Thân thế của linh mục dám đấm Giám Mục của mình tại giáo phận San Rafael
Như chúng tôi đã đưa tin, một linh mục đã hành hung Giám Mục của mình tại Á Căn Đình, quê hương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vị linh mục ấy là Cha Camilo Dib, sinh năm 1964 tại Syria.
Cha Camilo Dib, sinh năm 1964 tại Syria. Gia đình ngài theo Hồi Giáo, và đã di cư sang Á Căn Đình vào năm 1973, khi ngài lên 9 tuổi. Đầu tiên họ cư trú ở tỉnh Tucumán, rồi mới dọn về San Rafael. Năm ngài lên 11 tuổi, chị lớn của ngài kết hôn với một người Công Giáo, và cải đạo từ Hồi Giáo sang Công Giáo. Cậu Camilo Dib cũng theo gương chị gia nhập Công Giáo.
Tuy nhiên, trong một chương trình truyền hình vào năm 2014 trên Kênh 21 San Rafael, Cha Dib kể lại rằng mặc dù ngài đã được rửa tội ở tuổi 11, nhưng chỉ cốt để làm cho chị gái của ngài vui lòng, ở tuổi 19 ngài thực sự chuyển sang đạo Công Giáo và bắt đầu theo đuổi lý tưởng làm linh mục.
“Tôi yêu lý tưởng sống cho Chúa và với Chúa, và tôi thấy rằng phương cách duy nhất để dâng mình hoàn toàn cho Chúa là trở thành linh mục,” ngài nói.
Ở tuổi 24, ngài vào Chủng viện “Santa María Madre de Dios” nghĩa là “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời” ở San Rafael và được thụ phong linh mục năm 1996.
Trước khi bị treo chén, ngài là cha sở Giáo xứ Nuestra Señora del Carmen ở Malargüe.
Điều 1370, khoản 2, của bộ Giáo Luật khẳng định rằng ai hành hung một vị Giám Mục thì mắc vạ tuyệt thông tiền kết; và nếu là giáo sĩ, thì mắc vạ huyền chức tiền kết.
Sau quyết định treo chén Cha Camilo Dib, tình hình xem ra còn căng thẳng hơn trước đó.
Antonio Caponnetto - một nhà sử học và nhà báo người Á Căn Đình – ví von Cha Camilo Dib với Thánh Nicholas thành Myra (còn gọi là Ông già Noel). Thánh Nicholas được xem là một người trung thành bảo vệ đức tin vào thế kỷ thứ tư. Theo truyền thuyết, thánh Nicholas đã tát Giám Mục Arius vì tội đề xuất dị giáo trong Công Đồng đầu tiên tại Nicaea, được triệu tập bởi Hoàng đế Constantine vào năm 325 sau Chúa Giáng Sinh. Antonio cho rằng hành động của Cha Camilo Dib cũng là một hành động can đảm và cần thiết để bảo vệ đức tin.
Vào giữa tháng Sáu vừa qua, Đức Cha Taussig thông báo rằng, vì đại dịch coronavirus, các linh mục chỉ được trao Mình Thánh Chúa trên tay cho những anh chị em giáo dân trong tư thế đang đứng. Trong khi đó, nhiều giáo dân Á Căn Đình vẫn có thói quen quỳ gối rước Mình Thánh Chúa trên lưỡi. Chỉ thị của Đức Cha Taussig ngăn cấm thực hành này và đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt tại giáo phận San Rafael.
Các vị giáo sư trong chủng viện “Santa María Madre de Dios” đưa ra các lý lẽ để bác bỏ chỉ thị của Đức Cha Taussig. Cho nên, một số lớn các linh mục ở San Rafael đã không tuân thủ các chỉ thị liên quan đến việc phân phát Mình Thánh Chúa trên tay.
Đức Cha Taussig nhận xét rằng việc từ chối tuân thủ này đã gây ra “tai tiếng nghiêm trọng trong và ngoài chủng viện và trên khắp giáo phận.”
Vào ngày 20 tháng 8, Đức Cha Taussig tuyên bố rằng ngài sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt theo giáo luật đối với các linh mục kiên trì không vâng lời bằng cách cứ cho Rước lễ trên lưỡi chứ không phải trên tay, theo chỉ thị của ngài.
Tháng 10 năm nay, Đức Cha Taussig sang Tòa Thánh. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp và có những tiếp xúc với Bộ Giáo Sĩ. Sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, kể cả việc là trong vòng 15 năm qua, chủng viện đã phải có đến 7 vị giám đốc vì những mâu thuẫn trong nội bộ, Bộ Giáo Sĩ đã đưa ra quyết định đóng cửa chủng viện.
Khi trở về nước vào cuối tháng 10, Đức Cha Taussig cho biết quyết định này của Vatican và gọi đó là một quyết định “miễn bàn cãi” và sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Nhiều cuộc biểu tình lập tức nổ ra, trong đó có cả một cuộc biểu tình bằng xe hơi bên ngoài trụ sở Tòa Giám Mục San Rafael.
Để đáp lại các cuộc biểu tình này, Đức Cha Taussig đã công bố một lá thư ngày 30 tháng 10, yêu cầu người Công Giáo không “đến với những cuộc tụ họp này”, vì “chúng làm trầm trọng thêm tình hình và có thể gây hại cho chính các chủng sinh nhiều hơn, những người mà tất cả chúng ta đều muốn chăm sóc”. Ngài gọi các cuộc biểu tình là “hành động nổi loạn và tranh giành”.
Hôm 21 tháng 11, Đức Cha Taussig đã đến thăm thành phố Malargüe, cách Tòa Giám Mục 177 km để giải thích về quyết định đóng cửa chủng viện. Thánh lễ do ngài cử hành đã bị gián đoạn bởi một cuộc biểu tình của anh chị em giáo dân và cả các linh mục. Một người nào đó còn cố ý rạch lốp xe của ngài để buộc ngài phải đối chất với họ trong khi chờ một xe khác đưa ngài về.
Cha Camilo Dib, người vừa bị treo chén, đã tích cực tham gia trong cuộc biểu tình này. Vì thế, ngài bị triệu tập lên Tòa Giám Mục, nơi ngài đã đá làm hư chiếc ghế Đức Cha Taussig đang ngồi và dùng tay đấm vị Giám Mục.
Source:ACIPrensa
2. Các học giả Kinh Thánh nói Thánh Giuse đã từng thất nghiệp. Ai không có công ăn việc làm hãy chạy đến với ngài
Trong tình trạng thất nghiệp hàng loạt vẫn còn cao khi đại dịch coronavirus kéo dài, hai linh mục học giả Kinh Thánh khích lệ người Công Giáo tìm đến Thánh Giuse như một đấng bầu cử đặc biệt.
Trích dẫn cuộc chạy trốn của Thánh Gia sang Ai Cập, Cha Donald Calloway, một nhà văn chuyên viết các sách thiêng liêng về việc sùng kính các thánh, cho biết Thánh Giuse “rất đồng cảm” đối với những người đang chịu cảnh thất nghiệp.
“Bản thân ngài lúc này lúc khác đã từng thất nghiệp, chẳng hạn như trong chuyến lánh nạn sang Ai Cập”, vị linh mục nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA. “Thánh Gia đã phải thu dọn mọi thứ trong một thời gian ngắn và đến một đất nước xa lạ mà không có gì cả. Các ngài không có kế hoạch về điều đó”.
Cha Calloway, tác giả của cuốn sách “Tận hiến cho Thánh Giuse: Những điều kỳ diệu của Người Cha Linh hồn của chúng ta”, là một linh mục Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Ohio.
Ngài khẳng định rằng Thánh Giuse “một lúc nào đó chắc chắn khá lo lắng: làm sao ngài đi tìm việc ở nước ngoài, trong hoàn cảnh không biết tiếng, không biết người?”
Vào cuối tháng 11 vừa qua, khoảng 20.6 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, theo các báo cáo gần đây. Nhiều người khác đang làm việc tại nhà trong điều kiện hạn chế đi lại do coronavirus, trong khi vô số công nhân phải đối mặt với nguy cơ nhiễm coronavirus ở nơi làm việc và mang nó về nhà cho gia đình.
Cha Sinclair Oubre, một người ủng hộ nhiệt thành tầng lớp lao động, cũng nghĩ rằng chuyến lánh nạn sang Ai Cập là thời kỳ thất nghiệp của Thánh Giuse — và cũng là thời kỳ cho thấy một tấm gương về các nhân đức.
“Ngài vẫn tập trung: luôn cởi mở, tiếp tục vật lộn với cuộc sống, mà không bị suy sụp. Ngài đã có thể xây dựng kế sinh nhai cho mình và gia đình”, Cha Oubre nói. “Đối với những người thất nghiệp, Thánh Giuse cho chúng ta một gương mẫu không để mặc cho những khó khăn trong cuộc sống đè bẹp tinh thần của mình, nhưng phải tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và thêm vào đó là sự quan tâm của chính chúng ta, củng cố thái độ và đạo đức làm việc mạnh mẽ hơn”.
Cha Oubre là người điều hành mục vụ của Mạng lưới Lao động Công Giáo và là giám đốc Tông đồ Biển của giáo phận Beaumont, chuyên phục vụ những người đi biển và những người khác sinh sống bằng các công việc trên biển.
Theo Cha Calloway, hầu hết mọi người trong cuộc sống đều là những người lao động, dù là lao động chân tay hay lao động trí óc.
“Họ có thể tìm thấy một mô hình nơi Thánh Giuse Thợ”, ngài nói. “Bất kể công việc của anh chị em là gì, anh chị em có thể mang Chúa vào trong công việc của mình và điều đó có thể mang lại lợi ích cho anh chị em, gia đình anh chị em và xã hội nói chung”.
Cha Oubre cho biết có nhiều điều để học hỏi từ việc suy tư về công việc của Thánh Giuse, là đấng đã nuôi dưỡng và bảo vệ Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu. Ngài cũng là một mô hình thánh hóa thế giới.
“Nếu Thánh Giuse đã không làm những gì ngài đã làm, không có cách nào Đức Trinh Nữ Maria, một thiếu nữ đang mang thai khi chưa chính thức kết hôn, có thể sống sót trong môi trường đó”, Cha Oubre nói.
“Chúng ta phải nhận ra rằng công việc chúng ta làm không chỉ dành cho thế giới này, nhưng chúng ta có thể làm việc để giúp xây dựng Nước Chúa. Công việc mà chúng ta làm là chăm sóc các thành viên trong gia đình và con cái của chúng ta và giúp xây dựng các thế hệ tương lai từ đó”.
Cha Calloway cảnh báo chống lại “những ý thức hệ về công việc”.
“Nó có thể nô lệ hóa chúng ta. Mọi người có thể biến thành những người nghiện công việc. Có một sự hiểu lầm về ý nghĩa của công việc”, ngài nói.
Thánh Giuse đã coi trọng công việc “bởi vì, với tư cách là người được chọn làm cha của Chúa Giêsu trên trần gian này, ngài đã dạy Con Thiên Chúa cách thức lao động chân tay. Ngài được giao trách nhiệm dạy con Thiên Chúa làm thợ mộc và điều hành công việc”.
“Chúng ta làm để sống chứ không phải sống để mà làm. Nói cách khác, chúng ta không được kêu gọi trở thành nô lệ cho một thương nghiệp, hay tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trong phạm vi hạn hẹp công việc của mình, nhưng phải làm sao để công việc của chúng ta tôn vinh Chúa, xây dựng cộng đồng nhân loại, trở thành nguồn vui cho mọi người. Thành quả lao động của anh chị em là để bản thân và người khác được hưởng, nhưng không được làm tổn hại đến người khác hoặc tước đi mức lương vừa phải hoặc buộc họ phải làm việc quá sức của họ, hoặc tạo ra có những điều kiện làm việc chà đạp phẩm giá con người”.
Cha Oubre đã tìm thấy một bài học tương tự. Ngài nói rằng “công việc của chúng ta phải luôn hướng tới việc phục vụ gia đình, cộng đồng, xã hội của chúng ta và thế giới”.
Source:Catholic News Agency