VỪA MẶC KHẢI, VỪA CHE KHUẤT
“Khi Ngài nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Ngài”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật bất ngờ với câu kết của Thánh Gioan hôm nay, “Khi Ngài nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Ngài”. “Những điều ấy” là những điều gì? Nhân câu hỏi này, chúng ta có dịp chiêm ngắm con người Chúa Giêsu, Ngài ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’ mầu nhiệm Ngài là ai.
Thật lạ lùng cách thức truyền đạt của Chúa Giêsu! Ngài giảng dạy bằng cách ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’ một cách sâu sắc về con người Ngài là ai. Trong các Phúc Âm, đặc biệt Marcô, nhiều lần Chúa Giêsu tỏ ý ‘che khuất’ Ngài. Ngài tự nhận là “Bánh ban sự sống”, “Nước hằng sống”, “Ánh sáng ban sự sống” và nhiều mặc khải khác; cũng như hôm nay, Ngài còn tự nhận một danh hiệu cổ xưa nhất của Thiên Chúa, “Là Nguyên Thuỷ đang nói với các ông đây!”. Còn hơn thế, Ngài không ngừng đồng nhất Ngài với Chúa Cha; Cha trên trời của Ngài, cũng là Đấng mà Ngài đã hoàn toàn hợp nhất; Đấng đã sai Ngài đến thế gian để làm theo ý muốn của mình. Hoặc cũng trong Tin Mừng hôm nay, Ngài nói rõ, “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Tôi là ai; Tôi không tự mình làm điều gì; điều Tôi nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Tôi”… và luôn luôn có một điều gì đó ‘che khuất’. Và chính vì những điều này mà nhiều người đã tin vào Ngài. Nhưng tại sao?
Tin Mừng Gioan tiếp tục cho thấy sự dạy dỗ của Chúa Giêsu vừa bí ẩn, vừa sâu sắc, nghĩa là ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’. Sau khi Chúa Giêsu nói những mặc khải sâu nhiệm đó về Ngài, thì một số người tin Ngài, đang khi một số khác lại trở nên thù địch. Vậy thì đâu là sự khác biệt giữa những ai đón nhận Ngài và những kẻ, cuối cùng, sẽ giết Ngài? Câu trả lời đơn giản là thái độ của người nghe, đó là niềm tin. Phải, niềm tin! Bởi lẽ, cùng lắng nghe một giáo huấn của Chúa Giêsu nhưng thái độ và phản ứng của người nghe rất khác nhau.
Điều này cũng đúng với chúng ta. Như những người lần đầu tiên nghe lời dạy dỗ từ chính môi miệng của Chúa Giêsu, như ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’ căn tính của Ngài, chúng ta có cơ hội như nhau để lắng nghe Ngài, nhưng đón nhận với đức tin hay từ chối Ngài là tuỳ ở thái độ của mỗi chúng ta. Đức tin là một quà tặng đến từ Thiên Chúa; đức tin không chỉ là một chọn lựa mù quáng ‘để tin’ nhưng là một chọn lựa dựa trên sự nhìn thấy và điều được nghe ‘để sống’. Nhưng những chân lý này chỉ có thể được nhìn thấy bởi sự mặc khải bên trong từ Thiên Chúa mà chúng ta ước ao lĩnh hội và tin nhận; nhiều người quên mất điều đó! Vì vậy, Chúa Giêsu “Nước hằng sống”, “Bánh ban sự sống”, “Là Nguyên Thuỷ”, “Ánh sáng ban sự sống”, và “Con của Chúa Cha” sẽ chỉ có ý nghĩa và hiệu lực đối với chúng ta khi chúng ta mở lòng đón nhận, hết lòng cầu xin cho được nhận lấy ánh sáng bên trong của quà tặng đức tin nhưng không này và nhất là, đem áp dụng trong cuộc sống mình. Không có sự cởi mở, ước ao đón nhận cũng như tương tác vào đời sống những chân lý này, sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta trở nên thù địch hoặc thờ ơ với những gì được nghe, được thấy.
Nói đến niềm tin, Charles Spurgeon đã có một lời khuyên sâu sắc, “Bạn hãy tuyệt đối tin Thiên Chúa, hoặc đừng tin Ngài chút nào; hãy tin Lời Chúa Giêsu, từng lời của Ngài; bằng không, hãy từ chối nó. Giữa hai điều này, không có chỗ nào gọi là hợp lý. Hãy hài lòng với một đức tin được diễm phúc bơi trong ‘cảnh vực thần linh của mặc khải’; đức tin chỉ tìm khua chèo về dòng nước tốt nhất, dòng nước phép lạ, dòng nước ủi an… là một đức tin tồi; nó chỉ tốt hơn một chút so với một đức tin khô cằn, hoặc không có đức tin. Nó không tốt lắm đâu. Đức tin cũng biết bơi!”.
Anh Chị em,
Những ngày Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta ngước nhìn Chúa Giêsu bị treo lên, hơn cả việc Israel ngước nhìn con rắn đồng xưa để được sống như sách Dân Số hôm nay nhắc đến. Hãy suy tư, cầu nguyện với những gì ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’ của chính con người Ngài. Ngài là người nhưng là Chúa; là hạt lúa mục nát nhưng là bánh hằng sống; xuống tận ‘lũng âm u’ lôi con người ra với ánh sáng ân sủng; chảy hết giọt máu và nước cuối cùng để trở nên mạch suối trường sinh. Hãy ra sức yêu mến, tin nhận Ngài và sống những chân lý của Ngài từng giây phút. Rằng, thập giá là một mầu nhiệm ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’; trên đó, Con Thiên Chúa đã cứu chuộc tôi đến nỗi bằng lòng chịu chết vì yêu thương tôi và yêu thương nhân loại, trong đó, có cả anh chị em tôi.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, sự dạy dỗ của Chúa sâu thẳm, bí ẩn và vinh quang Ngài vượt quá trí tri con người. Xin ban cho con quà tặng đức tin ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’ của Chúa, để con biết Chúa là ai, Đấng đã yêu thương đến nỗi chịu chết cho con; và con cũng biết con là ai, một tội nhân được cứu”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Khi Ngài nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Ngài”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật bất ngờ với câu kết của Thánh Gioan hôm nay, “Khi Ngài nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Ngài”. “Những điều ấy” là những điều gì? Nhân câu hỏi này, chúng ta có dịp chiêm ngắm con người Chúa Giêsu, Ngài ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’ mầu nhiệm Ngài là ai.
Thật lạ lùng cách thức truyền đạt của Chúa Giêsu! Ngài giảng dạy bằng cách ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’ một cách sâu sắc về con người Ngài là ai. Trong các Phúc Âm, đặc biệt Marcô, nhiều lần Chúa Giêsu tỏ ý ‘che khuất’ Ngài. Ngài tự nhận là “Bánh ban sự sống”, “Nước hằng sống”, “Ánh sáng ban sự sống” và nhiều mặc khải khác; cũng như hôm nay, Ngài còn tự nhận một danh hiệu cổ xưa nhất của Thiên Chúa, “Là Nguyên Thuỷ đang nói với các ông đây!”. Còn hơn thế, Ngài không ngừng đồng nhất Ngài với Chúa Cha; Cha trên trời của Ngài, cũng là Đấng mà Ngài đã hoàn toàn hợp nhất; Đấng đã sai Ngài đến thế gian để làm theo ý muốn của mình. Hoặc cũng trong Tin Mừng hôm nay, Ngài nói rõ, “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Tôi là ai; Tôi không tự mình làm điều gì; điều Tôi nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Tôi”… và luôn luôn có một điều gì đó ‘che khuất’. Và chính vì những điều này mà nhiều người đã tin vào Ngài. Nhưng tại sao?
Tin Mừng Gioan tiếp tục cho thấy sự dạy dỗ của Chúa Giêsu vừa bí ẩn, vừa sâu sắc, nghĩa là ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’. Sau khi Chúa Giêsu nói những mặc khải sâu nhiệm đó về Ngài, thì một số người tin Ngài, đang khi một số khác lại trở nên thù địch. Vậy thì đâu là sự khác biệt giữa những ai đón nhận Ngài và những kẻ, cuối cùng, sẽ giết Ngài? Câu trả lời đơn giản là thái độ của người nghe, đó là niềm tin. Phải, niềm tin! Bởi lẽ, cùng lắng nghe một giáo huấn của Chúa Giêsu nhưng thái độ và phản ứng của người nghe rất khác nhau.
Điều này cũng đúng với chúng ta. Như những người lần đầu tiên nghe lời dạy dỗ từ chính môi miệng của Chúa Giêsu, như ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’ căn tính của Ngài, chúng ta có cơ hội như nhau để lắng nghe Ngài, nhưng đón nhận với đức tin hay từ chối Ngài là tuỳ ở thái độ của mỗi chúng ta. Đức tin là một quà tặng đến từ Thiên Chúa; đức tin không chỉ là một chọn lựa mù quáng ‘để tin’ nhưng là một chọn lựa dựa trên sự nhìn thấy và điều được nghe ‘để sống’. Nhưng những chân lý này chỉ có thể được nhìn thấy bởi sự mặc khải bên trong từ Thiên Chúa mà chúng ta ước ao lĩnh hội và tin nhận; nhiều người quên mất điều đó! Vì vậy, Chúa Giêsu “Nước hằng sống”, “Bánh ban sự sống”, “Là Nguyên Thuỷ”, “Ánh sáng ban sự sống”, và “Con của Chúa Cha” sẽ chỉ có ý nghĩa và hiệu lực đối với chúng ta khi chúng ta mở lòng đón nhận, hết lòng cầu xin cho được nhận lấy ánh sáng bên trong của quà tặng đức tin nhưng không này và nhất là, đem áp dụng trong cuộc sống mình. Không có sự cởi mở, ước ao đón nhận cũng như tương tác vào đời sống những chân lý này, sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta trở nên thù địch hoặc thờ ơ với những gì được nghe, được thấy.
Anh Chị em,
Những ngày Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta ngước nhìn Chúa Giêsu bị treo lên, hơn cả việc Israel ngước nhìn con rắn đồng xưa để được sống như sách Dân Số hôm nay nhắc đến. Hãy suy tư, cầu nguyện với những gì ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’ của chính con người Ngài. Ngài là người nhưng là Chúa; là hạt lúa mục nát nhưng là bánh hằng sống; xuống tận ‘lũng âm u’ lôi con người ra với ánh sáng ân sủng; chảy hết giọt máu và nước cuối cùng để trở nên mạch suối trường sinh. Hãy ra sức yêu mến, tin nhận Ngài và sống những chân lý của Ngài từng giây phút. Rằng, thập giá là một mầu nhiệm ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’; trên đó, Con Thiên Chúa đã cứu chuộc tôi đến nỗi bằng lòng chịu chết vì yêu thương tôi và yêu thương nhân loại, trong đó, có cả anh chị em tôi.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, sự dạy dỗ của Chúa sâu thẳm, bí ẩn và vinh quang Ngài vượt quá trí tri con người. Xin ban cho con quà tặng đức tin ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’ của Chúa, để con biết Chúa là ai, Đấng đã yêu thương đến nỗi chịu chết cho con; và con cũng biết con là ai, một tội nhân được cứu”, Amen.
(Tgp. Huế)