Hôm 19 tháng 8, thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài nhận định sau về đường lối của ông Joe Biden. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Ông Joe Biden đã chính thức được đề cử là ứng cử viên tổng thống năm 2020 của Đảng Dân chủ vào tối thứ Ba. Sau khi kết thúc các phần màu mè hình thức này, những chính sách nào sẽ được ông thực hiện?

Dự thảo nghị quyết của Hội Nghị Đảng Dân Chủ cho năm 2020 nói rằng tự do tôn giáo là “quyền cơ bản của con người”, tuy nhiên, điều đó không thể được sử dụng “làm chiêu bài để phân biệt đối xử”.

Các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội đã thúc đẩy “Đạo Luật Không Gây Hại”, như một phương tiện để hạn chế các biểu hiện tự do tôn giáo mà họ cho là phân biệt đối xử.

Luật được đề nghị sẽ hạn chế việc áp dụng các biện pháp bảo vệ tự do tôn giáo hiện tại — được gọi là Đạo Luật Khôi Phục Quyền Tự Do Tôn Giáo, gọi tắt là RFRA —trong các trường hợp như phản đối việc bắt buộc mua bảo hiểm ngừa thai, như khi các nhân viên chăm sóc sức khỏe từ chối tham gia phá thai và khi các cơ sở tôn giáo giúp tìm con nuôi chỉ giao con cho những đôi vợ chồng (cha mẹ nuôi) khác giới tính và đã kết hôn.

Dự thảo nghị quyết năm 2020 cũng đòi phục hồi một số chính sách thí dụ như việc bắt buộc phải có các nhân viên chuyển giới của chính quyền Obama. Nó lên án cái mà đảng Dân Chủ gọi là “quy định nguy hiểm và phi đạo đức” của chính quyền Trump khi cho phép các bác sĩ, bệnh viện và công ty bảo hiểm phân biệt đối xử với bệnh nhân dựa trên khuynh hướng tính dục hoặc bản sắc giới tính của họ.”

Một thẩm phán liên bang hôm thứ Hai đã ra lệnh ngưng thi hành quy tắc của chính quyền Trump vốn bảo vệ các bác sĩ đã đưa ra sự phản đối lương tâm về việc cung cấp phẫu thuật chuyển đổi giới tính hoặc phá thai.

Nghị quyết của Hội Nghị Đảng Dân Chủ cũng kêu gọi Hoa Kỳ bổ nhiệm “các nhà lãnh đạo cấp cao” để thúc đẩy sự ủng hộ giới đồng tính (LGBTQ) trong chính sách đối ngoại. Chính quyền Obama đã bổ nhiệm Đặc phái viên đầu tiên về các vấn đề LGBTQ tại Bộ Ngoại giao, nhưng vị trí này chưa bị luật pháp yêu cầu phải được bổ nhiệm trong mỗi chính quyền và do đó, trong nhiệm kỳ của tổng thống của Trump chưa ai được bổ nhiệm.

Nghị quyết đảng Dân Chủ năm 2020 cũng hỗ trợ luật buộc mua bảo hiểm tránh thai của Bộ Y Tế và Nhân Sinh, gọi tắt là HHS, mà các chủ doanh nghiệp và những tổ chức tôn giáo phi lợi nhuận đã đấu tranh tại tòa án chống lại việc bắt buộc các chủ doanh nghiệp phải chi trả cho chi phí ngừa thai trong các kế hoạch bảo hiểm sức khỏe của nhân viên.

Mặc dù chính quyền Trump ban hành các miễn trừ về tôn giáo và đạo đức đối với luật buộc nói trên, trong đó có cả dòng Tiểu Muội của Người Nghèo, vẫn có những các tiểu bang đã phản đối việc miễn trừ này trước tòa án. Vào tháng 7 vừa qua, Tối Cao Pháp Viện đã ra phán quyết ủng hộ việc miễn trừ cho các Sơ hội dòng này và những nơi khác.

Tuy nhiên, ông Biden - dù trong video vận động bầu cử chiếu ngày 9 tháng 8 đã ghi nhận “lòng hào hiệp” của các nữ tu Công Giáo trong việc truyền cảm hứng cho ông khi tranh cử chức vụ tổng thống - lại nói rằng ông sẽ bãi bỏ các miễn trừ về tôn giáo và đạo đức, mở màn cho khả năng các Sơ dòng Tiểu Muội Của Người Nghèo có thể sẽ phải tiếp tục kiện cáo để chống lại luật buộc các sơ mua bảo hiểm tránh thai.

Sau phán quyết có lợi cho các nữ tu của Tối cao Pháp Viện, ông Biden cho biết ông sẽ phục hồi “sự trợ giúp” của chính quyền Obama đối với những tổ chức phi lợi nhuận chống đối. Đó là điều mà các sơ dòng Tiểu Muội đã chống đối trước tòa, vì các sơ nói rằng sự trợ giúp đó không bảo vệ quyền làm theo lương tâm của họ một cách đúng mức.

Theo “sự trợ giúp” này, những tổ chức phi lợi nhuận chống đối sẽ thông báo cho chính phủ biết về sự phản đối của họ, từ đó hướng dẫn công ty bảo hiểm hoặc quản trị viên kế hoạch bảo hiểm dành chi phí này cho bên thứ ba, nhằm bảo đảm có các điều khoản ngừa thai trong kế hoạch bảo hiểm. Phía các sơ thì nói rằng bằng cách thông báo cho chính phủ về sự phản đối của mình, về cơ bản các sơ vẫn cho “phép” điều khoản về bảo hiểm đáng phải chống đối về mặt đạo đức hiện diện trong kế hoạch bảo hiểm y tế của các sơ.

Nghị quyết này của đảng Dân Chủ bao gồm một cam kết phản đối hình phạt tử hình và cam kết đảng Dân Chủ sẽ “tiếp tục ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình.”

Nghị quyết dự thảo của đảng Dân Chủ cũng phản đối các trợ cấp học phí dành cho các trường tư thục như một phần trong “các chính sách chuyển hướng các nguồn lực do người đóng thuế tài trợ ra khỏi hệ thống trường công”. Ở một số tiểu bang như Wisconsin, các trường Công Giáo là một trong số những trường được hưởng lợi từ việc tiểu bang mở rộng trợ cấp học phí cho trường tư.

Về hôn nhân, ông Biden đã ủng hộ Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân vào thập niên 1990, nhưng vào năm 2012, ông lại nói rằng ông “hoàn toàn thoải mái” với hôn nhân đồng tính. Những bình luận của ông trong tư cách là phó tổng thống vào năm bầu cử đã thúc đẩy Tổng thống Obama tuyên bố ủng hộ hôn nhân đồng giới vài ngày sau đó. Với tư cách là Phó Tổng thống, chính Biden đã chủ trì lễ cưới đồng tính cho hai nhân viên Toà Bạch Ốc vào năm 2016.

Về vấn đề phá thai, nghị quyết đảng Dân Chủ năm 2020 được xây dựng trên nền tảng nghị quyết năm 2016, mà một cựu nhân viên chiến dịch tranh cử của Obama từng mô tả là “cực đoan”. Vào năm 2016, giám đốc chương trình tiếp cận qua đức tin trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012 của Obama là Michael Wear đã nói với CNA rằng lập trường về phá thai của đảng Dân Chủ thật “đáng chê trách về mặt đạo đức.”

Một nhóm viên chức thuộc đảng Dân chủ ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương đã viết thư cho các thành viên của ủy ban soan thảo nghị quyết vào ngày 14 tháng 8, nói rằng việc ủng hộ phá thai ở giai đoạn cuối sẽ “đẩy nhiều cử tri vào vòng tay của Đảng Cộng hòa, ” khi có nhiều người phò sinh cũng chính là “những cử tri tập chú vào một vấn đề duy nhất.”

Nghị quyết tuyên bố rằng “mọi phụ nữ” phải được quyền tiếp cận với “việc phá thai an toàn và hợp pháp” và việc phá thai đó, là một phần của công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện, và là điều “quan trọng đối với việc gây sức mạnh cho phụ nữ và các bé gái”.

Nghị quyết kêu gọi sự khôi phục những tài trợ liên bang cho cơ sở phá thai gọi là Kế Hoạch Hoá Gia Đình, và những việc phá thai do người đóng thuế tài trợ thông qua việc bãi bỏ các Tu chính án Hyde và Helms cũng như Chính sách thành phố Mexico.

Thành tích riêng của Biden về việc ủng hộ phá thai trong tư cách một thượng nghị sĩ có sáu nhiệm kỳ và phó tổng thống Hoa Kỳ đã được biết đến rộng rãi. Ông ta đã thay đổi xoành xoạch quan điểm của mình đối với phán quyết Roe vs. Wade năm 1973 và về việc dùng tiền thuế dân để tài trợ cho phá thai. Tuy nhiên, trong tư cách là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, ông khẳng định ủng hộ phán quyết phá thai Roe và việc bãi bỏ các biện pháp nhằm chống lại việc tài trợ cho phá thai bằng tiền đóng thuế của người dân, cho phù hợp với dự thảo nghị quyết năm 2020 của đảng này.

Biden tuyên bố vào tháng Sáu năm 2019 rằng ông sẽ ủng hộ việc bãi bỏ Tu Chính Án Hyde. Khi bị Thượng nghị sĩ Bernie Sanders thách thức phải nói về những lá phiếu ủng hộ Tu Chính Án Hyde trước đó của ông trong một cuộc tranh luận vào tháng Ba, Biden đã nói rằng “nếu mai đây chúng ta có nguồn tài trợ công cho tất cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thì không có cách nào quý vị có thể cho phép đưa ra yêu cầu phải có Tu chính án Hyde.”

Trong cuộc tranh luận đó, Biden đã hứa, nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ “gởi ngay lập tức một bản dự thảo luật về phán quyết Roe chống Wade đã được thống đốc Casey sửa đổi đến Quốc hội Hoa Kỳ”. Quyết định của Tối Cao Pháp Viện trong vụ Roe năm 1973 cho phép việc phá thai hợp pháp, ngoại trừ trường hợp thai nhi có khả năng sống sót. Dự thảo năm 1992 của thống đốc Casey đã thiết lập một khung pháp lý cập nhật nhằm xác định tính hợp hiến của các luật lệ về phá thai của các tiểu bang.

Trong thời gian ở Thượng viện, Biden đã bày tỏ lập trường bất nhất của ông về vấn đề phá thai, gồm cả việc bỏ phiếu cho việc ban hành những điều luật bao gồm Tu chính án Hyde.

Vào năm 1974, ông nói phán quyết về vụ Roe “đã đi quá xa”. Vào năm 1981 ông ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp để cho phép các tiểu bang đảo ngược phán quyết vụ Roe. Tuy nhiên, vào năm sau, ông đã bỏ phiếu chống lại sửa đổi như vậy.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2008 với “Meet the Press” của đài NBC, Biden cho biết phán quyết Roe đang “tiến gần đến sự đồng thuận có thể tồn tại trong một xã hội không đồng nhất như xã hội của chúng ta.”

Nghị quyết chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông kêu gọi việc biến phán quyết Roe chống Wade thành luật liên bang, và sẽ bảo đảm “quyền được lựa chọn hiến định của phụ nữ”, như một phần của “chọn lựa công khai” về công tác chăm sóc sức khoẻ.

Nói nôm na cho dễ hiểu là ông Joe Biden sẽ quyết tâm ngăn cản các tiểu bang không được thông qua các dự luật cấm phá thai trong phạm vi tiểu bang của mình.


Source:Catholic News Agency