Thượng nghị sĩ Kamala Harris được Đảng Dân Chủ và phần lớn các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ chào đón như vị cứu tinh của họ trong mưu toan lật nhào Donald Trump khỏi ghế Tổng thống Hợp Chúng Quốc.
Việc chào đón ấy không hẳn là không có cơ sở vì quả thực Kamala Harris có nhiều ưu điểm mà nổi bật hơn cả là phụ nữ, da mầu, gốc Á Phi. Nhưng nghĩ cho cùng thì các nhóm người này xưa nay vốn đa phần đã nghiêng về Đảng Dân Chủ rồi và nếu các cuộc thăm dò mới đây không sai, thì xu hướng chính trị của họ không có gì thay đổi trong cuộc bầu cử năm nay tại Hoa Kỳ.
Có lẽ vì thế mà chiến dịch của Đảng Dân Chủ cố gắng tô bóng yếu tố tôn giáo như là ưu điểm của Kamala Harris trong cuộc bầu cử năm nay. Thực vậy, ngay trong ngày Harris được mời vào liên danh do Biden lãnh đạo, hãng tin Religion News Service (và được Tạp chí America của các Cha Dòng Tên Mỹ truyền tải) có bài nói đến 5 sự kiện đức tin của bà, cho rằng ít có, hay đúng hơn chưa có, ứng cử viên phó tổng thống nào được tiếp xúc với các tôn giáo thế giới nhiều như Kamala Harris! Bà được nuôi dưỡng bằng Ấn độ giáo và Kitô giáo; bà lấy một người Do thái giáo (Douglas Emhoff); từng bị chỉ trích không chịu tích cực trợ giúp các vụ kiện dân sự chống hàng giáo sĩ Công Giáo lạm dụng tình dục lúc làm công tố viên; khi làm bộ trưởng tư pháp California, yêu cầu Tối cao Pháp viện Hoa kỳ bác bỏ yêu cầu của Hobby Lobby trong việc từ khước cung cấp bảo hiểm ngừa thai cho các phụ nữ vì các niềm tin tôn giáo của chủ nhân công ty này; khi vận động tranh chức ứng cử viên tổng thống, bà thường dùng dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu của Tân Ước và hay trích dẫn Thần học Giải phóng.
Sau đó 2 ngày, hãng tin này cho chạy hàng tít: “Kamala Harris is the future of American religion” và được tạp chí America của các Cha Dòng Tên giúp phổ biến.
Tác giả bài báo trên quả quyết rằng “Bà hiện thân cho tương lai tôn giáo Hoa Kỳ: trong thời thuyết đa nguyên tôn giáo đang mở rộng, thế hệ trẻ hơn của đất nước, mà nhiều người vốn là con cháu di dân, sẽ nhận ra nơi Harris một loại đức tin liên tôn và một thống thuộc tinh thần không quen thuộc đối với phần lớn đa số người da trắng theo Kitô giáo của các thập niên trước đây”.
Tác giả bài báo mô tả Harris như người lớn lên trong một gia hộ tiếp nhận cả các thực hành Kitô Giáo lẫn Ấn Giáo, từng kết hôn với một người Do Thái giáo, hiện theo giáo phái Baptist. Tóm lại một bối cảnh tôn giáo mà người ta vốn gọi là chiết trung, hầm bà làng, không tha thiết với tôn giáo truyền thống. Rất khác với liên danh Trump-Pence, cả hai đều là da trắng, theo Thệ Phản và là đàn ông.
Bối cảnh chiết trung tôn giáo trên không mạnh đủ để lái Harris khỏi khuynh hướng bài Kitô giáo, nhất là Công Giáo. Chính vì thế, ngay sau khi được đề cử vào liên danh Dân Chủ, Harris đã bị một Giám Mục Công Giáo là Đức Cha J. Strickland của giáo phận Tyler, Texas “tweeted”: “xin người Công Giáo lưu ý... nhắc tôi nhớ một ứng cử viên nữa gọi chúng ta là ‘những kẻ tồi tệ’... chúng ta cần tỉnh táo đối với người này...” và ngài nhắc mọi người đọc bài báo “Kamala's Anti-Catholic Assault Previews Her Potential Administration” của Paulina Enck, viết 1 ngày sau khi Harris được Biden đề cử.
Trọng tâm của bài báo đề cập tới việc Harris tin rằng đạo Công Giáo là một mớ quan điểm cực đoan khiến phải loại bỏ tín đồ của nó khỏi chức vụ công.
Thực vậy, trong buổi điều trần để xác nhận việc bổ nhiệm thẩm phán liên bang Brian Buescher, vốn là người Công Giáo và là hội viên của Hội Hiệp Sĩ Columbus, Harris hạch hỏi liệu tư cách hội viên của một nhóm lấy nền thần học Công Giáo làm nền tảng cho các lý tưởng của mình có ngăn cản hội viên này trở thành một thẩm phán tốt, khách quan hay không. Một thượng nghị sĩ Dân Chủ khác là Mazie Hirono hạch hỏi sỗ sàng hơn rằng liệu ông ta có sẵn sàng rời bỏ Hội Hiệp Sĩ Columbus hay không khi trở thành thẩm phán liên bang, để tránh các “chủ trương cực đoan”.
Câu hỏi của Harris đặt ra cho Ông Buescher là “ông có biết Hội Hiệp Sĩ Columbus chống đối quyền của một người đàn bà được chọn lựa khi ông tham gia tổ chức này không? ”. Chưa hết, sau đó, Harris còn tỏ ra gớm ghiếc vì nhóm này chống đối cả hôn nhân đồng tính...
Họ có biết đâu rằng chống đối việc phá thai và hôn nhân đồng tính, chứ không phải những con người phá thai và những con người đồng tính, vốn là chủ trương của chính đạo Công Giáo, một tôn giáo được ít nhất 1 phần tư người Hoa Kỳ tin theo. Thành thử chống các lập trường này là chống đạo Công Giáo nói riêng, và chống tôn giáo nói chung, một điều đi ngược lại hiến pháp Hoa Kỳ, hiến pháp mà họ, người đại diện nhân dân Hoa Kỳ, tuyên thệ bảo vệ.
Tu chính án thứ nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ nói rất rõ: “Quốc Hội không được làm bất cứ đạo luật nào chống lại việc thiết lập tôn giáo, hay ngăn cấm việc tự do thi hành nó”.
Tony Gutiérrez, chủ bút sáng lập viên tờ Arizona Angelus, một tập san Công Giáo ở Arizona, và là hội viên của Hội Hiệp Sĩ Columbus đã 15 năm nay, nhân dịp này, cũng đã nhắc lại cuộc điều trần xác nhận việc bổ nhiệm Ông Buescher làm thẩm phán liên bang.
Gutiérrez cho hay khi làm bộ trưởng tư pháp tại California, Harris hỗ trợ dự luật đòi các trung tâm thai nghén phò sinh phải thông tri cho mọi khách hàng của mình biết các chương trình của Tiểu Bang cung cấp phá thai.
Riêng về việc hạch hỏi Ông Buescher trong buổi điều trần, Gutiérrez cho rằng Harris hoàn toàn phiến diện, chỉ lưu ý tới việc phá thai mà quên đi các đóng góp to lớn của Hội Hiệp Sĩ Columbus trong việc giúp đỡ người túng thiếu, các trung tâm khủng hoảng thai nghén, quyên góp tiền bạc cho các trẻ em khuyết tật...
Hành vi hạch hỏi của Harris cũng có tính phản hiến, vì, theo Gutiérrez, Hiếp Pháp Hoa Kỳ nói rõ “không xét nghiệm tôn giáo nào được đòi hỏi như là điều kiện để nhận bất cứ chức vụ nào bao giờ...”.
Nhân dịp này, Gutiérrez thắc mắc không biết một người được đề cử vào chức vụ công phò phá thai nhưng đồng thời là hội viên của Hội Hiệp Sĩ Columbus, có bị hạch hỏi như Ông Buescher hay không? Bởi vì cố Thượng nghị sĩ Ted Kennedy, một người nổi tiếng phò phá thai cho tới lúc chết, vốn là một Hiệp Sĩ Columbus, mà lại là một hiệp sĩ cấp cao (cấp ba). Tư cách hội viên của Hội Hiệp Sĩ này đâu có làm gì phương hại đến chức vụ công sáng chói của Ted Kennedy!
Gutiérrez cũng nhắc lại các đóng góp của Hội trong rất nhiều chương trình phục vụ xã hội, nhà ở và tiếp đón di dân. Trong thời gian các trẻ em một mình vượt biên giới Mỹ Mễ bị giam trong các trại tạm giam di dân, chi hội ở Phoenix, mà Gutiérrez vốn thuộc về, đã làm món ngô nghiền với thịt và ớt (tamales) mang đến cho các em và tổ chức mua vui cho các em. Hay trong vụ “bão trong đất liền” vốn gọi là derecho ở Iowa ngày 10, tháng này, khiến 10 triệu mẫu Anh hoa mầu bị hư hại cùng nhiều nhà cửa và cơ sở kinh doanh bị thiệt hại, Hội không những giúp tiền bạc cho những gia đình túng thiếu mà còn cả hàng ngàn giờ thiện nguyện giúp dẹp rác rưởi, trong lúc phải giữ gián cách xã hội vì Covid-19. Hội cũng cung cấp hàng ngàn bữa ăn cho 3, 000 nhân viên điện lực đang cố gắng dựng lại mạng điện bị hủy vì cơn bão...
Chỉ có thể kết luận Harris hoàn toàn bị bít kín bởi cái nhìn ý thức hệ lầm lẫn về Đạo Công Giáo. Thành thử việc Biden mời bà đứng chung liên danh chỉ càng làm nhãn hiệu “Công Giáo ngoan đạo” của ông trở thành trơ trẽ thêm.
Theo hãng tin CNA, mặc dù cho rằng các nữ tu đã kích thích ông ra tranh cử nhưng cùng một lúc, ông lại đoan hứa sẽ đưa các Tiểu Muội Người Nghèo ra tòa buộc họ phải cung cấp bảo hiểm ngừa thai cho công nhân, Biden đã quyết định sẽ dùng đức tin Công Giáo làm chủ đề tranh cử.
Hồi tháng Hai, ông đã phát hành một cuốn video trình bày hình ảnh đen trắng của ông với nhiều nhân vật tôn giáo, trong đó, có Đức Phanxicô, trong đó, ông nói “Đích thân đối với tôi, đức tin, trọn bề nói về lòng hy vọng, mục tiêu và sức mạnh, và với tôi, tôn giáo của tôi là một cảm thức lớn lao được an ủi. Tôi đi lễ và lần tràng hạt. Tôi thấy điều này cực kỳ ủi an”.
Nói về tràng hạt, Clemente Lisi, hiện dạy báo chí tại The King’s College, New York, nhắc lại câu nói năm 2005 của Biden với tờ Cincinnati Enquirer: “Người Cộng hòa tiếp theo nếu bảo tôi rằng tôi không có lòng đạo, tôi sẽ ấn cỗ tràng hạt của tôi vào cổ họng anh ta”!
Nhưng theo CNA, ông ta ủng hộ nhiều chính sách mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội.
Năm 2008, ngay sau khi được bầu làm phó tổng thống, vị giám mục giáo phận Scranton, PA, của ông ta đã chỉ trích lập trường của ông ta về phá thai: “Tôi sẽ không dung thứ cho bất cứ chính khách nào cho rằng mình là tín hữu Công Giáo nhưng lại không thực sự phò sinh. Không một chính khách Công Giáo ủng hộ nền văn hóa chết chóc nào nên tiến đến bàn Rước Lễ. Tôi sẽ thực sự cảnh giác về vấn đề này”.
Tháng 10 năm 2019, Biden bị từ khước rước lễ tại một nhà thờ Công Giáo ở Nam Carolina vì lập trường phò phá thai của ông. Đó là lúc ông viết trên trang mạng của ông rằng một trong các ưu tiên của ông khi làm tổng thống là “hành động để biến phán quyết Roe v. Wade” thành đạo luật của liên bang và bộ Tư Pháp của ông sẽ làm mọi điều để ngăn chặn việc lan rộng các đạo luật tiểu bang ngang nhiên vi phạm hiến quyền phá thai”.
Trang mạng đó cũng viết rằng “Phó Tổng Thống Biden ủng hộ việc hủy bỏ Tu Chính Án Hyde vì chăm sóc sức khỏe là một quyền không nên bị lệ thuộc vùng bưu điện hay thu nhập của một người”.
Ngoài ra, trang mạng ấy còn nói rằng Biden đoan hứa “sẽ tái lập việc tài trợ của liên bang cho Planned Parenhood” và hứa sẽ “bãi bỏ Chính Sách Mexico City” (tài trợ phá thai ở ngoại quốc) mà Tổng Thống Trump đã tái lập và mở rộng.
Gần đây nhất, ngày 7 tháng 8, trước lời chỉ trích của Trump cho rằng ông không tôn giáo, chống lại Thiên Chúa, Biden đã long trọng đọc “Tuyên bố Của Tôi Về Đức Tin”, trong đó, ông khẳng định “Giống như rất nhiều người, đức tin của tôi vốn là nền tảng vững như đá của đời tôi: nó vốn cung cấp cho tôi niềm an ủi trong những giây phút mất mát và thảm kịch, nó vốn giữ tôi đứng vững và khiêm hạ trong những lúc chiến thắng và hân hoan. Và trong giờ phút đen tối đối với đất nước chúng ta, giờ phút đau đớn, chia rẽ, và bệnh hoạn cho rất nhiều người Hoa Kỳ, đức tin của tôi vốn là ánh sáng hướng dẫn đối với tôi và không ngừng nhắc tôi nhớ đến phẩm giá và nhân tính nền tảng mà Thiên Chúa vốn ban cho tất cả chúng ta”.
Đoạn đầu tiên chỉ nói có thế trong khi 3 đoạn còn lại được Biden dùng để đả kích Trump. Dù sao, Biden chỉ nói đến “đức tin của tôi” chứ không hẳn “đức tin Công Giáo của tôi”; chắc chắn đó là thứ đức tin bị cắt xén, đem tổng hợp vào các “tín ngưỡng” khác thành một thứ đức tin pha trộn hay đức tin chiết trung, hầm bà lằng, như đức tin của Harris.
Cái thứ đức tin ấy, theo Clemente Lisi, đang làm cho Biden im lặng trước những phá hoại và phạm thánh diễn ra khắp nước Mỹ nhằm vào các cơ sở Công Giáo, khiến tổ chức CatholicVote ngỏ lời với ông: “Các nhà thờ Công Giáo khắp Nước Mỹ đang bừng cháy theo nghĩa đen, và Joe Biden không nói gì cả. Các thành viên lãnh đạo của Đảng Dân Chủ đã mồi lửa cho bầu khí hận thù chống lại người Công Giáo, và các vụ tấn công này đang dẫn tới các hành vi phá hoại và bạo lực”.
Không lạ gì khi Đức Cha Tobin khẳng định Biden không phải là người Công Giáo. Ông có là người Công Giáo hay không chỉ có Chúa mới quả quyết được. Nhưng điều chắc chắn: việc ông mời Harris đứng chung liên danh chỉ càng làm ông trở thành xa lạ hơn với cử tri Công Giáo Hoa Kỳ.
Còn nếu chỉ dựa vào việc tranh đấu cho công lý nửa chừng mà đòi cho mình danh xưng Công Giáo thì chắc chắn Chúa cũng phải nói rằng: kẻ giả hình kia, nào ngươi có công chi, vì kẻ ngoại, người tội lỗi, cũng tranh đấu như thế, họ cũng tranh đấu quyền của đàn bà được phá thai. Đã tự hào là người đấu tranh cho công lý, cho bình đẳng, sao ngươi không tranh đấu quyền sống của những thai nhi, những kẻ bé nhỏ nhất trong các tạo vật của Ta, cũng là hình ảnh của Ta. Sao ngươi lại chỉ nghĩ rằng ngươi mới là hình ảnh của Ta, chứ không phải những trẻ thơ còn trong bụng mẹ. Hãy xéo khỏi mặt Ta!