1. Đức Thánh Cha sẽ thăm đại thánh đường bị quân khủng bố Hồi Giáo IS đốt phá tại Iraq
Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Al-Tahira vĩ đại ở Bakhdida đã bị cháy đen bên trong sau khi bị quân khủng bố Hồi Giáo IS đốt cháy khi chúng chiếm được thị trấn này vào năm 2014. Hiện nhà thờ đã được khôi phục lại, và đang chuẩn bị chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du tới Iraq vào tháng tới.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trở thành giáo hoàng đầu tiên đến thăm Iraq. Chuyến đi bốn ngày của ngài đến đất nước này từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 sẽ bao gồm các điểm dừng ở Baghdad, Mosul và Bakhdida, hay còn gọi là Qaraqosh.
Ngôi nhà thờ, nơi Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm ở Bakhdida, phục vụ một cộng đồng Kitô Giáo đang lớn mạnh, cho đến khi quân khủng bố Hồi Giáo IS biến nhà thờ thành một trường tập bắn trong nhà từ năm 2014 đến năm 2016.
Sau khi thị trấn được giải phóng khỏi quân khủng bố Hồi Giáo IS vào năm 2016, các thánh lễ lại tiếp tục trong nhà thờ bị hư hại khi các tín hữu Kitô quay trở lại tái xây dựng cộng đồng của họ. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã khôi phục hoàn toàn nội thất bị hư hại do hỏa hoạn vào cuối năm 2019.
“Tôi nghĩ rằng việc hỗ trợ thị trấn này là rất quan trọng vì nó là biểu tượng lớn nhất của Kitô Giáo ở Iraq. Cho đến nay, chúng tôi vẫn giữ được thành phố này như một thành phố Kitô Giáo, nhưng chúng tôi không biết tương lai sẽ ra sao”, Cha Georges Jahola, một linh mục giáo xứ từ Bakhdida, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào năm 2019.
Một bức tượng Đức Mẹ mới được điêu khắc bởi một nghệ sĩ Công Giáo địa phương đã được đặt trên đỉnh tháp chuông của Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm vào tháng Giêng vừa qua.
Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin tại nhà thờ này trong lịch trình chuyến công du của ngài tới Iraq do Vatican công bố vào ngày 8 tháng 2.
Tháng 7, 2014, trong một chuyến viếng thăm rất liều lĩnh, Đức Hồng Y Philippe Barbarin của tổng giáo phận Lyon đã dâng lễ tại ngôi nhà thờ này. Chỉ một tuần sau đó, quân khủng bố Hồi Giáo IS chiếm được vùng này, và Đức Hồng Y đã bùi ngùi gặp lại những Kitô hữu trong vùng khi họ bỏ nhà cửa chạy đến Erbil.
Ngày 26 tháng 7, 2017, sau khi Mosul được giải phóng ngài đã trở lại thăm họ và dân chúng đã công kênh ngài lên để ngài đặt một bức tượng Đức Mẹ vào một cửa sổ của nhà thờ.
Source:Catholic News Agency
2. Giám mục Á Căn Đình nói đám cưới chuyển giới trong nhà thờ là trái phép
Giáo phận Río Gallegos đã báo cáo vào ngày 8 tháng 2 rằng giáo phận không hề cho phép một cử hành Phụng Vụ “hôn phối” giữa một người đàn ông và một người chuyển giới nam vào ngày 6 tháng 2.
Cử hành này đã diễn ra tại giáo xứ Nuestra Señora de la Merced, được quản lý bởi một cộng đoàn Salêdiêng ở Ushuaia, hơn 563 km về phía nam của Rio Gallegos. Cha Fabián Colman đã chủ trì buổi lễ này.
Theo hãng thông tấn Argentina Télam, Victoria Castro, một người đàn ông chuyển giới 46 tuổi và Pablo López Silva, 54 tuổi, đã yêu cầu Cha Colman tổ chức một buổi lễ tại giáo xứ để chứng hôn cho họ theo nghi thức Giáo Hội Công Giáo.
“Chúng tôi đã trình bày cho ngài ý tưởng thực hiện buổi lễ này và ngài đã chấp nhận. Ngài nói với chúng tôi rằng ngài chỉ đánh giá xem chúng tôi có thực lòng yêu nhau không là đủ. Tất nhiên, ngài đã tham khảo ý kiến của giáo phận, nhưng cá nhân ngài luôn đứng về phía chúng tôi”, Castro nói.
Castro và López Silva đã kết hôn dân sự vào năm 2011 với tư cách là một cặp đồng tính luyến ái, nhưng Castro quyết định chuyển giống và hiện xác định mình là phụ nữ.
Ngay sau khi câu chuyện được nhiều phương tiện truyền thông Á Căn Đình khai thác, và anh chị em giáo dân bày tỏ sự bất bình, Đức Cha Jorge Ignacio García Cuerva của Río Gallegos, nói rằng “việc cử hành này không được giáo phận chúng tôi cho phép”.
“Trong khi chúng tôi đồng hành với tất cả mọi người, không trừ một ai trong ước muốn chính đáng của họ là nhận được phép lành của Thiên Chúa, chúng tôi minh định rõ rằng trong trường hợp này, không có bí tích hôn nhân nào được Giáo hội tin tưởng và ủng hộ”.
Tuyên bố của Đức Cha cũng nói rằng Cha Colman “đã được cảnh báo thích đáng trước đó”.
“Với tư cách là mục tử của giáo phận này, tôi muốn gửi đến toàn thể con dân Chúa đang cư trú tại Santa Cruz và Tierra del Fuego sự gần gũi của tôi, xin tất cả chúng ta luôn cầu nguyện để duy trì lòng bác ái Kitô đối với người lân cận, đồng hành với nỗi đau và nỗi khổ của họ, niềm vui và hy vọng của họ, đồng thời bảo tồn giáo huấn của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta”, ngài kết luận.
Như Castro đã nói với đài truyền hình Télam, buổi lễ bao gồm các bài đọc Kinh thánh, một bài giảng lễ, tuyên xưng lời thề hôn nhân, và cho cặp này và một số khách mời được rước lễ.
Anh ta nói thêm “Buổi lễ của chúng tôi đã không được ghi nhận trong các tài liệu giáo hội vì các giáo luật ngăn chặn điều đó.”
Castro cũng bào chữa rằng “chuyển đổi giới tính không có nghĩa là mất đức tin hay không còn là con của Chúa nữa. Buổi lễ là một khoảnh khắc rất quan trọng đối với cộng đồng LGBTQ vì Giáo Hội là nơi đã từ chối chúng tôi, cũng như rất nhiều thứ khác”.
ACI Prensa đã liên lạc với Giáo phận Río Gallegos để hỏi xem Cha Colman có nhận được bất kỳ hình thức kỷ luật nào về mặt giáo luật hay không, nhưng thư ký của Tòa Giám Mục nói rằng “câu trả lời duy nhất từ Đức cha García về vấn đề này là câu trả lời xuất hiện trong tuyên bố chính thức trên trang web”.
ACI Prensa cũng đã liên hệ với tỉnh dòng Salêdiêng về tình trạng giáo luật của vị linh mục này, nhưng đã không được trả lời.
Source:Catholic News Agency
3. Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 là ‘cơ hội để canh tân niềm hy vọng’ sau đại dịch
Vị giám mục Công Giáo giám sát việc chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, nhận định rằng sự kiện này sẽ là cơ hội để canh tân hy vọng trước đại dịch coronavirus.
Đức Cha Américo Manuel Alves Aguiar, chủ tịch của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lisbon 2023, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng ngài hy vọng rằng cuộc gặp gỡ sẽ có sự tham dự của càng nhiều người trẻ càng tốt.
Đề cập đến chủ đề chính thức của cuộc họp - “Đức Maria trỗi dậy và lên đường vội vã,” từ Tin Mừng Thánh Luca – ngài nói: “Tôi ước rằng Chúa chạm đến trái tim của số lượng lớn nhất có thể của những người trẻ và họ có thể để cho điều này vang vọng trong lòng họ, họ vội vàng đứng dậy và ra đi để gặp những người khác”.
“Tôi ước Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lisbon 2023 sẽ là một cơ hội để canh tân hy vọng trong thời kỳ hậu đại dịch.”
Ở tuổi 47, Đức Cha Aguiar là một trong những giám mục Công Giáo trẻ nhất thế giới. Ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Tòa Thượng phụ Lisbon, có trụ sở tại thủ đô Bồ Đào Nha, vào năm 2019. Hiện ngài chịu trách nhiệm về việc chuẩn bị cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2023.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng Lisbon sẽ tổ chức cuộc họp mặt của giới trẻ Công Giáo toàn cầu tại Thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới quốc tế cuối cùng tại Thành phố Panama vào tháng Giêng năm 2019.
Thành phố 505,000 dân nằm cách Fatima, một trong những địa điểm hành hương kính Đức Mẹ phổ biến nhất thế giới, 120km.
Vào tháng 10 năm ngoái, các nhà tổ chức đã ra mắt trang web Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lisbon 2023 và logo chính thức. Biểu trưng có hình Đức Trinh Nữ Maria đứng trước cây thánh giá, với màu cờ của Bồ Đào Nha, đã được chọn trong một cuộc thi quốc tế.
Vào tháng Giêng, các nhà tổ chức đã công bố bài hát chủ đề chính thức của sự kiện. Bài hát có tựa đề “Có một luồng gió trong không khí”.
Source:Catholic News Agency
4. First Things: Lựa chọn của Biden ở Trung Quốc.
Tiến sĩ Nina Shea là giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson, và là một luật sư quốc tế về nhân quyền.
Trong bài “Biden’s Choice in China”, nghĩa là “Lựa chọn của Biden ở Trung Quốc”, cô cho chúng ta thấy tình cảnh của người Duy Ngô Nhĩ và bày tỏ quan ngại rằng các chính sách của ông Joe Biden sẽ phản bội triệt để các giá trị nhân quyền của người Mỹ, và cam kết trong 73 năm qua của người Mỹ rằng diệt chủng “không bao giờ xảy ra nữa”.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
By Nina Shea
Lựa chọn của Biden ở Trung Quốc
Mười một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp và những người Hồi giáo khác ở khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc lần đầu tiên được nếm trải công lý vào ngày 19 tháng Giêng khi Ngoại trưởng Mike Pompeo khi đó tuyên bố rằng chính phủ Trung Quốc đang thực hiện hành vi diệt chủng chống lại họ. Lịch sử đã chỉ ra rằng lên án tội ác diệt chủng là bước khởi đầu cần thiết để chặn đứng và ngăn chặn nó tái diễn.
Mặc dù một số phương tiện truyền thông đánh giá thấp quyết nghị lên án nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, coi đó chỉ là “phát súng bắn chia tay” vào Trung Quốc của Ngoại Trưởng Pompeo, đây thực sự là biện pháp nhân quyền quan trọng nhất của Mỹ trong bốn năm qua. Nó được đưa ra sau một quá trình cân nhắc kéo dài hàng tháng của Văn phòng Tư pháp Hình sự Toàn cầu của Bộ Ngoại giao. Một phần quan trọng trong quyết định này dựa trên thông tin mới cho thấy rằng các biện pháp cưỡng bức ngăn chặn sinh đẻ bên trong các trại cải tạo Tân Cương là nhằm hạn chế nhân khẩu học của người Duy Ngô Nhĩ và là một phần của chiến dịch phá hoại của bọn cầm quyền chống lại các nhóm thiểu số trong khu vực.
Cả Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Blinken đều bày tỏ sự đồng tình với quyết nghị lên án nạn diệt chủng. Nhưng liệu họ có tiếp tục gây áp lực lên một Trung Quốc đang tức giận hay không vẫn còn phải chờ xem. Cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ là một thực tế không thuận tiện cho các ưu tiên về biến đổi khí hậu trong chính sách đối ngoại của chính quyền. Chỉ một tuần sau tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres cầu xin vì lợi ích của “hành động khí hậu” sự hợp tác Mỹ-Trung Quốc cần phải được “thiết lập lại” để sang một bên các “quan điểm khác nhau” về nhân quyền, có lẽ bao gồm cả việc xác định tội ác diệt chủng của Trung Quốc do Hoa Kỳ đưa ra. Theo tầm nhìn của mình, Mỹ sẽ phải đưa ra các lựa chọn khó khăn về các chính sách đối với Trung Quốc.
Sau cuộc diệt chủng người Do Thái, tội ác diệt chủng được hình sự hóa theo Công ước quốc tế về Diệt chủng năm 1948, và trở thành tội ác nhân quyền ghê tởm nhất theo quan niệm của người dân Mỹ. Nhãn hiệu diệt chủng ảnh hưởng đến các hoạt động đối ngoại, điều này giúp giải thích tại sao trước đây Hoa Kỳ chỉ áp dụng nhãn hiệu này có 2 lần cho các hành động tàn bạo đang diễn ra. Ngoại trưởng Pompeo đã có thể di chuyển về phía trước trong tuyên bố Trung Quốc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ bằng cách làm cho nó trở thành một quyết nghị về “chính sách”. Vào năm 2016, cuộc diệt chủng của người Yazidis ở Trung Đông và các tín hữu Kitô là “chỉ định cá nhân” của Ngoại trưởng Kerry khi đó. Quyết nghị diệt chủng Darfur năm 2004 là một quyết định “hợp pháp”, được hỗ trợ bởi các luật sư của bộ Ngoại Giao. Nhưng bất kể quyết nghị được gọi bằng danh xưng nào, hành động diệt chủng đòi hỏi phải có một phản ứng mang tính chính sách của Hoa Kỳ.
Tháng 5 năm ngoái, Đại sứ lưu động về Tư pháp Hình sự Toàn cầu lúc ấy là Morse Tan đã tìm hiểu hoàn cảnh của người Duy Ngô Nhĩ, để đánh giá xem nó có phù hợp với định nghĩa về tội ác diệt chủng của Công ước về một cộng đồng tôn giáo dân tộc thiểu số bị tiêu diệt “toàn bộ hay một phần” hay không. Báo cáo về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Mỹ kể từ năm 2017 ghi nhận việc phá hủy 2/3 các đền thờ Hồi giáo tại Tân Cương, việc giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị cáo buộc là theo chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo trong các trại cải tạo và các hành động đàn áp nghiêm trọng khác. Cựu đại sứ nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng ông đã tích lũy thêm bằng chứng từ các nguồn mở, mà các luật sư của bộ Ngoại Giao đã nhanh chóng phân loại trong 25 năm. Ông ấy hướng dẫn tôi đến những tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo để có thêm hiểu biết.
Trong một bài bình luận đăng trong số ra ngày 19 tháng Giêng trên tờ Wall Street Journal, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh bằng chứng “chủ chốt” về sự sụt giảm tỷ lệ sinh đẻ của người Duy Ngô Nhĩ. Lưu ý rằng Công ước về Diệt chủng bao gồm “các biện pháp nhằm ngăn chặn việc sinh đẻ trong cộng đồng”, ông đã trích dẫn các “nỗ lực của Đảng Cộng sản nhằm ngăn chặn phụ nữ Duy Ngô Nhĩ sinh con bằng cách cưỡng bức phá thai và triệt sản” và “các biện pháp tránh thai không tự nguyện, chẳng hạn như buộc phải đặt vào tử cung các thiết bị”. Các thông tin cụ thể có thể được tìm thấy trong một báo cáo năm 2020 của chuyên gia Adrian Zenz của Quỹ Jamestown, trong đó tiết lộ các tài liệu của chính phủ Trung Quốc được AP xác minh. Các tài liệu này cho thấy tỷ lệ sinh ở Tân Cương giảm khoảng 24% từ năm 2018 đến 2019, so với mức giảm 4.2% ở Trung Quốc nói chung. Chúng cũng chỉ ra rằng lý do phổ biến nhất khiến các phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ là vì họ vi phạm các giới hạn sinh khắt khe - dưới mức thay thế cho số người chết - của bọn cầm quyền.
Dữ liệu chính thức này hỗ trợ các báo cáo từ những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ. Ví dụ, cựu tù nhân Gulbahar Haitiwaji đã viết về việc bị cưỡng bức triệt sản bằng cách tiêm các loại thuốc. “Đó là khi tôi hiểu được phương pháp của các trại, họ đang thực hiện một chiến lược: không phải lạnh lùng giết chúng tôi, mà là khiến chúng tôi từ từ biến mất. Từ từ đến nỗi không ai nhận ra”, cô kể lại. Vào năm 2018, Dân biểu Chris Smith đã chủ trì các phiên điều trần trước quốc hội, nơi cựu tù nhân Mihrigul Tursun làm chứng về việc bị giam giữ và tra tấn bằng dòng điện và bị chế giễu vì niềm tin của cô vào Chúa. Những người khác mô tả sự tàn bạo đằng sau những vụ cưỡng bức phá thai của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Pompeo cũng trích dẫn “các trại giam tùy tiện và vô thời hạn”, nơi người Duy Ngô Nhĩ bị tra tấn, hãm hiếp và buộc phải lao động khổ sai. Trong những trại này, những cái chết xảy ra không rõ nguyên nhân. Ông lưu ý đến sự giám sát công nghệ cao hà khắc của bọn cầm quyền Tân Cương. Tuần trước, BBC đã đưa tin về các vụ cưỡng hiếp bằng các máy kích thích điện và các vụ cưỡng hiếp tập thể của cảnh sát trong các trại. Đây là tất cả các lá cờ đỏ, cộng với bằng chứng ngăn ngừa sinh đẻ đã cấu thành bằng chứng cụ thể.
Bắc Kinh vẫn tỏ ra ngang ngược về chính sách đàn áp của mình. Tháng 9 năm ngoái, Tập Cận Bình tuyên bố rằng chiến lược Tân Cương là “hoàn toàn đúng đắn và phải thực hiện trong thời gian dài”. Đối với nỗi kinh hoàng về những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ, đại sứ quán Washington của Trung Quốc đã đăng một bài khoe khoang đáng kinh ngạc vào ngày 7 tháng Giêng (bị Twitter xóa vào ngày 8 tháng Giêng) dường như được nhái lại một cách có ý thức thông điệp của Đức Quốc Xã tại Auschwitz “công việc giúp bạn được tự do”. Đại sứ quán Trung Quốc tweet:
Tâm trí của phụ nữ Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã được giải phóng, bình đẳng giới tính và sức khỏe sinh sản được đề cao, khiến họ không còn là những cỗ máy sinh con nữa. Họ tự tin và độc lập hơn.
Nếu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lặng lẽ bỏ qua những lo ngại về nạn diệt chủng của người Duy Ngô Nhĩ vì lợi ích của quan hệ đối tác biến đổi khí hậu với Trung Quốc, thì đó sẽ là một bi kịch cho người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Nó cũng sẽ phản bội triệt để các giá trị nhân quyền của người Mỹ, và cam kết trong 73 năm qua của người Mỹ rằng diệt chủng “không bao giờ xảy ra nữa”. Đây sẽ là một vấn đề có tính quyết định đối với chính quyền Biden.
Source:First Things