Trong một cuộc bỏ phiếu muộn ngày 27 tháng Năm, Hạ viện Hoa Kỳ đã tán thành một cách áp đảo các biện pháp lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc vì những cáo buộc liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Kazakhstan và các nhóm thiểu số tôn giáo khác trong các trại cải tạo ở vùng Tân Cương.

Đạo Luật Chính Sách Nhân Quyền Liên Quan Đến Người Duy Ngô Nhĩ, được thông qua với tỉ số 413 trên 1, cũng đòi hỏi hành pháp Hoa Kỳ phải có một phản ứng cứng rắn hơn đối với các vi phạm nhân quyền mà các nhóm thiểu số tôn giáo khác phải chịu. Dân biểu Thomas Massie, của Kentucky, là người duy nhất phản đối dự luật này.

“Tổng thư ký Đảng Cộng sản Trung Quốc là Tập Cận Bình đang thực hiện một tội ác diệt chủng vẫn đang tiếp diễn ra chống lại khoảng 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ sống ở Tân Cương ở phía tây bắc Trung Quốc. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có hành động, ” Dân biểu Chris Smith, của đảng Cộng Hòa đơn vị New Jersey, cho biết trong một bài bình luận từ diễn đàn Hạ Viện trước khi bỏ phiếu. “Ngày nay, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đang ở trong các trại tập trung. Hàng triệu người khác bị quấy rối, đánh đập, hãm hiếp và tra tấn.”

Dân biểu Smith là một người Công Giáo, và là thành viên lâu năm trong Tiểu ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện, và cũng là thành viên cao cấp của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc, và đồng chủ tịch Ủy ban Nhân quyền lưỡng đảng Tom Lantos. Ông đã phục vụ tại Quốc hội từ năm 1981, và đã chủ trì hơn 60 phiên điều trần về tình trạng vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

Thượng viện đã phê chuẩn phiên bản dự luật ngày 14 tháng Năm. Với việc thông qua của Hạ viện, giờ đây, Tổng thống Donald Trump sẽ ký ban hành luật này.

Như Dân biểu Smith giải thích trong bài phát biểu tại diễn đàn Hạ Viện, luật mới yêu cầu chính quyền của tổng thống Trump phải phân loại và báo cáo về các hành vi vi phạm nhân quyền của bọn cầm quyền Trung Quốc và thực hiện các bước cụ thể theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu để xử phạt các quan chức Trung Quốc về những lạm dụng này bao gồm cả việc từ chối visa, tịch thu tài sản trên đất Mỹ cho đến việc cấm tất cả các giao dịch tài chính với những kẻ vi phạm nhân quyền.

Điểm nổi bật trong Đạo Luật Chính Sách Nhân Quyền là việc quy kết trách nhiệm và tiến hành tịch thu tài sản từng cá nhân các quan chức Trung Quốc chứ không lên án chung chung. Lợi nhuận đầu tư rất lớn và thuận lợi dưới thời Obama, cũng như các tính toán nhằm hạ cánh an toàn đã khiến các quan chức Trung Quốc lao vào các khoản đầu tư rất lớn trên đất Mỹ.

Ngoài ra, dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao báo cáo về các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương - bao gồm các ước tính chính thức về số lượng cá nhân bị giam giữ trong các trại tập trung - và FBI phải đệ trình báo cáo lên Quốc hội về các nỗ lực của công an Trung Quốc nhằm đe dọa và quấy rối Người Duy Ngô Nhĩ và những người có quốc tịch Trung Quốc đang cư trú hợp pháp tại Hoa Kỳ.

Dân biểu Smith nhắc nhớ lời khai được đưa ra trong phiên điều trần quốc hội năm 2018 của nhân chứng Mihrigul Tursun, người đã kể lại thử thách mà cô phải chịu như tra tấn, lạm dụng tình dục và giam giữ dài hạn trong một trại tập trung.

“Cô ấy đã khóc khi nói với chúng tôi rằng cô ấy đã cầu xin Chúa chấm dứt cuộc sống của mình. Các cai tù Trung Quốc đã khoá tay cô vào một cái bàn và liên tục làm tăng dòng điện chạy qua cơ thể cô và chế giễu niềm tin của cô vào Chúa. Cô bị tra tấn chỉ vì là người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và là người Hồi giáo ở Trung Quốc.”

“Có hàng triệu câu chuyện như thế này đang chờ được kể về tội ác chống lại loài người do bọn cầm quyền Trung Quốc gây ra đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và những người có niềm tin tôn giáo”.

Dân biểu Smith cho biết ban đầu chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận sự tồn tại của các trại tập trung đông người và thậm chí bây giờ cố gắng còn miêu tả những trại tập trung kinh khủng này là các trung tâm dạy nghề. Tuy nhiên, tờ New York Times và Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế đã thu được các tài liệu vạch trần sự tàn bạo trong các trại tập trung này.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 19 tháng Năm, Dân biểu Smith nói với thông tấn xã Công Giáo CNS của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ: Trung Quốc khét tiếng đối với nạn tra tấn.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, khen ngợi Thượng viện và Hạ viện đã thông qua dự luật.

“Thế giới đã chần chừ quá lâu khi bọn cầm quyền Trung Quốc giam giữ hàng triệu người Hồi giáo trong các trại tập trung, ” ông Nury Turkel, một ủy viên của USCIRF, cho biết ngày 27 tháng Năm. “Luật Đạo luật Chính sách Nhân quyền sẽ là đạo luật lớn đầu tiên tập trung vào việc thúc đẩy quyền của người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm tôn giáo khác. Hy vọng rằng các quốc gia khác sẽ theo gương của chính phủ Hoa Kỳ, và có hành động về vấn đề này.”

Theo báo cáo của USCIRF, Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ hàng triệu người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Đối với Kitô Giáo, song song với chiến dịch triệt hạ Thánh Giá, chúng ra lệnh phải gỡ xuống hay đục bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và thay bằng các lời dạy của “Bác Tập”.

Ngay sau lệnh dỡ bỏ cô lập tại Vũ Hán, chiến dịch loại bỏ thánh giá vừa được tái tục tại Hoa Lục. Các quan chức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Công Giáo Yêu Nước đang yêu sách các nhà thờ phải treo ảnh Tập Cận Bình trang trọng hơn ảnh Chúa và Đức Mẹ nếu muốn được mở cửa trở lại.

Trong cố gắng che đậy sự thật về đại dịch coronavirus kinh hoàng, đảng Cộng sản Trung Quốc đi xa đến mức tô vẽ bọn cầm quyền nước này như các đấng cứu nhân độ thế, và đặc biệt Tập Cận Bình là đấng cứu tinh của thế giới. Chính vì thế, ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ trong các nhà thờ phải bị gỡ xuống hay treo vào những chỗ ít trang trọng hơn vì Tập Cận Bình mới là đấng cứu tinh thật sự của nhân loại.

Dự luật lưỡng đảng, do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio giới thiệu, kêu gọi các biện pháp trừng phạt chống lại những người chịu trách nhiệm đàn áp tự do tôn giáo tại Trung Quốc. Dự luật đặc biệt kêu gọi việc tịch thu tài sản trên đất Mỹ của Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo - 陈全国), ủy viên Bộ Chính Trị ban Thường Vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc, là người chịu trách nhiệm việc hoạch định các chính sách bách hại tôn giáo tại quốc gia này.

Động thái của Quốc Hội lưỡng viện diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa chính quyền Trump và Bắc Kinh về đại dịch COVID-19 toàn cầu, mà Washington đã đổ lỗi cho sự thiếu minh bạch của Trung Quốc về sự bùng phát ban đầu ở đó.


Source:Crux