Bản dịch của Vũ Văn An
Bộ Giáo Lý Đức Tin vừa cho công bố bản nhận định về tính hợp luân của việc sử dụng một số vắcxin được chế tạo từ các dòng tế bào của bào thai người bị phá đã lâu, nếu không có các vắxin khác và trong tình huống lây lan cỡ đại dịch. Thánh Bộ, tuy nhiên, nhấn mạnh rằng điều này không hề hàm nghĩa ủng hộ việc phá thai, một sự ác mà ta luôn phải chống đối. Sau đây là nguyên văn Bản Nhận Định:
Vấn đề sử dụng vắc-xin nói chung thường nằm ở tâm điểm tranh cãi trên các diễn đàn công luận. Trong những tháng gần đây, Thánh Bộ này đã nhận được một số yêu cầu xin hướng dẫn về việc sử dụng vắc-xin chống vi-rút SARS-CoV-2 gây ra Covid-19, mà trong diễn trình nghiên cứu và sản xuất, đã sử dụng các dòng tế bào lấy từ các mô thu được từ hai cuộc phá thai diễn ra trong thế kỷ trước. Đồng thời, các tuyên bố đa dạng và đôi khi mâu thuẫn nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng của các giám mục, hiệp hội Công Giáo và các chuyên gia đã nêu ra câu hỏi về tính hợp luân của việc sử dụng các loại vắc xin này.
Đã có một tuyên bố quan trọng của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống về vấn đề này, mang tên “Những suy tư luân lý về vắc-xin được điều chế từ các tế bào lấy từ bào thai người bị phá bỏ” (5 tháng 6 năm 2005). Hơn nữa, Thánh bộ này đã phát biểu về vấn đề này với Huấn thị Dignitas Personae (ngày 8 tháng 9 năm 2008, xem các số 34 và 35). Năm 2017, Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống đã quay trở lại chủ đề này bằng một Nhận Định. Các tài liệu này đã đưa ra một số tiêu chuẩn chỉ đạo tổng quát.
Vì vắc-xin đầu tiên chống lại Covid-19 đã có sẵn để phân phối và quản lý ở nhiều quốc gia khác nhau, Thánh Bộ này mong muốn đưa ra một số chỉ dẫn để làm rõ vấn đề này. Chúng tôi không có ý định đánh giá tính an toàn và hiệu năng của các vắc xin này, mặc dù có liên quan và cần thiết về mặt đạo đức, vì việc đánh giá này là trách nhiệm của các nhà nghiên cứu y sinh và các cơ quan dược phẩm. Ở đây, mục tiêu của chúng tôi chỉ là xem xét các khía cạnh luân lý của việc sử dụng vắc-xin chống lại Covid-19 vốn được khai triển từ các dòng tế bào có nguồn gốc từ các mô thu được từ hai bào thai không bị phá cách tự nhiên.
1.Như Chỉ Thị Dignitas Personae tuyên bố, trong trường hợp các tế bào từ bào thai bị phá được sử dụng để tạo ra các dòng tế bào dùng trong nghiên cứu khoa học, “có những mức độ trách nhiệm khác nhau” [1] trong việc hợp tác vào sự ác. Thí dụ, “trong các tổ chức nơi các dòng tế bào có nguồn gốc bất hợp pháp đang được sử dụng, trách nhiệm của những người đưa ra quyết định sử dụng chúng không giống như trách nhiệm của những người không có tiếng nói trong quyết định đó” [2].
2. Theo nghĩa này, khi vắc xin Covid-19 không thể bị khiển trách về mặt đạo đức không có sẵn (thí dụ: ở các quốc gia nơi các vắc xin không có vấn đề về đạo đức không có sẵn cho các bác sĩ và bệnh nhân, hoặc nơi đó, việc phân phối chúng khó khăn hơn do điều kiện bảo quản và vận chuyển chuyên biệt, hoặc khi các loại vắc-xin khác nhau được phân phối trong cùng một quốc gia nhưng cơ quan y tế không cho phép người dân lựa chọn vắc-xin để chủng ngừa) thì việc tiếp nhận vắc-xin Covid-19 đã sử dụng dòng tế bào từ bào thai bị phá trong diễn trình nghiên cứu và sản xuất của họ là điều có thể chấp nhận được về mặt đạo đức.
3. Lý do căn bản để coi việc sử dụng các loại vắc xin này phù hợp về mặt đạo đức là: kiểu hợp tác vào sự ác (hợp tác chất thể thụ động), vào hoạt động phá thai được cung cấp mà từ đó các dòng tế bào này bắt nguồn, khá xa xôi đối với những người sử dụng vắc xin phát xuất từ đó. Nghĩa vụ luân lý phải tránh việc hợp tác chất thể thụ động như vậy là không bắt buộc nếu có nguy cơ nghiêm trọng, chẳng hạn như sự lây lan không thể kiểm soát được cách khác của một tác nhân bệnh lý nghiêm trọng [3] - trong trường hợp này là sự lây lan có tính đại dịch của virút SARS-CoV-2, nguyên nhân gây ra Covid-19. Do đó, cần phải xem xét điều này: trong trường hợp như thế, tất cả các loại vắc xin được công nhận là an toàn và hữu hiệu về mặt lâm sàng đều có thể được sử dụng bởi một lương tâm tốt vì phần nào biết rằng việc sử dụng các loại vắc xin như thế không cấu thành sự hợp tác mô thức vào việc phá thai mà từ đó tế bào đã được sử dụng để sản xuất vắc xin. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng việc sử dụng các loại vắc-xin này một cách hợp luân, trong những điều kiện đặc thù vốn làm nó trở nên như vậy, tự nó không cấu thành việc hợp pháp hóa, dù là gián tiếp, cho việc thực hành phá thai, và nhất thiết phải chống lại thực hành này của những người làm ra việc sử dụng các loại vắc xin này.
4. Thực thế, việc sử dụng hợp lệ các loại vắc-xin như vậy không và không nên hàm nghĩa bất cứ cách nào rằng ở đây, có sự chứng thực về luân lý việc sử dụng các dòng tế bào từ bào thai bị phá. [4] Do đó, cả các công ty dược phẩm lẫn các cơ quan y tế chính phủ đều được khuyến khích sản xuất, phê chuẩn, phân phối và cung cấp các loại vắc xin được chấp nhận về mặt đạo đức mà không gây ra vấn đề lương tâm cho cả các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lẫn những người được tiêm chủng.
5. Đồng thời, lý do thực tế cho thấy rõ ràng rằng việc tiêm chủng, như một quy luật, không phải là một nghĩa vụ luân lý và do đó, nó phải có tính tự nguyện. Dù sao, theo quan điểm đạo đức, tính hợp luân của việc tiêm chủng không chỉ phụ thuộc vào nghĩa vụ bảo vệ sức khỏe của bản thân, mà còn là nghĩa vụ theo đuổi ích chung. Trong trường hợp không có các biện pháp khác để ngăn chặn hoặc thậm chí ngăn ngừa dịch bệnh, ích chung có thể khuyến nghị việc tiêm chủng, đặc biệt là để bảo vệ những người yếu nhất và dễ bị phơi nhiễm nhất. Tuy nhiên, vì lý do lương tâm, những người từ chối loại vắc-xin được sản xuất bằng dòng tế bào từ bào thai bị phá, phải cố gắng hết sức để tránh, bằng các phương tiện dự phòng khác và hành vi thích hợp, trở thành phương tiện lây truyền tác nhân truyền nhiễm. Đặc biệt, họ phải tránh mọi rủi ro cho sức khỏe của những người không thể tiêm chủng vì lý do y tế hoặc các lý do khác, và những người dễ bị tổn thương nhất.
6. Cuối cùng, kỹ nghệ dược phẩm, các chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng có mệnh lệnh luân lý phải bảo đảm rằng các loại vắc xin, hữu hiệu và an toàn theo quan điểm y tế, cũng như được chấp nhận về mặt đạo đức, cũng sẵn sàng có đó nơi các nước nghèo nhất ở một cách không tốn kém cho họ. Nếu không, việc không có sẵn vắc-xin sẽ trở thành một dấu hiệu khác nữa của kỳ thị và bất công khiến các nước nghèo tiếp tục sống trong tình trạng nghèo khó về sức khỏe, kinh tế và xã hội. [5]
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tại buổi Tiếp kiến dành cho Bộ trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin ký tên dưới đây, vào ngày 17 tháng 12 năm 2020, đã xem xét Nhận Định này và ra lệnh công bố.
Rôma, từ Văn phòng của Bộ Giáo lý Đức tin, vào ngày 21 tháng 12 năm 2020, Lễ kính Thánh Peter Canisius.
Luis F. Card. Ladaria, S.I.
Bộ Trưởng
+ S.E. Mons. Giacomo Morandi
Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Cerveteri
Tổng thư ký
____________________________________________________________________________
[1] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Chỉ thị Dignitas Personae (8 Tháng 12, 2008), n. 35; AAS (100), 884.
[2] Ibid, 885.
[3] Xem Hàn lâm viện Giáo Hoàng về Sự sống, “Những suy tư luân lý về vắc-xin được điều chế từ các tế bào lấy từ bào thai người bị phá bỏ”, 5, tháng 6, 2005.
[4] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Chỉ thị Dignitas Personae , n. 35:
“Khi hành động bất hợp pháp được các luật quy định về chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu khoa chấp thuận, thì cần phải tách mình ra khỏi các khía cạnh xấu xa của hệ thống đó để không tạo ấn tượng mình dung túng cách nào đó hoặc chấp nhận ngầm các hành động vốn bất chính cách nghiêm trọng. Bất cứ vẻ chấp nhận nào, trên thực tế, đều góp phần vào sự thờ ơ ngày càng gia tăng, nếu không phải là sự chấp thuận, đối với các hành động như vậy trong một số giới y tế và chính trị ”.
[5] Xem Đức Phanxicô, Diễn từ với cac thành viên của Quỹ "Banco Farmaceutico", 19 Tháng 9, 2020.