1. Tổng thống Trump cảnh báo cử tri tại Michigan: 'Nếu Biden thắng, Trung Quốc thắng'

Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các cuộc tấn công của mình đối với ứng cử viên Dân chủ Joe Biden, cáo buộc rằng ông Joe Biden đã đứng về phía tả khuynh trong đảng Dân Chủ và đứng về phe Trung Quốc.

Tổng thống Trump đã thắng tại Michigan với một chiến thắng sít sao chưa đến 11,000 phiếu trong cuộc bầu cử vào năm 2016, trở thành ứng cử viên Cộng hòa đầu tiên chiến thắng tại tiểu bang này kể từ thời ông Bush cha vào năm 1988.

Phát biểu trước đám đông ở Freeland, tổng thống cảnh báo các cử tri rằng nếu đắc cử, ông Biden sẽ đẩy công việc của người Mỹ cho Trung Quốc.

“Nếu Biden thắng, Trung Quốc thắng. Nếu Biden thắng, những kẻ gây rối sẽ thắng. Nếu Biden thắng, những kẻ bạo loạn và vô chính phủ, những kẻ đốt phá và đốt cờ sẽ thắng,” ông nói.

Tổng thống Trump cho biết bất chấp thành tích ôn hòa trong Quốc Hội của ông Biden, ông hiện đang đứng về phía cánh tả của đảng Dân chủ.

“Joe Biden đã đưa ra các chính sách cực đoan nhất và đó không phải là ông ta. Ông ta không thể soạn ra một nghị quyết với những chính sách ông ta chưa hề biết. Đó là những người cực đoan cánh tả của ông ta.”

“Đó là Alexandria Ocasio-Cortez. Tất cả là những người này, Bernie Sanders. Chính là Bernie. Chính là Kamala, người cực đoan nhất trong Thượng viện Hoa Kỳ, Kamala.”


Source:Sky News Australia

2. Trung Quốc cáo buộc Australia 'khủng bố trắng' đối với các nhà báo Trung Quốc

Căng thẳng lại dâng cao giữa Úc và Trung Quốc. Trong cuộc họp báo sáng thứ Sáu 11 tháng 9 tại Bắc Kinh, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian - 赵丽坚) đã lên tiếng cáo buộc Úc đang “đàn áp khủng khiếp” và phạm vào tội “khủng bố trắng” các nhà báo Trung Quốc.

Diễn biến này đã xảy ra sau khi Úc trục xuất hai ký giả Trung Quốc bị nghi ngờ là có âm mưu xâm nhập vào Quốc Hội tiểu bang New South Wales.

Hai học giả hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Úc cũng bị cuốn vào cuộc điều tra này, dẫn đến việc họ bị thu hồi thị thực nhập cảnh.

Trong một bài báo được công bố trên một cơ quan ngôn luận của bọn cầm quyền Bắc Kinh, Tờ Hoàn Cầu Thời Báo cảnh giác rằng Úc đang chọc giận Trung Quốc trong “chiến dịch săn phù thủy” này.

Tờ báo viết:

“Các chiến dịch săn phù thủy dưới cái cớ gọi là điều tra sự xâm nhập của Trung Quốc, thúc đẩy bởi các bộ phận an ninh của Úc, là đáng phẫn nộ. Cái gọi là tự do báo chí và tự do ngôn luận của Australia đã hoàn toàn trở thành một trò đùa.”

Một trong những học giả bị thu hồi thị thực là ông Trần Hồng (Chen Hong, 陈红) giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Úc tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, đã bác bỏ các cáo buộc của chính phủ Úc.

Ngược lại, hai ký giả của Úc đang làm việc tại Bắc Kinh là Bill Birtles của ABC và Mike Smith của Australian Financial Review đã buộc phải chạy khỏi Trung Quốc sau những đe dọa của các cơ quan an ninh Bắc Kinh. Họ bị đe dọa bỏ tù và cấm không được xuất cảnh khỏi Trung Quốc. Lệnh cấm xuất cảnh sau đó được dỡ bỏ sau các cuộc đàm phán của các nhà ngoại giao Úc Đại Lợi với bọn cầm quyền Trung Quốc. Ngày sau khi lệnh cấm này được dỡ bỏ, hai ký giả đã lên chuyến bay sớm nhất chạy khỏi Hoa Lục.

Các hãng truyền thông Trung Quốc cũng cáo buộc rằng các cơ quan an ninh của Úc Đại Lợi đã đột kích vào tư gia của một số nhà báo Trung Quốc vào tháng 6 liên quan đến cuộc điều tra về những can thiệp của nước ngoài liên quan đến nghị sĩ New South Wales Shaoquett Moselmane.


Source:Sky News Australia

3. Những câu hỏi quan trọng đối với người Công Giáo trong cuộc bầu cử 2020

Philip Lawler của Catholic World News có bài xã luận xúc tích sau về cuộc bầu cử năm nay tại Hoa Kỳ. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch sang Việt Ngữ của Kim Thúy.

Một lần nữa lại là mùa ngớ ngẩn: người Mỹ chúng ta đang bước vào những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy đủ loại tuyên bố giật gân về việc ứng cử viên này hay ứng viên kia là hiện thân của cái ác, một mối đe dọa đối với nền văn minh phương Tây. Điều này xảy ra bốn năm một lần.

Năm nay áp suất tuyên truyền sẽ đặc biệt được chú ý vì đất nước chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị. Chúng ta đang bị chia rẽ nghiêm trọng, các cuộc đối đầu bạo lực đang lan rộng và leo thang, và có sự khác biệt ngày càng lớn về quan điểm đối với các vấn đề đạo đức cơ bản. Cứ 4 năm một lần các đảng phái nói rằng họ sợ hãi trước khả năng các đối thủ của họ có thể lên nắm quyền. Năm nay tôi nghĩ họ thực sự nghĩ như vậy.

Tối thiểu là đối với những tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ, chúng ta có các lý do để sợ hãi. Các chính trị gia theo chủ nghĩa cấp tiến cực đoan không chỉ đe dọa ban hành các chính sách mà chúng ta thấy ghê tởm, mà còn đóng cửa các tổ chức của chúng ta và tống chúng ta vào tù nếu chúng ta chống lại các sáng kiến của họ.

Trong những năm qua, những người ủng hộ sự sống đã lo lắng rằng những người theo chủ nghĩa cực đoan sẽ hợp pháp hóa việc phá thai... rằng họ sẽ buộc người đóng thuế phải trả tiền cho việc phá thai... rằng họ sẽ biến việc chấp nhận phá thai trở thành một điều kiện để nhận viện trợ của Mỹ ở nước ngoài... rằng họ sẽ cho phép thanh thiếu niên được phá thai mà không cần sự đồng ý của cha mẹ… rằng họ sẽ đóng cửa các trung tâm trợ giúp mang thai không cung cấp giấy giới thiệu phá thai. Tất cả những lo sợ đó đã được chứng minh là hợp lý.

Tương tự như vậy, các Kitô hữu từng lo lắng rằng chính phủ sẽ cho phép các hành vi đồng tính luyến ái… sẽ công nhận quan hệ đồng giới… sẽ đặt những quan hệ đối tác đó ngang hàng với hôn nhân về phương diện pháp luật… sẽ khuyến khích những người trẻ chấp nhận đồng tính luyến ái… sau đó sẽ thúc giục sự chấp nhận các lựa chọn tình dục khác… và tán thành việc thay đổi bản sắc để theo đuổi “bản sắc phái tính” mới. Tất cả những điều đó, cũng đã được thông qua.

Hãy cân nhắc xem những người theo chủ nghĩa thế tục cực đoan đã đẩy mạnh được nghị trình xã hội cấp tiến của họ như thế nào trong thế hệ trước — hoặc thậm chí trong mười năm qua. Hãy tưởng tượng họ sẽ đẩy xa hơn bao nhiêu, và nhanh hơn bao nhiêu nếu họ kiểm soát được tất cả các cánh tay của chính phủ liên bang! Mối nguy đặc biệt nghiêm trọng bởi vì năm nay, các nhà tuyên truyền cấp tiến đã nói rõ rằng mục tiêu của họ là bịt miệng đối thủ.

Không phải ngẫu nhiên mà Joe Biden, một người Công Giáo tự xưng mình là người “sùng đạo”, đã hứa sẽ lặp lại những cuộc tấn công ở cấp liên bang đối với dòng Những nữ tử cho người nghèo, nhằm bảo đảm rằng không có, ở bất cứ nơi đâu trong bất cứ ngóc ngách nào của nước cộng hòa này, một hội dòng các nữ tu Công Giáo dám không bao gồm bảo hiểm tránh thai trong chương trình bảo hiểm y tế của họ. Mục tiêu của cánh tả cực đoan - vốn đã trở thành mục tiêu của Đảng Dân chủ - không chỉ đơn thuần là cung cấp các biện pháp tránh thai, mà là bắt buộc phải thanh toán các biện pháp tránh thai.

Đảng chính trị nào đã thúc đẩy pháp luật để bịt miệng những người biểu tình ủng hộ cuộc sống trên các vỉa hè bên ngoài các phòng khám phá thai? Đảng nào đã gợi ý rằng các thành viên của đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố không đủ điều kiện để làm thẩm phán liên bang? Đảng nào đã ủng hộ các vụ kiện đòi phải đóng cửa những người làm bánh đã chọn không phục vụ cho đám cưới đồng tính? Các thống đốc của đảng nào đã đi đầu trong việc đóng cửa các nhà thờ trong thời kỳ đại dịch Covid — trong khi các phòng khám phá thai vẫn được mở cửa? Nghị quyết của đảng nào đã tán thành các chính sách chụp mũ Tin Mừng là các “diễn từ căm thù” để khiến các Kitô hữu phải đứng sau song sắt nếu rao giảng Tin Mừng?

Tóm lại, đối với nhiều người trong chúng ta, câu hỏi quan trọng trong cuộc bầu cử năm nay là: Ứng cử viên tổng thống nào có nhiều khả năng khiến bạn phải ngồi tù hơn? Không có gì ngạc nhiên khi các luận điệu đang được tung ra rất là nóng.


Source:Catholic World News

4. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng thỏa thuận với Vatican đã được 'thực hiện thành công'

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Năm rằng thỏa thuận tạm thời của Trung Quốc với Vatican đã “được thực hiện thành công. “

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian - 赵丽坚) đã đưa ra nhận xét trênvài ngày trước khi thỏa thuận tạm thời được ký kết bởi Vatican và Trung Quốc vào ngày 22 tháng 9 năm 2018, sắp hết hạn.

“Với những nỗ lực phối hợp từ cả hai bên, thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục giữa Trung Quốc và Vatican đã được thực hiện thành công kể từ khi được ký khoảng hai năm trước,” Triệu Ly Kiên cho biết tại một họp báo ngày 10 tháng 9.

Bloomberg đưa tin vào ngày 9 tháng 9 rằng hai nguồn tin ẩn danh đã nói rằng thỏa thuận sẽ được gia hạn trong những tuần tới.

Sau thỏa thuận này, và phù hợp với chương trình Trung Quốc hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quan chức nhà nước ở các vùng khác nhau tại Hoa Lục đã tiếp tục loại bỏ thánh giá và nhiều nhà thờ đã bị phá hủy. Các tín hữu và hàng giáo sĩ Công Giáo thầm lặng tiếp tục bị quấy rối và giam giữ.

Triệu Ly Kiên nói tiếp rằng Vatican và Trung Quốc đã “tích lũy thêm sự tin cậy và đồng thuận với nhau thông qua một loạt các tương tác tích cực” kể từ đầu năm 2020, với lý do hỗ trợ lẫn nhau trong đại dịch COVID-19.

Sau thời gian đại dịch coronavirus, Hiệp hội Công Giáo Yêu nước và Ủy ban hành chính giáo dục Công Giáo Trung Quốc thuộc tỉnh Chiết Giang đã ban hành quy định mới về việc mở lại các nhà thờ với yêu sách là các nhà thờ phải tăng cường giáo dục “lòng yêu nước” trong các cử hành phụng vụ.

Vào ngày 1 tháng 7, Luật An ninh Quốc gia có hiệu lực tại Hương Cảng nhằm hình sự hóa các danh mục mới là “ly khai”, “lật đổ”, “khủng bố” và “thông đồng với lực lượng nước ngoài”. Bất kỳ ai bị kết án theo luật mới này sẽ bị phạt tối thiểu 10 năm tù, và có khả năng bị kết án chung thân.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, nói rằng ngài “không tin tưởng rằng Luật An ninh Quốc gia mới sẽ tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người Công Giáo”.

Cha Bernardo là giám đốc Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại và từng là một linh mục hoạt động nhiều năm ở Trung Quốc, nhận xét rằng đây là lần đầu tiên một quan chức Trung Quốc lên tiếng về thỏa thuận này.

Ngài nhận định rằng việc Trung Quốc giữ im lặng về thỏa thuận này để lại cho ngài ấn tượng rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể coi hiệp định này là một điều gì đó có chút tích cực nào đó, nhưng theo quan điểm của họ, “những rủi ro ngày càng tăng đến mức họ phải yêu cầu Vatican đáp ứng mọi thứ.”

Ngài nhấn mạnh rằng, mọi thứ, theo nghĩa này, có nghĩa là “Vatican phải cho phép mọi thứ mà Trung Quốc làm, và chắc chắn phải làm gián đoạn quan hệ với Đài Loan.”

Ngài nhận xét cay đắng rằng: “Bản thân thỏa thuận này là nhằm bổ nhiệm các giám mục mới, nhưng từ khi đạt được thỏa thuận cho đến nay, không một giám mục mới nào được bổ nhiệm”. Cha Bernardo lưu ý rằng hai giám mục đã được bổ nhiệm và ba vị khác đã được Bắc Kinh công nhận trong hai năm qua, đều đã được lựa chọn nhiều năm trước khi thỏa thuận được ký năm 2018.

“Vì vậy, ta không thể nói rằng nhờ có thỏa thuận mà tất cả những điều này đã xảy ra.”

Trong thực tế, cả ba vị vừa được Bắc Kinh công nhận là các vị đã chấp nhận gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước. Nhiều người không ngại gọi các ngài là các “hồi chánh viên”. Và cùng với hành động hồi chánh này 3 giáo phận thầm lặng bị xóa sổ.


Source:Catholic News Agency