1. Tay súng giết học sinh, bắt cóc 42 người trong vụ tấn công một trường nội trú ở Nigeria
Thống đốc bang cho biết, các tay súng chưa được xác định đã giết một học sinh trong vụ tấn công qua đêm vào một trường nội trú ở bang Niger, phía bắc Nigeria và bắt cóc 42 người trong đó có 27 học sinh.
Thống đốc Abubakar Sani Bello cho biết những kẻ tấn công đã xông vào trường trung học Khoa học của Chính phủ ở quận Kagara bang Niger vào khoảng 2 giờ sáng, áp đảo các nhân viên an ninh của nhà trường.
“27 học sinh, ba nhân viên và 12 thành viên trong gia đình của họ đã bị bắt cóc. Thật không may, một học sinh đã bị bắn chết”, ông nói trong một cuộc họp báo.
Aliyu Isa, một giáo viên, nói với đài truyền hình địa phương Channels rằng những kẻ bắt cóc mặc đồng phục quân đội và nổ súng khi chúng đột nhập vào trường.
“Họ nói với các học sinh rằng đừng chạy”, Isa nói thêm, và cho biết anh và những người khác bỏ chạy trong khi các tay súng vây bắt một số học sinh.
Hiện vẫn chưa rõ ai chịu trách nhiệm cho vụ bắt cóc mới nhất. Bắt cóc để đòi tiền chuộc bởi các nhóm vũ trang diễn ra phổ biến ở nhiều bang miền bắc Nigeria.
Vụ tấn công xảy ra hai tháng sau khi các tay súng xông vào một trường trung học ở bang Katsina, tây bắc và bắt cóc gần 350 nam sinh, những người sau đó đã được lực lượng an ninh giải cứu.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết trong một tuyên bố rằng giáo dục đang “bị tấn công” ở miền bắc Nigeria.
“Các nhà chức trách Nigeria phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn các cuộc tấn công vào trường học, để bảo vệ cuộc sống của trẻ em và quyền của họ được giáo dục”, Tổ chức Ân xá Quốc tế nói.
Nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram và một nhánh của quân khủng bố Hồi Giáo IS cũng thực hiện các vụ bắt cóc ở vùng đông bắc đầy sóng gió của Nigeria. Khoảng 100 trong số hơn 270 nữ sinh bị Boko Haram bắt cóc từ thị trấn Chibok vào năm 2014 vẫn mất tích.
Sau cuộc tấn công hôm thứ Tư, thống đốc bang Niger đã ra lệnh đóng cửa ngay lập tức các trường nội trú trong khu vực.
Quân đội Nigeria cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã huy động quân đội truy đuổi những kẻ bắt cóc.
Các cuộc tấn công gần đây đã làm dấy lên lo ngại về bạo lực gia tăng của các băng nhóm vũ trang và lực lượng nổi dậy Hồi giáo. Bạo lực và mất an ninh đã làm gia tăng những thách thức kinh tế mà người dân ở quốc gia đông dân nhất Phi châu phải đối mặt, với sự sụt giảm doanh thu do giá dầu lao dốc do đại dịch COVID-19.
Source:Reuters
2. Tờ Catholic Pillar nhận định: Trường hợp ra đi của Đức Hồng Y Robert Sarah rất bất thường
Hôm thứ Bảy 20 tháng Hai, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Robert Sarah khỏi chức vụ tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.
Tờ Catholic Pillar có bài nhận định sau. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Sự ra đi của Đức Hồng Y đã được Phòng Báo Chí Tòa Thánh thông báo mà không đề cập đến việc ai sẽ thay thế vị trí của ngài. Động thái bất thường này đã thúc đẩy các giả thuyết đối kháng nhau giữa những người theo dõi và các quan chức Vatican: Một số cho rằng Đức Hồng Y Sarah đang bị trừng phạt công khai, trong khi những người khác hỏi liệu thông báo này có phải là dấu hiệu của đợt cải cách cơ cấu đang còn trong vòng suy tính ở Vatican hay không. Không có lý thuyết nào đưa ra câu trả lời hoàn toàn thỏa mãn.
Vào tháng 6 năm 2020, Đức Hồng Y Sarah bước sang tuổi 75, độ tuổi mà tất cả các Hồng Y và giám mục bắt buộc phải từ chức. Cho đến sáng 20 tháng Hai, ngài là một trong số các nhà lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh phục vụ quá tuổi nghỉ hưu trên danh nghĩa.
Theo nghĩa đó, sự ra đi của Đức Hồng Y Sarah là một phần của cuộc sống bình thường tại Rôma. Nhưng thời gian và cách thức ra đi của ngài làm dấy lên những câu hỏi, mà vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Điều đặc biệt đáng chú ý là mặc dù Đức Hồng Y Sarah đã 75 tuổi, nhưng ngài vẫn trẻ hơn những người đứng đầu các cơ quan khác mà đến nay Đức Giáo Hoàng vẫn tiếp tục lưu nhiệm, ít nhất là vào thời điểm này:
Người đứng đầu Bộ Giáo sĩ, Đức Hồng Y Beniamino Stella, gần 80 tuổi và được Đức Giáo Hoàng triệu tập đến yết kiến vào tuần trước, làm dấy lên suy đoán rằng ngài có thể sớm nghỉ hưu.
Đức Hồng Y Marc Ouellet lãnh đạo Bộ Giám mục và ở tuổi 76, hơn Đức Hồng Y Sarah một tuổi. Ngài được cho là sẽ rời nhiệm sở trong năm nay.
Sự ra đi của Đức Hồng Y Sarah có thể chỉ là quân cờ đầu tiên trong một loạt các quân cờ domino của giáo triều sẽ bị đổ trong một cuộc cải tổ rộng lớn hơn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đây là kịch bản có thể xảy ra nhất. Nhưng thời gian và cách thức ra đi của ngài vẫn còn chỗ cho những câu hỏi.
Tuổi tương đối trẻ của Đức Hồng Y Sarah, cách thức thông báo về việc nghỉ hưu của ngài là rất bất thường.
Những người đứng đầu sắp mãn nhiệm thường không được thông báo một cách chính thức về việc ra đi của họ như trong trường hợp của Đức Hồng Y Sarah. Thay vào đó, văn phòng báo chí Tòa Thánh loan báo người thay thế cho họ, trong khi người tiền nhiệm ra đi một cách lặng lẽ và không ồn ào.
Và điều đáng ngạc nhiên là Đức Giáo Hoàng sẽ để cho cơ quan trung ương Tòa Thánh chịu trách nhiệm về kỷ luật bí tích rơi vào tình trạng không có người lãnh đạo trong Mùa Chay cho đến Tuần Thánh - đặc biệt là khi đại dịch coronavirus vẫn làm dấy lên các vấn đề và những câu hỏi liên quan đến phụng vụ ở nhiều nơi.
Trong số các nhân viên của Vatican và những người theo dõi Rôma khác, có hai giả thuyết đối kháng chủ yếu, nhưng rất ít câu trả lời chắc chắn, về lý do tại sao Đức Phanxicô lại đưa ra quyết định này.
Một số nhà quan sát đã suy đoán rằng Đức Giáo Hoàng muốn việc từ chức của Đức Hồng Y Sarah được công bố công khai: Đó là một kiểu sỉ nhục rõ ràng đối với một Hồng Y được cho là “cực kỳ bảo thủ” và mâu thuẫn với Đức Giáo Hoàng về một loạt vấn đề.
Nhưng ý tưởng Đức Giáo Hoàng muốn làm nhục công khai Đức Hồng Y Sarah trước công chúng vì những khác biệt ý thức hệ được giả định - có thể đã được cường điệu hóa nơi những người quảng bá các khác biệt ấy hơn là có những khác biệt thực sự về quan điểm giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Sarah.
Lý thuyết này phổ biến nhất trong số những người đã coi Đức Hồng Y Sarah là một cản trở đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong các cuộc tranh luận về các vấn đề như bảo lưu việc phong chức linh mục cho nam giới mà thôi, và về bản chất của hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, cả hai đều là những vấn đề đã được xác lập trong giáo lý Công Giáo..
Nhưng mặc dù thường xuyên được các phương tiện truyền thông mô tả ngược lại, Đức Phanxicô đã không nỗ lực thúc đẩy một thách thức nào đối với các đạo lý của Giáo hội về cả hai chủ đề này. Và về vấn đề luật độc thân linh mục, Đức Hồng Y Sarah và Đức Giáo Hoàng đã đồng ý với nhau một cách rõ ràng về tầm quan trọng của thực hành này - trước sự thất vọng của nhiều người trong cuộc họp Thượng Hội Đồng gần đây về Amazon.
Hơn nữa, trong khi Đức Hồng Y Sarah được nhiều người coi là một người theo chủ nghĩa truyền thống phụng vụ, có rất ít bằng chứng trong bảy năm qua cho thấy phụng vụ là một chủ đề tập trung của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cách này hay cách khác.
Đồng thời, có một cuộc tham vấn đang được tiến hành về việc sử dụng Hình thức Ngoại Thường của Thánh lễ, và sự ra đi và thay thế của Đức Hồng Y Sarah, dường như chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cách kết thúc cuộc tham vấn đó.
Cũng cần lưu ý rằng khi Đức Phanxicô chấp nhận sự từ chức của Đức Hồng Y Gerhard Müller trong tư cách là người đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin vào năm 2017, khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của ngài, một người kế nhiệm đã ngay lập tức được nêu tên, và động thái đó vẫn được cho rằng là việc Đức Giáo Hoàng công khai “sa thải”. Việc đóng khung cả hai hoàn cảnh Đức Hồng Y Sarah nghỉ hưu và việc Đức Hồng Y Muller không tiếp tục tại vị như những dấu hiệu chắc chắn của một vụ sa thải – cho dù các hoàn cảnh đối lập nhau - chỉ ra nguy cơ diễn giải các sự kiện thông qua các thành kiến định trước về ý thức hệ hoặc đảng phái.
Một giả thuyết khác về lý do tại sao Đức Giáo Hoàng chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Sarah mà không nêu tên người kế vị là điều này có thể báo trước một giai đoạn mới trong cải cách giáo triều Rôma.
Một hiến chế mới cho Giáo triều Rôma đã được thực hiện trong nhiều năm, và hiện đang được dự thảo lần thứ ba. Mặc dù tài liệu cuối cùng dự kiến sẽ không sẵn sàng để công bố trong một số tháng tới, nhưng nó được cho là sẽ bao gồm việc hợp nhất một số cơ quan trung ương Tòa Thánh.
Một số người ở Rôma đã suy đoán rằng sự ra đi của Đức Hồng Y Sarah có thể dọn đường cho Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích được kết hợp với một bộ khác trong thời gian ngắn, như Bộ Tuyên Thánh, với một vị tân tổng trưởng được xác nhận vào thời điểm thông báo về sự hợp nhất này.
Nhưng với tất cả các dấu hiệu cho thấy hiến chế mới còn vài tháng nữa may ra mới được công bố, việc kết hợp hai bộ phận tương đối quan trọng trước một cuộc cải cách rộng lớn hơn sẽ rất bất ngờ, và cho thấy dự án đã gặp phải một rào cản lớn và Đức Giáo Hoàng đã quyết định ban hành những cải cách của ngài từng phần một, thay vì chờ đợi một văn bản cuối cùng.
Không có lý thuyết nào có vẻ thuyết phục trong việc giải thích tại sao, khi nào và bằng cách nào việc từ chức của Đức Hồng Y Sarah được chấp nhận. Thời gian có thể khiến lý do và hoàn cảnh ra đi của Đức Hồng Y Sarah trở nên rõ ràng hơn.
Nhiều người ở Rôma nhấn mạnh rằng, trong khi Đức Hồng Y Sarah trung thành với Đức Giáo Hoàng trước công chúng, thì Đức Phanxicô không quan tâm cá nhân đến vị Hồng Y người Guinea và rằng hai người không hòa hợp với nhau.
Nếu điều đó là đúng, và không có dấu hiệu nào về bất kỳ xung đột giáo lý hoặc kỷ luật nào gần đây giữa hai người có thể giải thích cho quyết định của Đức Giáo Hoàng khi loại bỏ Đức Hồng Y Sarah mà không có người thay thế, xung đột về tính cách chắc chắn có thể là một yếu tố - và đó là một điểm quan trọng.
Các nhà bình luận vội vã biến một quyết định nhân sự thành một cuộc đụng độ ý thức hệ về các vấn đề lớn hơn có thể bỏ qua mức độ quan trọng của các mối quan hệ cá nhân trong khi vội vàng đóng khung các sự kiện như là biểu tượng của những câu chuyện rộng hơn, gần như là một biến cố bước ngoặt.
Trong khi đó, câu trả lời rõ ràng nhất có thể là Đức Thánh Cha Phanxicô có thói quen hành động tự phát. Có thể không có lời giải thích nào tốt hơn hay tồi tệ hơn cho việc Đức Giáo Hoàng chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Sarah hơn là ngài đã quyết tâm làm điều đó.
Source:Catholic Pillar