Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 02-February-2021 theo giờ Việt Nam


Những ai tương đối hóa cam kết rõ ràng đối với sự thánh thiêng của cuộc sống mỗi con người dựa trên các sở thích chính trị bằng các thủ đoạn chiến thuật và các hình thái ngụy biện đang công khai chống lại đức tin Công Giáo. Giờ đây, chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden, với quyền lực chính trị, truyền thông và sức mạnh kinh tế tập trung trong tay, đang đi đầu trong một chiến dịch tàn bạo tinh vi nhất trong thời gian 100 năm trở lại đây nhằm triệt hạ Kitô Giáo khỏi văn hóa Tây Phương. Đó là những ý tưởng chính Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã đưa ra trong cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã Công Giáo Áo Kath.Net.

Nguyên bản tiếng Đức có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Kath.net Thưa Đức Hồng Y, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã bày tỏ sự chỉ trích mạnh mẽ đối với chính sách phá thai của tân Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Mặt khác, có một số Giám Mục Hoa Kỳ đánh giá việc phê bình Biden của USCCB là thiếu khôn ngoan. Hồng Y Blase Cupich từ Chicago viết trên Twitter cá nhân của mình rằng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trong lễ nhậm chức của tân tổng thống đã đưa ra “một tuyên bố thiếu cân nhắc”. Đức Hồng Y thấy lời chỉ trích của USCCB đối với ông Joe Biden là chính đáng hay các Giám Mục đang phóng đại?

Đức Hồng Y Gerhard Müller: Một Giám Mục Công Giáo được phân biệt với các chính trị gia quyền thế và những người vận động cho một ý thức hệ bởi sự tuân phục của ngài đối với Lời Chúa được mặc khải. Ngài sẽ là một môn đệ lầm đường lạc lối nếu ngài tương đối hóa luật luân lý tự nhiên vì lợi ích chính trị của ngài hoặc vì lợi ích của bên này hoặc bên kia. Vì mọi người đều nhận ra những đòi hỏi của [luật luân lý tự nhiên] trong lương tâm của mình trên cơ sở lý trí của họ. Vào thời các thánh tông đồ, khi những nhà cai trị chính trị và tôn giáo muốn cấm các ngài rao giảng giáo huấn của Chúa Kitô bằng cách đe dọa trừng phạt các ngài, các tông đồ trả lời đã trả lời rằng: ‘Chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa hơn là con người’ (Cv 5:29)”

Những ai tương đối hóa cam kết rõ ràng đối với sự thánh thiêng của cuộc sống mỗi con người dựa trên các sở thích chính trị bằng các thủ đoạn chiến thuật và các hình thái ngụy biện đang công khai chống lại đức tin Công Giáo. Công đồng Vatican II và tất cả các giáo hoàng cho đến Đức Phanxicô đã mô tả việc cố ý giết một đứa trẻ trước và sau khi sinh là sự vi phạm nghiêm trọng nhất các điều răn của Thiên Chúa.

Kath.net Đức Tổng Giám Mục Gomez, Chủ tịch USCCB giải thích với Tổng thống Joe Biden trong tuyên bố công khai của ngài rằng: “Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã dạy, chúng tôi không thể im lặng khi gần một triệu sinh mạng ở đất nước chúng ta bị hủy hoại do phá thai”. Giáo Hội dạy thế nào về vấn đề phá thai, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Gerhard Müller:: “Vì Chúa, là Thiên Chúa là Chúa sự sống, đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn bổn phận ấy cách xứng hợp với con người. Do đó, sự sống ngay từ lúc thụ thai phải được giữ gìn hết sức cẩn thận; phá thai và sát nhi là những tội ác ghê tởm” (Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại Gaudium et Spes, 51).

Kath.net Không chỉ trong ngày nhậm chức mà thôi nhưng nhiều lần tổng thống Joe Biden đã tự xưng là một tín hữu Công Giáo sùng đạo. Nhưng việc tuyên xưng này lại đi kèm với hàng loạt các tuyên bố phò phá thai, mới đây nhất là tuyên bố chính thức của ông ta vào lễ kỷ niệm 38 năm phán quyết Roe kiện Wade trong đó ông ấy nói rằng “Trong bốn năm qua, quyền được phá thai đã bị tấn công cực kỳ nghiêm trọng” và đưa ra lời loan báo rằng “Chúng tôi sẽ lại hỗ trợ lớn, cả về mặt tài chính, cho việc phá thai ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới”. Trong mắt Đức Hồng Y, việc tuyên xưng niềm tin Công Giáo như thế có đáng tin cậy không?

Đức Hồng Y Gerhard Müller: Có những người Công Giáo, từ các giáo dân tốt cho đến những nhân vật cao nhất ở Vatican, là những người bị ảnh hưởng bởi não trạng chống Trump mù quáng, đang chấp nhận hoặc tìm cách hạ thấp mọi thứ hiện đang được dùng để khởi động một chiến dịch chống lại các tín hữu Kitô và tất cả những người có thiện chí ở Hoa Kỳ.

Giờ đây, chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden, với quyền lực chính trị, truyền thông và sức mạnh kinh tế tập trung trong tay, đang đi đầu trong một chiến dịch tàn bạo tinh vi nhất trong thời gian 100 năm trở lại đây nhằm triệt hạ Kitô Giáo khỏi văn hóa Tây Phương

Thực tế là cuộc sống của hàng triệu trẻ em hiện đang trở thành nạn nhân của chiến dịch phá thai được phối hợp toàn cầu dưới cách nói hoa mỹ là ‘quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản’ bằng cách đổ tội cho những khiếm khuyết trong tính cách của Tổng thống Trump”

Một người anh em rất đáng kính đã trách móc tôi không nên giản lược mọi chuyện vào vấn đề phá thai mà thôi. Bởi vì với sự phế truất của Trump rốt cuộc việc lật đổ Trump đã ngăn chặn nguy cơ lớn hơn nhiều rằng kẻ điên khùng này có ngày sẽ nhấn nút hạt nhân”. Nguy cơ ấy không còn nữa. Nhưng tôi tin rằng đạo đức cá nhân và xã hội phải được ưu tiên hơn chính trị. Ranh giới đã bị vượt qua khi niềm tin và đạo đức bị bán đứng cho những tính toán chính trị. Tôi không thể ủng hộ một chính trị gia ủng hộ việc phá thai vì ông ta xây nhà tế bần, và không thể vì những điều tốt đẹp tương đối, mà phải chấp nhận cái ác tuyệt đối.

Kath.net Có những Giám Mục ở Hoa Kỳ nói công khai rằng Biden không hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo vì những tuyên bố và hành động công khai của ông ta liên quan đến phá thai, chẳng hạn như Đức Tổng Giám Mục Denver, Samuel J. Aquila, và Đức Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Philadelphia, là Đức Cha Charles Chaput. Đức Tổng Giám Mục Chaput khẳng định rằng Biden không nên rước lễ vào lúc này. Ngược lại, Đức Hồng Y Wilton D. Gregory, Tổng Giám Mục Washington DC, nói rằng ngài sẽ cho Biden rước lễ bất kể chính sách ủng hộ phá thai nào mà Biden sẽ áp dụng từ Phòng Bầu dục. Thưa Đức Hồng Y, ngài đánh giá thế nào về điều này?

Đức Hồng Y Gerhard Müller: Một ý kiến ngớ ngẩn đã len lỏi, ngay cả trong những người Công Giáo, rằng đức tin chỉ đơn thuần là một vấn đề riêng tư và những điều xấu xa có thể được cho phép, chấp thuận và quảng bá trong cuộc sống công cộng.

Trong hành động thực tế cụ thể, các Kitô hữu trong quốc hội hoặc chính phủ có thể không phải lúc nào cũng thành công trong việc thực thi luật luân lý tự nhiên ở mọi khía cạnh. Nhưng họ không bao giờ được tham gia, dù chủ động hay thụ động, vào cái ác. Ít nhất, họ phải phản đối nó và – trong chừng mực có thể – chống lại nó, ngay cả khi họ bị phân biệt đối xử vì làm như vậy.

Bất cứ ai, với tư cách là một Kitô hữu, có lập trường chống lại khuynh hướng tuyên truyền của truyền thông chính mạch về LGBT, phá thai, hợp pháp hóa sử dụng ma túy, xóa bỏ sự khác biệt giới tính nam nữ, đều bị chỉ trích cay nghiệt là ‘cực hữu’ hoặc thậm chí là ‘Đức quốc xã’, mặc dù chính những người theo chủ nghĩa xã hội với hệ tư tưởng xã hội và sinh học Darwin của họ mới chính là những người mâu thuẫn công khai nhất với hình ảnh con người theo Kitô giáo.

Những người chống lại Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo ra con người theo hình ảnh Ngài và giống Ngài – có nam có nữ - thường dễ dàng tập hợp lại với nhau, cấu kết chống lại những người công chính.

Kath.net Về cơ bản, các Giám Mục Mỹ có thể tin tưởng vào Đức Thánh Cha Phanxicô là ngài sẽ hoàn toàn ủng hộ dấn thân phò sinh của các ngài không, và có thể có những bất đồng ở hàng lãnh đạo cao nhất không trước sự nhạy cảm trong việc đối phó với một tổng thống đương nhiệm?

Đức Hồng Y Gerhard Müller: Đức Thánh Cha không bao giờ bỏ qua những lời rõ ràng nhất chống lại việc phá thai là tội giết người được tính toán trước, nếu không ngài đã bị lạm dụng thậm tệ bởi những người hoan hỉ viện dẫn ngài để đối lập với các giáo huấn trước đó của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Tôi hy vọng rằng sẽ không có ai chấp nhận ý tưởng phá thai và an tử như một sự trả giá cho việc chấp nhận người nhập cư và di cư ở biên giới với Mễ Tây Cơ, và từ đó chấp nhận những tội ác kinh tởm chống lại loài người với “sự im lặng”.

Kath.net Người Công Giáo Hoa Kỳ có thể và có nên chấp nhận quan điểm ủng hộ việc phá thai của tân tổng thống, như một nhượng bộ ngõ hầu có thể “đoàn kết” và “chữa lành vết thương” quốc gia không, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Gerhard Müller: Hòa giải là ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô. Đối với các Kitô hữu, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, đây cũng phải là tiêu chuẩn cho lời nói và hành động của họ. Nhưng sự chia rẽ ý thức hệ trong xã hội không được khắc phục bằng cách một bên đẩy bên kia đến bờ vực, hình sự hóa và phá hủy họ, để cuối cùng tất cả các định chế từ truyền thông đến các tập đoàn quốc tế chỉ bị chi phối duy nhất bởi những đại diện của ý chí chủ đạo tư bản - xã hội chủ nghĩa.

Ở Hoa Kỳ, như trường hợp hiện nay ở Tây Ban Nha, chắc chắn rằng các trường học Công Giáo, các bệnh viện và các tổ chức phi lợi nhuận khác được tài trợ bởi công quỹ sẽ bị buộc phải thực hiện các hành vi trái đạo đức hoặc bị đóng cửa nếu vi phạm. Giờ đây, trước khi quá muộn, ngay cả những người ngây thơ nhất cũng cần phải nhận ra cuộc nói chuyện về hòa giải trong xã hội có ý nghĩa nghiêm túc hay đó chỉ là một thủ đoạn tuyên truyền.

Đặc biệt những người hô hào về sự hiệp nhất trong xã hội lớn tiếng nhất nên tự vấn lương tâm một cách nghiêm túc về những đóng góp của họ cho sự chia rẽ. Phương châm “Nếu bạn không muốn trở thành anh em với tôi, tôi sẽ đập đầu bạn” không phải là cách đúng đắn để đạt được sự hòa giải và tôn trọng lẫn nhau.

Kath.net Theo Đức Hồng Y, có thể có những phản ứng quyết liệt chống lại chính sách phò phá thai ở các khu vực nói tiếng Đức, như ở Áo, Đức và Thụy Sĩ không?

Đức Hồng Y Gerhard Müller: Sau một thời kỳ dài sống trong các chế độ chuyên chế, chúng ta đã có một truyền thống đáng buồn là có những giáo hội nhà nước trong Công Giáo Pháp, Áo và Bavaria kể từ thế kỷ 18 (tiêu biểu là các chủ thuyết Gallic, Febroni, và Josephin) [Các chủ thuyết này cổ vũ niềm tin cho rằng quyền lực dân sự - thường được đại diện bởi chế độ quân chủ hoặc nhà nước - đối với Giáo Hội Công Giáo tương đương với quyền lực của Đức Giáo Hoàng. Ta vâng phục Đức Giáo Hoàng thế nào thì cũng phải vâng phục các vua, chúa, quan quyền như thế. Đối lập với các thuyết này là thuyết Ultramontanism – Độc tôn Rôma – chỉ vâng phục Đức Giáo Hoàng – chú thích của người dịch]

Giáo Hội không còn được xác định bởi sứ mệnh thiêng liêng của mình là cứu rỗi tất cả loài người, nhưng bằng các việc phục vụ được phép hoạt động trong khuôn khổ công ích, tùy thuộc vào tình trạng của xã hội. Chúng ta chỉ có một cuộc Kulturkampf - đấu tranh văn hóa - chống lại chủ nghĩa chuyên chế của nhà nước Phổ và chống lại các hệ tư tưởng toàn trị, sự phản kháng này được đưa ra nhân danh sứ mệnh cao cả của các giáo sĩ (Pius XI., Thông điệp về các quan tâm cháy bỏng) [Kulturkampf là tiếng Đức, nghĩa là “đấu tranh văn hóa”. Đó là cuộc xung đột diễn ra từ năm 1872 đến năm 1878 giữa triều đình Phổ do Otto von Bismarck lãnh đạo và Giáo Hội Công Giáo do Đức Giáo Hoàng Pius IX lãnh đạo. Xung đột giữa hai bên là quyền kiểm soát hệ thống giáo dục Công Giáo và các bổ nhiệm trong nội bộ Giáo Hội – chú thích của người dịch]

Kể từ đó, mọi người đã công khai phục tùng các mục tiêu của nhà nước thế tục (cái gọi là sự liên quan mang tính hệ thống) và chỉ dám đối phó trong bầu khí cá nhân với tình trạng triệt hạ một cách hung hãn Kitô Giáo trong xã hội. Một Giám Mục ở Trung Âu ngày nay phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc tồn tại bằng cách tuân thủ các trào lưu xã hội hoặc bị những kẻ ngu dốt gán cho nhãn hiệu là một người cuồng tín, cực đoan.

Kath.net Trong khi ở Hoa Kỳ, tuyệt đại đa số các Giám Mục Công Giáo đều tham gia vào các hoạt động phò sinh, ví dụ như tại cuộc tuần hành phò sinh lớn nhất thế giới ở Washington DC; thì hầu như đã trở thành một thông lệ ở Đức là số các Giám Mục đến với các cuộc tuần hành phò sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đức Hồng Y nhận định về điều này như thế nào?

Đức Hồng Y Gerhard Müller: Tôi không ở vị trí có thể đưa ra phán xét về hành vi của các Giám Mục riêng lẻ. Tôi luôn bị ấn tượng bởi Đức Cha Clemens August von Galen, người được tấn phong Giám Mục của giáo phận Münster vào ngày 18 tháng 10 năm 1933. Khẩu hiệu Giám Mục của ngài là: Nec laudibus-ne timore. Chúng ta không nên bị lung lay trước những lời khen ngợi hay phê bình của mọi người.

Kath.net Ở Ba Lan, các Giám Mục ở đó nổi bật với các hoạt động phò sinh. Đức Hồng Y có đánh giá cao nỗ lực của các ngài không?

Đức Hồng Y Gerhard Müller: Người Ba Lan đã phải chịu đựng đau khổ và chiến đấu cam go cho nền dân chủ pháp quyền và cho đức tin Công Giáo hơn bất kỳ dân tộc Âu châu nào khác trong 200 năm.

Tuy nhiên, có những định kiến ác ý đối với đất nước này. Ngay cả trong Giáo Hội cũng có những người chấp nhận một cách không phê phán những chỉ trích tào lao và các định kiến này. Sự cam kết phò sinh của các Giám Mục, linh mục và giáo dân Ba Lan bị gán cho là cuồng tín, và hành động theo một cảm giác về cơ bản là chủ nghĩa truyền thống quốc gia. Cách hành động của họ bị phê bình một cách ác ý là vẫn chưa chín muồi cho nền dân chủ sau một thời gian dài bị chế độ độc tài Cộng sản và Xã hội chủ nghĩa thống trị, theo sau sự cai trị lâu dài của ngoại bang.

Trớ trêu thay, những lời khuyên bảo dành cho người Ba Lan về các vấn đề dân chủ và cách đối phó với một xã hội thế tục hóa lại đến từ Đức và Áo, là những nơi thất bại nhất, đầu hàng nhanh nhất chủ nghĩa thế tục. Chúng ta nên cố ý thể hiện tình đoàn kết hơn nữa với anh chị em Công Giáo của chúng ta. Chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau những điều quan trọng và cùng nhau làm những điều tốt cho Giáo Hội Công Giáo trong thế giới ngày nay.


Source:Kath.net