1. Tổng thống Trump có thể gặp những khó khăn rất lớn trong những ngày tới sau khi lật nhào một quyết định của Obama
Tạp chí National Review vừa tường trình rằng Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản của Hoa Kỳ vừa công bố một qui định bãi bỏ chính sách của Chính phủ Obama về việc tái định nghĩa giới tính.
Điều 1557 của Obamacare cấm việc kỳ thị dựa vào chủng tộc, mầu da, quốc gia gốc, giới tính, tuổi tác hay khuyết tật trong các chương trình hay hoạt động liên quan tới y tế. Gần cuối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama, Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản của ông đã đưa ra một quy định tái định nghĩa lại “giới tính” để bao gồm “bản sắc phái tính”.
Bằng cách tái định nghĩa “giới tính”, chính sách của Obama đòi buộc phải đối xử với người nam về sinh học nhưng tự nhận mình là phụ nữ; và đối xử với phụ nữ về sinh học nhưng tự nhận mình là nam giới, theo cái gọi là “bản sắc phái tính” của họ thay vì giới tính sinh học thực sự của họ.
Nói dễ hiểu là thế này, một người là nam giới có thể tự nhận mình là có “bản sắc phái tính” nữ và như thế theo điều 1557, anh ta có thể thản nhiên đi vào một nhà vệ sinh chỉ dành cho người phụ nữ. Ai ngăn cản anh ta thì vi phạm điều 1557. Nhưng nếu có chuyện gì bất trắc xảy ra thì chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm. Hàng loạt các cơ sở như trường học, nhà hàng, công sở phải cấp tốc xây dựng các nhà vệ sinh Unisex, gây ra những tốn kém rất lớn.
Trong một quyết định được mô tả là rất can đảm, Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản của chính quyền Tổng thống Trump đã đảo ngược quyết định này của Obama và một lần nữa “giới tính” chỉ có nghĩa là giới tính sinh học, như đã được quy định trong các đạo luật về dân quyền của Hoa Kỳ.
Roger Severino, giám đốc Văn phòng Dân quyền của Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản, nói rằng: “Chúng tôi coi ‘bản sắc phái tính’ là một diễn giải bất hợp pháp về luật dân quyền. Quy tắc mới nhất này chỉ đơn thuần phù hợp với thực tại pháp lý đó”.
Quyết định đảo ngược quy định của chính quyền Trump gần như chắc chắn sẽ gặp sự giận dữ của các nhà hoạt động cấp tiến và các đồng minh của họ trong các phương tiện truyền thông. Khi lần đầu tiên công luận biết rằng chính phủ Trump đang xem xét việc hủy bỏ việc tái định nghĩa “giới tính” của Obama, tờ New York Times đã sai lầm khi khẳng định rằng “‘Người chuyển giới có thể bị xác định như không còn hiện hữu dưới chính phủ Trump”.
Tuy nhiên, động thái mới này đã thực thi một lời hứa chủ chốt mà Ông Trump đã đưa ra cả trong chiến dịch tranh cử lẫn trong suốt thời gian giữ nhiệm vụ, trong đó, Ông lên tiếng ủng hộ việc hủy bỏ các chính sách thời Obama tái định nghĩa “giới tính” để bao gồm “xu hướng giới tính” và “bản sắc phái tính”. Động thái này, mặc dù ở gần cuối nhiệm kỳ đầu tiên, là một bước nữa để những người ủng hộ ông thấy rằng ông sẵn sàng giữ đúng lời đã hứa bất chấp hậu quả.
2. Sau hai năm thi hành, hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh mang lại những kết quả quá nhỏ bé
Từ nhiều tháng nay, những tin tức về Trung Quốc thường xuất hiện hầu như hằng ngày trên các cơ quan truyền thông thế giới, nhất là từ hạ tuần tháng giêng năm nay với sự bộc phát dịch virus Vũ Hán, hay cũng gọi virus Trung Quốc, và ngày càng bành trướng gây đại họa cho toàn thế giới. Rồi đến cuộc đụng độ lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, vụ Quốc hội Trung Quốc ban hành luật an ninh tại Hương Cảng, tiếp đến là sự chống đối của các nước Ðông Nam Á đối với chính sách bá quyền và yêu sách lãnh hải của Trung Quốc tại vùng Á châu Thái Bình Dương
Trong bối cảnh đó, hôm 9 tháng 6, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết: sau 4 năm được Tòa Thánh bổ nhiệm, Ðức Cha Phêrô Lâm Gia Thiện, 86 tuổi, đã chính thức nhận chức vụ Tổng Giám Mục giáo phận Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến sau khi được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận.
Lễ nghi nhậm chức tại Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi ở thành phố Phúc Châu, do Ðức Cha Giuse Thái Bỉnh Thụy, Giám Mục giáo phận Hạ Môn, cũng là Chủ tịch Hội Công Giáo yêu nước tỉnh Phúc Kiến, chủ sự trước sự hiện diện của 80 người, trong đó có 50 linh mục.
Tòa Thánh đã không lên tiếng gì về việc Ðức Cha Lâm Gia Thiện nhận chức tại Nhà Thờ ở Phúc Châu hôm 9 tháng 6.
Tổng giáo phận Phúc Châu được coi là giáo phận đông tín hữu Công Giáo và giầu nhất tại Trung Quốc, với khoảng 300 ngàn giáo dân, 120 Linh Mục và hơn 500 nữ tu, nhưng giáo phận này từ nhiều năm nay ở trong tình trạng phân rẽ giữa cộng đoàn thầm lặng và cộng đoàn chính thức.
Ðức Cha Lâm Gia Thiện năm nay 86 tuổi, thuộc cộng đoàn Giáo Hội thầm lặng, được Tòa Thánh bổ nhiệm năm 2016. Trong thập niên 1980, ngài đã bị bọn cầm quyền Bắc Kinh kết án 10 năm lao động khổ sai.
Từ sau khi ký hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc hồi tháng 9 năm 2018, cho đến nay mới chỉ có 2 Giám Mục được chọn tại Hoa Lục và được Ðức Thánh Cha Phanxicô chính thứ bổ nhiệm.
Vị thứ nhất là Ðức Cha Antôn Diệu Thuận, 54 tuổi, tân Giám Mục giáo phận Tể Ninh tỉnh Nội Mông, chịu chức ngày 26 tháng 8 năm 2019.
Vị thứ hai là Ðức Cha Stephanô Tư Hồng Vĩ 44 tuổi, tân Giám Mục Phó giáo phận Hán Trung tỉnh Thiểm Tây, được thụ phong ngày 28 tháng 8 năm 2019. Vị chủ phong là Ðức Cha Mã Anh Lâm, Giám Mục giáo phận Côn Minh tỉnh Vân Nam chủ tịch Hội đồng Giám Mục Trung Quốc. Ðức Cha Mã là 1 trong 7 Giám Mục đã được Ðức Thánh Cha Phanxicô tha vạ tuyệt thông ngày 22 tháng 9 năm 2018, cùng ngày hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc được ký kết.
Từ sau khi ban hành “Các qui luật mới về các hoạt động tôn giáo”, Nhà Nước Trung Quốc đòi các giáo sĩ phải gắn bó với “Giáo Hội độc lập”, yêu tổ quốc và tùng phục chính sách của đảng cộng sản. Sau khi Hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc được ký kết, áp lực này trên các Linh Mục càng gia tăng.
Trong hai năm trời mà chỉ có 2 Giám Mục được chính thức bổ nhiệm và thụ phong tại Trung Quốc, không kể một vài vị được âm thầm hợp thức hóa, hoặc công nhận, và hiện nay vẫn còn hơn 40 giáo phận tại nước này không có Giám Mục. Ngoài ra, trong thời gian qua, mặc dù đã ký hiệp định với Tòa Thánh, nhưng nhiều nơi ở Trung Quốc có những vụ phá đổ thánh đường và thánh giá Công Giáo. Nhiều người tự hỏi: trong những tình cảnh như thế, Hiệp định tạm thời mà Tòa Thánh ký kết với Nhà Nước Trung Quốc sẽ ra sao, có tiếp tục hay không?