1. Tôi không thể giữ im lặng: Đức Giám Mục Madison lên án việc phá hủy các bức tượng tôn giáo

Khi những kẻ bạo loạn trên khắp Hoa Kỳ nhắm vào các bức tượng mô tả các nhân vật lịch sử, Đức Cha Donald Donald Hying, Giám mục giáo phận Madison, Wisconsin đã lên tiếng tố cáo những sự phá hủy đó, đặc biệt là lời kêu gọi phá hủy các pho tượng và tranh ảnh mô tả về Chúa Giêsu Kitô và Đức Trinh Nữ Maria.

“Một số bức tượng nên được đặt trong các viện bảo tàng hoặc các nơi lưu trữ an toàn? Có thể là như thế. Nhưng liệu chúng ta có nên để một nhóm những kẻ phá hoại đưa ra những quyết định như thế cho chúng ta hay không? Chắc chắn là không, ” Đức Cha Hying nói trong một lá thư đề ngày 23 tháng Sáu.

“Nếu chúng ta cho phép các hình ảnh lịch sử và kỷ niệm của quốc gia chúng ta bị phá hủy bởi các nhóm ngẫu nhiên trong thời điểm tức giận hiện tại, chúng ta sẽ học được gì từ lịch sử đó? Liệu việc lật đổ và phá hoại một bức tượng của George Washington, vì ông ta sở hữu các nô lệ, có thực sự phục vụ đất nước và ký ức tập thể của chúng ta không? ”

Một ngày trước đó, một nhà hoạt động cho quyền của người da đen trong phong trào “Black Lives Matter” nghĩa là “Mạng Sống Người Da Đen Đáng Giá” đã lớn tiếng đòi giật sập tất cả các tượng Chúa, Đức Mẹ và các thánh trên đất Mỹ.

Shaun King, 40 tuổi, nói:

“Tôi nghĩ rằng những bức tượng của người Âu châu da trắng mà họ tuyên bố là Chúa Giêsu cũng phải bị giật xuống. Họ là một hình thức của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Luôn luôn là như thế.” Shaun King đã hô hào như trên giữa lúc phong trào đòi giật đổ các tượng đài đang trở thành một cao trào tại Mỹ.

King mở rộng yêu cầu của mình bao gồm tất cả các bức tranh trên tường và cửa sổ kính màu vẽ Chúa Giêsu với nước da trắng, và Mẹ người, và các thánh theo hình ảnh của người Âu Châu.

“Những ảnh tượng này là một dạng thức thô bạo của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Chúng được tạo ra như là công cụ của áp bức và tuyên truyền phân biệt chủng tộc. Tất cả những ảnh tượng đó phải bị giật xuống.”

Đáp lại, Đức Cha Hying lưu ý rằng “Mọi nền văn hóa, quốc gia, dân tộc và chủng tộc đã đồng hóa Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria như những gì là của riêng họ. Họ miêu tả các ngài với màu da, văn hóa và các trang phục văn hóa của họ.”

“Giáo lý Công Giáo nêu trong đoạn 1149 rằng ‘Phụng vụ của Hội Thánh thừa nhận, tiếp thu và thánh hoá các yếu tố trong thiên nhiên và trong nền văn hóa nhân loại, đồng thời làm cho chúng trở nên những dấu chỉ của ân sủng, của thụ tạo mới trong Đức Kitô.’”

“Chẳng hạn, Đức Mẹ Guadalupe đã xuất hiện như một người thuộc chủng tộc mestiza, hay người lai Tây Ban Nha và da đỏ. Nghệ thuật châu Phi mô tả Chúa Giêsu là người da đen, và Đức Maria trong trang phục văn hóa châu Phi; và có rất nhiều hình ảnh mang nét Á châu của Đức Maria rất đẹp.”

Tại một số thời điểm trong lịch sử của Giáo hội, một số người đã nhầm lẫn giữa sự viên mãn của Công Giáo với văn hóa còn nhiều khiếm khuyết của Âu châu. Người Công Giáo nên cố gắng hướng đến sự hiệp nhất, là điều thiết yếu, trong sự đa dạng làm phong phú cho sự hiệp nhất thiết yếu ấy.

“Trong bối cảnh này, các hình ảnh mô tả Chúa Kitô và Mẹ của Ngài như người Âu Châu phải chăng là dấu chỉ của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng? Tôi không nghĩ như thế. Bởi vì Con Thiên Chúa đã nhập thể mặc lấy xác loài người của chúng ta, nên tất cả nhân loại - mọi chủng tộc, bộ lạc và mọi miệng lưỡi - đều có khả năng tâm linh để mô tả Ngài qua lăng kính đặc biệt từ nền văn hóa của họ.”

“Những miêu tả về Chúa Giêsu là thánh thiêng đối với các Kitô hữu. Đó là những biểu hiện thể chất của tình yêu Chúa và nhắc nhở chúng ta về sự gần gũi thân mật của Thiên Chúa”.

“Các biểu hiện duy thế tục trong thời điểm hiện tại sẽ không mang lại sự hòa giải, hòa bình và chữa lành. Bạo lực như vậy sẽ chỉ duy trì định kiến và hận thù mà nó dường như tìm cách chấm dứt... Chỉ có tình yêu của Chúa Kitô mới có thể chữa lành một trái tim bị thương, chứ không phải là một mảnh kim loại bị phá hoại, ” Đức Cha kết luận.

Tại Madison hôm thứ ba, những kẻ bạo loạn đã kéo xuống một bức tượng của Hans Christian Heg, một người theo trào lưu bãi bỏ nô lệ, người nổi tiếng đã chiến đấu chống lại các tiểu bang muốn duy trì tình trạng nô lệ, và ném bức tượng xuống hồ Monona của Madison. Mặc dù bức tượng Heg đã được vớt lên, nó đã bị hư hại nghiêm trọng và bị mất đầu và một chân. Việc kéo đổ bức tượng của Hans Christian Heg được nhiều người cho rằng nó cho thấy sự ngu xuẩn của đám đông.


Source:Catholic News Agency

2. Các cuộc bạo loạn và giật tượng đang làm mất chính nghĩa chống phân biệt chủng tộc của người da đen

Gloria Purvis, người dẫn chương trình phát thanh “Morning Glory” do đài truyền hình Công Giáo EWTN sản xuất, cho biết cô sẽ tiếp tục lên tiếng cho công lý chủng tộc, trong bối cảnh mới trong đó nhiều mạng lưới lớn các đài phát thanh và phát hình từ trước đến nay vẫn truyền tải các chương trình của cô đã từ chối không phát sóng tiếp tục.

Tin tức trong mấy ngày qua cho biết Radio Network Guadalupe sẽ không còn phát sóng các chương trình ‘Morning Glory’ của Purvis nữa từ đêm thứ Năm 25 tháng 6. Purvis khẳng định với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng cô đã được thông báo về tin buồn này. Cô cũng bày tỏ là không hài lòng trước quyết định trên, đặc biệt là vì Guadalupe Radio đã không thảo luận trực tiếp với cô trước khi đưa ra quyết định.

Diễn biến này cho thấy rõ các cuộc bạo loạn và giật tượng đang làm mất chính nghĩa chống phân biệt chủng tộc của người da đen. Ngay cả các đài truyền hình và truyền thanh Công Giáo đã bắt đầu không hào hứng với các chủ đề chống phân biệt chủng tộc vì e rằng chính nghĩa chống phân biệt chủng tộc của người da đen đang bị lạm dụng và lôi kéo vào các thủ đoạn chính trị và các hành vi bạo lực gây rối trên toàn quốc.

“EWTN sẽ tiếp tục sản xuất và phát sóng ‘Morning Glory’”, Purvis nói và cho biết thêm rằng giám đốc điều hành EWTN nói với cô rằng “không có gì thay đổi, EWTN sẽ tiếp tục phát sóng Morning Glory, và không có kế hoạch thay đổi chương trình này.”

Purvis, người da đen, trong những tuần gần đây là một diễn giả thường xuyên trên các phương tiện truyền thông Công Giáo về các chủ đề liên quan đến công lý chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát. Cô nói với CNA rằng cô đã phải đối mặt với sự phản ứng dữ dội từ người nghe và độc giả vì đã bày tỏ quan điểm của mình về chủ đề này, mặc dù, cô nói, quan điểm của cô không mâu thuẫn với giáo lý Công Giáo.

“Nếu bạn nhìn vào những gì các Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến liên quan đến việc sử dụng vũ lực, các ngài đang nói rằng chúng ta cần phải đối xử với từng người như những con cái Chúa được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Và ai trong chúng ta với tư cách là người Công Giáo lại không có lập trường như thế về sự tàn bạo của cảnh sát, theo những lời dạy đó? ” Purvis hỏi.


Source:Catholic News Agency