LÊN NÚI ĐỂ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI
“Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ không bất ngờ khi nói, Mùa Chay là mùa cầu nguyện; nhưng sẽ khá bất ngờ khi bảo, Mùa Chay là ‘mùa lên núi’ và bất ngờ hơn khi cho rằng, Mùa Chay còn là mùa biến đổi. Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta ‘lên núi lòng mình’ để cầu nguyện; ở đó, như các môn đệ, chúng ta sẽ được đổi thay. Và như thế, Mùa Chay là mùa ‘lên núi để được biến đổi’.

Bài đọc Sáng Thế tường thuật cuộc lên núi nghiệt ngã của Abraham; ở đó, vị tổ phụ vâng lời Thiên Chúa, đã chấp nhận hiến tế Isaac con mình. Thế nhưng, ngọn núi này còn có tên là núi ‘Thiên Chúa sẽ liệu’, vì Abraham còn nhận ra khuôn mặt của một Ngôi Vị thần linh có trái tim thương xót vô bờ; Người là Thiên Chúa nhân hậu, đã tha chết cho con ông, cũng là Đấng đã đưa ông ‘lên núi để được biến đổi’. Lòng tin của ông vào Người càng tuyệt đối hơn, ông sẽ là “Cha các kẻ tin”.

Ngôi Vị thần linh có trái tim xót thương vô bờ đó, ‘đã liệu’ cho con của Abraham thoát chết, lại ‘không liệu’ cho Con Một của mình khỏi chết. Thánh Phaolô hẳn đã nhớ lại ngọn núi ân phúc ‘Thiên Chúa sẽ liệu’ cho Abraham ấy để nói đến cái chết cần thiết của Chúa Giêsu, một cái chết không thể thiếu cho ơn cứu độ nhân loại vốn cũng xảy ra trên một ngọn núi ‘Thiên Chúa sẽ liệu’ khác; Phaolô viết, “Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con, vì tất cả chúng ta”.

Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy sự cần thiết việc các môn đệ ‘lên núi để được biến đổi’. Chúa Giêsu biết rõ những ai theo Ngài, cụ thể là các môn đệ, sẽ khó chấp nhận Ngài. Bởi lẽ, yêu kẻ thù, vác thập giá, hy sinh mạng sống và lời kêu gọi nên hoàn thiện, với họ, thật là cay nghiệt; và nhất là, họ sẽ trải qua những gì Ngài đã báo trước về cuộc thương khó và tử nạn của Ngài; cùng lúc, họ sẽ chịu bắt bớ và tan tác như chiên mất chủ. Vì những lý do đó, Chúa Giêsu đã đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan lên núi; ở đó, Ngài biến hình trước mặt họ, tỏ cho họ thoáng thấy Ngôi Vị thần linh cao cả của Ngài; đó là một mặc khải về Ngôi Vị thật của Con Thiên Chúa, Ngôi Vị Thiên Chúa. Việc chứng kiến sự vĩ đại và vinh quang của một vị Thiên Chúa nơi Thầy mình hẳn sẽ đọng lại trong họ và giúp họ mỗi khi bị cám dỗ dẫn đến nản lòng hay tuyệt vọng trước những quẩn bách hay những đòi hỏi thánh thiện Ngài đặt ra. Tắt một lời, cuộc hiển dung của Chúa Giêsu là sự ‘chuẩn bị gần’ trước khi họ đi vào thương khó của Thầy và trò; ‘lên núi để được biến đổi’ là thế!

Sau năm 373, muốn biết Chúa nhiều hơn, Thánh Gioan Kim Khẩu đã lên núi, một vùng cao gần Antioch. Mặc dù vì bệnh tật, thời gian cô tịch này không được nhiều năm, nhưng thánh nhân đã học được rằng, có Chúa ở bên, ngài có thể một mình chống lại bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì. Sau đó, là giám mục Constantinople, ngài đã chống lại những sai lạc của hoàng đế Theodosius, người khiến ngài phải lưu đày. Gioan Kim Khẩu đã để lại những lời bất hủ, “Điều gì khiến tôi có thể sợ hãi? Cái chết ư? Các người biết rằng, Đức Kitô là sự sống của tôi, tôi sẽ có được nó nhờ cái chết! Hay là lưu đày? Trái đất và tất cả sự sung mãn của nó đều thuộc về Chúa! Nghèo khó ư? Tôi không sợ; vì tôi chẳng ước mơ giàu có! Và chết ư? Tôi chẳng chồn chân!”.

Anh Chị em,

Như Thánh Gioan Kim Khẩu, những ngày Mùa Chay, chúng ta được mời gọi ‘lên núi’ không ngừng để biết Chúa Giêsu, hiểu Ngài như các môn đệ hiểu. Một khi đã xác tín Đấng tôi đi theo là ai, chúng ta mới có thể dễ dàng noi gương Ngài, nghĩa là sẵn sàng hiến tế ‘Isaac đời mình’, hiến tế cái tôi của mình. Và đây đích thực là sự biến đổi tận căn mà Thiên Chúa đang chờ đợi mỗi người. Chúng ta ‘lên núi lòng mình’ bằng lời cầu nguyện thầm lặng của trái tim, ra sức tìm kiếm Thiên Chúa, hầu có thể nhìn vào nội tâm của mình, và nhất là để nhìn vào khuôn mặt của Chúa Giêsu và cho phép ánh sáng Ngài tràn ngập, chiếu sáng và biến đổi cuộc sống của chúng ta. Và như thế, thật ý nghĩa, Mùa Chay này, chúng ta đã ‘lên núi để được biến đổi’ vậy.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho con thấu hiểu và cảm nghiệm, con đang bước theo một Giêsu nhân từ và giàu lòng xót thương. Cho con không ngừng hiến tế ‘Isaac đời con’, vươn ra khỏi cái tôi ích kỷ; cho con biết yêu mến việc ‘lên núi để được biến đổi’ hầu nên giống Ngài ngày một hơn”, Amen.

(Tgp. Huế)