1. Các giám mục Công Giáo Miến Điện kêu gọi hòa bình và đối thoại sau khi hai người biểu tình đã bị giết
Các giám mục Công Giáo Miến Điện đã kêu gọi “trở lại đối thoại” khi hai người biểu tình bị giết trong các cuộc biểu tình vào cuối tuần qua.
“Những cảnh đau lòng khi những người trẻ chết trên đường phố đã làm tổn thương lương tâm của một quốc gia”, các giám mục cho biết trong một bức thư ngày 21 tháng Hai.
“Quốc gia này nổi tiếng được mệnh danh là vùng đất vàng. Đừng để đất thiêng của nó thấm đẫm máu anh em”, các Giám Mục nói. “Nỗi buồn của những bậc cha mẹ chôn cất con mình đã phải dừng lại. Nước mắt của những người mẹ không bao giờ là điều may mắn đối với bất kỳ quốc gia nào”.
Bức thư được ký bởi 10 giám mục, trong đó có Hồng Y Charles Bo, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Miến Điện.
Lời kêu gọi của các giám mục được đưa ra sau khi có hai người chết và ít nhất 20 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở Mandalay.
Những người biểu tình đang phản đối cuộc đảo chính quân sự vào tháng này và kêu gọi thả bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân sự được bầu của đất nước.
Bà đã bị bắt giữ cùng với Tổng thống Miến Điện Win Myint và các thành viên khác của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, gọi tắt là NLD, khi quân đội nắm chính quyền vào ngày 1 tháng 2, dưới chiêu bài là có các gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, mà NLD đã giành được thắng lợi.
Các báo cáo hôm Chúa Nhật cho biết một số người biểu tình ở Mandalay đã ném đá vào cảnh sát, và cảnh sát đã đáp trả bằng súng bắn đạn thật và hơi cay.
Các giám mục kêu gọi bọn cầm quyền tìm kiếm hòa giải và hàn gắn, bắt đầu bằng việc trả tự do cho các nhà lãnh đạo bị giam giữ.
“Chỉ một tháng trước đây, quốc gia này quy tụ với nhau chung quanh một lời hứa vĩ đại: đó là những giấc mơ tăng cường hòa bình và dân chủ mạnh mẽ”, các ngài viết. Một cuộc bầu cử đã được tổ chức bất chấp đại dịch coronavirus và “ thế giới ngưỡng mộ năng lực quản lý sự khác biệt của chúng ta”.
“Hôm nay thế giới khóc với chúng ta, một lần nữa tan vỡ bởi sự chia cắt của quốc gia này. Tuổi trẻ của chúng ta xứng đáng được sống tốt hơn”, các giám mục viết.
Các ngài nói rằng nếu Miến Điện không học cách giải quyết các vấn đề của mình một cách hòa bình, nó có thể bị xóa sổ trên bản đồ thế giới.
“Hãy khẩn trương, việc sử dụng bạo lực phải dừng lại. Những bài học trong quá khứ cảnh báo chúng ta bạo lực không bao giờ chiến thắng. Bảy mươi hai năm sau khi độc lập, những người nắm quyền cần đầu tư vào hòa bình.”
“Cổ vũ hòa bình sẽ hàn gắn quốc gia này. Hãy cho hòa bình một cơ hội. Hòa bình là có thể, hòa bình là con đường duy nhất”.
Source:Catholic News Agency
2. Trung Quốc mua lại các trường học của Anh để dạy cái nhìn tích cực về chính trị Trung Quốc
Theo một cuộc điều tra của tờ Daily Mail của Anh, ngày càng có nhiều trường tư thuộc hàng trứ danh bị các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại.
Mặc dù xu hướng này đã rõ ràng trong bốn năm qua, với mười bảy thương vụ được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc, mà đa số có liên quan đến các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản, dự kiến rằng “ hàng trăm,” trường học hiện đang được nhắm mục tiêu, khi nhiều trường phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu đáng kể do các hạn chế COVID-19.
Theo Daily Mail, các chủ sở hữu mới của Trung Quốc trong một số trường hợp đang sử dụng vị thế của mình để thúc đẩy quan điểm tích cực về chính trị và các sáng kiến thương mại của Trung Quốc.
Doanh thu của các trường bị sụt giảm trước hết là do sự sút giảm số người ghi danh học, sau đó học phí phải giảm, vì trẻ em phải ở nhà trong điều kiện khóa cửa, làm giảm số tiền phải trả cho học phí nội trú và tại chỗ. Các trường đã phải giảm 20 phần trăm trở lên cho học sinh học ban ngày, và giảm 35 phần trăm cho học sinh nội trú. Đồng thời, họ không thể cắt giảm chi phí giảng dạy vì các trường cần tiếp tục mở lớp “trực tuyến,” và đón con em của công nhân lao động không thể theo học ở nhà.
Ấn bản mới nhất của tờ The Mail on Sunday - ấn bản Chúa Nhật của Daily Mail - đã bắt đầu câu chuyện của mình với một cảnh báo thảm khốc: “ Các trường học ở Anh bán rẻ cho Bắc Kinh: các công ty Trung Quốc không chỉ mua lại các trường tư thục, còn đang dạy các bài học được cộng sản phê duyệt, đó là một mối đe dọa cho tự do ngôn luận”.
Tờ báo nói thêm rằng “các chuyên gia dự đoán một ‘cơn điên cuồng mua lại các trường’ khi các công ty, bao gồm cả một số công ty do các thành viên cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, tìm cách mở rộng ảnh hưởng của họ đối với hệ thống giáo dục của Anh”. Cuộc điều tra của tờ báo cho thấy “9 trong số 17 trường trứ danh nhất của Anh” đã nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc “thuộc sở hữu của các công ty mà người sáng lập hoặc ông chủ là những đảng viên cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Source:Life Site News
3. Lịch sử Vatican ghi nhận một vị Việt Nam giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma
Trong gần 100 năm, các Đức Giáo Hoàng đã dành thời gian cho một khóa tĩnh tâm hàng năm.
Hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma bắt đầu tĩnh tâm Mùa Chay kéo dài một tuần, nhưng lần đầu tiên kể từ Công đồng Vatican II, cuộc tĩnh tâm này không diễn ra như một thời gian cầu nguyện chung vì đại dịch coronavirus.
Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu các thành viên của Giáo triều Rôma tự thu xếp một cuộc tĩnh tâm Mùa Chay riêng từ ngày 21 đến 26 tháng 2. Tất cả các sự kiện của Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư, đều bị hủy bỏ trong tuần này.
Đức Giáo Hoàng Piô XI bắt đầu thực hành tĩnh tâm hàng năm tại Vatican. Ngài mời các linh mục Dòng Tên hướng dẫn các bài linh thao của Thánh Inhaxiô, hay còn gọi là Thánh I Nhã, cho chính mình và Giáo triều vào năm 1925. Đức Piô XI là một người rất ngưỡng mộ Thánh Inhaxiô thành Loyola, người sáng lập Dòng Tên, nên vào năm 1922, ngài tuyên bố rằng Thánh Inhaxiô là đấng bảo trợ các tuần tĩnh tâm của Giáo triều Rôma.
Trong thông điệp “Mens nostra” nhằm cổ vũ việc thực hành tĩnh tâm, Đức Piô XI đã chính thức thiết lập tuần tĩnh tâm của Giáo triều Rôma như một thông lệ hàng năm vào năm 1929.
Ngài viết: “Từ lâu, Tòa thánh này, nơi thường khen ngợi các bài tĩnh tâm bằng thuyết giảng, đã dạy các tín hữu bằng chính gương sáng và uy quyền của mình, biến ngôi đền Vatican lộng lẫy thành Phòng Tiệc ly để suy tư và cầu nguyện; đó là phong tục mà chúng tôi đây sẵn lòng đón nhận, với niềm vui và niềm an ủi không nhỏ cho chính chúng tôi”.
“Và để chúng tôi có thể bảo đảm niềm vui và sự an ủi này, cho cả chính chúng tôi và những người ở gần chúng tôi, chúng tôi đã có những sắp xếp để tổ chức các cuộc tĩnh tâm hàng năm tại Vatican”.
Các bài tĩnh tâm tại Vatican ban đầu diễn ra trong tuần đầu tiên của Mùa Vọng. Trong số các tu sĩ Dòng Tên đã giảng về các bài tập của Thánh Inhaxiô tại Vatican có Cha Paolo Dezza, người đã hướng dẫn các bài tĩnh tâm vào năm 1942 cho Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12. Cha Dezza sau này trở thành cha giải tội của Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.
Trong khi các tu sĩ Dòng Tên thường hướng dẫn các tuần tĩnh tâm của Giáo triều Rôma hàng năm trong suốt 30 năm, thì Thánh Giáo hoàng Gioan 23 đã mời các giáo sĩ Ý khác, bao gồm một linh mục quản xứ và một giám mục, để hướng dẫn các bài suy niệm cho giáo triều. Ngài cũng đình chỉ hoàn toàn các tuần tĩnh tâm vào năm 1963 do các cuộc họp của Công đồng Vatican II.
Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã chuyển các buổi suy niệm hàng năm từ Mùa Vọng sang Mùa Chay và là người đầu tiên chọn những người không phải là người Ý để giảng các bài tĩnh tâm. Ngài đặc biệt mời một vị Hồng Y trẻ đến từ Ba Lan hướng dẫn cuộc tĩnh tâm Mùa Chay: đó là Đức Hồng Y Karol Wojtyła, người đã thuyết giảng vào năm 1976 về “Chúa Kitô, một dấu chỉ của sự hạ mình” hai năm trước khi được bầu làm giáo hoàng.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Đức Giáo Hoàng tương lai Bênêđíctô 16, đến giảng các bài tĩnh tâm vào năm 1983. Đặc biệt, vào năm 2000, một năm trước khi ngài được phong Hồng Y, Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã thuyết giảng cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo triều Rôma.
Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, sinh ngày 17 tháng Tư, 1928, đã bị cộng sản bắt ngày 15 tháng 8, 1975 khi ngài đang là Giám Mục Phó tổng giáo phận Sàigòn. Sau 13 năm kiên giam, ngài được trả tự do ngày 21 tháng 11, 1988 và bị quản thúc tại Hà Nội. Năm 1991, ngài được sang Rôma nhưng không được về nước. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài vào phái đoàn Di Dân quốc tế tại Geneva. Ngày 24 tháng 11, 1994, ngài được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, cùng với quyết định mãn nhiệm Tổng Giám Mục Phó của Sàigòn. Ngày 21 tháng Hai, 2021, ngài được tấn phong Hồng Y hiệu tòa Santa Maria della Scala, tức là nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang. Ngài qua đời tại Rôma vào ngày 16 tháng 9, 2002.
Đức Bênêđíctô XVI đã mời các Hồng Y từ Phi Châu đến giảng các bài tĩnh tâm, trong số đó có Đức Hồng Y Francis Arinze và Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya.
Đức Thánh Cha Phanxicô là người đầu tiên chuyển tuần tĩnh tâm từ Vatican đến một nhà tĩnh tâm bên ngoài Rôma. Trong bảy năm qua, cuộc tĩnh tâm đã diễn ra trong một ngôi nhà tĩnh tâm ở thị trấn Ariccia ở Alban Hills, phía đông nam của Rôma. Năm ngoái, 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô không thể tham gia vì bị cảm lạnh.
Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham gia khóa tĩnh tâm Mùa Chay “ở nhà”, theo dõi với các bài tĩnh tâm và suy niệm từ nơi ở của ngài, Casa Santa Marta.
Theo linh mục Pauline, người điều hành trung tâm tĩnh tâm Casa Divin Maestro, nơi đã diễn ra khóa tĩnh tâm của giáo hoàng từ năm 2014, một ngày điển hình trong khóa tĩnh tâm bắt đầu bằng Thánh lễ. Sau bữa sáng, các Giám Mục và Hồng Y nghe bài suy niệm đầu tiên trong nhà nguyện.
Cha Olinto Crespi nói với CNA vào năm 2017 rằng bài suy niệm thứ hai được trình bày sau bữa trưa. Các thời gian khác dành cho việc cầu nguyện. Nhà tĩnh tâm cũng cung cấp truy cập internet, vì vậy những người đứng đầu cần trả lời email hoặc làm một số công việc trong tuần có thể làm được.
Do những hạn chế liên quan đến đại dịch coronavirus, Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng cho mỗi thành viên của Giáo triều Rôma một cuốn sách để các ngài đọc thay thế cho tuần tĩnh tâm.
Cuốn sách được viết bởi một tu sĩ Xitô ẩn danh vào thế kỷ 17 và có tựa đề “Abbi a cuore il Signore”, có nghĩa là “Hãy giữ Chúa trong trái tim bạn”. Ban đầu cuốn sách được viết để giúp các tu sĩ ở tu viện San Bartolo của Ý phát triển đời sống tâm linh.
Trong cuốn sách này, vị thầy của tu viện San Bartolo viết: “Chúa sẽ gặp bạn ở nơi mà nhân tính của bạn đã chịu hạ mình đến tận cùng của sự yếu hèn và bạn sẽ đạt đến nhận thức về giới hạn của mình. Nếu bản thân bạn không chọn con đường hạ mình, cuộc sống sẽ đưa bạn đến nơi bạn không muốn vì như Chúa dạy, chỉ những ai sống sự yếu đuối của mình với sự khiêm nhường mới được tôn cao”.
Source:Catholic News Agency
4. Amazon loại bỏ sách của một học giả phê bình ý thức hệ chuyển giới
Cuốn sách phê bình của một học giả về phong trào chuyển giới đã bị xóa khỏi Amazon.com.
Vào chiều Chúa Nhật, Ryan Anderson - chủ tịch hiện tại của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công, gọi tắt là EPPC - đã thông báo rằng cuốn sách “When Harry Became Sally: Responding to the Transgender Moment” nghĩa là “Khi Harry trở thành Sally: Đáp lại Phong Trào Chuyển Giới” của ông không còn được niêm yết trên trang bán lẻ trực tuyến khổng lồ Amazon.com. Cuốn sách đã được phát hành ba năm trước, vào ngày 20 tháng 2 năm 2018.
Anderson nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào sáng thứ Hai rằng ông đã được cảnh báo về tình hình theo đó “những người cố gắng mua nó nói với tôi rằng nó đã biến mất”.
“Và không chỉ giống như nó hết hàng. Các trang bị xóa bỏ. Bạn không thể mua cả một cuốn sách cũ đã qua sử dụng. Bạn không thể mua bản kindle. Bạn không thể tải phiên bản Audible”, Anderson nói với CNA. Ông nói rằng nhà xuất bản cuốn sách của ông đã yêu cầu Amazon giải thích tại sao nó không được niêm yết trực tuyến, nhưng vẫn chưa nhận được lời giải thích.
Tính đến chiều thứ Hai, cuốn sách không được liệt kê trên Amazon, nhưng vẫn có tại nhà bán lẻ sách Barnes and Noble.
Người phát ngôn của Amazon từ chối bình luận về những tuyên bố của Anderson vào thứ Hai.
Trong số các nội dung bị cấm theo nguyên tắc của Amazon có những nội dung mà Amazon đơn phương “xác định là ngôn từ kích động thù địch” cùng với “tài liệu khác mà chúng tôi cho là không phù hợp hoặc xúc phạm”.
Ngoài ra, Amazon tuyên bố rằng nếu họ quyết định xóa bỏ một nội dung, chính sách của họ là thông báo cho “tác giả, nhà xuất bản hoặc đối tác bán hàng” về việc hủy niêm yết và cho phép họ kháng nghị.
“Nếu chúng tôi xóa một tựa sách, chúng tôi sẽ thông báo cho tác giả, nhà xuất bản hoặc đối tác bán hàng và họ có thể kháng nghị quyết định của chúng tôi”, công ty tuyên bố.
Tuy nhiên, Anderson nói với CNA rằng tính đến chiều thứ Hai, ông vẫn chưa nghe bất kỳ lời giải thích nào từ công ty này về việc cuốn sách của ông không được niêm yết trên mạng.
“Khi Harry trở thành Sally” là cái nhìn chỉ trích của Anderson về phong trào chuyển giới, khám phá các lĩnh vực sinh học, tâm lý và triết học của cuộc tranh luận về người chuyển giới. Ông đã thẳng thắn đối với các chủ đề như khái niệm về tính linh hoạt của giới tính, những lợi ích tâm lý có chủ đích của phẫu thuật chuyển đổi giới tính cho những người mắc chứng phiền muộn giới tính, và những tác động của trào lưu “hủy bỏ sự phân biệt giới tính” — như quyền đi vào các phòng tắm, và phòng thay quần áo trên cơ sở tự nhận dạng giới tính.
Cuốn sách của Anderson đã được khen ngợi bởi các giáo sư tâm thần học, tâm lý học và y đức tại các trường đại học như Johns Hopkins, Đại học Boston, Đại học New York và Đại học Columbia.
Bất chấp sự hoan nghênh từ các học giả, ông cho biết nó vẫn bị triệt hạ tại Amazon. “Không phải là bạn nói như thế nào, không phải là bạn lập luận chặt chẽ ra sao, không phải là bạn trình bày nó một cách thận trọng như thế nào, bạn bất đồng hay ủng hộ trào lưu mới này mới là vấn đề,” ông nói.
Hôm thứ Sáu, một dự luật đã được đưa ra tại Hạ viện để công nhận khuynh hướng tình dục và bản sắc giới tính là những gì sẽ được pháp lý được bảo vệ.
Những người chỉ trích như Anderson đã lập luận rằng luật này sẽ làm xói mòn các biện pháp bảo vệ tự do tôn giáo và sẽ yêu cầu phụ nữ phải chia sẻ những không gian nhạy cảm như phòng tắm, nơi cư trú hoặc phòng thay quần áo, với những người đàn ông về mặt sinh học nhưng tự coi mình có “bản săc giới tính” là phụ nữ.
“Đừng mắc sai lầm, cả các Đại Gia Nhà Nước lẫn các Đại Gia Kỹ Thuật đều có thể làm suy yếu phẩm giá và tự do của con người, chà đạp phúc lợi của cá nhân và lợi ích chung”, Anderson tuyên bố hôm thứ Hai.
Source:Catholic News Agency