1. Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson, nạn nhân của các phương tiện truyền thông bài Công Giáo, đã qua đời
Theo Tổng giáo phận Adelaide, mặc dù ngài bị một loạt các vấn đề về sức khỏe trong những năm gần đây, bao gồm cả bệnh ung thư, nhưng cái chết của ngài vào hôm Chúa Nhật, ngày 17 tháng Giêng là điều bất ngờ đối với nhiều người.
Đức Cha Mark Coleridge, Tổng Giám Mục Brisbane, và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Úc đã tweet rằng “Đức Cha Philip Wilson, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Adelaide, đã bất ngờ qua đời vào chiều nay… một mục tử chân chính của Giáo hội và một người bạn tốt đã chịu nhiều đau khổ.”
“Vượt ra khỏi bóng tối của đồi Canvê, cầu mong cho ngài thấy được ánh sáng của Lễ Phục sinh.”
Đức Cha Wilson sinh tại Cessnock, New South Wales vào ngày 2 tháng 10, 1950. Ngài là con cả trong gia đình có 5 người con. Ở tuổi thiếu niên, ngài đã quyết định theo đuổi ơn thiên triệu và khi hoàn thành trung học, ở tuổi 18, ngài vào Chủng viện St Patrick, Manly. Năm 1974, ngài nhận được bằng Cử nhân Thần học tại Học viện Công Giáo Sydney.
Sau khi được thụ phong vào năm 1975, ngài được bổ nhiệm làm cha phó tại giáo xứ East Maitland, New South Wales. Cha sở giáo xứ là James Fletcher, là người sau này bị kết tội lạm dụng tình dục vào những năm 1970. Đức Cha Wilson chỉ ở giáo xứ này một thời gian ngắn vì sau đó ngài sang New York học về giáo dục tôn giáo tại Thành phố New York trong suốt hai năm 1977 và 78. Sau khi về lại Úc, ngài được bổ nhiệm làm Giám đốc Giáo dục giáo phận Maitland, trước khi làm Cha Tổng Đại Diện Giáo Phận.
Năm 1996, Đức Cha Wilson được bổ nhiệm thay thế Đức Cha William Murray làm Giám mục Wollongong, và vào ngày 10 tháng 7, ngài được Đức Hồng Y Edward Clancy tấn phong Giám Mục. Ở tuổi 45, Đức Cha Wilson trở thành giám mục Công Giáo trẻ nhất ở Úc.
Tháng 11 năm 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức Cha Wilson làm Tổng giám mục phó của Tổng giáo phận Adelaide, khi Đức Tổng Giám Mục Leonard Faulkner sắp nghỉ hưu. Thánh lễ chào đón ngài tại nhà thờ chính tòa Thánh Phanxicô Xaviê của tổng giáo phận Adelaide vào ngày 1 tháng Hai, 2001 là thánh lễ đầu tiên tại Úc được trực tiếp truyền hình trên Internet. Ngày 3 tháng 12, 2001, ở 51 tuổi, Đức Cha Wilson được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Adelaide. Ngài trở thành vị Tổng Giám Mục Công Giáo trẻ nhất ở Úc.
Tháng Năm 2010, một người bị cha James Fletcher lạm dụng tính dục tố cáo rằng vào năm 1976, anh ta đã xưng tội với cha Wilson là bị cha James Fletcher lạm dụng, nhưng bị ngài nạt ngang. Trong khi đó, Đức Cha Wilson nói rằng ngài không nhớ có ai xưng tội như thế hay không và ngài chỉ ở giáo xứ đó một thời gian ngắn trước khi sang New York du học.
Dưới các áp lực của các phương tiện truyền thông, tháng Ba, 2015 cảnh sát New South Wales truy tố ngài về tội “che giấu không báo cáo một tội nghiêm trọng liên quan đến trẻ em.” Đức Cha đã nộp đơn lên Tòa Thánh xin nghỉ phép vô thời hạn.
Vào năm 2018, ngài đã bị kết án che đậy tội ác của cha James Fletcher chỉ bằng vào lời tố cáo không bằng không chứng của nạn nhân này.
Ngài từ chức, nhưng tiếp tục kháng cáo. Kết quả là tòa kháng án đã bác bỏ bản án của tòa dưới.
Khi bác bỏ phán quyết kết tội của tòa dưới, thẩm phán của Roy Ellis cho biết “không có bằng chứng rõ ràng” rằng Đức Tổng Giám Mục Wilson đã được kể về vụ lạm dụng hay đã từng tin rằng nạn nhân đã bị cha Fletcher lạm dụng tính dục.
“Tôi không ở đây để trừng phạt Giáo Hội Công Giáo vì những hành vi thiếu sót về thể chế, hoặc trừng phạt Philip Wilson vì tội lỗi của James Fletcher hiện đã qua đời, bằng cách kết luận Philip Wilson có tội, chỉ đơn giản trên cơ sở rằng ông là một linh mục Công Giáo” Ellis nói.
Đức Tổng Giám Mục Patrick O'Regan, người kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục Wilson vào năm ngoái trong cương vị Tổng Giám mục Adelaide, cho biết: “Một giai đoạn khó khăn của các lời tố cáo, các cáo buộc, kết tội và cuối cùng là sự trắng án là một chương quan trọng trong cuộc đời của Đức Cha Philip, nhưng thành tích của ngài về việc ủng hộ và biện hộ cho những nạn nhân là một phần di sản quan trọng của ngài”.
“Đức Cha Philip biết những nỗi đau mà nhiều người đã phải chịu đựng và gánh chịu do những hành động bệnh hoạn của một số người trong Giáo hội. Ngài góp phần đưa ra các giải pháp, và được công nhận rộng rãi như vậy,” Đức Tổng Giám Mục O’Regan nói.
Source:Catholic Leader
2. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 17 tháng Giêng
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.
Anrê, em ông Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai Mùa Thường Niên (x. Ga 1: 35-42) trình bày cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các môn đệ đầu tiên của Người. Bối cảnh diễn ra gần sông Jordan, một ngày sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Chính Gioan Tẩy Giả đã chỉ ra Đấng Messia cho hai môn đệ ông bằng những lời này: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (c. 36). Và hai môn đệ ấy, tin tưởng vào lời chứng của Gioan, đã đi theo Chúa Giêsu. Ngài nhận ra điều đó và hỏi: “Các ngươi tìm gì?”, Và họ hỏi Người: “Thưa Thầy, Thầy đang ở đâu?” (c. 38).
Chúa Giêsu không trả lời: “Tôi sống ở Ca-phác-na-um hay ở Nadarét”, nhưng nói: “Hãy đến mà xem” (c. 39). Đó không phải là một tấm danh thiếp, mà là một lời mời đến với một cuộc gặp gỡ với Người. Cả hai đi theo Người và chiều hôm đó họ vẫn ở bên Người. Không khó để hình dung họ đang ngồi đặt câu hỏi với Ngài và hơn hết là lắng nghe Ngài nói, cảm thấy trái tim họ ngày càng ấm lên khi nghe lời Thầy. Họ cảm nhận được vẻ đẹp của lời nói đáp lại niềm hy vọng lớn lao nhất của họ. Và đột nhiên họ phát hiện ra rằng, khi trời tối xung quanh họ, thì trong họ, trong trái tim họ, ánh sáng bùng nổ mà chỉ có Chúa mới có thể ban tặng. Một điều đáng chú ý là một trong số họ, sáu mươi năm sau, hoặc có thể hơn, đã viết trong Phúc âm rằng: “Lúc đó khoảng bốn giờ chiều” (Ga 1:39), người môn đệ viết lại giờ giấc. Và đây là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ: mọi cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giêsu đều lưu lại trong ký ức sống động, không bao giờ quên được. Anh chị em quên nhiều cuộc gặp gỡ, nhưng cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Giêsu luôn luôn vẫn còn. Và những điều này, nhiều năm sau, vẫn nhớ rõ cả giờ giấc, họ không thể nào quên được cuộc gặp gỡ quá đỗi hạnh phúc, đong đầy này đã làm thay đổi cuộc đời họ. Sau đó, khi họ bước ra khỏi cuộc gặp gỡ này và trở về với anh em của họ, niềm vui này, ánh sáng này tràn ra từ trái tim họ như một dòng sông cuồng nộ. Một trong hai người, là ông Anrê, nói với anh trai mình là Simon - mà Chúa Giêsu sẽ gọi là Phêrô khi Ngài gặp ông: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia” (câu 41). Họ xác tín rằng Chúa Giêsu là Đấng Messia.
Chúng ta hãy dừng lại một chút về kinh nghiệm liên quan đến cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Đấng kêu gọi chúng ta ở với Ngài. Mỗi tiếng gọi của Chúa là một sáng kiến của tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Chúa luôn luôn là Người chủ động, Người mời gọi anh chị em. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến với sự sống, đến với đức tin, và mời gọi chúng ta đến một ơn gọi cụ thể của cuộc sống: “Ta muốn con ở đây”. Lời kêu gọi đầu tiên của Thiên Chúa là mời gọi chúng ta đến với sự sống, nơi Ngài tạo nên chúng ta như những con người; đó là một lời kêu gọi cá vị, bởi vì Thiên Chúa không làm việc theo kiểu hàng loạt. Sau đó, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đến với đức tin và trở thành một phần của gia đình Người, như con cái của Thiên Chúa. Cuối cùng, Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến với một ơn gọi cụ thể trong cuộc sống: đó là hiến mình trong con đường hôn nhân, trong đời sống linh mục hoặc đời sống thánh hiến. Đó là những cách khác nhau để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, kế hoạch mà Ngài dành cho mỗi người chúng ta, và luôn là kế hoạch của tình yêu. Chúa luôn mời gọi. Và niềm vui lớn nhất đối với mỗi tín hữu là được đáp lại lời kêu gọi này, được hiến thân phục vụ Thiên Chúa và anh em mình.
Anh chị em thân mến, đối diện với lời kêu gọi của Chúa, có thể đến với chúng ta theo hàng ngàn phương cách ngay cả thông qua những con người cụ thể, những biến cố vui buồn, đôi khi thái độ của chúng ta có thể là một sự từ chối - “ Không… tôi sợ… tôi từ chối bởi vì nó có vẻ trái ngược với nguyện vọng của chúng ta; và cũng có thể là một sự sợ hãi, vì chúng ta cho rằng nó quá đòi buộc và không thoải mái: “Ồ, tôi không làm được đâu, tốt hơn là không, tốt hơn là sống một cuộc sống yên bình… Thôi nhé, Chúa cứ ở đó, còn tôi ở đây”. Nhưng lời mời gọi của Chúa là tình yêu, chúng ta phải cố gắng tìm kiếm tình yêu đằng sau mọi tiếng gọi, và đáp lại lời mời gọi ấy bằng tình yêu. Ngôn ngữ đáp lại một lời mời gọi xuất phát từ tình yêu phải là tình yêu. Khởi đầu có một cuộc gặp gỡ, một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng nói với chúng ta về Chúa Cha, làm cho chúng ta biết tình yêu của Người dành cho chúng ta. Và rồi tự phát sinh trong chúng ta mong muốn truyền đạt điều đó cho những người chúng ta yêu thương: “Tôi đã gặp Tình yêu”, “Tôi đã gặp Đấng Messia”, “Tôi đã gặp Chúa”, “Tôi đã gặp gỡ Chúa Giêsu”, “Tôi đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống”. Nói tắt một lời: “Tôi đã tìm thấy Chúa”.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biến cuộc đời mình thành một bài thánh ca ngợi khen Thiên Chúa, đáp lại lời mời gọi của Chúa và, trong sự khiêm tốn và vui vẻ, thực hiện thánh ý Chúa. Nhưng chúng ta hãy nhớ điều này: trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, có một thời điểm mà Thiên Chúa đã làm cho sự hiện diện của Người mạnh mẽ hơn, bằng một lời kêu gọi. Hãy ghi nhớ thời điểm đó. Chúng ta hãy quay lại khoảnh khắc đó, để ký ức về khoảnh khắc đó luôn làm mới chúng ta trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm:
Anh chị em thân mến,
Tôi bày tỏ sự gần gũi với người dân trên đảo Sulawesi, Indonesia, nơi vừa gánh chịu một trận động đất rất mạnh. Tôi cầu nguyện cho những người đã chết, những người bị thương và những người bị mất nhà cửa và công ăn việc làm. Xin Chúa an ủi họ và nâng đỡ nỗ lực của những người dấn thân giúp đỡ. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho những người anh em của chúng ta ở Sulawesi, và cả những nạn nhân của vụ tai nạn máy bay diễn ra vào thứ Bảy tuần trước, cũng ở Indonesia.
Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.
Hôm nay ở Ý, Ngày dành cho việc đào sâu và phát triển cuộc đối thoại giữa người Công Giáo và người Do Thái được tổ chức. Tôi rất vui mừng với sáng kiến này đã diễn ra trong hơn ba mươi năm qua và tôi hy vọng rằng nó sẽ mang lại những hoa trái dồi dào của tình huynh đệ và sự cộng tác.
Ngày mai là một ngày quan trọng: Đó là ngày bắt đầu Tuần Cầu nguyện cho Hiệp nhất Kitô Giáo. Năm nay chủ đề đề cập đến lời cảnh báo của Chúa Giêsu: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy và anh em sẽ sinh nhiều hoa trái” (x. Ga 15: 5-9). Vào thứ Hai ngày 25 tháng Giêng, chúng ta sẽ kết thúc bằng việc cử hành Kinh Chiều tại Đền Thờ Thánh Phêrô Ngoại Thành, cùng với các đại diện của các cộng đồng Kitô khác hiện diện tại Rôma. Trong những ngày này, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để ước muốn của Chúa Giêsu được thực hiện: “Để chúng nên một” (Ga 17:21). Sự đoàn kết, luôn thắng vượt trên xung đột.
Tôi gửi lời chào thân ái đến anh chị em, những người được kết nối thông qua các phương tiện giao tiếp xã hội. Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!
Source:Holy See Press Office