ĐỨC GIOAN XXIII KHAI MỞ CÔNG ĐỒNG VATICAN II

LTS : Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII được Giáo Hội công nhận là đấng thánh. Ngài đã thực hiện nhiều công trình cho Giáo Hội và Xã hội. Ngài lại là người có tình nghĩa sâu đậm với người Công Giáo Việt Nam.

Khi làm Sứ thần tại Paris, ngài đã liên hệ với cha Trần Thanh Giản, Giám đốc Giáo xứ Việt nam Paris qua thư đề ngày 17.04.1951.

Ngày 28.10.1958, vừa được bầu làm Giáo Hoàng, Ðức Gioan XXIII đã tái chấp nhận những quyết định của Vị Tiền Nhiệm, cử Ðức Hồng Y Gregorio Pietro Agagianian làm đặc sứ đến Việt Nam tham dự Đại Hội Thánh Mẫu vào năm 1959, một sự kiện lớn nhất do sáng kiến của các Đức Giám Mục miền Nam. Đại hội được tổ chức trong ba ngày 16, 17, 18 tháng 2/1959 tại Sài Gòn, nhân dịp Năm Thánh Mẫu, kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, đồng thời mừng 300 năm việc bổ nhiệm hai Giám Mục tiên khởi tại Việt Nam ngày 9/9/1659 là Đức Cha Pallu tại Đàng Ngoài và Đức Cha Pierre Lambert de la Motte tại Đàng Trong.

Ngày 24/11/1960, qua Tông sắc Venerabilium Nostrorum, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã quyết định thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Tông sắc Venerabilium Nostrorum là tiếng nói quyết định của Tòa thánh, công nhận sự tăng trưởng và lớn mạnh của Giáo Hội tại Việt Nam, đáng được nâng lên địa vị hàng Giáo Phẩm, bằng cách thiết lập 3 Giáo tỉnh mới : 1 ở Bắc, 1 ở Trung, 1 ở Nam, với ba Tòa tổng Giám Mục Hà Nội, Huế, Sàigon.

Nhân dịp Giáo Hội phong hiển thánh cho Đức Gioan XXIII vào ngày 27.04.2014, để góp phần ghi ơn và mộ mến ngài, chúng tôi xin trích đăng một số bài trong tập sách « Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII », do Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris biên soạn và xuất bản năm 2000, gợi lại những công trình lớn mà ngài đã làm cho Giáo Hội và cho nhân loại.

Đã được phổ biến : Bài 1, ngày 22.04.2014 : « ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA ĐỨC GIOAN XXIII », do Lm Mai Đức Vinh

Đây là bài 2 về «ĐỨC GIOAN XXIII KHAI MỞ CÔNG ĐỒNG VATICAN II » do Ls Nguyễn Thị Hảo


Có thể nói biến cố quan trọng nhất dưới triều đại ngắn ngủi của Đức Gioan XXIII là công đồng chung Vatican II, một công đồng do ngài triệu tập nhưng lại kết thúc dưới thời Đức Phaolô VI, vị Giáo hoàng kế nhiệm.

I. CÔNG ĐỒNG LÀ GÌ?

Công đồng là một hội nghị gồm các Giám mục và một số chức vị trong Giáo Hội chính thức họp để thảo luận và quy định những vấn đề trọng đại của Giáo Hội. Có hai cấp bậc công đồng: công đồng riêng và công đồng chung.

Công đồng riêng là một hội nghị các Giám mục của một khu vực trong Giáo Hội. Công đồng riêng được gọi là đại công đồng nếu gồm các Giám mục của nhiều giáo tỉnh dưới quyền chủ tọa của Sứ thần Tòa Thánh. Nếu chỉ có các Giám mục của một giáo tỉnh dưới quyền chủ tọa của Tổng Giám mục hay một Giám mục thâm niên thì đó là công đồng tỉnh. Ngoài ra còn có các loại công đồng khác như công đồng toàn quốc, công đồng toàn miền.

Công đồng chung hay công đồng phổ quát là hội nghị toàn thể các Giám mục trên thế giới do Đức Giáo Hoàng triệu tập và đặt dưới thẩm quyền của ngài, để tìm giải đáp cho những vấn đề trọng đại và cấp bách của Giáo Hội. Vì dựa trên nguyên tắc rằng công đồng là ý muốn của Đức Kitô, là Đấng đã trao quyền giáo huấn và điều khiển Giáo Hội cho các tông đồ và những người kế vị, nên công đồng có thẩm quyền tối thượng trong Giáo Hội, là cơ quan lập pháp và giáo huấn tối cao của Giáo Hội.

Từ năm 325 cho đến công đồng Vatican II, đã có 20 công đồng chung được tổ chức. Trước công đồng Vatican II là công đồng Vatican I (1869-1870) do Đức Piô IX triệu tập. Công đồng này đã phải kết thúc khi giáo phận Roma bị sát nhập vào vương quốc Ý, trong khi chương trình thảo luận còn đang dang dở. Rốt cuộc, công đồng chỉ quyết định về hai điểm: tối thượng quyền và ơn bất khả ngộ của Giáo Hoàng.

Sự kiện Đức Gioan XXIII đã chọn tên Vatican II làm cho nhiều người, nhất là một số chức vị của giáo triều Roma, cho rằng Vatican II sẽ nối tiếp hướng đi của Vatican I. Đây là một điều sai lầm lớn vì ý muốn của Đức Gioan XXIII là triệu tập một công đồng hoàn toàn mới trong mục tiêu cũng như trong tổ chức.

II. CÔNG ĐỒNG VATICAN II.

1. PHÁT XUẤT TỪ MỘT Ý NGHĨ CÁ NHÂN CỦA ĐỨC GIOAN XXIII.

Một câu hỏi thường được đặt ra: công đồng này là do ứng biến của Đức gioan XXIII hay là do linh ứng?

Những sự kiện sau đây sẽ giúp trả lời câu hỏi này. Trước khi rời Tòa Thánh, các nhân vật đã tham dự cuộc bầu cử Giáo Hoàng được Đức Gioan XXIII tiếp kiến và khuyến khích bầy tỏ ý kiến. Nhiều vấn đề khó khăn được nêu lên. Chẳng hạn chế độ quan liêu làm cho Giáo Hội nặng nề chậm chạp vì bất cứ điều gì cũng phải đợi Tòa Thánh giải quyết; chưa có một giải pháp cho mối liên hệ với các tín đồ Tin Lành; các Hội đồng Giám mục hầu như thiếu nội quy; vấn đề hôn nhân tạp giáo ngày càng trầm trọng; vấn đề Giáo Hội và xã hội, Giáo Hội và con người; Giáo Hội trước sự phủ nhận một vài loại giá trị và sự tán đồng quá lố của một vài loại giá trị khác; Giáo Hội đứng trước một thế giới sau hai trận chiến với những hậu quả bi thương, với mối đe dọa diệt vong của vũ khí nguyên tử v.v...

Trước một khối lượng trọng đại các vấn đề cấp bách và thực tế như vậy, Đức Giáo Hoàng nhận thấy một mình khó mà tìm được các giải pháp thích đáng và đã đến lúc phải triệu tập các Giám mục trên toàn thế giới để họ soi sáng lẫn nhau. Tuy nhiên ở đây cần nhấn mạnh rằng ngài đã có một trực giác sâu sắc về cơn khủng hoảng Công Giáo và trực giác này được xác nhận bởi các nguồn tin do các người đối thoại đem đến. Một điều chắc chắn là ý nghĩ về công đồng là một linh ứng đặc biệt của Đức Giáo Hoàng và không có một người nào khác đã gợi ý đến sự cần thiết của một công đồng.

Cũng có thể nói rằng công đồng là một trong những phương tiện để vị tân Giáo Hoàng thực hiện chương trình hoạt động đã được Ngài khiêm tốn và thành thật trình bày trong bài diễn văn đọc trước mật viện sau khi cuộc bỏ phiếu bầu tân Giáo Hoàng kết thúc. Qua bài diễn văn, người ta thấy rõ ý muốn của Ngài muốn làm một người chủ chăn và dành trọn đời cho việc truyền bá Lời Chúa và bành trướng mọi ảnh hưởng của Giáo Hội khắp thế giới. Ngài nói: “... Chớ gì hai vị Thánh đó (tức là Thánh Gioan Tẩy giả và Thánh Gioan Phúc âm gia, hai vị Thánh cùng mang tên Gioan như ngài) khiến cho hàng giáo sĩ và mọi tín hữu biết rõ công trình của chúng tôi nhằm chuẩn bị một dân chúng hoàn hảo cho Thiên Chúa, san bằng các đường lộ để ai cũng nhìn thấy được quyền lực cứu rỗi của Thiên Chúa. Chớ gì Thánh Gioan, Phúc âm gia, vị đã đón rước Trinh Nữ, Thánh Mẫu của Đức Kytô và của chúng ta, cùng với Thánh Mẫu, tán trợ công việc của chúng tôi nhằm đem lại sinh lực và mừng vui cho Giáo Hội Công Giáo, hòa bình và thịnh vượng cho mọi dân tộc...”

2. THÔNG BÁO DỰ TÍNH TỔ CHỨC CÔNG ĐỒNG.

1/ Thông báo riêng tư cho những người thân cận.

Chỉ năm ngày sau khi được bầu lên, tức là vào ngày 2.11.1958, Đức Gioan XXIII nói với vị bí thư là Đức Ông Capovilla: “Cần phải có một công đồng”. Vị bí thư thuật lại: “Tôi vô cùng kinh ngạc. Tôi nghĩ rằng đường đi sẽ dài và khó khăn, không thích hợp với một người tuổi gần 80. Theo tôi thì Đức Gioan XXIII chỉ cần đi theo vết chân của các Giáo Hoàng tiền nhiệm và khai thác đặc sủng mà ngài đã thụ lãnh được một cách rõ rệt”.

Đức Giáo Hoàng còn nhắc lại ý định này với vị bí thư ngày 21.11.1958 trên đường đi đến Castelgandolfo, rồi một lần nữa trước lễ Giáng Sinh.

Sau lễ Giáng Sinh 1958, ngài kín đáo ngỏ ý với một vài giám chức thân cận để thăm dò phản ứng và đồng thời để chuẩn bị dư luận, như với vị phó nhiệm là Đức ông Dell'Acqua và với người bạn thuở thiếu thời là Đức Ông Testa. Rồi đến ngày 9.1.1959, Ngài ngỏ ý với người bạn thâm giao là Don Giovanni Rossi, sáng lập viên tổ chức “Procivitae Christiana” ở thành Assise và cũng là cựu bí thư của Đức Hồng Y Ferrani thành Milan. Ngài tâm sự: “Tôi cho bạn biết một điều tối quan trọng nhưng bạn phải hứa giữ kín. Một tư tưởng tuyệt vời đã đến với tôi: đó là việc tổ chức một công đồng”. Sau khi nghe lời tán đồng của Don Rossi, ngài tiếp: “Này bạn, nói rằng Thánh Linh bảo trợ Giáo Hoàng là không hoàn toàn đúng. Không phải Thánh Linh bảo trợ Giáo Hoàng. Tôi chỉ là phụ tá của Thánh Linh. Vì chính Thánh Linh đã làm tất cả. Công đồng là một dự tính của Ngài”.

Như vậy có nghĩa là Đức Gioan XXIII đã lấy quyết định từ đầu tháng giêng 1959. Ngài lo âu đợi lúc phải thông báo cho vị Quốc vụ khanh Tòa Thánh là Đức Hồng Y Tardini, người có phận sự thực thi các quyết định của Giáo Hoàng. Lần này kẻ đối thoại không còn phải là người bí thư tâm phúc hay là các giám chức thâm giao, mà là một nhân vật quan trọng nhất của Giáo triều Roma, người mà khuynh hướng bảo thủ cũng như tính nói thẳng không xa lạ đối với ngài.

Vì phản ứng của Đức Tardini rất quan trọng nên cần thuật lại những lời đối đáp của hai nhân vật nhân cuộc đàm luận ngày 20.1.1959, những lời này được hai vị ghi lại trong sổ nhật ký của họ.

Sau khi bầy tỏ mối lo âu trước các chấn động của thế giới cũng như các lời hô hào liên tiếp hầu như tuyệt vọng để cứu vãn hòa bình và công lý, ngài hỏi vị Quốc vụ khanh xem Giáo Hội phải làm gì để phô bày trước thế giới một khuôn mẫu hòa khí giữa các con người với nhau. Sau khi đề cập đến dự định tổ chức một công đồng, ngài chờ đợi phản ứng chống đối của người cộng sự viên, một chính trị gia khôn ngoan. Nhưng trái lại, ngài nghe Đức Tardini thốt lên: “Vâng, vâng, một công đồng!”

Đức Hồng Y ghi trong sổ nhật ký của ngài: “Đức Giáo Hoàng tóm lược chương trình hoạt động trong ba điểm: tổ chức một công nghị giáo phận Roma, một công đồng chung và cải tổ bộ Giáo luật. Ngài dự tính sẽ thông tri quyết định cho các Hồng Y sau buổi lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô ngoại thành. Tôi thưa với ngài rằng tôi vẫn mến chuộng những điều đẹp đẽ và mới lạ. Ba dự định trên rất ư là đẹp và cách thức thông báo cho các Hồng Y rất tân kỳ nhưng vẫn phù hợp với truyền thống của Hội Thánh và rất là thích nghi”.

Trong sổ nhật ký của Ngài, Đức Giáo Hoàng ghi: “Nhân cuộc đàm luận với Quốc vụ khanh Tardini, tôi muốn thăm dò tâm tư của Hồng Y Tardini về việc thông báo cho Hồng Y đoàn vào ngày 25 sắp tới, dự tính tổ chức một công đồng chung với sự tham dự của các Giám mục Công Giáo trên thế giới. Câu trả lời của đương sự khiến tôi hân hoan ngạc nhiên: ”Thật là một tư tưởng tuyệt vời và thánh thiện xuất phát từ Trời Cao. Tư tưởng đó phải được khai triển, tinh luyện và phổ biến. Quả là một ân phúc cho toàn thế giới”. Đức Giáo Hoàng ghi tiếp: ”Tôi không còn muốn gì hơn nữa. Tôi sung sướng. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì dự tính của tôi đã nhận được dấu ấn đầu tiên ở cõi trần này và tôi kính cẩn đợi dấu ấn ở Trên Cao kia”.

Các sự kiện này được Đức Giáo Hoàng nhắc lại trong sổ nhật ký trước ngày khai mạc công đồng: “... Trước đây tôi không hề nghĩ đến, vậy mà trong buổi đàm thoại với vị Quốc vụ khanh, tôi đã thốt lên các danh từ công đồng chung, công nghị giáo phận và sự tu chính giáo luật, và không ai đã gợi ý cho tôi”.

Ở đây cần lưu ý ba điểm:

• Quyết định của Đức Giáo Hoàng không do một sự linh cảm thần diệu và bất chợt mà là hậu quả của “sự tuân phục đức tin”.

• Quyết định đã vững chắc khi ngài thông báo cho Đức Tardini.

• Sự tán đồng của Đức Hồng Y.

Về điểm thứ nhất, có người giải thích rằng quyết định này là một sự ứng biến đã xẩy ra nhân cuộc đàm luận với Đức Hồng Y. Tuy nhiên câu “không hề nghĩ đến trước đây” chỉ có nghĩa là ngài không nghĩ đến trước khi được đắc cử giáo hoàng. Một điều không thể chối cãi là ngài đã đề cập đến vấn đề với nhiều người và nhiều lần sau ngày bầu cử và trước khi ngỏ ý với Đức Hồng Y, và tư tưởng là của ngài chứ không phải của ai khác. Với cách diễn tả giản dị, Đức Gioan XXIII nói rằng dự tính công đồng xuất hiện trong tâm trí ngài như một đóa hoa khiêm tốn ẩn nấp trong cánh đồng cỏ. Người ta không nhìn thấy nó nhưng cảm nhận được sự hiện diện nhờ hương thơm.

Về điểm thứ hai, trong sổ nhật ký của Đức Tardini, có ghi rõ là hôm đó Đức Giáo Hoàng không hỏi ý kiến về sự thích nghi của quyết định và của phương thức thông tri, mà chỉ bày tỏ một quyết tâm: “Đức Giáo Hoàng muốn thông báo ba điểm vào Chúa Nhật tới”. Như vậy, Đức Giáo Hoàng ngỏ lời với vị Quốc vụ khanh chỉ vì muốn tỏ ra trọng nể chức vụ của vị này và để vị này trợ giúp ngài trong việc tổ chức công đồng và nhất là để Đức Hồng Y làm luật sư biện hộ trước các chức vị của Giáo triều mà ngài thừa biết là sẽ chống đối.

Về điểm thứ ba, người ta có thể ước đoán một cách hữu lý rằng thoạt tiên Đức Hồng Y có thể tỏ ra sửng sốt, cũng có thể là vị này nghĩ rằng dự tính của Đức Giáo Hoàng chỉ là một tư tưởng còn mơ hồ. Nhưng sau đó ngài hiểu rằng đây là một quyết định vững chắc khi thấy Đức Giáo Hoàng rút ra một tập bản thảo gồm 12 trang giấy viết tay ghi rõ chương trình tổng quát và tôn chỉ của công đồng. Đức Hồng Y hiểu rằng mọi sự đã được quyết định và ngài bầy tỏ sự hưởng ứng nồng nhiệt.

Vị bí thư xác nhận điều này: “Đức Giáo Hoàng đã thuyết phục được Đức Hồng Y và vị này đã tán đồng không phải vì vâng lời mà vì tin tưởng”.

Sau đó, thừa lệnh Đức Giáo Hoàng, Đức Tardini thông báo cho các chức vị của giáo triều. Mọi người đều sững sờ. Trong thâm tâm, họ nghĩ rằng Đức Gioan XXIII được bầu lên như là một giải pháp chuyển tiếp để tình hình gạn lóng trong một thời gian mà không cần phải thay đổi điều gì. Tuổi tác cũng như tính tình trầm lặng và dễ dãi của ngài rất phù hợp với mưu định đó. Nhưng bỗng nhiên phim chuyện được viết trong Mật nghị Hồng Y bị đảo lộn khi diễn viên thay vì nhắc lại những lời đối đáp đã được người khác soạn thảo, lại hành động theo ý riêng. Cử tri đã bỏ phiếu bầu ngài tỏ ra sửng sốt vì họ cho là đã bị vị tân Giáo Hoàng chơi khăm, một Giáo Hoàng mà họ đã vạch trước con đường đi là giải quyết các công việc hành chánh thông thường.

Sau khi thông báo cho Đức Hồng Y Tardini, Đức Giáo Hoàng tâm sự rất lâu với vị bí thư. Ngài hân hoan vì sẽ bước qua một giai đoạn quan trọng của nhiệm kỳ. Ngài tin tưởng rằng sáng kiến nhằm thanh lọc bộ mặt của Giáo Hội sẽ nhận được một lời phúc đáp nhất trí. Ngài nhắc đi nhắc lại mãi đến mối liên hệ giữa công đồng và hòa bình thế giới. Ngài nói: “Thế giới đang khao khát hòa bình. Nếu Giáo Hội đáp ứng được nguyện vọng của Đấng Sáng Lập và tìm lại được hằng tính của mình thì thế giới sẽ rút tỉa được rất nhiều lợi lộc. Trong niềm tin của tôi, tôi không bao giờ hoài nghi. Nhưng một điều làm cho tôi kinh hoàng là Đức Kitô đã dang tay trên cây thập giá từ gần 2000 năm nay. Thử hỏi chúng ta đã làm gì để rao giảng Tin Mừng? Cần phải làm gì để trình bày giáo thuyết chân chính cho con người thời nay?”

Qua cuộc đàm luận kín đáo này trước khi chính thức loan báo công đồng, người ta có thể nhận thấy được những ý hướng chính yếu của Đức Giáo Hoàng:

• Khía cạnh tiêu cực: Đức Giáo Hoàng cương quyết gạt bỏ quan niệm cho rằng công đồng sẽ đưa ra những tín điều mới.

• Khía cạnh tích cực: cập nhật hóa việc trình bày giáo thuyết chân chính để giúp người thời nay thông hiểu dễ dàng; Giáo Hội phải được thanh luyện để trở lại hằng tính của mình và để tỏ ra trung thành hơn với Đức Kytô; Giáo Hội phải làm sao để có thể đáp ứng các mong đợi của xã hội trước các nhu cầu thiết yếu của lịch sử, nhất là về vấn đề hòa bình.

2/ Thông báo chính thức.

Sáng Chúa Nhật 25.1.1959, Đức Giáo Hoàng đến tham dự lễ bế mạc tuần lễ hiệp nhất Kitô hữu tại đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành. Sau buổi lễ, ngài tập họp 12 Hồng Y của giáo triều hiện diện hôm đó. Chỉ có một số Hồng Y biết rõ lý do của “Hội nghị Hồng Y” bất thường này.

Đức Giáo Hoàng khởi đầu diễn từ bằng một vài nhận định liên quan đến tình hình giáo phận Roma và tâm trạng lo âu của những kẻ vì không biết đến “khung trời rộng mở” nên đã để cho “các lợi lộc giả tạo của thế gian lôi cuốn”. Ngài tiếp: “Nhận xét này đã gợi lên trong người giáo sĩ hèn mọn và bất xứng này, kẻ đã được Thiên Chúa nâng lên địa vị Giáo Hoàng, quyết tâm trở về với những phương thức cổ xưa để trình bầy giáo thuyết và điều hành kỷ luật Giáo Hội, những phương thức đã từng tỏ ra rất công hiệu để thanh sảng tư tưởng, siết chặt sự hiệp nhất tôn giáo và làm sống lại nhiệt tâm của các Kitô hữu”.

“Các anh em tôn kính và các con thân mến, lòng đầy xúc động nhưng với một quyết tâm khiêm tốn, chúng tôi đề nghị triệu tập một công nghị giáo phận Roma và một công đồng chung cho Giáo Hội hoàn vũ”.

Ngài thêm một điểm quan trọng về khía cạnh hoàn vũ: “Chúng tôi thiết tha xin toàn thể quý vị một bước khởi đầu tốt đẹp, một sự tiến hành tốt đẹp và một thắng lợi hoàn hảo cho các dự tính gan dạ của chúng tôi, một luồng ánh sáng để đem lại sự khuyến thiện và niềm vui cho toàn thể dân Chúa, một lời mời gọi thân thiện và ưu ái được lập lại, gửi các anh em của chúng ta thuộc các Giáo Hội Kitô ly khai đến tham dự buổi tiệc ân sủng đầy tình huynh đệ với chúng ta, buổi tiệc mà nhiều tâm hồn từ mọi nẻo đường trên thế giới đang khao khát”.

Đoạn này cực kỳ quan trọng.

Thứ nhất là vì nói lên được mối bận tâm trọng đại của Đức Giáo Hoàng: đó là chấm dứt tình trạng chia rẽ giữa các Kitô hữu mà sự tác hại đã được ngài chứng kiến tại Bảo Gia Lợi và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ hai là vì trong văn kiện chính thức được công bố, Giáo triều Roma đã dám tự ý sửa đổi nhiều điểm, nhất là để xóa bỏ danh từ “các Giáo Hội”, lần đầu tiên được dùng để công nhận giá trị và bản chất Giáo Hội của các cộng đồng ngoài Công Giáo. Văn kiện chính thức ghi lại như sau: “... một lời mời gọi thân thiện được lập lại, gửi tới các tín đồ của các cộng đồng ly khai để theo chúng ta đi tìm sự thống nhất và ân sủng mà nhiều tâm hồn từ mọi nẻo đường trên thế giới đang khao khát...”

Người ta thấy rõ ẩn ý và sự chống đối của Giáo triều. Đối với Giáo triều, những tín đồ Tin Lành, Chính Thống... không phải là các anh em, cộng đồng của họ không phải là các Giáo Hội, nên họ không thể “tham dự buổi tiệc ân sủng đầy tình huynh đệ” tức là công đồng. Họ chỉ có thể đi tìm sự thống nhất và ân sủng (làm như thể là Thiên Chúa không cho họ được hưởng ân sủng!), họ chỉ có thể đi theo chúng ta... (có nghĩa là họ phải tuân theo những yêu sách của Công Giáo Roma!)

3.PHẢN ỨNG CỦA Hồng Y ĐOÀN.

Bài diễn văn chấm dứt thì các Hồng Y đứng lặng yên như thể đã hóa thành đá. Về sau Đức Giáo Hoàng kể lại rằng thay vì các lời tán đồng hay chúc tụng thì chỉ có “một sự im lặng nặng nề”. Thật ra Đức Giáo Hoàng không chờ đợi một phản ứng khác hơn.

Trở về điện Vatican, ngài có vẻ như đã cởi bỏ được một gánh nặng. Trả lời câu hỏi của vị bí thư: “Thưa Đức Thánh Cha, ngài có hài lòng không?” Ngài nói: “Vấn đề không phải là cá nhân tôi, cũng không phải là tình cảm riêng tư của tôi. Chúng ta đang đứng trước Thánh ý Chúa. Bây giờ tôi cần sự im lặng, mặc niệm. Tôi cảm thấy được giải thoát khỏi mọi sự, khỏi mọi người, cũng giống như khi tôi đọc Thánh Vịnh: Lạy Chúa, đẹp đẽ thay được an nghỉ trong nhà tạm của Ngài”.

4. PHẢN ỨNG CỦA QUẦN CHÚNG.

Dọc đường từ đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành về đến điện Vatican, dân chúng vỗ tay tán trợ ngài. Đức Giáo Hoàng ghi vào sổ nhật ký: “Mọi sự đã thành tựu. Tôi đã duy trì được sự hiệp thông với Thiên Chúa”. Không hiểu vào lúc đó ngài có tiên đoán được rằng sau khi tin tức được loan ra, các Kitô hữu bậc trung, các linh mục khiêm tốn, một vài Giám mục và đông đảo các thành phần ngoài kitô giáo sẽ bầy tỏ sự vui mừng khi thấy các cơ chế cổ xưa đang ở trên con đường canh tân? Và người đứng ra đảm trách đưa Giáo Hội tiến vào con đường mạo hiểm đó lại là một vị Giáo Hoàng tuổi tác. Chính điều này lại làm cho mọi người thêm kính mến và trọng nể vị chủ chăn.

5. TÔN CHỈ HƯỚNG DẪN CÔNG ĐỒNG.

Qua những lời tuyên bố của Đức Gioan XXIII thì với công đồng này một kỷ nguyên mới sẽ mở ra cho Giáo Hội Công Giáo bề ngoài đang sống trong một tình trạng an bình dựa trên các sắc lệnh do công đồng Tridentino ban hành bốn thế kỷ trước đây. Trước hiện tình thế giới, một vị Giáo Hoàng tuổi tác, được bầu lên chưa đầy ba tháng để rồi sẽ ra đi trong một thời gian ngắn ngủi, cảm thấy rằng “một trật tự mới” trong mối tương quan giữa các con người đang được thiết lập. Giáo Hội không thể chỉ khư khư “gìn giữ một bảo tàng viện” như lời ngài tuyên bố trước ngày khai mạc công đồng. Giáo Hội phải hành động theo sự dẫn dắt của Thiên Chúa: Vì vậy mà ngài quyết định thách đố tình trạng bất động của cơ chế Giáo Hội và trả lại quyền ăn nói cho các Giám mục. Sau khi sự triệu tập công đồng được chính thức thông báo, người ta thấy rõ ý hướng chính yếu của Đức Gioan XXIII: đó là việc cải tổ Giáo Hội để chuẩn bị sự hiệp nhất các Kitô hữu.

Đức Giáo Hoàng rất tha thiết với vấn đề hiệp nhất các Kitô hữu. Nhưng Ngài ý thức rằng công đồng này chưa có thể là một công đồng tái lập sự hiệp nhất theo đúng nghĩa, vì rằng cơ cấu già nua của Giáo Hội là một chướng ngại vật vì không còn phù hợp với nhựa sống luôn luôn mới mẻ của Phúc Âm. Do đó điều phải làm trước tiên là đổi mới bộ mặt của Giáo Hội để rồi có thể nói với các huynh đệ ly khai rằng: “đây là Giáo Hội thật của Đức Kitô, xin anh em hãy cùng chúng tôi chiêm ngưỡng vì đó cũng chính là Giáo Hội của anh em. Và chúng ta hãy hiệp nhất với nhau”.

400 năm sau trào lưu cải cách tôn giáo, một công đồng được tổ chức không phải để đưa ra những tín điều mới, những sự cấm chỉ mới, mà là để tiến đến một cố gắng tích cực. Những kẻ thận trọng thì cho là “quá sớm” những kẻ hoài nghi thì cho là “quá chậm”. Nhưng không nên quên rằng trong lịch sử Giáo Hội, nhiều cơ hội thuận lợi đã bị bỏ qua và hậu quả là nhiều tai ương đã xẩy ra.

Thật vậy, công đồng Lateranô V (1512-1517) đã thất bại với việc cải tổ Giáo Hội. Sáu tháng sau, xuất hiện phong trào Cải Cách dưới dấu hiệu của sự chia rẽ vào lúc mà bộ mặt thế giới đang thay đổi với việc tìm ra Châu Mỹ.

Công đồng Tridentino (1543-1563) cũng thất bại với công cuộc canh tân Giáo Hội. Nhiều đề nghị đổi mới được nêu ra tại công đồng nhưng khi đem thi hành thì bị cản trở. Hậu quả là sự hiệp nhất tôn giáo đổ vỡ và từ đó sinh sôi nẩy nở nhiều giáo thuyết, nhiều cơ chế.

Thành kiến cổ xưa theo đó không có sự hiệp nhất các Kitô hữu nếu không có sự hiệp nhất tức khắc các cơ chế, làm cho một số bình luận gia giải thích sai lầm tư tưởng của Đức Gioan XXIII về tính cách hoàn vũ của công đồng. Họ nói đến một công đồng muốn tập hợp các Giáo Hội Kitô (Công Giáo, Chính thống giáo và Tin lành) để tái lập một cơ chế duy nhất của Kytô giáo, như trước đây các công đồng ở Lyon (1274) và Florence (1438) đã thử thực hiện với các tín đồ Công Giáo và Chính thống giáo.

Cách giải thích này quá xa vời với ý muốn của Đức Giáo Hoàng. Ngài nhắc đi nhắc lại rằng mục đích ở đây không phải là tổ chức một công đồng dùng làm công cụ trực tiếp cho sự thống nhất các cộng đoàn Kitô hữu, mà chỉ là để tán trợ phong trào đại kết, bằng cách cải tổ Giáo Hội Công Giáo ngõ hầu giúp Giáo Hội bước từ các cuộc tranh luận qua việc tìm kiếm một sự hòa đồng trong một viễn ảnh hiệp nhất các Kitô hữu. Ngài ước mong rằng “Công đồng có thể đem đến cho Giáo Hội một sự tấn phát khá quan trọng để rồi các anh em và con cái chúng ta đang xa rời Tông Tòa, sẽ nhận được một lời mời gọi và khuyến khích hữu ích nhờ sự cải thiện các đức tính của người Kitô hữu”.

Xem như vậy thì vấn đề không phải là sự trở về tức khắc của các huynh đệ ly khai. Điều này đã được Đức Hồng Y Bea, một trong những người được Đức Giáo Hoàng bầy tỏ ý định và cũng là một trong những người đề nghị thiết lập một văn phòng đại kết tại Roma, nhấn mạnh: “Công đồng không nhằm thực hiện tức khắc sự hiệp nhất: Công đồng nhằm chuẩn bị về lâu về dài sự hiệp nhất bằng cách cải thiện bầu không khí giữa các người Công Giáo và ngoài Công Giáo, tạo những điều kiện thuận lợi cho sự hòa hợp và giải quyết những vấn đề liên hệ”.

Để diễn tả sự chuẩn bị dài hạn này và những giai đoạn phải trải qua trước khi đạt được mục tiêu mong muốn, Đức Giáo Hoàng đưa ra những phương sách được xem như là mẫu mực cho chiến lược đại kết: “... trước tiên là giao hữu, sau đó là làm thân và cuối cùng là kết hợp hoàn mỹ”.

Đây chính là khía cạnh tân kỳ của viễn tượng đại kết do Đức Gioan XXIII đề ra. Sự thành công trong việc cải tổ Giáo Hội Công Giáo đòi hỏi phải bao hàm tất cả các giá trị Kitô giáo của Giáo Hội Công Giáo và các cộng đồng ly khai, bằng cách quay trở lại thời đại “hiệp thông” ngay lúc mà sự hiệp thông đó bị đổ vỡ. Ngoài ra sự cải tổ đồng thời phải đặt trọng tâm ở việc nhận thức được thực chất của con người.

Những phần tử bảo thủ của Tòa Thánh cho rằng dự án này chẳng qua chỉ là để giữ thể diện và sau một thời gian phô diễn nghệ thuật hùng biện và những lễ nghi hào nháng, sẽ không có gì thay đổi cả. Nhưng một số đông các Giám mục lại nghĩ rằng đây là một quyết định quan trọng nhắm việc chấn hưng Giáo Hội.

Đức Gioan XXIII nói đến sự canh tân để trở lại những “đặc điểm giản dị và thuần khiết của Giáo Hội của Đức Kitô lúc mới thành lập”. Điều này nhắc chúng ta nhớ đến một lời nhận xét cay chua của Loisy: “Đức Kitô thiết lập Nước Trời, nhưng chính Giáo Hội Roma đã xuất hiện!”

Lẽ cố nhiên Đức Giáo Hoàng không hề có ý định sửa đổi các giáo thuyết căn bản của Giáo Hội. Trong truyền thống Công Giáo, không thể có vấn đề đụng chạm đến các điều khoản của kinh Tin Kính hay đến 10 điều răn. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Bea, trưởng Phòng Đại kết Kitô giáo nói rằng, Giáo Hội không thể sửa đổi các tín điều nhưng có thể làm cho rõ ràng hơn. Nói khác đi, sự xác định và trùng tu giá trị các tín điều phải được ghi trong chương trình nghị sự.

Báo chí thế giới đôi khi đề cập đến áp lực của các tín hữu ở Đức, Hòa Lan, Pháp, Đông Phương v.v... nhằm cải cách tổ chức nội bộ của Giáo Hội. Một vài nhóm công khai đòi chấn chỉnh và ngay cả bãi bỏ Giáo Triều Roma. Có nhóm muốn sửa đổi luật lệ về hôn nhân, giáo dục, thánh lễ, các bí tích, các nghi thức phụng vụ, các phương pháp thẩm tra và kết án. Họ cũng đề nghị giản dị hóa y phục các giáo sĩ, giảm sự hào nháng thái quá của y phục các giám chức. Họ muốn có một định nghĩa mới về các quyền và đặc quyền của hàng Giám mục và giáo dân trong Giáo Hội.

Ngoài ra đã đến lúc phải diễn tả và trình bầy sứ điệp của Thiên Chúa bằng những danh từ dễ hiểu đối với giáo dân thời nay đang hướng về các vấn đề quốc tế.

Cũng phải nghĩ đến việc phân chia trách nhiệm trong Giáo Hội cũng như vai trò của giáo dân và điều này tùy thuộc vào sự kiện các Giám mục thấy rõ nhiệm vụ chính đáng của họ. Thật vậy, tuy có hình thức một chính thể quân chủ nhưng Giáo Hội không phải là một định chế độc tài; và nếu như Giáo Hoàng là vị chủ tể và là nhà lập pháp tối cao vị ở địa vị của Thánh Phêrô, đại diện của Đức Kitô, nhiệm vụ của ngài được minh định bởi lời nói của Đấng Cứu Thế: “về phần ngươi, khi đã được củng cố, hãy củng cố anh em ngươi” (Lc 22,32).

Trong Giáo Hội Công Giáo theo nghi thức Đông phương, Giáo Hoàng được xem như là một tặng vật của Đức Kitô cho Giáo Hội. Khi chỉ định Thánh Phêrô như là một tảng đá trên đó Ngài dựng lên Giáo Hội, Đức Kitô bảo đảm cho Giáo Hội thoát khỏi các sai lầm và suy đồi và hứa cho được hưởng cuộc sống đời đời.

Tiếc thay một số thần học gia đã giải thích theo đúng từng chữ, nên thay vì hiểu rằng tảng đá chỉ có nghĩa là nơi căn bản, là cái trụ của sự hiệp nhất Giáo Hội, thì trái lại, họ cho rằng Giáo Hoàng được ban cấp một quyền lực tuyệt đối và vô song. Tư tưởng này (hoàn toàn khác biệt với ơn bất khả ngộ) rất là xa vời với ý định của Đức Kitô vì Ngài đã tổ chức Giáo Hội từ Tông đồ đoàn; Ngài ban cho mỗi tông đồ cùng một ủy nhiệm tông tòa: Rao giảng, dạy dỗ và rửa tội cho mọi người. Về sau, Ngài mới nói đến nhiệm vụ của Thánh Phêrô: “Ngươi hãy chăn sóc chiên của Ta và củng cố đức tin của các anh em ngươi”.

Đáng tiếc là lịch sử cho thấy ở Phương Tây, Giáo Hội dễ bị rơi vào các sai lầm của các cơ chế thế nhân. Thật vậy đôi khi Giáo Hội đã vay mượn vài đặc tính của thể chế chính trị hiện hữu. Chẳng hạn vào khoảng các thế kỷ thứ IV và V, Giáo Hội đã rập theo kiến trúc pháp định của Đế quốc Roma, và vào thời Trung Cổ đã trở thành một thế lực phong kiến.

Vào các thời đại sau hàng giáo phẩm Roma thường liên kết với các chính phủ đương thời, chống đối các lý thuyết dân chủ, không chấp nhận chính thể đại nghị và đề cao quá đáng tính cách quân chủ của quyền hành của Giáo Hoàng. Ở cuối thời đại Trung Cổ và cả những thời đại gần đây hơn, người ta thấy các giám chức của Giáo Triều xử dụng một quyền hành tuyệt đối. Theo nguyên tắc, họ hành động nhân danh Giáo Hoàng. Nhưng trên thực tế, họ vượt quá ý muốn của Giáo Hoàng vì họ cho rằng chỉ có họ mới đối phó được với các mối hiểm họa đe dọa niềm tin và nền phong hóa, chỉ có họ mới biết rõ bộ máy phức tạp của nền quản trị Giáo Hội hoàn vũ.

Xu hướng này đạt đến đỉnh cao nhất vào năm 1870 với công đồng Vatican I. Công đồng này (1869-1870) đã trình bày trước thế giới, một Giáo Hội như là một cái tháp mà vị Giáo Hoàng bất khả ngộ có uy quyền độc tôn. Người ta đã đi đến chỗ công nhận rằng quyền giáo huấn thông thường của Giáo Hoàng là ”mực thước của Đức Tin” cho các tín hữu thực hành.

Quan niệm này bị nhiều người chỉ trích trong đó có cha Congar; Trong bức mật thư gợi hàng Giám mục Pháp vào tháng 11.1968 (nghĩa là 3 năm sau khi công đồng Vatican II kết thúc), ngài nói rằng mọi sự được xem như thể là Thánh Linh được Đức Kitô hứa hẹn cho toàn thể Giáo Hội, lại chỉ được ưng chuẩn cho một cá nhân để rồi cá nhân này có thể quyết định mọi điều một cách chuyên đoán. Về điểm này, tưởng cũng nên nhắc đến một câu nói độc địa của Tyrrel: “Phải chăng Giáo Hội bất khả ngộ vì có một Giáo Hoàng bất khả ngộ, cũng tựa như một đàn cừu vị được kết hợp với một mục đồng thông minh nên được tuyên bố là thông minh!”

Với sự công bố tín điều về tối thượng quyền và ơn bất khả ngộ của Giáo Hoàng, Công đồng Vatican I đã làm kiên cố hơn nữa đầu não của Giáo Hội hữu hình mà không hề phán quyết về quyền hành của hàng Giám mục.

Điều cần thiết ngày nay là phải minh định địa vị của Giáo Hoàng (là vị lãnh đạo tối cao và nhà lập pháp tối cao của Giáo Hội) và quyền hành của các Giám mục, vì rằng có một số Giám mục ở Pháp và Trung Âu đứng về phía chính phủ của họ, đã bầy tỏ khuynh hướng ly khai. Sự xuất hiện của giáo phái Galican và lạc giáo Joséphisme chính là phản ứng chống khuynh hướng độc tài của Giáo Triều Roma.

Với Công đồng II, Đức Gioan XXIII, “vị Giáo Hoàng chuyển tiếp” như người ta vẫn thường gọi, sẽ đưa Giáo Hội ra khỏi thuyết “duy Giáo Hoàng” để tiến gần với nguồn Phúc âm hơn.

Một vấn đề khác nữa cũng phải được giải quyết: đó là việc quản trị Giáo Hội.

Từ 200 năm nay, hay nói một cách tổng quát hơn từ cuộc Cách Mạng Pháp, Giáo Triều Roma chiếm ưu thế trong việc quản trị Giáo Hội. Nhiều chức vị trong Giáo Triều cho rằng họ tích cực dự phần vào quyền tối thượng của Giáo Hoàng đối với hàng giáo sĩ và giáo dân. Vì vậy những quyết định của họ phải được xem như là các đạo luật và quan niệm của họ về giáo thuyết, đạo đức, là sự phát biểu ơn bất khả ngộ của Giáo Hoàng. Dần dà họ độc quyền trong các thủ tục hành chánh, nắm trọn quyền trong việc chỉ định các Giám mục, phân chia các giáo phận, giám tra trong lãnh vực đức tin và đạo đức, kiểm soát các dòng tu và hội đoàn, tài trợ các sứ bộ truyền giáo, bảo toàn truyền thống và tính chính truyền của việc phụng tự cũng như của đời sống đạo đức của tín hữu. Qua hệ thống các sứ thần và khâm sứ Tòa Thánh được ủy nhiệm cạnh các chính phủ của nhiều quốc gia, họ được báo cáo thường xuyên về các giám chức và tình hình tín ngưỡng trên toàn thế giới. Qua các chuyến công du đi Mỹ Châu, các quốc gia Âu Châu, Phi Châu và Viễn Đông, với sự tiếp đón trọng thể của các chính quyền, họ có cảm tưởng là ngoài họ ra, không ai (kể cả Đức Giáo Hoàng) có thể hiểu được các nhu cầu của Giáo Hội vào thời đại mới. Đương nhiên họ là những người chủ trương thượng tôn luật pháp vì họ hiểu rằng lẽ nghi cứng rắn và các thủ tục khắt khe sẽ giản dị hóa việc kiểm soát một cơ chế rộng lớn như là Giáo Hội Công Giáo.

Uy quyền của Giáo Triều còn được bảo đảm vì các Giám mục bị hạn chế quyền hành trong việc ban phát các bí tích cũng như sự quản trị hàng giáo sĩ và giáo dân, và bị kiểm soát chặt chẽ trong sự phát biểu chân lý thiêng liêng dù là bằng lời nói hay là bằng văn thư. Đối với những người chủ trương thượng tôn luật pháp một cách cực đoan thì việc sở đắc các chân lý thiêng liêng chính là cứu cánh của tôn giáo. Ở Roma, người ta nói rằng bất cứ một lỗi lầm nào vi phạm trong địa hạt đạo đức, xã hội hay chính trị, đều có thể được tha thứ, nhưng chỉ cần đi lệch một chút trên lãnh vực giáo thuyết là đủ gây tác hại cho sự nghiệp giáo đồ. Thái độ này đã bị các nhà thần học bên kia dãy Alpes phản đối: họ nhắc nhở rằng Đức Kitô không phải chỉ nói rằng Ngài là Sự Thật mà còn là Con Đường và Sự Sống.

Nhiều khó khăn xuất hiện khi một nhóm thần học gia muốn cưỡng ép mọi người phải chấp nhận quan niệm một chiều về các chân lý thiêng liêng nhất là nếu các thần học gia đó có quyền hành. Chẳng hạn nếu như quan điểm thần học của Thánh Tôma rất hữu ích và cần thiết để có một ý niệm đích xác và rõ ràng về chân lý thiêng liêng, đó không phải là phương cách duy nhất để diễn tả chân lý này.

Lịch sử chứng tỏ rằng sự câu nệ thái quá trong cách diễn tả thần học đã gây biết bao tai ương cho Giáo Hội, cùng là các cuộc tranh luận và xung đột với hậu quả là làm cho giới trí thức đương thời xa lánh Giáo Hội trước tính quá khích của khoa duy thần học đã quên đi huấn dụ của Thánh Gioan: “Nếu như ngươi không yêu mến người anh em mà ngươi thấy thì làm sao ngươi có thể yêu mến Thiên Chúa mà ngươi không thấy?”

Thật ra các khó khăn trọng đại thường phát xuất từ các chức vị trong Thánh Bộ Đức Tin và Bộ Nghi lễ và Bí tích. Vì muốn duy trì tính nguyên tuyền của giáo thuyết và tính nhất tề của cách hành đạo nên họ có một cái nhìn lỗi thời và bi quan đối với thế giới hiện đại. Trong bài diễn văn khai mạc Công đồng, Đức Gioan XXIII gọi họ là “các tiên tri loan báo sự dữ”.

Kể từ khi phong trào canh tân bị lên án vào năm 1907, Giáo Hội sống trong tình trạng e dè và nghi kỵ. Mọi tư tưởng gia, mọi văn sĩ Công Giáo không tuân theo lời giáo huấn chính thức của Giáo Hội được trình bày trong các tài liệu do Tòa Thánh kiểm soát, đều bị kết án là lạc đạo.

Một lời tuyên thệ chống canh tân có tính cách bắt buộc đối với các Giám mục mới được chỉ định và đối với các giáo sư và giảng sĩ thần học tại các chủng viện và các trường đại học Giáo Hoàng. Một hội kín mệnh danh là “Rừng Tùng” (La Sapinière) được thành lập để lùng kiếm và tố giác trước Thánh Bộ Đức Tin, những điều trái nghịch với giáo huấn Công Giáo, nhất là trong lãnh vực khảo cứu Thánh Kinh, lịch sử, triết học, những lý thuyết khoa học và những học thuyết chính trị.

Cũng vì vậy mà một số tác phẩm của các sử gia nổi tiếng như của Đức Cha Duchesne và Pierre Battifol bị cấm chỉ và nhiều giáo sĩ tên tuổi bị cách chức giáo sư.

Sau đệ nhị thế chiến, nhất là tại Paris và phía Bắc Âu Châu, người ta chứng kiến sự sống dậy của các trào lưu trí thức. Một nhóm tu sĩ trẻ thuộc dòng Tên và Đa Minh cố gắng đem lại cho Công Giáo một sinh lực mới để bảo đảm sự ngự trị của Công Giáo trong một thế giới đang quay lưng lại với đức tin của tổ tiên. Trong số những người này, phải kể đến các giáo sĩ dòng Tên là Henri de Lubac, Jean Danielou và Henri Bouillard, các giáo sĩ dòng Đa Minh như Yves Congar, M.D. Cheme và A.M. Dubarle.

Các cha Congar và De Lubac bắt tay vào việc khảo cứu bản chất của Giáo Hội. Họ nói đến các sự “đổi mới thật sự và giả tạo trong Giáo Hội” và “những bước đầu của khoa thần học giáo dân”. Hai văn kiện được đặc biệt chú ý: một văn kiện về siêu nhiên của cha De Lubac và “Tiểu luận về các vấn đề thần học” của Le Charlier, văn kiện này bị cấm chỉ vào tháng 2.1952.

Một nhóm đại diện cho “khuynh hướng tân thần học” ra đời. Họ bị nghi ngờ là tán dương quan điểm hiện sinh của các triết gia giáo dân như là Emmanuel Mounier và Maurice Blondel.

Thông điệp Humani Generis của Đức Piô XII công bố vào tháng 8.1950 nhằm đập tan mầm mống lạc giáo trong các khảo luận về Thánh Kinh và khuynh hướng muốn xích lại gần chủ nghĩa thực nghiệm đương thời trong các công cuộc nghiên cứu lịch sử và thần học. Tiếp theo thông điệp này, một vài giáo sư và hai giáo sĩ người Pháp, một thuộc dòng Tên và một thuộc dòng Đa Minh bị truất khỏi chức vụ hiện hữu để nhận một chức vụ mới.

Ngoài trào lưu tân thần học, phải nói đến trào lưu canh tân phụng vụ. Trào lưu này nhấn mạnh đến sự tham dự tích cực của giáo dân vào sự cầu nguyện công khai của Giáo Hội. Chẳng hạn các tu sĩ dòng Biển Đức ở các đan viện Maria Laach và Benron ở Đức, đan viện Solesmes ở Pháp, đan viện Einsiedelm ở Thụy Sĩ, đã thiết lập các học viện để cải tổ và phổ thông điệu hát bình ca và để giáo dân có một vai trò thiết thực trong các nghi lễ phụng vụ.

Trào lưu gặp sự chống đối dai dẳng của các thần học gia lớn tuổi ở Roma và của một số đông Giám mục được đào tạo tại đây. Họ viện lý do rằng trào lưu này có xu hướng Tin Lành vì không có sự phân biệt rõ rệt giữa linh mục và giáo dân. Do đó họ không chấp nhận thánh lễ có đối thoại cũng như việc dùng ngôn ngữ thông dụng để cử hành thánh lễ.

Những buổi thảo luận sau này tại Công đồng II sẽ cho thấy là Giáo Hội Công Giáo Đông Phương (thường không được Giáo Triều coi trọng) đã bảo tồn được những điểm tốt đẹp nhất trong các nghi thức của Giáo Hội nguyên thủy. Vì vậy mà những người được gọi là “các nhà canh tân” trong Giáo Hội Tây Phương nhìn nhận rằng những điều mà họ cố gắng thực hiện để cải tổ phụng vụ thì lại thuộc di sản tôn giáo của các huynh đệ Đông Phương.

Vì lý do đó mà sau này tại Công đồng, các tham dự viên sửng sốt thấy các giám chức Đông Phương rất tích cực trong các cuộc thảo luận cũng như khi đề nghị các giải pháp cho những vấn đề liên quan đến nguồn mạc khải, sự hiệp nhất Kitô giáo và bản chất của Giáo Hội, những giải pháp mà các nhà thần học Tây Phương, vì bị Giáo Triều cản trở, phải để bao nhiêu năm mới tìm ra.

Chẳng hạn Giáo Hội Đông Phương xem ý niệm về cộng đoàn tính của Giáo Hội dựa trên tông đồ đoàn đầu tiên, như là một giáo thuyết hiện hành. Trái lại Giáo Triều Roma không có mấy thiện cảm với tư tưởng này.

Về nguồn Mạc Khải, các tín hữu Tin Lành cho rằng Thánh Kinh là kho tàng duy nhất của Kitô giáo. Nhưng các thần học gia Công Giáo bảo thủ lại cho rằng lời nói và hành vi của Đức Kitô được truyền đạt đến chúng ta qua hai con đường khác nhau là Phúc âm tức là lời nói được viết ra và Thánh Truyền. Do đó Thánh Truyền được xem như là một kho tàng mà Huấn quyền của Hội Thánh có thể đem xử dụng để biện minh cho một vài định nghĩa có tính cách giáo thuyết, những định nghĩa hầu như chỉ có một giây liên hệ rất mong manh với những điều được ghi trong Thánh Kinh.

Quan niệm có hai nguồn mạc khải gặp sự chống đối kịch liệt của các Giám mục Đông Phương cũng như của các Giám chức Tây Phương sáng suốt nhất. Họ cương quyết nói rằng chỉ có một nguồn mạc khải duy nhất: đó là Thiên Chúa qua người con của Ngài là Đức Kitô. Nếu như cần phải phân biệt giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền thì chỉ có cách là xem cả hai không phải là nguồn gốc mà là các phương tiện để truyền đạt giáo huấn của Đức Kitô cho chúng ta. Và đây là một vấn đề phải được giải quyết tại Công đồng. Rốt cuộc, Đức Gioan XXIII cảm thấy cần tổ chức một công đồng, không những chỉ vì quan điểm hẹp hòi của đa số các chức vị tại Tòa Thánh mà còn vì thái độ rụt rè của nhiều Giám mục trên thế giới. Tuy rất tận tụy trong sự quản lý các công trình thế tục cũng như thiêng liêng của Giáo Hội, các Giám mục ít biết đến tinh thần mới đang tác động trên trí óc và tâm tư của nhiều giáo sĩ và được biểu lộ trong các văn kiện của các thần học gia, các trí thức giáo dân và các tu sĩ uyên bác và tiến bộ nhất. Họ cũng thường ngần ngại không dám lấy quyết định vì sợ gây ảnh hưởng xấu ở Roma. Về điểm này, tưởng cũng nên nhắc đến lời của Đức Hồng Y Denis Dougherty nói với một vị Giám mục Mỹ: “Này bạn, sau này khi bạn đối diện với Đức Kitô, Ngài sẽ không hỏi bạn đã xử sự như thế nào với Giáo Triều Roma, mà là bạn đã cứu vớt được bao nhiêu linh hồn!”

Do đó mà một sự tập họp các Giám mục trên thế giới rất cần thiết để họ soi sáng lẫn nhau về tình trạng của Giáo Hội trong một thế giới đầy đau khổ và hỗn loạn, một thế giới đang lo sợ trước mối đe dọa của chiến tranh nguyên tử và hầu như bất lực trước thắng lợi của chế độ độc tài, đặc biệt là chế độ cộng sản và sự bành trướng của chủ nghĩa duy vật vô thần.

Tại sao Giáo Hội đã không làm tròn nhiệm vụ hoàn vũ do Đức Kitô giao phó? Tại sao gia đình của Đức Kitô lại bất hòa? Phải chăng các tranh chấp nội bộ và các mối bất hòa không đáng kể với người Kitô hữu, không có thật trên thực tế và chỉ hời hợt bên ngoài?

Như vậy đã đến lúc phải chiêu hồi các con chiên lạc, phải quy hóa các lương dân thời nay đang khao khát công lý, phải tập hợp tất cả đoàn chiên về chuồng nhất là đoàn chiên Chính Thống và một vài phần tử Tin Lành bảo thủ đã ly khai chỉ vì các điều hiểu lầm và thành kiến lịch sử.

6. CHUẨN BỊ CÔNG ĐỒNG.

Từ khi loan báo chính thức (25.1.1959) cho đến ngày khai mạc Công đồng (11.10.1962) có một thời gian chuẩn bị là 44 tháng.

Một Ủy ban do Đức Hồng Y Tardini làm chủ tịch được thành lập để thảo luận về những đề án do Tòa Thánh đề nghị và để tham khảo ý kiến các Giám mục về những đề án này. Để khai triển các đề nghị trên, Đức Giáo Hoàng ra tự sắc Superno Dei nutu ngày 5.6.1960 thành lập 12 Ủy ban và 3 văn phòng. Các ủy ban tương đương với các Thánh Bộ của Giáo Triều, mỗi Ủy ban có một Bộ trưởng đứng đầu. Ủy ban trung ương do Đức Giáo Hoàng làm chủ tịch và Tổng thư ký là Đức Cha Felici, sau này là Tổng thư ký của Công đồng. Nhưng vì không muốn để cho các Hồng Y của Giáo Triều đưa Công đồng vào một chiều hướng ngược với ý định của ngài nên Đức Giáo Hoàng yêu cầu vị Quốc Vụ khanh chọn một số đông các Giám mục và thần học gia không thuộc Roma, vào các ủy ban phụ trách soạn thảo các lược đồ Hội nghị.

Trong suốt thời gian sửa soạn Công đồng Đức Giáo Hoàng cầm chắc việc điều khiển, tuy vô hình nhưng cương quyết, 800 thần học gia và chuyên viên được triệu đến Roma. Họ có phận sự chọn lọc và làm thành luật những sự kiện của thời đại liên quan đến vấn đề tín ngưỡng. Đức Giáo Hoàng tôn trọng quyền hành của Đức Tardini là người cộng tác viên chủ yếu đã được ngài chọn, nhưng ngài không từ bỏ trách nhiệm của mình: ngài là Giáo Hoàng, chính ngài đã triệu tập Công đồng, ngài muốn rằng toàn thể Giáo Hội cùng các Giám mục và thần học gia với nhiều khuynh hướng khác nhau, chuẩn bị Công đồng dưới sự trông nom của ngài. Một phương sách mềm dẻo nhưng khó lay chuyển của một vị Giáo Hoàng hiểu rõ trách nhiệm tối cao của mình, và lại muốn chia xẻ việc hành xử trách nhiệm đó.

Trong 44 tháng chuẩn bị Công đồng, Đức Gioan XXIII tỏ ra rất an bình. Ngài tin vào nhiệt tình của các Giám mục làm việc với các cố vấn thần học của họ. Ngài nghĩ rằng Thánh Linh hoạt động trong nhóm người đó. Ngài không tìm cách rút ngắn thời gian chuẩn bị cũng như không tìm cách để kỳ họp đầu tiên của Công đồng được sớm hơn Ngài nói: “Ngày tháng không là một vấn đề quan trọng. Một người tuổi đã cao không sợ là sẽ không đi tới được”. Ngài tâm sự với Đức Hồng Y Garonne: nhiệm vụ của ngài là thả con tàu khổng lồ và nặng nề xuống biển, một người khác sẽ có phận sự đưa nó ra khơi.

Một lời nhận xét của cha Congar soi sáng điều này: “Công đồng được tổ chức vì có sự tin tưởng vào con người nhất là vào Đức Gioan XXIII. Ngay cả sau khi ngài qua đời, người ta vẫn quy chiếu vào tư tưởng, vào trực giác của ngài qua các lời nói, tuy rất ít ỏi của ngài”.

7. NGÀY KHAI MẠC CÔNG ĐỒNG.

Hai ngày trước khi Công đồng khai mạc, Đức Gioan XXIII cử hành lễ kỷ niệm 4 năm ngày tạ thế của vị Giáo Hoàng tiền nhiệm là Đức Piô XII tại giáo đường Thánh Phêrô. Ngài nói: “Với hành động của tôi, tôi muốn làm tăng trưởng lòng thành kính đối với vị Giáo Trưởng quá vãng kính mến đầy ân phúc và thánh thiện, người đã cho tôi thừa hưởng một tấm gương cao quý của một cuộc đời hoàn toàn dâng hiến cho Giáo Hội”.

Ngày tiếp theo, nhiều quan sát viên của Thượng phụ Nga sô từ Moscou đến Roma theo lời mời của Đức Giáo Hoàng. Sự kiện này có nghĩa là cành ô liu do Đức Gioan XXIII đưa ra đã có người nắm lấy.

Sáng ngày 11.10.1962, ngày khai mạc công đồng, một làn sóng các Giám mục vừa đọc kinh vừa tiến về Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Từng đoàn tín hữu và khách hành hương đứng dọc theo các hàng rào. Tất cả chuông nhà thờ ở Roma đều dóng lên. Không khí vang dội những bài thánh ca, thánh nhạc do máy phát thanh truyền ra. Đây là “thời vụ trọng đại nhất của thế kỷ”, ngày khai mạc Công đồng thứ 21 của lịch sử Giáo Hội. Mặc dầu lời dè bĩu của một vài chức vị Giáo Triều cho rằng Công đồng rốt cuộc chỉ là một quả bom tịt ngòi, nếu không thì cũng sẽ làm rạn nứt hệ thống hiện hữu. Họ nói: “Các Giám mục sẽ rút lui về sau một thời gian ngồi chán ngán ngáp dài!”

Trong bài diễn văn khai mạc Đức Giáo Hoàng lập lại tôn chỉ của Công đồng là suy gẫm đến vai trò và sứ mạng của Giáo Hội trên thế giới, là con đường mở rộng cho việc “đổi mới liên tục Giáo Hội” để có thể diễn đạt được sứ điệp của Thiên Chúa cho loài người. Đây là một hành vi đức tin tôn giáo, là một bằng chứng tin cậy vào con người.

Đã quá lâu, người ta không được nghe những lời phát biểu tương tự tại Tòa Thánh, nên lẽ cố nhiên một số tham dự viên tỏ ra phân vân, một số khác trái lại biểu lộ sự vui mừng trong ánh mắt khi rời khỏi phiên họp khai mạc lịch sử đó.

Sau đây là các đề mục chính của diễn văn.

1/ Thiết lập một trật tự mới cho mối liên hệ giữa loài người.

Ngài nói: “... Hàng ngày trong khi thi hành tông vụ, chúng tôi phiền lòng khi nghe một vài người tuy đầy nhiệt tâm, đã tỏ ra thiếu óc xét đoán, thiếu chừng mực trong cách nhìn các sự việc. Trong xã hội ngày nay, họ chỉ nhìn thấy điêu tàn và tai ương. Họ thường nói rằng thời đại của chúng ta quá tồi tệ so với các thế kỷ trước. Họ làm như thể là lịch sử đã không dạy họ được điều gì và như thể là vào thời đại các Công đồng trước đây, mọi sự đều hoàn hảo trong lãnh vực giáo thuyết Kitô giáo, phong hóa và sự tự do đứng đắn của Giáo Hội.”

“Chúng tôi xin nói rằng chúng tôi hoàn toàn bất đồng ý với các tiên tri gieo họa đó, những người chỉ luôn luôn loan báo đủ loại tai ương, làm như thể là sắp đến ngày tận thế.”

“Trong tiến trình của thế giới hiện đại, trong khi xã hội loài người hầu như đang ở một khúc quanh, thì thiết tưởng nên nhận thức được những dự tính bí ẩn của Thiên Chúa quan phòng, cho dầu đó là những biến cố bất lợi nhưng đã được xếp đặt một cách khôn ngoan để đem lại lợi ích cho Giáo Hội và thường vẫn đạt được mục tiêu ngoài mọi sự ước đoán”.

2/ Việc diễn đạt chân lý thiêng liêng phải phù hợp với nền văn hóa hiện đại.

Đức Giáo Hoàng tiếp: “Công đồng chung thứ 21 muốn chuyển đạt toàn vẹn giáo thuyết Công Giáo mà không làm yếu đi hay biến tính một giáo thuyết đã trở thành di sản chung của nhân loại mặc dầu gặp bao nỗi khó khăn và chống đối. Thật ra, di sản đó không làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng được cung hiến cho những người thiện chí như là một kho tàng quý giá để họ xử dụng.”

“Tuy nhiên chúng ta không nên cất giữ kho tàng đó như là một báu vật của quá khứ mà phải bạo dạn và vui vẻ làm những công việc do thời đại đòi hỏi và tiếp tục con đường mà Giáo Hội vẫn tiến hành từ 20 thế kỷ nay.”

“Mục tiêu trước tiên của chúng ta cũng không nhằm thảo luận một vài đề mục căn bản của giáo thuyết của Giáo Hội, nghĩa là lập lại những điều mà các giáo phụ và thần học gia xưa và nay đã đề cập đến. Chúng tôi nghĩ rằng và chắc quý vị cũng đồng ý, giáo thuyết đó đã in sâu vào tâm khảm chúng ta. Nếu chỉ cần thảo luận như vậy thì cần gì phải tổ chức một Công đồng hoàn vũ. Ngày hôm nay, điều cần thiết là có một sự tán đồng của mọi người trong một tình yêu thương đổi mới, trong sự an bình đối với toàn thể giáo thuyết được truyền đạt bằng những danh từ và khái niệm rõ ràng. Giáo thuyết đó phải được thông hiểu một cách rộng rãi và chính xác và phải thấm nhuần sâu đậm và biến cải các tâm hồn. Giáo thuyết chân chính và bất biến đó phải được tôn trọng và trình bày sao cho phù hợp với các yêu sách của thời đại.”

“Thật vậy, bên cạnh niềm tin vào những chân lý chứa đựng trong giáo thuyết khả kính của chúng ta, còn có vấn đề trình bày các chân lý đó sao cho có thể giữ nguyên vẹn ý nghĩa và phạm vi giá trị của chúng. Cần phải chú trọng đến phương thức trình bày và trau dồi nó. Cần phải áp dụng một phương thức diễn tả thích hợp nhất với giáo huấn mục vụ”.

Đức Gioan XXIII nhìn nhận rằng đức tin có thể được phát biểu dưới nhiều hình thức, tuy luôn luôn biến hóa, nhưng vẫn trung thành với thực chất của mạc khải. Vấn đề là làm sao để sự khảo cứu thần học phù hợp với các yêu sách của sứ mệnh truyền giáo và mục vụ của Giáo Hội, những yêu sách được Đức Giáo Hoàng xem như ưu tiên.

Xem như vậy thì quan niệm Giáo Hội học của Đức Gioan XXIII nhất quyết vượt quá khái niệm về cơ chế của Giáo Hội. Khoa thần học và truyền thống lấy Giáo Hội làm cứu cánh, phát xuất từ quan niệm cho rằng: Yếu tố hữu hình trổi hơn yếu tố vô hình, do đó, mọi sự, kể cả việc truyền bá Phúc âm, đều lệ thuộc vào sự bảo vệ cơ chế Giáo Hội, xét theo Giáo Hội là trung tâm của lịch sử. Quan niệm của Đức Giáo Hoàng khác hẳn. Theo Ngài, Giáo Hội không được xem như là cứu cánh mà chỉ được xem như là dụng cụ cần được cải tổ liên tục để phục vụ nhu cầu tổng quát của con người.

3/ Thông cảm chứ không lên án tuyệt thông; xót thương hơn là khắc khe.

Đức Giáo Hoàng nói: “Từ trước đến nay, Giáo Hội không ngớt chống đối các sự sai lạc và thường nghiêm khắc lên án. Nhưng ngày nay, Vị Hiền Thê của Đức Kitô muốn dùng lòng khoan dung độ lượng làm phương pháp trị liệu, và cho rằng muốn đáp ứng các nhu cầu của xã hội thì thay vì trừng trị, hãy nêu cao sự phong phú của giáo thuyết của mình. Không thể chối cãi là không thiếu gì các giáo thuyết và quan niệm sai lạc, những mối hiểm nguy cần phải xa lánh. Nhưng vì những loại giáo thuyết này rõ ràng quá trái ngược với các nguyên tắc chính trực và đem đến những hậu quả quá đắng cay, nên ngày nay, hầu như bắt đầu bị loài người lên án (...).

“... Với Công đồng đại kết này, Giáo Hội Công Giáo nêu cao ngọn đuốc chân lý của tín ngưỡng và muốn tỏ ra là một hiền mẫu khoan dung, ưu ái, kiên nhẫn, đầy thiện chí đối với các con cái đã ly khai với bà. Đứng trước nhân loại đang gánh chịu bao nỗi khó khăn, Giáo Hội dùng lời của Thánh Phêrô nói với người hành khất: ”Vàng bạc tôi không có, nhưng tôi cho bạn những gì tôi có: nhân danh Đức Kitô, bạn hãy đứng dậy và bước đi” (Cv 3,6).

4/ Tinh thần hiệp nhất của Kitô hữu.

Ngài nói “...Giáo Hội nghĩ rằng có bổn phận phải hoàn tất huyền nhiệm trọng đại của sự hiệp nhất đã được Đức Kitô, trước khi hiến sinh, khẩn khoản cầu xin với Đức Chúa Cha...”

Sự hiệp nhất này có 3 hình thái:

• Hiệp nhất giữa các tín hữu Công Giáo: sự hiệp nhất này phải vững chắc và mẫu mực.

• Hiệp nhất với các Kitô hữu thuộc các giáo phái khác nhau, đã ly khai với Tông Tòa.

• Cuối cùng là sự hiệp nhất với các thành phần thuộc các giáo phái còn ở ngoài Kitô giáo, rất đông đảo và cũng đã được Máu Thánh của Đức Kitô cứu chuộc, nhưng chưa được dự phần vào ân sủng của Chúa Cứu Thế.

Với sự kết hợp các năng lực nồng cốt của Giáo Hội và với sự cố gắng tìm phương thức thích hợp để loan báo Tin Mừng Cứu Chuộc, Công đồng chuẩn bị và san bằng con đường dẫn tới sự hiệp thông của nhân loại: Đây là yếu tố cần thiết để làm cho trần gian, hình ảnh của Thiên Quốc, trở nên “nơi mà chân lý là vua, lòng nhân là luật lệ và vĩnh cửu là đơn vị đo lường” (Thánh Augustin, Ep CXXX VIII 3)..

Sau buổi lễ khai mạc kéo dài khá lâu, Đức Giáo Hoàng nói với những người thân cận: “Tôi đã cố gắng giữ bình tĩnh, chế ngự cảm xúc, tập trung tư tưởng từ đầu cho đến cuối. Trong khi đọc diễn văn, tôi đưa mắt nhìn các người đứng cạnh và tôi đã xin Chúa ngỏ lời với mỗi người”. Để trả lời câu hỏi của vị bí thư về tình trạng sức khỏe của ngài; Đức Giáo Hoàng nói: “Với những điều mà Chúa đã phán bảo tôi sáng nay, tôi phải cảm thấy phấn khởi. Hơn bao giờ hết, tôi thấy cần phải cầu nguyện rất nhiều. Chúng ta không là gì cả. Chính Chúa đã làm tất cả.”

Chiều hôm đó, 10.000 người mang đuốc tụ tập tại công trường Thánh Phêrô. Kinh ngạc, Đức Giáo Hoàng yêu cầu vị bí thư mở cửa sổ để ngài ban phép lành và nói vài lời với quần chúng. Một vài câu được ghi lại: “... Cá nhân tôi không đáng kể; Giáo Hoàng không đòi hỏi một đặc quyền nào cả, cũng như ơn bất khả ngộ, cũng không đòi hỏi quyền ưu tiên đối với các huynh đệ Giám mục tại Công đồng; chúng tôi chỉ lưu ý đến các sự kiện hòa hợp và bỏ ra ngoài các sự kiện chia rẽ, nếu có...”

Trở về phòng riêng, ngài nói: “Tôi không dám mơ tưởng nhiều như vậy, tôi chỉ dám ước mong là thông báo việc triệu tập Công đồng. Nhưng Thiên Chúa đã giúp tôi tiến hành Công đồng”. Ngài nói với các cộng sự viên: ”Bây giờ chúng ta tiến hành Công đồng. Xong chúng ta đi thăm viếng mục vụ các giáo xứ ở Roma theo thể thức sẽ bàn tới sau”.

Xem như vậy, có thể nói là Đức Giáo Hoàng không tiên liệu một thời gian hội họp lâu dài. Và theo lời của vị bí thư thì ngài hy vọng là phiên họp đầu tiên sẽ hoàn tất vào lễ Giáng Sinh. Ngài nói: “Tôi sẵn sàng từ bỏ niềm vui được chứng kiến kỳ khai hội. Tôi sẵn sàng trước Thánh Ý Chúa, sẵn sàng dừng lại bất cứ lúc nào để chuyển đạt việc tiến hành công việc cho người kế nhiệm”.

Đức Gioan XXIII biết là cái chết sắp đến với ngài. Ngài nói với giáo sư Gasbarrini, bác sĩ riêng của Ngài: “Giáo sư đừng quá khổ nhọc vì tôi, hành trang tôi sẵn sàng rồi”.

Chiều ngày 12.10.1962 sau khi đọc báo chí, ngài ghi: “Tin tức được loan báo trên tất cả các nhật báo. Công đồng là bước khởi đầu các ân phúc lành cho Giáo Hội. Thiên Chúa đã khiến cho tia sáng đầu tiên thoát ra khỏi tâm tôi và môi tôi”.

Đó đây, người ta nghe nhiều lời biện bác “có đi quá nhanh không? Có thiếu cẩn trọng không? Có nên sợ rằng hành động này là một khí cụ sẽ nổ tung trong những bàn tay thiếu tinh thông?” Nhưng Đức Gioan XXIII đã từng trả lời trong một bài diễn văn trước đây đọc vào ngày 28.1.1961: “... Chúng ta phải đẩy xa những ảo tưởng quá dễ dàng; vì nếu như lý tưởng hoàn toàn được thực hiện tức khắc thì giờ phút ân sủng đã đến rồi và chúng ta sẽ rời nhà cửa để tiến lên Thiên Đàng và cùng đồng ca bài Hosanna. Phải cần rất nhiều thời gian trước khi mọi quốc gia trên thế giới nhận thức được sứ điệp của Phúc âm; ngoài ra cũng cần cố gắng để thay đổi tâm trạng của con người”.

Sau khi được long trọng khai mạc với bài diễn văn của Đức Gioan XXIII, Công đồng đã họp khóa đầu tiên kéo dài từ 11.10 đến 8.12.1961. Trong kỳ họp này, một số lược đồ được đưa ra thảo luận, liên quan đến Phụng Vụ, nguồn mạc khải, các phương tiện truyền thông xã hội, sự hiệp nhất các Kitô hữu và Giáo Hội. Sự phát biểu ý kiến cực kỳ sôi nổi diễn ra trong một bầu không khí thật căng thẳng. Chỉ có lược đồ về Phụng vụ là được thông qua còn những lược đồ khác đều bị trả lại cho các ủy ban soạn thảo liên hệ để sửa chữa lại.

Đức Hồng Y Bea ghi lại: Trong buổi tiếp kiến một số Giám mục nhân kỳ họp đầu tiên, Đức Giáo Hoàng đã trả lời một vài vị tỏ ra thắc mắc về cách phát biểu dữ dội của nhiều tham dự viên: “Nhưng quý vị đợi chờ gì nơi họ? Họ không phải là một nhóm nữ tu phải luôn luôn đồng ý với Mẹ Bề Trên!”

Ngày bế mạc khóa họp đầu tiên (8.12.1962) là ngày mà Công đồng được thấy và nghe Đức Giáo Hoàng lần cuối cùng. Gương mặt xanh xao, Ngài đọc diễn văn bế mạc khóa họp mặc dầu có lời khuyên của bác sĩ nên tránh mệt nhọc sau cơn xuất huyết đầu tiên. Các Giám mục xúc động lặng lẽ nhìn Ngài. Lời cuối cùng Ngài nói với họ: “Đoạn đường còn dài, nhưng quý vị biết rõ là Đấng Chủ Chăn Tối Cao sẽ ưu ái cùng đi với quý vị trong các hoạt động mục vụ mà quý vị tiến hành trong giáo phận của quý vị... Nhiều trách nhiệm trọng đại đang chờ đợi chúng ta, nhưng Thiên Chúa sẽ trợ lực chúng ta trên mọi nẻo đường”. (Doc. Cath. 1963, col. 7.11).

Xem như vậy, Đức Thánh Cha Gioan XXIII chính là người khai mở Công Đồng Vatican II. Còn tiếp nối và kết thúc Công Đồng là Đức Hồng Y Montini, tức Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, vì kế nhiệm ngài. Mấy ngày trước khi tạ thế, Đức Gioan XXIII đã nói như một tiên tri: “Tôi chắc rằng Hồng Y đoàn sẽ không gặp khó khăn khi bỏ phiếu chọn người kế nhiệm. Tôi cũng xác tín rằng các Giám Mục sẽ dẫn đưa Công Đồng đến kết Thúc tốt đẹp. Và theo ý tôi, người kế vị tôi sẽ là Đức Hồng Y Montini. Các lá phiếu của Hồng Y đoàn sẽ hướng về ngài”. (IME, p.220).

Luật sư NGUYỄN THỊ HẢO