1. Ơn Chúa quan phòng cứu Nhà thờ chính tòa Đức Bà North West Portland khỏi bị đốt
Cha sở mới tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội của North West Portland cho biết ngài cảm thấy sự hiện diện của Chúa ở đó vào đầu ngày Thứ Tư Lễ Tro khi đối đầu với một tên trộm bên trong nhà thờ Công Giáo ở Tây Bắc Portland.
Sự việc diễn ra vào Thứ Tư Lễ Tro có một ý nghĩa đặc biệt đối với Đức Ông Gerard O'Connor.
“Đó là một sự kiện kỳ lạ và đáng kinh ngạc”, ngài nói hôm thứ Năm. “Nó diễn ra vào đầu Mùa Chay, mùa sám hối. Đó không phải là một khởi đầu tốt”
Đức Ông O'Connor đã chính thức đảm nhận chức vụ Cha sở nhà thờ chính tòa vào ngày 1 tháng Giêng tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Được xây dựng vào năm 1926, tòa nhà đóng vai trò là trung tâm của Tổng giáo phận Portland.
Đức Ông O'Connor sống trong khuôn viên nhà thờ, cho biết ngài bị đánh thức vào khoảng 3:30 sáng bởi tiếng ai đó la hét trong tòa nhà. Ngài bước xuống cầu thang và thấy một người lạ trong nhà thờ.
Cùng đi với Đức Ông O'Connor còn có 2 linh mục trong khu vực Portland. Các ngài cũng đã nghe thấy những tiếng náo động. Các vị đã đến nghỉ qua đêm tại nhà xứ của nhà thờ chính tòa sau khi bị mất điện tại giáo xứ của các vị.
Đức Ông O'Connor, trang bị một cây gậy cricket, đã gặp phải một người đàn ông đang cầm một một lưỡi dao cạo.
Đức Ông cho biết người đàn ông đã phá cửa sổ để đột nhập vào nhà thờ và ném đồ đạc khắp nơi.
“Anh ta đã hét lên những điều vô nghĩa,” ngài nói. “Nhưng anh ấy vẫn là một con người, được tạo ra theo hình ảnh của Chúa và có điều gì đó không ổn”.
Khi các viên chức cảnh sát xuất hiện, họ bảo các linh mục ra ngoài nhà thờ trong khi khám xét tòa nhà. Khi kẻ đột nhập cố gắng trốn thoát, anh ta đã bị cảnh sát đóng quân bên ngoài tòa nhà bắt giữ.
Christopher Colletta, 44 tuổi, bị bắt, bị tình nghi ăn trộm, phá hoại nơi thờ phượng và chống lại các nhân viên thi hành công vụ. Anh ta đã được đưa đến Trung tâm giam giữ Hạt Multnomah.
Vài giờ sau đó, trong bài giảng Thứ Tư Lễ Tro, Đức Ông O'Connor kêu gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho hung thủ Colletta.
“Anh ấy đang bị thương. Anh ấy không có sự bình an trong lành. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa giúp anh ta”. Cha O'Connor cho rằng ơn Chúa Quan Phòng đã cho 2 linh mục bị mất điện đến nghỉ đêm tại nhà xứ của ngài.
Source:Oregon Live
2. Cảnh sát Đức đột kích 20 địa điểm của các băng nhóm tội phạm có tổ chức
Người dân Đức cảm thấy an tâm hơn sau khi hàng trăm cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm đã đột kích hơn 20 địa điểm ở Berlin và Brandenburg hôm thứ Năm trong khuôn khổ cuộc điều tra bọn tội phạm có tổ chức, buôn bán vũ khí và ma túy và tống tiền.
Cuộc đột kích là kết quả của cuộc điều tra của Cục Cảnh sát Hình sự Liên bang và các cơ quan điều tra thuế ở Berlin và Brandenburg sau cuộc đụng độ giữa các nhóm Ả Rập và Chechnya vào tháng 11 năm ngoái.
Tạp chí Spiegel đưa tin hai người đã bị giam giữ. Trọng tâm của cuộc điều tra là các thành viên của gia tộc Remmo, là những kẻ điều hành một mạng lưới buôn bán vũ khí và ma túy, bắt cóc và tống tiền.
Source:Reuters
3. Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher phẫn nộ về việc sử dụng một cách 'khiêu khích' nhà thờ chính tòa Sydney trong các quảng cáo hòa nhạc của LGBT
Thành phố Sydney đã ra lệnh xóa một hình ảnh của nhà thờ chính tòa Đức Bà của tổng giáo phận Sydney để quảng cáo cho một buổi hòa nhạc dành cho người LGBT sau khi Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher mô tả hành động này là một một hành vi khiêu khích và xúc phạm tình cảm tôn giáo.
Nhóm Heaps Gay đã tổ chức một chương trình tạp kỹ “Live and Queer” vào tối thứ Bảy 20 tháng Hai tại tiền đường nhà thờ chính tòa Đức Bà như một phần của chuỗi biểu diễn ngoài trời để cổ vũ cho ý thức hệ LGBTQ.
Trong một bài đăng trên Facebook hôm Thứ Tư Lễ Tro, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher đã viết rằng vì Quảng trường Nhà thờ là đất của hội đồng thành phố, nên “rất tiếc quyết định về việc tổ chức buổi hòa nhạc và quảng cáo của nó không đến lượt chúng ta quyết định”.
“Chúng tôi đã yêu cầu Thành phố Sydney xóa hình ảnh Nhà thờ khỏi những quảng cáo”, ngài viết.
“Thật là buồn bực và khó chịu khi nhà thờ chính tòa Đức Bà, nhà thờ mẹ của Úc, đã được sử dụng một cách khiêu khích để quảng bá sự kiện này và sự nhạy cảm đối với những người có đức tin đã không được thể hiện”.
“Trong Mùa Chay trọng đại này, chúng ta cần cầu nguyện để cầu xin Chúa để tại thành phố Sydney vĩ đại và 'khoan dung' của chúng ta, niềm tin tôn giáo được tôn trọng và bảo vệ và tất cả chúng ta sẽ khám phá lại sự trân trọng đối với những gì thánh thiêng”.
Một phát ngôn viên của Thành phố Sydney đã xác nhận vào tối thứ Tư rằng tài liệu quảng cáo sử dụng hình ảnh nhà thờ đã bị xóa để “tránh bất kỳ sự nhầm lẫn nào “.
Người phát ngôn bảo vệ quyết định của hội đồng về việc tổ chức chuỗi buổi hòa nhạc, mà họ cho rằng sẽ giúp hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của Sydney từ đại dịch COVID-19.
Thị trưởng Sydney Clover Moore đã tấn công Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher và cho biết Sydney tự hào về sự đa dạng và hòa nhập, và lặp lại một khẩu hiệu mà ta có thể nghe thấy ở bất cứ nơi nào diễn ra một chuyện tương tự.
“ Không có chỗ cho thù hận, bất khoan dung và chia rẽ”, bà ta nói.
Source:https://www.abc.net.au/news/2021-02-18/sydney-archbishop-ou
4. Thông cáo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về tình trạng giá băng khẩn cấp ở miền Nam Hoa Kỳ
Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles hôm thứ Sáu đã khuyến khích cầu nguyện và hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi một cơn bão mùa đông kinh hoàng đang tung hoành trên khắp miền nam Hoa Kỳ.
“Cùng với các giám mục anh em, tôi cầu nguyện cho tất cả những người đã chết và bị thương trong những cơn bão mùa đông gần đây. Chúng tôi đặc biệt cầu nguyện cho những người không có điện hay không có hệ thống giữ ấm và những người phản ứng đầu tiên đang cung cấp sự trợ giúp cho những người có nhu cầu khẩn cấp”, Đức Tổng Giám Mục, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cho biết như trên hôm 19 tháng 2.
“Trong việc bố thí Mùa Chay, chúng ta hãy tìm những cách cụ thể để giúp đỡ anh chị em của chúng ta. Tôi xin phó thác những ai đang đau khổ cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ Maria. Cầu mong Đức Mẹ ban cho tất cả mọi người ơn an ủi và bình an”.
Các giám mục Hoa Kỳ đang tổ chức viện trợ thông qua các Tổ chức Bác ái Công Giáo Hoa Kỳ.
Ảnh hưởng của cơn bão đã được cảm nhận nặng nhất ở Texas. Ít nhất 24 người đã chết.
Tình trạng mất điện ở Texas đã gây ra tình trạng thiếu năng lượng, thực phẩm và nước, buộc khu vực này phải tạm ngừng các lớp học, tạo ra các “trung tâm sưởi ấm” cho người già và đưa ra cảnh báo đun sôi nước máy vì các nhà máy khử trùng nước bị mất điện.
Các nhà thờ Công Giáo ở một số giáo phận trong tiểu bang Texas, bao gồm San Antonio và Fort Worth, đã mở cửa để phục vụ như những nơi trú ẩn ấm áp.
Đức Cha Daniel Flores của Brownsville đã ra thông báo chuẩn chước cho các tín hữu nghĩa vụ kiêng thịt vào Thứ Sáu sau Thứ Tư Lễ Tro, trong khi Đức Cha Michael Olson của Fort Worth đã tweet rằng “Nếu mọi người phải đối mặt với những chiếc tủ đông không có điện và thịt có nguy cơ hư hỏng hoặc trong điều kiện đường xá nguy hiểm, hoặc các cửa hàng trống rỗng vì thời tiết. Họ nên tự coi mình là người không có nghĩa vụ kiêng thịt vào Thứ Sáu sau Thứ Tư Lễ Tro”.
Source:Catholic News Agency
5. Bài huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Chay
Hôm Chúa Nhật 21 tháng Hai, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 1 Mùa Chay, bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta câu chuyện Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Thứ Tư tuần trước, với nghi thức xức tro sám hối, chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay. Hôm nay, Chúa nhật đầu tiên của mùa phụng vụ này, Lời Chúa chỉ cho chúng ta con đường để sống hiệu quả trong bốn mươi ngày dẫn đến việc cử hành lễ Phục sinh hàng năm. Đó là cách mà Chúa Giêsu đã dõi theo, mà Phúc Âm, với phong cách tóm lược các điều cốt yếu của Thánh Sử Máccô, tóm tắt bằng cách nói rằng trước khi bắt đầu rao giảng, Ngài đã rút vào sa mạc trong bốn mươi ngày, nơi Ngài bị Satan cám dỗ (x. Mc 1: 12-15). Thánh sử nhấn mạnh rằng “Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa” (c. 12). Thánh Linh đã ngự xuống trên Ngài ngay sau khi Ngài lãnh nhận phép Rửa từ Gioan ở Sông Giođan; cùng một Thánh Linh ấy giờ đây thúc giục Ngài đi vào sa mạc, đối mặt với tên Cám Dỗ, chiến đấu với ma quỷ. Toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu được đặt dưới dấu chỉ của Thánh Linh Thiên Chúa, Đấng làm sống động, soi sáng và hướng dẫn Ngài.
Nhưng chúng ta hãy nghĩ đến sa mạc. Chúng ta hãy dừng lại một chút về môi trường tự nhiên và mang tính biểu tượng này, vốn rất quan trọng trong Kinh thánh. Sa mạc là nơi Thiên Chúa nói với trái tim của con người, và là nơi mà cầu nguyện là câu trả lời, nghiã là trong sa mạc của sự cô độc, khi trái tim không còn dính bén đến những thứ khác, và trong sự vắng vẻ đó chúng ta mở lòng ra cho Lời Chúa. Nhưng sa mạc cũng là nơi thử thách và cám dỗ, nơi tên Cám Dỗ, lợi dụng sự yếu đuối và nhu cầu của con người, nói mập mờ tiếng nói dối trá của hắn, giả dạng tiếng nói của Chúa, khiến chúng ta thấy một con đường khác, một con đường sai lầm. Kẻ Cám Dỗ quyến rũ. Thật vậy, trong bốn mươi ngày Chúa Giêsu ở trong sa mạc, “cuộc đọ sức” giữa Chúa Giêsu và ma quỷ đã bắt đầu, và sẽ kết thúc bằng cuộc Khổ nạn và Thập giá. Toàn bộ sứ vụ của Chúa Kitô là một cuộc đấu tranh chống lại Kẻ Ác trong nhiều biểu hiện của nó: chữa lành bệnh tật, xua đuổi người bị quỷ ám, tha thứ tội lỗi. Đó là một cuộc đấu tranh. Sau giai đoạn đầu mà Chúa Giêsu chứng tỏ rằng Ngài nói và hành động với quyền năng của Thiên Chúa, thì đến giai đoạn mà dường như ma quỷ chiếm thế thượng phong, khi Con Thiên Chúa bị từ chối, bị bỏ rơi và cuối cùng bị bắt và bị kết án tử hình. Dường như ma quỷ là kẻ đã chiến thắng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu mới là người chiến thắng. Trên thực tế, cái chết là “sa mạc” cuối cùng Người phải vượt qua để cuối cùng đánh bại Satan và giải thoát tất cả chúng ta khỏi quyền lực của nó. Và như thế, Chúa Giêsu đã chiến thắng trong sa mạc của sự chết chóc, để vươn đến chiến thắng Phục sinh.
Mỗi năm, vào đầu Mùa Chay, Tin Mừng này về những cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc nhắc nhở chúng ta rằng cuộc đời của người Kitô hữu, theo bước chân của Chúa, là một trận chiến chống lại ác thần. Nó cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu sẵn sàng đối mặt với tên Cám Dỗ, và đánh bại hắn; đồng thời nó nhắc nhở chúng ta rằng ma quỷ cũng có khả năng hành động trên chúng ta, với những cám dỗ của nó. Chúng ta phải nhận thức được sự hiện diện của kẻ thù quỷ quyệt này, kẻ đang tìm kiếm sự thất bại của chúng ta, và sự lên án chúng ta đời đời, để chuẩn bị tự vệ chống lại hắn và chiến đấu với hắn. Ân sủng của Thiên Chúa bảo đảm với chúng ta rằng với đức tin, lời cầu nguyện và sám hối, chúng ta sẽ chiến thắng kẻ thù. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh một điều: trong những khi bị cám dỗ, Chúa Giêsu không bao giờ đối thoại với ma quỷ, không bao giờ. Trong cuộc đời của mình, Chúa Giêsu chưa bao giờ đối thoại với ma quỷ, không bao giờ. Hoặc là Ngài trục xuất nó khỏi người bị ám hoặc Ngài kết án nó, hoặc Ngài vạch trần ác tâm của nó, nhưng không bao giờ đối thoại. Và trong sa mạc dường như có một cuộc đối thoại vì ma quỷ đã đưa ra ba đề nghị và Chúa Giêsu đã phản ứng lại. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại bằng lời của Người. Ngài trả lời bằng Lời Chúa, với ba đoạn Kinh thánh. Và điều này là bài học cho tất cả chúng ta. Khi kẻ dụ dỗ đến gần, hắn bắt đầu dụ dỗ chúng ta: Nó nói “Nhưng hãy nghĩ đến điều này, hãy làm điều kia…”, cám dỗ ở đây là đối thoại với hắn, như bà Êvà đã làm. Bà Êvà nói: “Nhưng bạn không thể, bởi vì chúng ta…” và bắt đầu đối thoại. Và nếu chúng ta đối thoại với ma quỷ, chúng ta sẽ bị đánh bại. Hãy ghi nhớ điều này trong đầu và trong lòng bạn: bạn không bao giờ có thể đối thoại với ma quỷ, không đối thoại được. Chỉ có Lời Chúa.
Trong Mùa Chay, Chúa Thánh Thần cũng thúc đẩy chúng ta vào sa mạc như Chúa Giêsu. Như chúng ta đã thấy, nó không phải là một nơi chốn thể lý, mà là một chiều kích hiện sinh, trong đó chúng ta có thể im lặng và lắng nghe lời Chúa, “để một sự hoán cải thực sự có thể được thực hiện trong chúng ta” (Lời nguyện đầu lễ, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay năm B, bản tiếng Ý). Đừng sợ sa mạc, hãy tìm kiếm những giây phút cầu nguyện nhiều hơn, im lặng hơn, để đi vào trong chúng ta. Đừng sợ. Chúng ta được mời gọi đi theo bước chân của Thiên Chúa, đổi mới lời hứa trong Phép Rửa: đó là từ bỏ Satan, mọi công việc và mọi lời hứa rỗng tuếch của hắn. Kẻ thù đang rình rập ở đó, hãy cẩn thận. Nhưng đừng bao giờ đối thoại với nó. Chúng ta hãy phó thác vào lời chuyển cầu từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp:
Anh chị em thân mến,
Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt tới tất cả anh chị em, những người Rôma và những người hành hương. Đặc biệt, tôi xin chào các tín hữu Ba Lan đang ở đây trước mặt tôi. Hôm nay suy nghĩ của tôi hướng đến Đền thờ Płock ở Ba Lan, nơi chín mươi năm trước, Chúa Giêsu đã hiện ra với Thánh nữ Faustina Kowalska, giao một thông điệp đặc biệt về lòng thương xót của Người cho chị. Thông qua Thánh Gioan Phaolô II, thông điệp này đã đến với toàn thế giới, và đó không gì khác hơn là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại, và là Đấng ban cho chúng ta lòng thương xót của Cha Ngài. Chúng ta hãy mở rộng trái tim mình, và nói trong đức tin: “Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy nơi Ngài”.
Tôi chào các bạn trẻ và người lớn của nhóm Talitha Kum thuộc giáo xứ San Giovanni dei Fiorentini ở Rôma. Cảm ơn sự hiện diện của các bạn, và hãy tiếp tục với niềm vui trong những việc tốt của các bạn.
Và tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật đẹp, chan hòa ánh nắng và một ngày Chúa Nhật nhiều may mắn!
Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc các bạn bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
Source:Holy See Press Office