Từ những quan sát trên, một điều cần phải xác định rõ ràng: tất cả những điều vừa nói cũng phải được áp dụng vào Công đồng Vatican II. Nó cũng không hơn gì - nhưng cũng không kém gì - một công đồng giữa, bên cạnh và sau các công đồng khác. Nó không ở trên càng không ở ngoài, nhưng nằm trong loạt các công đồng chung của Giáo hội.



Sở dĩ như thế phần lớn là do việc tự hiểu về mình của hầu hết mọi công đồng. Chỉ cần nhắc lại các lời khẳng định liên hệ của chúng, cũng như của các Giáo phụ tiên khởi của Giáo hội, về vấn đề này. Trong Truyền thống, các ngài nhận ra chính bản chất của các công đồng.

Thánh Vincentê thành Lerins († trước năm 450) đã minh nhiên suy tư về điều này trong tác phẩm Commonitorium của ngài: “Giáo hội mong muốn điều gì qua các sắc lệnh công đồng của mình, nếu không phải để bảo đảm rằng những gì được tin trước công đồng thì sau đó được tin một cách chuyên cần hơn; những gì đã được công bố trước đó nhưng không mãnh liệt lắm thì sau đó được công bố với một cường độ cao hơn; những gì mà trước đây Giáo Hội vốn cử hành một cách chắc chắn tuyệt đối thì sau đó sẽ được tôn thờ một cách nhiệt thành hơn? Theo tôi, Giáo hội, bị lung lay bởi những đổi mới của những người dị giáo, luôn đạt được điều này chứ không phải điều gì khác, nhờ các sắc lệnh của các công đồng của mình: điều mà trước đây Giáo hội tiếp nhận từ “ các tổ tiên” chỉ qua truyền thống, thì nay Giáo hội cũng ký thác bằng văn bản cho “hậu thế”. Giáo Hội đã làm như vậy bằng cách tổng hợp rất nhiều trong một ít từ ngữ, và thường với mục đích để hiểu rõ hơn, nhằm diễn đạt nội dung đức tin không thay đổi bằng các định tín mới” (Commonitorium, chương 36).

Xác tín Công Giáo chân chính trên tìm được sự phát biểu của nó trong định tín của Công đồng Nixêa thứ hai năm 787, trong đó nêu rõ: “Vì vậy, tiến bước trên nẻo đường hoàng gia và tuân theo tất cả và vì tất cả thẩm quyền mặc khải thần thiêng của các thánh Giáo phụ và truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, thừa nhận, thực sự, rằng Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo Hội, chúng tôi xác định rằng… ”; và sau đó là các nguyên tắc trung tâm của sắc lệnh công đồng. Điều cuối cùng trong bốn vạ tuyệt thông (anathemas) của công đồng đó cũng đặc biệt quan trọng: “Nếu ai bác bỏ bất cứ truyền thống giáo hội nào, dù là chữ viết hay không có chữ viết, hãy để người đó bị tuyệt thông”.
Khi tổ chức một công đồng, Giáo hội nhận ra bản chất sâu xa nhất của mình. Giáo hội - và do đó công đồng – lưu truyền bằng cách sống và sống bằng cách lưu truyền. Truyền thống là việc hiện thực hóa bản chất của Giáo Hội.

Yếu tố quyết định của chân trời diễn giải chính là việc lưu truyền Đức tin chân chính, chứ không phải tinh thần của thời đại. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là cứng ngắc và bất di bất dịch. Cách Giáo hội để mắt tới ngày nay không thể được bớt đi. Các vấn đề hiện tại đòi một câu trả lời. Nhưng các yếu tố tạo nên câu trả lời chỉ có thể đến từ Mặc khải Thiên Chúa, được cung ứng một lần và mãi mãi, mà Giáo hội vốn lưu truyền một cách chân chính trong các thế kỷ. Do đó, việc lưu truyền này tạo thành tiêu chuẩn mà mọi giải đáp mới phải tham chiếu nếu nó muốn đúng và hợp lệ.

Cần phải tính đến những xem xét căn bản trên ngay trong việc giải thích các bản văn công đồng gây tranh cãi nhất.

Các bản văn đó chủ yếu là các Tuyên ngôn Nostra Aetate Dignitatis Humanae, từng bị Huynh đoàn Thánh Piô X phản đối. Huynh đoàn này cáo buộc công đồng đã sai lầm trong đức tin. Tuy nhiên, đối với cáo buộc này, chúng ta phải trả lời một cách dứt khoát.

Rõ ràng là khi một bản văn công đồng, được soạn thảo vào năm 1965, một bản văn mà vào thời điểm đó được dự định khởi đi từ hoàn cảnh trong đó nó được tạo ra và trên cơ sở ý hướng trong các khẳng định của nó, được công bố trong thế giới ngày nay, nhất thiết nó phải được chiêm niệm trong chân trời diễn giải hiện nay.

Chúng ta hãy lấy Nostra Aetate làm thí dụ. Bất cứ ai ngày nay tố cáo bản văn này theo chủ nghĩa dửng dưng (indifferentism) tôn giáo phải đọc nó dưới ánh sáng của tuyên bố Dominus Iesus, một tuyên bố đã tuyệt đối loại trừ mọi hiểu lầm theo nghĩa chủ nghĩa dửng dưng hoặc chủ nghĩa chiết trung (syncretism). Với những thôi thúc ngày càng mới, huấn quyền hậu công đồng, bằng các minh xác của mình, đã loại bỏ cơ sở cho bất cứ cách giải thích sai lạc nào về các bản văn công đồng, bất luận theo nghĩa duy truyền thống hay theo nghĩa duy cấp tiến.

Sau các nhận xét căn bản trên, giờ đây tôi muốn giải thích một nguyên tắc diễn giải khác vốn phát xuất từ tính lịch sử của mọi bản văn. Mọi bản văn - và do đó, mọi bản văn huấn quyền – phát sinh từ một hoàn cảnh lịch sử đặc thù và được xác định bởi hoàn cảnh cụ thể của việc thai nghén ra chúng thế nào, thì chúng cũng được công bố với một ý định chính xác trong một thời điểm lịch sử chính xác như vậy.
Ngày nay, chúng ta phải để ý đến nguyên tắc này khi bắt đầu giải thích một trong những bản văn này.

Chúng ta cũng phải tính đến sự kiện này là chân trời diễn giải, một chân trời đã được xác định như vậy, thay đổi và được sửa đổi tương ứng với khoảng cách thời gian mà người giải thích hiện nay có so với thời điểm bản văn được tạo ra. Điều này có nghĩa là các diễn giải trong quá khứ, tùy thuộc khoảng cách về thời gian của chúng, có thể trở thành những tuyên bố mà hiện giờ chỉ được lưu ý ít nhiều về phương diện lịch sử. Ý thức này đặc biệt quan trọng khi chúng ta xem xét các bản văn về thừa tác vụ huấn quyền và mục vụ của Giáo Hội.

Người ta có thể ngay lập tức phản đối rằng chân lý, đặc biệt là chân lý của mặc khải Thiên Chúa, là chân lý vĩnh cửu và bất biến, một chân lý không chịu bất cứ thay đổi nào. Chắc chắn, chân lý ấy không bị đem ra bàn cãi. Chúa từng phán: “Trời và đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ không qua đi”.

Tuy nhiên, điều cũng đúng là việc thừa nhận chân lý vĩnh cửu này của con người, vì con người vốn chịu sự thay đổi của lịch sử, nên chính sự thừa nhận này cũng chịu sự thay đổi... Điều này có nghĩa: tùy theo thời điểm lịch sử, phương diện này hay phương diện khác của chân lý vĩnh cửu được nắm bắt, thừa nhận và hiểu theo một cách mới mẻ và sâu sắc hơn.

Chính vì lý do trên, ngay cả một bản văn công đồng, nếu được suy gẫm trong bối cảnh tâm linh và văn hóa của nó, v.v., và dưới ánh sáng của thời đại chúng ta, có thể được hiểu một cách mới mẻ, sâu sắc và rõ ràng hơn.

Theo mức độ chúng ta xem xét khái niệm này trong nỗ lực tìm hiểu các giáo huấn của Công đồng Vatican II ngày nay và cho ngày hôm nay, chúng ta sẽ thành công trong việc khắc phục được các xung đột khác nhau nảy sinh liên quan đến nó.

Đương nhiên, việc giải thích công đồng là khả năng của cuộc tranh luận thần học, vốn luôn luôn đương đầu với nó. Nhưng trên thực tế, kết quả của cuộc tranh luận này cuối cùng đã tìm được vị trí trong các văn kiện của huấn quyền hậu công đồng.

Theo những điều đã nói trên đây, ta sẽ sai lầm nghiêm trọng nếu không xét đến nguyên tắc này trong việc giải thích công đồng cho thời hiện tại và hành động như thể thời gian đã dừng lại vào năm 1965.

Tôi muốn minh họa những gì đã được nói tới bằng ba thí dụ mà đối với tôi dường như có tính đặc biệt.

Về phương diện đó, điều nổi bật ngay lập tức là Tuyên ngôn Nostra Aetate về mối liên hệ giữa Giáo hội và các tôn giáo ngoài Kitô giáo và Sắc lệnh Unitatis Redintegratio về đại kết. Đã từ lâu, hai văn kiện này đã bị chỉ trích bởi những người được gọi là giới duy truyền thống. Cả hai văn kiện này đều bị cáo buộc là thiếu rõ ràng và tính dứt khoát trong việc đề cao sự thật liên quan đến chủ nghĩa chiết trung, chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa dửng dưng. Vào thời điểm phê chuẩn các bản văn này, thật khó có thể lường trước rằng chúng sẽ tạo chỗ đứng cho những lời phê bình tương tự.

Chính trải nghiệm về chủ nghĩa toàn trị của tiền bán thế kỷ 20 và những cuộc bách hại cùng nhau trải qua đã nhắc nhở người Do Thái và các Kitô hữu - Công Giáo, Thệ phản và Chính thống – nhớ đến những điều căn bản mà họ cùng có chung. Cam kết để vượt qua những thù nghịch cổ xưa giữa họ với nhau và nỗ lực hướng tới một cuộc sống chung mới, nói chung, đã được tri nhận như một nghĩa vụ do Chúa áp đặt. Đọc với tinh thần này và trong bối cảnh này, hai văn kiện quả đã tạo động lực rất mạnh cho cam kết này.

Nhưng rồi một trang sử đã được lật qua. Chỉ vài thập niên sau khi công đồng kết thúc, một viễn kiến thần học về các tôn giáo không phải là Kitô giáo đã phát triển, trước hết trong thế giới Anglo-Saxon, một viễn kiến nói tới nhiều nẻo đường cứu rỗi khác nhau cho con người, ít nhiều tương đương nhau, và do đó đặt việc truyền bá Kitô giáo thành nghi vấn. Người ta nói rằng việc công bố của Giáo hội nên được thực hiện theo cách làm cho một người Hồi giáo trở thành một người Hồi giáo tốt hơn, v.v. Chính John Hick, người Anh, đã truyền bá loại ý tưởng này ít nhiều bắt đầu từ năm 1980. Thực thế, trong bối cảnh mới này, một hay nhiều công thức khác của Nostra Aetate có thể bị hiểu lầm. Hơn nữa, Nostra Aetate “chỉ nói đến tôn giáo một cách tích cực và bỏ qua những hình thức tôn giáo bệnh hoạn và rối loạn, những hình thức mà theo quan điểm lịch sử và thần học có một phạm vi rộng lớn” (Đức Bênêđíctô XVI, quyển VII / 1, Lời nói đầu).

Ở điểm này, cần phải nhớ lại một cách đặc biệt đoạn văn của Nostra Aetate nói đến Hồi giáo. Bản văn không những bị cáo buộc theo chủ nghĩa dửng dưng. Mà trước hết, về mặt này, cần phải quan sát điều này, sắc lệnh chắc chắn đòi “cum aestimatione quoque muslimos respicit” [phải nhìn những người Hồi giáo một cách kính trọng], nhưng tuyệt đối không phải chính Hồi giáo. Ở đây, không đề cập đến giáo huấn của tôn giáo này, mà là đến những người theo nó. Sự kiện trong các công thức tiếp theo, đằng sau những từ ngữ bình đẳng hoặc tương tự ẩn chứa một sự hiểu biết rất khác biệt nhưng hiển hiện đối với các nhà Hồi giáo học ngày nay. Ở điểm này của văn kiện, một điểm có ý định dọn đường cho một cuộc đối thoại hòa bình, không nên áp dụng tiêu chuẩn cứng ngắc của thứ thuật ngữ giáo điều, mặc dù một cam kết theo chiều hướng này là điều đáng mong đợi. Trên thực tế, bản văn bản đã được công bố vào năm 1965.

Đối với sự hiểu biết hiện nay của chúng ta, vấn đề này, thay vào đó, giả định một khía cạnh hoàn toàn khác: đó là Hồi giáo đã thay đổi sâu sắc trong nửa thế kỷ qua, như đã được chứng tỏ qua mức độ gây hấn và thù nghịch của người Hồi giáo đối với phương Tây “Kitô giáo”. Trong bối cảnh kinh nghiệm của nhiều thập niên kể từ ngày 9-11, một sắc lệnh loại này nên nói một điều gì đó khác thế.

Đối với mục đích của một lối diễn giải công đồng nghiêm túc, không có lý do gì để nổi giận và tranh luận chống lại bản văn năm 1965: một sắc lệnh bây giờ chỉ nên được lưu ý về phương diện lịch sử.

Vì thế, chính huấn quyền, với Tuyên bố Dominus Iesus [năm 2000], đã loại bỏ cơ sở cho bất cứ chủ nghĩa dửng dưng nào và xác định một cách không hàm hồ Chúa Giêsu Kitô là con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi vĩnh cửu và Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền của Chúa Giêsu Kitô như là cộng đồng cứu rỗi duy nhất cho mọi người.

Một điều tương tự cũng đã diễn ra qua các minh xác khác nhau về ý nghĩa của cụm từ nổi tiếng “subsistit in” (tự hữu trong). Nếu trong ngôn từ đại kết có những khẳng định có thể làm phát sinh ấn tượng rằng Giáo Hội Công Giáo chỉ là một trong số nhiều khía cạnh của Giáo hội Chúa Giêsu Kitô, thì việc giải thích cụm từ “subsistit in” được Dominus Iesus xác nhận đã loại bỏ bất cứ hiểu lầm nào.

Một tai tiếng khác đối với nhiều người là Tuyên ngôn Dignitatis Humanae về tự do tôn giáo. Tuyên ngôn này cũng bị tố cáo là theo chủ nghĩa dửng dưng, phản bội chân lý đức tin, và mâu thuẫn với Syllabus Errorum (Danh sách các Sai lạc) của Chân phúc Piô IX.
Sự thực là trường hợp này xem ra không hiển nhiên nếu các nguyên tắc diễn giải đã nói ở trên được áp dụng: hai văn kiện đã được tạo ra trong một bối cảnh lịch sử khác và phải ứng phó với các tình huống khác.

Syllabus Errorum - cũng giống như văn kiện Mirari Vos của Đức Gregoriô XVI trước đó - nhằm bác bỏ về phương diện triết học các chủ trương cho rằng nhờ chủ nghĩa dửng dưng và chủ nghĩa tương đối, người ta có thể đạt được tính tuyệt đối của chân lý, đặc biệt là chân lý mặc khải. Nhưng Đức Piô IX nhấn mạnh rằng sai lạc không có bất cứ quyền gì đối với sự thật.

Thay vào đó, Dignitatis Humanae xuất phát từ một hoàn cảnh hoàn toàn khác, được tạo ra bởi các chủ nghĩa toàn trị của thế kỷ 20, một chủ nghĩa, bằng cách hạn chế về mặt ý thức hệ, đã bôi nhọ tự do của cá nhân, của con người. Hơn nữa, các Nghị phụ của Công đồng Vatican II đã có trước mắt họ thực tại chính trị của thời đại họ, một thực tại, trong những điều kiện khác nhau, dù không ở mức thấp hơn, vốn đang đe dọa quyền tự do của con người. Vì lý do này, điểm trung tâm của Dignitatis Humanae không phải là tính không thể được đụng tới- không được tranh luận -, mà là sự tự do của con người khỏi mọi ràng buộc bên ngoài đối với xác tín tôn giáo.

Về phương diện này, điều tốt lành là bảo đảm với những người ủng hộ “tính lịch sử tuyệt đối của chân lý” rằng không một nhà thần học hay triết học nào, với một cảm thức ngay thẳng, lại có thể nói tới tính có thể thay đổi hoặc bất nhất của chân lý. Thay vào đó, những gì thay đổi, những gì chịu sự biến đổi, là việc thừa nhận, là ý thức về chân lý của con người, điều này hoàn toàn thay đổi. Ở đây, Lời Tuyên xưng Đức tin của Dân Chúa chiếm một vị trí tuyệt vời, điều mà Đức Phaolô VI đã công bố vào thời điểm tuyệt đỉnh của cuộc khủng hoảng hậu công đồng.

Tóm lại: Danh sách các Sai lạc bảo vệ sự thật; Vatican II bảo vệ quyền tự do của con người.

Khó có thể biện phân được sự mâu thuẫn giữa hai văn kiện nếu chúng được suy gẫm trong bối cảnh lịch sử của chúng và được hiểu theo các ý định của những lời khẳng định vào thời điểm chúng được soạn tác.

Hơn nữa, để giải thích đúng, ngày nay phải xem xét mọi huấn quyền sau công đồng.

Cuối cùng, nên đề cập đến tính lạc quan của thế gian, rõ ràng có phần ngây thơ, một điều đã phấn khích các nghị phụ công đồng trong lúc soạn thảo Gaudium et Spes.

Ngay sau khi công đồng kết thúc, người ta thấy rõ rằng “thế gian” này đang kinh qua một diễn trình tục hóa nhanh hơn bao giờ hết, một diễn trình đã đẩy đức tin Kitô giáo, và tôn giáo nói chung, ra ngoài lề xã hội.



Do đó, cần phải tái định nghĩa mối liên hệ giữa Giáo hội và “thế gian này” - theo cách gọi của Đức Gioan - và bổ túc cùng giải thích bản văn công đồng, chẳng hạn, theo chiều hướng các bài phát biểu của Đức Bênêđíctô XVI trong chuyến thăm Đức của ngài.

Tuy nhiên, điều này có nghĩa là cách giải thích hiện nay về công đồng, một cách giải thích làm nổi bật yếu tính của giáo huấn công đồng làm cho nó trở nên mầu mỡ cho đức tin và giáo huấn của Giáo hội hiện nay, phải đọc các bản văn của nó dưới ánh sáng của mọi huấn quyền hậu công đồng và hiểu các văn kiện của nó như là sự hiện thực hóa chính công đồng.

Như đã nhấn mạnh ở phần đầu: Công đồng Vatican II không phải là công đồng đầu tiên và cũng sẽ không phải là công đồng cuối cùng. Điều này có nghĩa là các tuyên bố huấn quyền của nó phải được khảo sát dưới ánh sáng Truyền thống, nghĩa là, được giải thích theo một cách để có thể nhận diện ra một mở rộng, một đào sâu hoặc thậm chí một minh xác liên quan đến nó, chứ không phải một mâu thuẫn.

Chuyển giao – tức “truyền thống” - không ngụ ý việc đơn giản giao một gói hàng được niêm phong kỹ càng tương tự như một diễn trình hữu cơ, quan trọng, mà Thánh Vincentê thành Lerins so sánh với sự biến đổi tiệm tiến của con người từ một trẻ thơ thành một người trưởng thành: luôn luôn cùng một con người trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau.

Điều trên cũng đúng đối với các lĩnh vực tín lý và cơ cấu phẩm trật-bí tích của Giáo hội, nhưng không đúng đối với hoạt động mục vụ của Giáo hội, vì hiệu năng của hành động này tiếp tục được xác định bởi nhu cầu của các tình huống ngẫu nhiên của thế giới bao quanh Giáo hội. Đương nhiên cả ở đây, mọi mâu thuẫn giữa thực hành và tín điều đều cần được loại trừ.

Chính “tiến trình tiếp nhận tích cực” cũng phải được thực hiện trên cơ sở hiệp nhất trong lòng Giáo hội. Thực vậy, cũng có những trường hợp - không thuộc phạm vi chân lý đức tin, mà thuộc phạm vi luân lý - trong đó điều bị cấm ngày hôm qua có thể thích hợp cho ngày hôm nay.

Thí dụ, nếu trước Công đồng Vatican II, lệnh cấm tuyệt đối việc hỏa táng người chết đến nỗi ra tuyệt thông cho bất cứ người Công Giáo nào chọn hỏa táng, nhưng đến lúc hỏa táng mất đi khía cạnh phản đối chống lại đức tin vào sự sống lại của người chết, ta có thể dỡ bỏ lệnh cấm này.

Điều trên cũng áp dụng một cách tương tự trong trường hợp cấm lãi xuất vào thế kỷ 15-16, khi các tu sĩ dòng Phanxicô và dòng Đa Minh – nói chính xác hơn là ở Florence - thách thức nhau trong các cuộc đấu tay đôi gay gắt từ các bục giảng, nơi các đối thủ buộc tội nhau là tà giáo về vấn đề cho phép tính lãi suất, và đe dọa đối thủ bị thiêu đốt trong lửa hỏa ngục. Đó là một vấn đề luân lý, phát sinh từ các thay đổi của cải cách kinh tế, và sau đó, một lần nữa, nó đã trở thành lỗi thời.

Do đó, chúng ta phải đi từ từ cả trong cuộc tranh luận về Công đồng Vatican II và việc giải thích nó, một việc đến lượt nó, phải diễn ra trong bối cảnh một hoàn cảnh đã thay đổi theo thời gian. Về phương diện này, huấn quyền của các giáo hoàng sau công đồng đã có những đóng góp quan trọng. Tuy nhiên các đóng góp này vẫn chưa được xem xét đầy đủ trong cuộc tranh luận hiện nay.

Hơn nữa, trong cuộc thảo luận này, điều tốt đẹp là nhắc lại lời khuyên kiên nhẫn và khiêm tốn mà Thánh Phaolô đã nói với Timôthê (2 Tm 4: 1 tt.).

Thật không may, những cuộc thảo luận này tiếp tục giả định các hình thức không phù hợp với tình yêu huynh đệ. Điều nên làm là có thể giao hòa giữa lòng nhiệt thành đối với sự thật và tính đúng đắn của tình yêu thương người lân cận. Cách riêng, điều thích đáng là tránh “lối diễn giải nghi ngờ” chuyên buộc tội người đối thoại ngay từ lúc đầu là có những quan niệm dị giáo.

Tóm lại: Những khó khăn trong việc giải thích các bản văn công đồng không những chỉ xuất phát từ nội dung của chúng mà thôi. Cần phải ngày càng xem xét cách thức trong đó các cuộc thảo luận của chúng ta khai triển về phương diện này.