1. Một người đàn ông bị bắt sau khi phá hoại bàn thờ của một nhà thờ Công Giáo ở Louisville

Cha sở của một nhà thờ Công Giáo ở Louisville xác nhận với các phương tiện truyền thông địa phương rằng một người đàn ông đã bị bắt vì đã làm hỏng bàn thờ của nhà thờ vào hôm Chúa Nhật 25 tháng 10.

Trong một lá thư viết cho anh chị em giáo dân của Nhà thờ Công Giáo Thánh Mạc-tin thành Tours ở Phoenix Hill, Cha Paul Beach cho biết một người đàn ông “có vẻ như đang bị ảnh hưởng bởi một cơn say ma túy” đã vào nhà thờ và làm hỏng bàn thờ.

Cha cho biết một nhân viên bảo vệ đang làm nhiệm vụ đã gọi cảnh sát.

“Cảnh sát đã phản ứng nhanh chóng và đông đủ để khuất phục cá nhân này mà không bị tổn thương. Tôi rất biết ơn vì việc thi hành nhiệm vụ đáng khen ngợi của họ,” Cha Beach viết.

Cha cho biết không có gì bị hư hại bên trong cung thánh nằm trong tình trạng không thể thay thế được và yêu cầu mọi người cầu nguyện cho người bị bắt. Ngài cũng cho biết nhà thờ tự hào vì luôn mở cửa suốt ngày và mọi ngày.

“Điều đầu tiên tôi yêu cầu anh chị em là cầu nguyện cho linh hồn khốn khổ đã thực hiện những hành vi này, là người rõ ràng là đang gặp rắc rối. Anh ta hiện đang bị cảnh sát giam giữ và sẽ bị truy tố về tội ác của mình. Xuất phát từ lòng bác ái Kitô Giáo, chúng ta phải cầu nguyện cho anh ta.”

Danh tính của nghi phạm không được tiết lộ trong bức thư mục vụ của Cha Beach, cũng như cáo buộc chống lại anh ta.


Source:News Break

2. Đức Cha Mark Seitz, Giám Mục El Paso yêu cầu cầu các linh mục làm nhiều thánh lễ hơn để đối phó với sự gia tăng các ca nhiễm coronavirus

Sự gia tăng các trường hợp nhiễm coronavirus trong khu vực đã làm tràn ngập các bệnh viện địa phương tại El Paso, Texas.

“Toàn bộ cộng đồng của chúng ta đang phải rất lo lắng về số lượng các trường hợp dương tính chưa từng có được báo cáo trong các ngày qua. Rõ ràng loại virus này, là mối đe dọa chết chóc đối với nhiều người, đang lây lan chưa được kiểm soát vào thời điểm này,” Đức Cha Seitz cho biết trong một tuyên bố bằng video hôm 22 tháng 10.

Theo AP, các quan chức y tế quận El Paso báo cáo rằng tính đến ngày 25 tháng 10 quận đã có 772 trường hợp nhiễm coronavirus mới, một ngày sau khi có các báo cáo cho rằng đã có 1,216 trường hợp nhiễm bệnh mới được báo cáo trong toàn tiểu bang. Quận El Paso hiện chiếm 20% tổng số ca nhiễm coronavirus mới ở Texas.

Trong một thông báo đưa ra hôm 25 tháng 10, quận El Paso cho rằng các bệnh viện trong khu vực đã được “căng hết công suất” và ban hành lệnh cô lập trong nhà cho người dân El Paso, cùng với lệnh giới nghiêm từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng. Các bệnh viện địa phương quá tải được báo cáo đã gửi bệnh nhân đến các bệnh viện trong khu vực San Antonio, và thống đốc Texas đã cho phép trung tâm hành chính của thành phố được sử dụng để tăng thêm ít nhất 50 giường bệnh.

Đức Cha Seitz lưu ý trong tuyên bố của ngài rằng, theo các quan chức y tế, các nguồn lây lan chính của coronavirus là các cửa hàng và nhà hàng.

“Tin tức tốt lành duy nhất từ cuộc họp báo của thị trưởng là hiện nay, không có trường hợp nhiễm bệnh nào có nguồn gốc từ bất kỳ nhà thờ Công Giáo nào của chúng ta. Chúng tôi tin rằng giới hạn của chúng ta đối với sức chứa có thể tụ họp trong các nhà thờ, cộng với các quy trình an toàn được áp dụng cẩn thận sẽ tiếp tục bảo đảm rằng mọi người có thể tham dự Thánh lễ mà không gặp rủi ro nghiêm trọng.” Tuy nhiên, ngài lưu ý rằng những người mắc bệnh mãn tính hoặc lớn tuổi và do đó thuộc nhóm nguy cơ cao hơn nên “hạn chế tham gia vào thời điểm này”. Đức Cha cũng khuyến khích các mục tử nên xem xét việc tăng thêm các thánh lễ để giảm bớt số người tham dự trong các thánh lễ.

“Tôi kêu gọi anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho toàn thể cộng đồng của chúng ta và đặc biệt là cho những người bị bệnh vào lúc này, và cho các nhà lãnh đạo của chúng ta. Tôi cũng xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Hãy yêu thương nhau, chúng ta sẽ vượt qua những khoảng thời gian khó khăn này. Xin Chúa phù hộ cho anh chị em.”

Donald “Dee” Margo là thị trưởng El Paso. Ông là một đảng viên Đảng Cộng Hòa nên người ta tin tưởng các con số báo cáo là đúng sự thật. Một số thành phố do đảng Dân Chủ kiểm soát đã đưa ra các con số giả nhằm mục đích chính trị trong cuộc bầu cử sắp đến.


Source:Catholic News Agency

3. Các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố kết thúc Tuần Cửu Nhật trước lễ tuyên Chân Phước cho cha McGivney

Hôm 30 tháng 10, các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố đã kết thúc Tuần Cửu Nhật trước lễ tuyên Chân Phước cho cha McGivney. Trong tuần chín ngày này, các tham dự viên suy tư về những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của cha McGivney, kể cả việc mục vụ, lòng bác ái đối với người nghèo, sự nâng đỡ của cha dành cho đời sống gia đình và Giáo hội tại gia.

Mỗi ngày trong tuần cửu nhật, có những kinh các tín hữu đọc để xin cha McGivney cầu bầu, cũng như suy niệm về các nhân đức cần noi theo. Ngoài ra, cũng có kinh cầu cho việc phong hiển thánh của cha, tức là cần có thêm một phép lạ được Bộ Phong Thánh chứng thực.

Trong thông cáo, ông Carl Anderson, thủ lãnh Hội Hiệp sĩ Colombo, nói rằng: “Chúng ta cầu nguyện để việc phong chân phước cho cha McGivney mang lại nhiều ân phúc, để chúng ta được tấm gương nhân đức của cha soi sáng trong việc thực hành đức tin, qua những hoạt động tốt đẹp, mưu ích cho các gia đình, xứ đạo và cộng đoàn của chúng ta”.

Lễ phong chân phước cho cha Michael McGivney đã được cử hành ngày thứ Bảy 31 tháng 10, tại nhà thờ chính tòa thánh Giuse, ở thành phố Hartford, bang Connecticut.

Hội Hiệp sĩ Colombo do cha McGivney sáng lập năm 1882, hiện nay là một hội nam giáo dân Công Giáo lớn nhất, với gần hai triệu đoàn viên, tại hơn 12 quốc gia, nhất là ở Bắc Mỹ. Năm ngoái, các Hiệp sĩ đã làm việc thiện nguyện hơn 77 triệu giờ và đóng góp 187 triệu Mỹ kim cho các quỹ bác ái.

Cha Michael McGivney sinh tại Waterbury, bang Connecticut năm 1852. Sau khi thụ phong linh mục tại Baltimore năm 1877, lúc 25 tuổi, cha phục vụ cộng đoàn những người Ailen di cư sang Mỹ, ở thành phố New Haven. Trong bầu không khí bài Công Giáo bấy giờ, cha đã thành lập Hội Hiệp sĩ Colombo để giúp đỡ tinh thần cho các nam tín hữu Công Giáo, và hỗ trợ vật chất cho các gia đình bị mất công ăn việc làm.


Source:Catholic News Agency

4. John Allen: Ngoài ‘Moviegate’, vẫn còn những câu hỏi sâu sắc về canh bạc của Vatican với Trung Quốc

John Allen, chủ biên của tờ Crux, ký giả kỳ cựu về các vấn đề liên quan đến Vatican có bài tường trình nhan đề "Beyond ‘Moviegate,’ deep questions remain on Vatican’s China gamble", Ngoài ‘Moviegate’, vẫn còn những câu hỏi sâu sắc về canh bạc của Vatican với Trung Quốc" đề cập đến mối tương quan giữa cuốn phim gây tranh cãi “Francesco” và thoả thuận Vatican - Trung quốc.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Gần 75 năm trước, trong cuốn sách “Civilization on Trial”, “Nền Văn Minh Đang Bị Thử Thách”, Arnold Toynbee đã mô tả những gì các nhà sử học đang cố gắng tìm kiếm khi họ lục lọi trong quá khứ:

“Những thứ tạo nên những hàng tít lớn nằm trên bề mặt của dòng đời, và chúng khiến chúng ta phân tâm không chú ý đến những chuyển động chậm hơn, khó hình dung, không thể cưỡng lại đang hoạt động sâu dưới bề mặt và thâm nhập vào sâu bên trong. Nhưng chính những chuyển động sâu hơn, chậm hơn làm nên lịch sử, và chúng nổi bật lên khi chúng ta nhìn lại quá khứ, khi những sự kiện giật gân chóng qua đã bị thu hẹp về chiều kích, để tương xứng với tỷ lệ thực sự của chúng”.

Nếu đã từng có một tuần mà nhịp đập của Vatican phù hợp hoàn hảo sự tương phản đó, thì điều này đã xảy ra. Hai cốt truyện đang giành giật nhau trong các tường thuật về Vatican, và cho đến nay không có đối thủ: Có một sự điên cuồng trên các phương tiện truyền thông liên quan đến việc thao túng và kiểm duyệt vài giây một phát biểu dài của Đức Giáo Hoàng về các kết hiệp dân sự trong một bộ phim tài liệu mới đã áp đảo câu chuyện về việc gia hạn thêm hai năm nữa thỏa thuận Vatican - Trung Quốc liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục.

Hãy thử đoán xem, 100 năm nữa, sự kiện nào trong hai chuyển động này sẽ có vẻ là một “sự kiện giật gân chóng qua” và sự kiện nào là “chuyển động sâu hơn, chậm hơn tạo nên lịch sử”? Và điều gây ngạc nhiên là người ta có thể cho rằng, cả hai câu chuyện đều phản ánh cùng một bản tính rõ rệt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Liên quan đến những gì diễn ra trong câu chuyện Moviegate, giờ đây người ta xác định rằng một đoạn clip từ phim tài liệu “ Francesco” của nhà làm phim người Nga Evgeny Afineevsky, trong đó Đức Giáo Hoàng nói về sự công nhận hợp pháp đối với “sự chung sống dân sự” của người đồng tính thực sự được rút ra từ cuộc phỏng vấn năm 2019 với nhà báo người Mễ Tây Cơ Valentina Alazraki. Phần này không được công bố vào thời điểm đó vì Vatican kiểm soát máy quay phim và kiểm soát việc biên tập đoạn băng trong cuộc phỏng vấn với Alazraki, và khi nó được gửi lại cho cô ấy, phần liên quan đến kết hiệp dân sự đã không còn nữa.

Khám phá đó đã dẫn đến một loạt các tiêu đề trên các tờ báo của Ý về việc Vatican “kiểm duyệt” giáo hoàng, một thực tế có lịch sử lâu đời và nổi bật ở đây - nó đủ để gợi nhớ cách mà tờ Quan Sát Viên Rôma bỏ hẳn hoặc chọn lọc, chỉnh sửa các bình luận của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII về Công đồng Vatican II, đó là chưa kể về những tranh cãi gần đây hơn liên quan đến nỗ lực của Vatican nhằm loại bỏ một phần bức thư của Đức Bênêđíctô XVI liên quan đến một cuốn sách mới.

Rõ ràng, Vatican đang ở chế độ “chữa cháy” hoàn toàn (full damage-control). Hôm thứ Năm, tờ báo Ý Il Fatto Quotidiano đã công bố một bản ghi nhớ nội bộ được gửi cho tất cả các nhân viên truyền thông, trong đó có các mệnh lệnh phải thi hành: “Hiện tại, chúng ta sẽ không đưa ra BẤT KỲ tin tức nào, trên radio hay web. Sẽ không có gì liên quan đến cuốn phim hay giải thưởng hôm nay ở Vatican. Có một cuộc tái xét đang được tiến hành để đối phó với cuộc khủng hoảng truyền thông đang diễn ra và không loại trừ khả năng sẽ có một tuyên bố từ phòng Báo chí Tòa Thánh”.

Đó là vào giữa tuần, và, cho đến thời điểm này, một tuyên bố từ Phòng Báo Chí Tòa Thánh vẫn chưa xuất hiện.

Tuy nhiên, thành thật mà nói không có chi tiết nào trong những điều này thực sự quan trọng ở cấp độ bức tranh lớn, vì Đức Phanxicô đã có thành tích không phản đối các kết hiệp dân sự. Nếu ngài không hài lòng với ấn tượng cho rằng ngài hiện đang công khai ủng hộ điều đó, ngài có thể dễ dàng nói như vậy, nhưng sự im lặng của ngài đang xác nhận ấn tượng ấy hùng hồn không kém.

Trong khi đó, đối với Trung Quốc, tương đối ít có các phản ứng hơn có lẽ vì thực tế là Vatican đã không bỏ lỡ cơ hội nào trong vài tuần qua – bao gồm một cuộc phỏng vấn gần đây của Crux với Đức Tổng Giám Mục người Anh Paul Gallagher, về thực chất là Bộ trưởng ngoại giao của Vatican - để cho chúng ta biết chính xác những gì các ngài muốn làm, đó là việc gia hạn thỏa thuận trong hai năm, và tại sao.

Thỏa thuận với Bắc Kinh, mà các điều khoản vẫn chưa bao giờ được công bố, cho đến nay là một phát triển có những hậu quả dài hạn hơn.

Thứ nhất, Trung Quốc là một siêu cường toàn cầu và khả năng của Vatican trong việc tác động đến chương trình nghị sự toàn cầu trong phần còn lại của thế kỷ 21 sẽ tăng hay giảm một phần là do khả năng can dự một cách hiệu quả với Trung Quốc. Thứ hai, Giáo Hội Công Giáo Rôma có một hệ thống hành chính chủ yếu là tản quyền, trong đó các giám mục được trao các quyền hạn rất lớn, vì vậy không có bất kỳ hành động nào của Đức Giáo Hoàng quan trọng cho bằng việc quyết định ai được bổ nhiệm. Khi Giáo Hội nhường một phần quyền tự chủ của mình trong việc đưa ra những lựa chọn đó, thì các hệ quả [hay hậu quả] có khả năng là rất lớn.

Thực tế, Vatican đang tung con xúc xắc lịch sử đối với Trung Quốc. Bất chấp sự thất vọng của Rôma với việc thực hiện thỏa thuận, đã được ghi lại rất nhiều trong cuộc phỏng vấn của Crux với Đức Tổng Giám Mục Gallagher, và bất chấp hồ sơ đáng âu lo của Trung Quốc về nhân quyền và tự do tôn giáo, về lâu dài, Vatican đang tin rằng có một giám mục đoàn hiệp nhất tại quốc gia này, được Đức Giáo Hoàng công nhận, theo thời gian, sẽ sản sinh ra một Giáo Hội địa phương mạnh hơn và ổn định hơn.

Đồng thời, Vatican cũng đang trong một canh bạc khi cho Bắc Kinh hầu hết những gì nó muốn trong thỏa thuận này nhằm tiếp tục cuộc đối thoại, đẩy Rôma vào trong một vị thế có thể thúc đẩy dần các nhà chức trách Trung Quốc trên một loạt các mặt trận.

Điều này lại đưa chúng ta đến sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt cả hai cốt truyện: Bản tính của Đức Thánh Cha Phanxicô khi đối mặt với những tác nhân khiếm khuyết về mặt đạo đức, dù là con người hay quốc gia, là tìm cách gặp họ ở nửa đường, hy vọng rằng sự gần gũi sẽ đưa họ đi xa hơn trên con đường.

Liệu điều đó có hiệu quả hay không, về phương diện thái độ và hành vi trong cộng đồng những người đồng tính và chuyển giới, cũng như trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, vẫn còn phải chờ xem. Tuy nhiên, điều chúng ta có thể nói chắc chắn là những câu hỏi đó, chứ không phải chính xác những gì đã xảy ra trong phòng cắt của “Francesco”, mới là những câu hỏi mà các nhà sử học tương lai có nhiều khả năng suy ngẫm nhất.


Source:Crux