Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.
Trong bài huấn dụ từ thư viện của Dinh Tông Tòa trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Vào Chúa Nhật thứ năm của Mùa Chay, phụng vụ công bố bài Tin Mừng, trong đó Thánh Gioan đề cập đến một sự kiện xảy ra trong những ngày cuối cùng của cuộc đời Chúa Kitô, ngay trước cuộc Khổ nạn (x. Ga 12: 20-33). Trong khi Chúa Giêsu đang ở Giêrusalem để dự lễ Vượt qua, một số người Hy Lạp, bị hấp dẫn bởi những gì Ngài đang làm, bày tỏ mong muốn được gặp Ngài. Đến gần Tông đồ Philipphê, họ nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu” (câu 21). “Chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Chúng ta hãy ghi nhớ điều ước ao này: “Chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philipphê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Theo yêu cầu của những người Hy Lạp đó, chúng ta có thể thấy câu hỏi mà rất nhiều người nam nữ, từ mọi nơi và mọi lúc, gửi đến Giáo hội và đến cả với mỗi người chúng ta: “Chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”.
Và Chúa Giêsu đáp ứng yêu cầu đó như thế nào? Thưa: Theo một cách khiến anh chị em phải suy nghĩ. Ngài nói như vậy: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh […] Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt (cc. 23-24). Những từ này dường như không trả lời câu hỏi mà những người Hy Lạp đó đặt ra. Thực ra, những lời ấy còn đi xa hơn. Thật vậy, Chúa Giêsu tiết lộ rằng đối với mọi người muốn tìm kiếm Ngài, Chúa Giêsu là hạt giống không lộ ra sẵn sàng chết để sinh nhiều hoa trái. Như muốn nói: nếu bạn muốn biết tôi, nếu bạn muốn hiểu tôi, hãy nhìn vào hạt lúa mì chết trong lòng đất, tức là hãy nhìn vào thập giá.
Chúng ta phải nghĩ đến dấu chỉ thánh giá, qua nhiều thế kỷ đã trở thành biểu tượng xuất sắc của các Kitô hữu. Ngay cả những người ngày nay cũng muốn “gặp gỡ Chúa Giêsu”, có lẽ đến từ các quốc gia và nền văn hóa mà Kitô Giáo ít được biết đến, trước hết họ thấy điều gì? Dấu hiệu phổ biến nhất mà họ gặp được là gì? Cây thánh giá, chính là cây thánh giá. Trong nhà thờ, trong nhà của các tín hữu Kitô, là những người cũng mang biểu tượng ấy trên chính thân xác của mình. Điều quan trọng là dấu chỉ ấy phù hợp với Tin Mừng: Thập giá chỉ có thể diễn tả tình yêu, sự phục vụ, tự hiến mà không cần phải đặt trước: chỉ bằng cách này, nó mới thực sự là “cây sự sống”, một sự sống dồi dào.
Ngay cả ngày nay, nhiều người, thường không nói ra điều đó một cách minh nhiên, họ cũng muốn “gặp Chúa Giêsu”, gặp Ngài, biết Ngài. Từ đây, chúng tôi hiểu trách nhiệm lớn lao của các Kitô hữu và cộng đồng của chúng ta. Chúng ta cũng phải đáp lại bằng các chứng tá về một cuộc sống được ban cho để phục vụ, một cuộc sống mang phong cách của Thiên Chúa – đó là gần gũi, từ bi, dịu dàng, và hiến thân phục vụ. Đó là gieo mầm yêu thương không phải bằng những lời nói cao siêu, mà bằng những tấm gương cụ thể, giản dị và dũng cảm, không phải bằng những lý thuyết lên án mà bằng những cử chỉ yêu thương. Sau đó, với ân sủng của Ngài, Chúa làm cho chúng ta sinh hoa trái, ngay cả khi mặt đất khô cằn do hiểu lầm, khó khăn hoặc bắt bớ, hoặc những tuyên bố về pháp lý hay luân lý xuất phát từ chủ nghĩa giáo sĩ trị. Đây là mảnh đất khô cằn. Ngay lúc đó, trong thử thách và cô độc, khi hạt giống chết đi, thì lại là thời điểm cho sự sống nảy mầm, sinh hoa kết trái đúng lúc. Chính trong sự đan xen giữa cái chết và sự sống, chúng ta có thể cảm nghiệm được niềm vui và hoa trái đích thực của tình yêu, điều mà tôi luôn nhắc lại, được ban cho theo phong cách của Thiên Chúa: gần gũi, từ bi, dịu dàng.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta bước theo Chúa Giêsu, bước đi mạnh mẽ và hạnh phúc trên con đường phục vụ, để tình yêu của Chúa Kitô tỏa sáng trong mọi thái độ của chúng ta và ngày càng trở thành nếp sống hằng ngày của chúng ta.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Hôm nay ở Ý là Ngày Tưởng niệm và Cam kết để tưởng nhớ các nạn nhân vô tội của mafias. Mafias có mặt ở nhiều nơi trên thế giới và bằng cách khai thác đại dịch, chúng làm giàu bằng tham nhũng. Thánh Gioan Phaolô II đã tố cáo “văn hóa chết chóc” của chúng và Đức Bênêđíctô XVI đã lên án chúng là “ những con đường chết chóc”. Những cấu trúc tội lỗi, như cấu trúc mafia, trái với Phúc âm của Chúa Kitô, trong đó người ta đánh đổi đức tin bằng việc thờ ngẫu tượng. Hôm nay chúng ta tưởng nhớ tất cả các nạn nhân và làm mới cam kết của chúng ta chống lại mafias.
Ngày mai là Ngày Nước Thế giới, mời gọi chúng ta suy ngẫm về giá trị của ân sủng tuyệt vời và không thể thay thế này của Thiên Chúa. Đối với những tín hữu chúng ta, “chị nước” không phải là một thứ hàng hóa: nhưng là một biểu tượng phổ quát và là nguồn sống và sức khỏe. Có quá nhiều anh em khó tiếp cận được với nước và có lẽ phải chấp nhận những nguồn nước bị ô nhiễm! Cần bảo đảm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường cho mọi người. Tôi cảm ơn và khuyến khích tất cả những người, với sự chuyên nghiệp và trách nhiệm khác nhau, làm việc cho mục đích rất quan trọng này. Ví dụ, tôi đang nghĩ về trường Đại học Nước, ở quê hương tôi, về những người làm việc để mang nó về phía trước và làm cho mọi người hiểu được tầm quan trọng của nước. Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới anh chị em người Á Căn Đình đang làm việc tại trường Đại học Nước này.
Tôi chào tất cả anh chị em, những người được kết nối thông qua các phương tiện truyền thông, với một kỷ niệm đặc biệt dành cho những người bệnh và người cô đơn. Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa vui vẻ và tạm biệt!
Source:Holy See Press Office