Charles C. Camosy hiện là giáo sư thần học tại Đại Học Fordham. Ông phụ trách mục “Đạo Công Giáo Hồng” cho tạp chí Religion News Service và là tác giả của 5 cuốn sách. Tác phẩm gần đây nhất của ông, tựa là Resisting Throwaway Culture (Phản kháng Nền Văn hóa Vứt bỏ) xuất bản tháng 5 năm 2019 và đoạt giải nhất như là “Nguồn Nguyên lực của Năm” của Hiệp Hội Các Nhà Xuất Bản Công Giáo.



Trước các bức xúc hiện nay do cặp bài trùng phò phá thai Biden-Harris gây ra, Camosy viết thư ngỏ với nội dung sau đây, mong vị lãnh đạo của hơn 1 tỷ người Công Giáo hãy vạch mặt người Công Giáo giả mạo lạm dụng danh nghĩa Công Giáo để sát hại thai nhi, bằng cách đặt cuộc đấu tranh phò sinh ở trung tâm triều đại Giáo Hoàng của ngài (xem nguyên văn tại https://www.thepublicdiscourse.com/2021/01/73754/):

Thưa Đức Thánh Cha, Con vốn là người ngưỡng mộ triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha ngay từ đầu, và con vẫn phấn khích trong tám năm qua. Viễn kiến của Đức Thánh Cha đã có tính biến đổi đối với việc phát triển viễn kiến phò sinh của con, đặc biệt khi đề cập đến việc chống lại nền văn hóa vứt bỏ bằng nền văn hóa gặp gỡ và hiếu khách. Và tất nhiên triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha vốn là một triều giáo hoàng có tính biến đổi đối với Giáo hội nói chung — đề cao giáo huấn chính thống của đức tin trong khi đưa ra một kế hoạch mục vụ lấy Tin Mừng làm trung tâm để vừa vươn tay ra với những người mới vừa giữ sự tập chú của chúng ta vào người nghèo.

Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã, một cách tự ý thức, quyết định kết hợp một “sự cân bằng mới”, một sự cân bằng nhấn mạnh đúng đắn đến việc nhìn các vấn đề phò sự sống và phò gia đình truyền thống trong bối cảnh đạo đức và xã hội nhiều hơn, biết dành ưu tiên mới cho người nghèo và người xa lạ trong việc rao giảng và vận động của Giáo Hội Công Giáo. Viễn kiến này có sức mạnh và tiềm năng mang lại sự hợp nhất một cách luôn trung thành sâu xa đối với các giáo huấn của Chúa Kitô, thắng vượt sự phân cực tả-hữu đang tác động lên Giáo hội của chúng ta.

Một số người đã chỉ trích nỗ lực của Đức Thánh Cha trong việc tìm ra sự cân bằng mới đó, đặc biệt khi cho rằng Đức Thánh Cha đang hạ thấp mức độ nghiêm trọng của việc phá thai. Thưa Đức Thánh Cha, căn cứ vào cách các phương tiện truyền thông lớn đã đưa tin về triều đại của Đức Thánh Cha, điều đó có thể hiểu được, mặc dù con từng nhấn mạnh trong cuốn Resisting Throwaway Culture (Phản kháng Nền Văn hóa Vứt bỏ) rằng Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ ra sao đối với vấn đề công lý tiền sinh. Thật vậy, ngay ngày hôm sau khi cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha về sự cân bằng mới được công bố, Đức Thánh Cha đã nói với các bác sĩ sản phụ khoa ở Rome rằng: “Mọi đứa trẻ chưa sinh, dù bị kết án bất công phải bị phá thai, đều có khuôn mặt của Chúa”. Trước một nền văn hóa vứt bỏ từng hối thúc chúng ta nhìn đi lối khác, Đức Thánh Cha đã sẵn lòng coi việc phá thai như “tội ác của Đức Quốc xã đeo găng tay trắng”. Đức Thánh Cha thậm chí còn đi xa đến mức ví việc phá thai với việc thuê một sát thủ để giải quyết cho xong một vấn đề.

Đó là những tuyên bố vô cùng mạnh mẽ. Nhưng, thưa Đức Thánh Cha, con phải trân trọng nhấn mạnh một sự khác biệt đáng kể giữa Đức Thánh Cha và các vị tiền nhiệm của Đức Thánh Cha, những vị cũng đã nói một cách mạnh mẽ về những vấn đề này, ít nhất là vào thời điểm này trong triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha. Ngôn ngữ trực tiếp và mạnh mẽ của Đức Thánh Cha trong việc ủng hộ công lý tiền sinh hầu như chỉ luôn luôn xuất hiện trong những nhận xét ứng khẩu hoặc trong những tình huống kém nổi bật. Khi đụng đến những giáo huấn và tuyên bố có thẩm quyền nhất của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha thường đề cập đến việc phá thai, có, nhưng hầu như luôn chỉ là một xem xét thứ yếu hoặc một điều gì đó được đem vào danh sách dài hơn các vấn đề cần giải quyết.

Gần đây nhất, trong một cuộc thảo luận về thông điệp tuyệt vời khác của Đức Thánh Cha tức thông điệp Fratelli Tutti, con đã cho mọi người thấy con thất vọng ra sao khi Đức Thánh Cha thậm chí không đề cập đến vấn đề trẻ em trước khi sinh một chút nào lúc mở rộng một loạt các suy tư nhằm phàn nàn về các nhân quyền không đủ phổ quát. Đây là một sự thất vọng lớn, nhất là vì Đức Thánh Cha không có vấn đề gì khi viện dẫn điều này, tức những người dễ bị tổn thương nhất mang Khuôn mặt của Đấng Kitô, trong các thông điệp khác. Thưa Đức Thánh Cha, con tin việc phục tùng giáo huấn của Đức Thánh Cha, nhưng con cũng chú ý điều này là Đức Thánh Cha vốn hoan nghênh sự bất đồng từ những người trung thành với Đức Thánh Cha và Giáo hội do Đức Thánh Cha lãnh đạo. Và ở đây, con thúc giục Đức Thánh Cha hãy đưa việc Đức Thánh Cha bảo vệ mạnh mẽ những đứa trẻ trước khi sinh vào một vị thế trọng tâm hơn trong triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha. Đã đến lúc phải kiên quyết và mạnh mẽ đứng lên bảo vệ phẩm giá của các em trong một nền văn hóa ngày càng coi các em như những thứ dùng một lần rồi vứt bỏ một cách thô bạo.

Chính quê hương Argentina của Đức Thánh Cha đã trở thành chính thể mới nhất hợp pháp hóa bạo lực chống lại các trẻ em trước khi sinh. Như Đức Thánh Cha đã lưu ý trong những lá thư Đức Thánh Cha gửi cho những người phụ nữ phò sinh và những người khác trong cuộc tranh luận gay gắt, quan điểm đúng đắn về mặt khoa học ở đây là có hai sự sống con người cần phải xem xét, chứ không phải một. Điều đáng chú ý, là bộ trưởng y tế (phái nam) — khi bảo vệ dự luật hợp pháp hoá bạo lực khủng khiếp này của tổng thống (phái nam) — đã nói những sự thật mà ông không hiểu: "Ở đây không có hai sự sống như một số người nói. Rõ ràng là có một người đơn nhất còn thể kia chỉ là một hiện tượng. Nếu không phải thế, thì chúng ta đang đối diện với cuộc diệt chủng hoàn cầu vĩ đại nhất, [vì] hơn một nửa thế giới văn minh cho phép nó".

Cuộc diệt chủng hoàn cầu vĩ đại nhất. Điều đó, thưa Đức Thánh Cha, là sự thật. Thực thế, phá thai là một cuộc diệt chủng hoàn cầu vĩ đại nhất. Và nó nhắm vào những người khuyết tật, người nghèo, phụ nữ, sắc tộc thiểu số và nhiều người khác ở bên lề các nền văn hóa khắp thế giới.

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh việc phụ nữ thường là nạn nhân thứ hai của việc phá thai ra sao và thật là bất công xiết bao khi chúng ta yêu cầu họ giết con đẻ của họ để có một cảm thức bình đẳng sai lầm. Điều này được phụ nữ Argentina hiểu rõ; họ là những người đã hoàn toàn phản đối việc hợp pháp hóa phá thai ở đất nước của họ. Chưa hết, các phương tiện truyền thông lớn khắp thế giới khi đưa tin đã, một cách sai lệch, cho rằng việc mất công lý tiền sinh là do phụ nữ thúc đẩy chứ không do những người đàn ông quyền lực thực sự chịu trách nhiệm.

Và ở nhiều nơi ngoài Argentina thân yêu của Đức Thánh Cha, ánh sáng trong việc bảo vệ giá trị của những đứa trẻ này ngày càng mờ nhạt. Tổ tiên người Ái Nhĩ Lan của con chắc chắn phải trở mình trong phần mộ của họ khi Ái Nhĩ Lan bác bỏ quyền thừa kế tươi đẹp của công lý tiền sinh. Tiểu Bang New Jersey của riêng con - được lãnh đạo bởi một đảng chính trị tuyên bố muốn bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất - đang cố gắng xóa bỏ hoàn toàn mọi sự công nhận pháp lý đối với sự sống trước khi sinh. Cũng có một nỗ lực tương tự nhằm loại bỏ hoàn toàn những đứa trẻ này của Tân Tây Lan.

Thưa Đức Thánh Cha, con tin Đức Thánh Cha đúng khi kêu gọi một sự cân bằng mới trong giáo huấn của Giáo hội. Con tin rằng Đức Thánh Cha đúng khi dành vài năm đầu tiên trong triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha để xây dựng việc Giáo hội tập chú vào người nghèo và khách lạ. Nhưng với sự công nhận hợp pháp của số dân số này đang bị đe dọa hơn bao giờ hết — kể cả từ một tổng thống Hoa Kỳ theo Công Giáo mới nhậm chức, người đã cam kết làm suy yếu các thành tựu công lý tiền sinh gần đây — nay là lúc để nâng cao phía bên kia của cán cân. Phẩm giá của những đứa trẻ tội nghiệp này đang bị xóa bỏ một cách có hệ thống trong một cuộc diệt chủng ồ ạt khắp thế giới. Nếu phá thai là điều Đức Thánh Cha nói – nghĩa là giống như một tội ác của Đức Quốc xã đeo găng trắng - thì nay là lúc đặt công lý tiền sinh vào trung tâm triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha.

Điều đáng chú ý là tiếng nói mà Đức Thánh Cha xây dựng trong vài năm qua đã đặt Đức Thánh Cha vào vị trí độc đáo có thể đẩy lùi cuộc tấn công dữ dội mà những đứa trẻ này phải đối đầu. Đức Thánh Cha có thể chứng tỏ một cách chân chính việc cam kết bất bạo động, dành ưu tiên cho những người không có tiếng nói và dễ bị tổn thương, và cung cấp sự chào đón đối với những người bị thiệt thòi nhất sẽ trực tiếp dẫn đến công lý tiền sinh ra sao. Đức Thánh Cha cũng đã chứng minh chúng ta không cần phải lựa chọn giữa điều tốt cho phụ nữ và điều tốt cho những đứa con trước khi sinh của họ như thế nào. Thật vậy, chính nền văn hóa vứt bỏ của chủ nghĩa tiêu thụ đã đặt những đứa trẻ này chống lại sự phát triển rực rỡ của mẹ chúng — thay vì, như cuộc đề kháng phò sinh ở Argentina đã nhấn mạnh một cách đẹp đẽ, yêu thương cả hai.

Thưa Đức Thánh Cha, giờ đây Đức Thánh Cha có một cơ hội quan trọng trước khi ngài dẫn đầu chiến dịch tốt đẹp khắp thế giới nhằm kêu gọi chúng con thực hiện chính điều này. Giờ đây, Đức Thánh Cha hoàn toàn ở vị thế có thể nhấn mạnh việc trẻ em trước khi sinh phải được đối xử y hệt như những đứa trẻ khác theo luật pháp như một vấn đề công lý, nhưng cũng chứng tỏ điều này nhất quán (chứ không đối nghịch) ra sao với việc đối xử với phụ nữ như những người bình đẳng với nam giới. Chẳng hạn, Đức Thánh Cha có thể lãnh đạo các chiến dịch trên toàn thế giới nhằm kêu gọi tăng cường việc chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em, hỗ trợ gia đình, bảo vệ khỏi bạo lực và giáo dục cho phụ nữ — đồng thời kêu gọi việc pháp luật bảo vệ bình đẳng đối với con cái của họ, bất kể tuổi tác. Điều này, tình cờ, là một cuộc đấu tranh đầy ấn tượng cho sự viên mãn của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, một Tin mừng dành ưu tiên cho cả phụ nữ lẫn trẻ em hơn là và chống lại sự phân cực chính trị tả hữu đầy phá hoại vốn yêu cầu chúng ta phải lựa chọn giữa họ với nhau.

Thưa Đức Thánh Cha, điều trên có vẻ khá bi đát, nhưng tiền cược cao hơn chúng ta tưởng tượng, và giờ đã muộn. Phá thai vốn là “cuộc diệt chủng hoàn cầu vĩ đại nhất”, nhưng nếu không làm gì cả, các trẻ em trước khi sinh sẽ tiếp tục bị vứt bỏ một cách hợp pháp và bạo lực như những đối tượng hoặc đồ vật ở nhiều nơi trên hoàn cầu. Một lần nữa, việc Đức Thánh Cha sẵn lòng tạo ra sự cân bằng mới trong tám năm qua giờ đây đặt Đức Thánh Cha vào vị thế tốt nhất xưa nay có thể lên tiếng trong tư cách người bênh vực đích thực cho nhóm dân số bị vứt bỏ này. Con cầu xin để Đức Thánh Cha lúc này thấy thích hợp quay về với việc biến công lý tiền sinh thành trọng tâm tập chú trong triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha.