THẦN HỌC XÁC THÂN của ĐGH Gioan Phaolô II

Chương Năm: Sự Phục Sinh của Thân Xác

Bài 3


ĐGH Gioan Phaolô II viết rằng sự kết hợp với Chúa trên thiên đàng sẽ là một “việc tập trung tri thức và tình yêu vào chính Chúa, điều không là gì khác hơn là sự thông dự trọn vẹn vào đời sống nội tâm của Thiên Chúa.” Từ ngữ “thông dự” thật quan trọng và có ý nghĩa là cách thức hai hay ba người trở lên hợp lại để cùng hành động mà vẫn duy trì được cá biệt tính cũng như phẩm giá và giá trị của riêng mình, nói khác đi, đó là việc cùng kết hợp với người khác trong tình yêu.

Để am hiểu thoả đáng tư tưởng của ĐGH về điểm này, ta cần nhớ là, đối với triết gia Karol Wojtyla (sau này trở thành ĐGH Gioan Phaolô II), nhân vị tự biểu lộ qua các hành vi. Được tạo dựng như là nhân vị, con người có ý chí tự do, có thể hành động theo các lưạ chọn của mình. Không như loài vật bị điều khiển bởi bản năng, con người có khả năng tự do lưạ chọn. Khi tự do lưạ chọn để hành động, thì các tác động ấy trở thành một phần đời và uốn nắn ta. Tỉ như, ai đã lưạ chọn việc tập dương cầm thì sẽ trở thành dương cầm thủ. Qua các hành vi, ta tự uốn nắn mình, nghĩa là, ta tự xác định mình. Các hành vi của ta luôn phải phù hợp với chân lý ta biết được qua trí năng, và thân xác ta phải được điều động bởi các lưạ chọn phù hợp với chân lý. Khi ta tự do lựa chọn hành động phù hợp với chân lý và thân xác ta bộc lộ các hành vi đó ra bên ngoài, thì lúc đó ta đang tự hình thành và tự xác định. Cũng khi đó, ta vượt lên trên cái thuần thể lý. Có hai thứ siêu việt tính, chiều ngang và chiều dọc. Siêu việt tính chiều ngang là khi ta tự do lưạ chọn các hành vi của mình. Siêu việt tính chiều dọc là khi ta hành động phù hợp với chân lý. Khi tự xác định, tự siêu vượt, và hành động hoà hợp (tức là khi thân xác biểu thị điều ta lưạ chọn và biết là đúng), là ta đang hành động như một nhân vị và đang mạc khải cho thế giới biết ta là ai.

Siêu việt tính, tự xác định, và hoà hợp, đó là các nét đặc trưng của hành vi nhân linh. Khi hành động với người khác, những đặc trưng này phải được biểu tỏ. Nhưng nếu ta bị cưỡng bách làm một điều gì, thì phẩm giá và giá trị cá nhân của ta sẽ bị phương hại và xâm phạm. Nhưng làm thế nào để hành động với người khác mà vẫn giữ được phẩm giá của riêng mình? Đây là điều ĐGH gọi là thông dự. Khi hai ba người hành động theo các nét đặc trưng vừa nói (tức siêu việt tính, tự xác định, và hoà hợp) thì họ đang thông dự với nhau đó. Rocco Buttligione đã viết như sau: “’Thông dự, theo Wojtyla, chính là cách thức, qua đó, khi hành động chung với người khác, nhân vị bảo vệ được giá trị hành động của mình (nghĩa là bảo vệ được các đặc trưng--siệu việt tính, tự xác định và hoà hợp) và cùng thông dự trong việc thể hiện hành động chung và hiệu quả của nó.” Thông dự có nghĩa là không bị đối xử như một sự vật, hoặc đối xử với người khác như một sự vật, cốt là chỉ để sử dụng họ. Quả vậy, trong bất kỳ một hoạt động hợp tác nào, mỗi cá nhân đều nhìn thấy phẩm giá và giá trị của người khác. Mỗi cá nhân đều xác định phẩm giá và giá trị vô biên ấy nơi người khác và cũng cảm nghiệm được sự kiện người khác đang xác định cùng phẩm giá này nơi bản thân mình. Vì thế thông dự chính là một xác nhận phẩm giá và giá trị của chính mình cũng như của người khác.

Trên thiên đàng, sự thông dự sẽ đạt tới một tầm mức vượt xa trí tưởng tượng của ta, bởi vì sự thông dự của ta sẽ là với chính Thiên Chúa. Chính Đấng Tạo Hoá, Ngài đã tác tạo tất cả chúng ta theo hình ảnh giống như Ngài, sẽ xác nhận phẩm giá và giá trị của ta bằng cách hiến mình cho ta đến độ Ngài thấu nhập chính hữu thể ta. Phẩm giá và giá trị của ta còn có thể xác định hơn thế nào nữa qua việc Thiên Chúa tự hiến mình cho ta? Lại nữa, khi được nhuần thấm quyền năng Thiên Chúa, ta cũng sẽ có thể xác nhận Ngài bằng cách tự hiến thân cho Ngài như Ngài đã hiến mình cho ta. (Hẳn nhiên Thiên Chúa không cần đến sự xác nhận của ta, nhưng Ngài yêu thương ta quá độ đến nỗi ta có thể yêu thương (tức là thông dự với) Ngài trong cùng một cách thức Ngài yêu thương (tức là thông dự với) ta. Sự “xác nhận” Thiên Chúa sẽ là một cách trải rộng điều ta làm trên trần gian-- vượt trổi tất cả những gì ta có thể tưởng tượng được--trong lúc cầu nguyện, khi ta ca ngợi lòng nhân từ và quyền năng của Ngài.)

Trong hành vi thông dự hỗ tương này, ta sẽ cảm nghiệm được các đặc trưng--siêu việt tính, tự xác định, và hoà hợp--đến độ ta sẽ hoàn toàn trở thành điều ta phải là: đó là trở nên hình ảnh Thiên Chúa. Quả vậy, ta sẽ không bao giờ có thể đạt tới mục tiêu ấy (tức là trở nên hoàn toàn hình ảnh Thiên Chúa) cho đến khi ta lên thiên đàng, bởi vì chỉ ở trên thiên đàng ta mới có thể yêu thương hoàn toàn qua siêu việt tính, tự xác định, và hoà hợp. Nói khác đi, ta sẽ hành xử như một nhân vị. Các hành vi và các yếu tố trong hành vi của ta sẽ đạt đến một sự hoàn thiện vượt xa tất cả những gì ta có thể làm được trên trần gian.

Hơn nữa, ta chỉ có thể đạt đến mức hoàn thiện này ở trên thiên đàng, bởi vì chỉ ở trên thiên đàng ta mới hoàn toàn kết hợp với Đấng mà ta được tạo dựng theo như hình ảnh Ngài. Trong sự kết hợp này, có một trao đổi hỗ tương --mỗi người nhận được quà tăng của người khác, và theo một nghĩa nào đó, là ‘sở hữu“người khác. (Sự sở hữu này đến từ việc đón nhận quà tặng của người khác, chứ không đến từ việc làm sở hữu chủ.) “Sở hữu” Thiên Chúa có nghĩa là ta sẽ không chỉ là hình ảnh Thiên Chúa, mà còn “có” chính Thiên Chúa một cách hoàn hảo nữa. Tất cả những điều này được thể hiện qua quà tặng tình yêu Thiên Chúa, mà không hề có chuyện hoặc Chúa để mất ta (điều hoàn toàn bất khả) hay ta để mất Chúa (điều khả thể về mặt lý thuyết). Thiên Chúa không hề cuốn hút ta. Trái lại, Ngài tự hiến cho ta và làm cho ta có khả năng tự hiến mình cho Ngài. Cả Thiên Chúa lẫn con người, không ai đánh mất căn tính của mình hoặc ngừng hiện hữu, trái lại, mỗi người ‘sở hữu’ người khác qua tình yêu, được thể hiện qua siêu việt tính, tự xác định, và hoà hợp.

Hành xử hoàn toàn như một nhân vị, tự hiến thân cho Thiên Chúa trong tình yêu (qua quà tặng là ơn thánh Chúa) và đón nhận lại chính Chúa, có nghĩa là một thông dự hoàn hảo với Đấng ta được lôi kéo tới, bởi vì Ngài tạo dựng nên ta. Ta chỉ có thể mãn nguyện nơi chính Chúa, bởi vì chỉ trong Ngài, với Ngài, và nhờ Ngài mà ta mới ‘sống, cử động, và hiện hữu.’(xem CV 17:28) Chỉ khi nào đón nhận quà tặng tự hiến của Thiên Chúa trong tình yêu mà phẩm giá và giá trị của ta, xét như hình ảnh Thiên Chúa, mới được xác nhận một cách tận cùng và thoả đáng. Được kiện toàn trong cho đi và lãnh nhận, thiên đàng chắc chắn sẽ là ‘điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, và lòng chưa hề mơ tưởng.’ (xem 1 Cor. 2:9)

Trong khi mỗi người trên thiên đàng, từng cá nhân, sẽ đươc liên kết trong sự thông hiệp với chính Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ba Ngôi, thì nhờ Chúa, sẽ có một mối dây liên kết tất cả lại với nhau trên thiên đàng. “Ta phải nghĩ đến thực tại của ‘thế giới bên kia’ trong bối cảnh tái khám phá ra một chủ thể tính mới mẻ và hoàn hảo của mỗi một người, đồng thời cũng trong bối cảnh tái khám phá ra một liên chủ thể tính mới mẻ và hoàn hảo của tất cả mọi người.” Mỗi người chúng ta sẽ hoàn toàn tập trung vào Thiên Chúa, nhưng nhờ Ngài, mỗi người sẽ được liên kết với người khác trong tình yêu. Chúa sẽ “sở hữu” tất cả chúng ta, và khi đến lượt chúng ta “sở hữu” Ngài, chúng ta cũng sẽ được liên kết với mọi người khác trên thiên đàng. Như thế, trong Thiên Chúa, ta sẽ được liên kết đặc biệt với những người ta đã quen biết trên trần gian. Hẳn nhiên, đây chỉ là một trong những lý do khiến ta cầu nguyện sốt sắng cho phần rỗi của những ai ta đã yêu mến và lo lắng cho, ngõ hầu có thể gặp lại họ trên thiên đàng.

Trong ba diễn từ cuối của chu kỳ này, tức số 70-72, ĐGH Gioan Phaolô II bắt đầu phân tích những lời thánh Phaolô nói về việc phục sinh của thân xác. ĐGH ghi chú rằng cái nhìn của Phaolô khác với cái nhìn của Chúa Kitô. Khi trả lời câu hỏi của bè Sađốc, Ngài không dùng sự phục sinh của Ngài làm lý chứng cho việc phục sinh của thân xác, bởi vì biến cố đó chưa xẩy ra. Tuy nhiên, với Phaolô, vì đã chứng kiến Chúa Kitô phục sinh trên đường đi Đamascô, một vài năm sau biến cố phục sinh của Chúa, do đó ngài có thể quy hướng vào sự việc Chúa Kitô từ cõi chết sống lại. Thánh Phaolô viết: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí.” (1 Cor. 15:42-44) Rõ ràng thánh Phaolô đã đối kháng cách thức của duy nhất tính hồn-xác nơi con người tại thế (tức con người ‘lịch sử’) với cách thức mà nó sẽ trở thành trên thiên đàng khi sống lại từ cõi chết. Thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự thiêng liêng hoá của thân xác khi ngài viết rằng: “Nếu có một thân xác tự nhiên thì cũng có một thân xác thiêng liêng.” Thân xác được thiêng liêng hoá này sẽ có nhiều quyền năng và được vinh hiển. Tất nhiên những điều này đều xác nhận phân tích trước đây về câu Chúa trả lời cho bè Sađốc.

ĐGH còn cho thấy rằng trong quan điểm của Phaolô, thì thân xác được phục sinh của con người sẽ không chỉ được ‘phục hồi” lại tình trạng vô tôi nguyên thủy, nghĩa là, tình trạng trước khi phạm tội, mà sẽ có được một sự ‘viên thành mới.’ Không có nghĩa là chỉ trở về tình trạng Ađam và Evà trước khi phạm tội, bởi vì nếu thế thì con người sẽ còn hy vọng gì nữa để được chiêm ngưỡng Chúa. Không có viễn cảnh thiên đàng, không có viễn tượng thân xác được thiêng liêng hóa trong một viên thành mới-khác với tình trạng của Ađam và Evà trước khi phạm tội-thì cả kho tàng luận lý về Tạo Dựng, chưa nói đến sự Cứu Chuộc, sẽ sụp đổ ngay. Rốt cuộc, Thiên Chúa tạo dựng Ađam và Evà là để chia sẻ thiên đàng với Ngài. Tới một lúc nào đó, họ sẽ được hưởng phúc hoan lạc thiên đàng. Họ sẽ nhìn thấy Chúa ‘diện đối diện.’ Hẳn nhiên, sứ mệnh của Chúa Kitô không hề đơn giản mang ý nghĩa là chúng ta sẽ trở về với tình trạng trưóc đây mà không hề có hy vọng nhìn thấy Chúa ‘diện đối diện.’

Trong chương kế tiếp, ĐGH Gioan Phaolô II sẽ áp dụng phần phân tích về sự phục sinh của thân xác trong chương này để luận về vấn đề đồng trinh và độc thân trong đời sống của những con người ‘lịch sử,’nam cũng như nữ.

(còn tiếp)