộc thăm dò dư luận gần đây. Một cuộc thăm dò của EWTN / RealClear Opinion Research năm 2019 cho thấy chỉ 49% người Công Giáo tin vào Sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew cùng năm đã đặt con số này thậm chí còn thấp hơn, cho hay rằng “chỉ một phần ba người Công Giáo Hoa Kỳ (31%) nói rằng họ tin 'trong Thánh lễ Công Giáo, bánh và rượu thực sự trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu'”.
Có lẽ còn đáng lo ngại hơn nữa, 43% người Công Giáo được Pew thăm dò tin rằng chủ trương của chính Giáo hội là bánh và rượu mà các tín hữu lãnh nhận khi Rước lễ chỉ mang tính biểu tượng.

Sự hiểu lầm phổ biến trên về bản chất của bí tích trung tâm của Công Giáo có thể khiến hành động của các chính trị gia Công Giáo ủng hộ phá thai nhưng vẫn tự tiến lên rước lễ, phần nào dễ hiểu hơn, nếu không muốn nói là ít gây phiền toái hơn. Dù sao, một người Công Giáo nghĩ rằng bí tích không hơn gì một biểu tượng, chứ không phải chính Chúa Giêsu, có nhiều xác suất không quan tâm đến việc rước lễ trong khi vi phạm các giáo huấn của Giáo hội về các chuyện xấu luân lý như phá thai. Tuy nhiên, bất kể mức độ không tin có thể tác động ra sao, nó vẫn nói lên một tai tiếng bất cứ khi nào một tín hữu sẵn lòng rước lễ mặc dù biết mình vi phạm giáo huấn của Giáo hội về một vấn đề có ý nghĩa căn bản.

Sự kết hợp giữa niềm tin vào Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu với tư tưởng và hành động nhất quán phù hợp với giáo huấn Giáo Hội được gọi là “sự nhất quán Thánh Thể”. Và việc áp dụng ý niệm này vào các chính trị gia đã được trình bày một cách hùng hồn nhất trong văn kiện Aparecida năm 2007 của các giám mục Mỹ Latinh.

Văn kiện trên quả quyết, “Chúng ta phải gắn bó với 'tính nhất quán Thánh Thể', nghĩa là, ý thức rằng họ [tức là, các nhà lập pháp, các người đứng đầu chính phủ và các chuyên gia y tế] không thể rước lễ mà đồng thời có những hành động hoặc lời nói chống lại các điều răn, nhất là khi phá thai, an tử, và những tội ác nghiêm trọng khác chống lại sự sống và gia đình được khuyến khích”.

Những người nghĩ rằng tuyên bố thẳng thắn trên - rằng các chính trị gia bất đồng không thể rước lễ - không cùng đường hướng với suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, quả là sai lầm. Thực thế, ngài đang phục vụ với tư cách là chủ tịch hội đồng giám mục Mỹ Latinh lúc văn kiện Aparecida được soạn thảo và chấp thuận. Người ta còn tin rằng chính ngài góp công lớn trpng việc soạn thảo văn kiện này.

Nhưng mọi người Công Giáo nên nhớ rằng tính nhất quán Thánh Thể không chỉ áp dụng vào trường hợp phá thai, mặc dù nó đặc biệt nổi bật trong bối cảnh các vấn đề đạo đức hàng đầu của thời đại chúng ta. Tính nhất quán của Thánh Thể chủ yếu không phải là vấn đề liệu Joe Biden hay Nancy Pelosi hay bất cứ chính trị gia nào khác có nên Rước Lễ hay không. Nó đặt ra câu hỏi về sự thật và lòng trung tín mà mỗi người và mọi người đều cần tự đặt cho chính mình, mỗi lần và mọi lần tiến lên lãnh nhận Mình Thánh Chúa.

Trong một lá thư vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 2021 gửi cho các giáo dân trong giáo phận của ngài, Đức Cha Thomas Olmsted của giáo phận Phoenix viết rằng, “Tính nhất quán Thánh Thể có nghĩa là tiếng 'Amen' của chúng ta thưa khi Rước Lễ không chỉ bao gồm việc công nhận Sự Hiện Diện Thực Sự mà còn là sự hiệp thông gắn bó với nhau bằng cách đón nhận và sống toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô được truyền lại cho chúng ta qua Giáo Hội".

Bức thư của Đức Giám Mục Olmsted là một trong số các thông điệp gửi đến các tín hữu gần đây đã thúc giục sự nhất quán Thánh Thể nhiều hơn, nhất là đối với các người Công Giáo trong đời sống công cộng. Các vị khác đã viết về chủ đề này bao gồm Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco và Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver.

Các vị giám mục khác đã nhận ra sự cần thiết phải truyền giảng Tin Mừng và dạy giáo lý cứng cáp hơn cho các tín hữu bằng cách khởi diễn Năm Thánh Thể, bắt đầu một cách thích hợp vào Lễ Trọng kính Mình Thánh Chúa. Allentown, Pennsylvania; Baltimore; Boston; New Orleans; Seattle; và Spokane, Washington, là một trong số các giáo phận tham gia một năm như vậy. Ý hướng là khuyến khích niềm tin vào sự Hiện diện Thực sự và cổ vũ sự hiểu biết tốt hơn này là khi Rước lễ, Chúa Giêsu tự hiến mình để cung cấp cho chúng ta ơn thánh ra đi chấp nhận các thách đố của thế giới và trở thành ánh sáng trong bóng tối, cũng như tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu nhờ sự hy sinh cứu độ của Người trên thập giá.

Các giám mục Hoa Kỳ dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề xứng đáng được rước lễ trong Đại hội đồng mùa xuân sắp tới. Đức Hồng Y Luis Ladaria, người đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin, đã thúc giục các giám mục tìm kiếm sự hợp nhất khi các ngài “đối đầu với nhiệm vụ khó khăn là phân định cách tốt nhất để Giáo hội tại Hoa Kỳ làm chứng cho trách nhiệm luân lý nghiêm trọng phải bảo vệ sự sống con người trong tất cả các giai đoạn của các viên chức công cộng Công Giáo”. Ngài cũng yêu cầu rằng bất cứ văn kiện nào đề cập đến “bối cảnh rộng rãi của việc xứng đáng để được rước lễ về phần mọi tín hữu, chứ không chỉ một nhóm người Công Giáo nào đó mà thôi”.

Sự nhất trí của mọi giám mục đối với một chính sách quốc gia về các chính trị gia Công Giáo và việc rước lễ dường như là một dự án không thể nào vượt qua, xét vì các chia rẽ đã được trưng bày. Tuy nhiên, mọi giám mục phải có thể đồng ý rằng mỗi người trong số các ngài có trách nhiệm làm việc để củng cố niềm tin vào sự Hiện diện Thực sự nơi các tín hữu. Không có cách nào để người Công Giáo có thể làm men muối cho thế giới mà lại thiếu một đức tin như vậy.

Mẹ Angelica thường cầu nguyện vào lúc kết thúc buổi suy niệm về Thánh Thể như sau: “Lạy Chúa, nếu con thực sự đánh giá cao sự khiêm nhường uy nghi của Thánh Thể, nếu con hoàn toàn nắm được cơ hội tham dự vào chính bản tính của Ngài, thì điều này hẳn sẽ thay đổi đời sống con mãi mãi”.

“Xin Chúa Tăng cường tình yêu và lòng biết ơn của con đối với hồng phúc tuyệt vời này. Xin ban cho con đức tin để hiểu rằng Thánh Thể làm cho mọi sự trở nên khả hữu”.

Đó là loại đức tin phát sinh sự nhất quán Thánh Thể đích thực và đó là loại đức tin mà việc cử hành lễ Mình Thánh Chúa nên khuyến khích trong mọi người chúng ta – nhất là năm nay khi chúng ta thoát được đại dịch.