34. ĐÁNH RẮM LÀM THƠ VĂN

Có một tú tài chết xong thì diện kiến diêm vương, khoe khoang mình có tài làm văn mau lẹ.

Đột nhiên diêm vương tình cờ đánh rắm một cái, tú tài ấy lập tức trình lên một bài thơ tặng, diêm vương coi xong thì rất phấn khởi, bèn cho anh ta trở về lại làm người thế gian để anh ta sống thọ thêm một năm nữa.

Một năm đã hết, tú tài lại chết và lại bái kiến diêm vương nhưng không may là đã bãi trào, tiểu quỷ báo với diêm vương là có tú tài đến yết kiến. Diêm vương hỏi là ai, tiểu quỷ nói:

- “Chính là tên tú tài năm trước đánh rắm làm thơ đó.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 34:

Thường người ta thấy phong cảnh hữu tình thì lòng thơ tuôn trào lai láng, hoặc tức cảnh si tình mà làm thơ để đời, chứ không ai nghe tiếng đánh rắm mà làm thơ cả, có chăng là những nhà thơ ba cọc ba đồng, tức là những người thích nịnh.

Nịnh diêm vương là chuyện không có tức là chuyện tiếu lâm kể cho vui, nhưng chuyện phạt trong hỏa ngục là chuyện có thật, mà đã bị phạt trong hỏa ngục rồi thì dù có làm thơ hay như Lý Bạch, như Tản Đà thì cũng muôn đời ở trong đó, chứ không thể nào sống lại được thêm một năm nữa, đó là niềm tin của người Ki-tô hữu.

Người Ki-tô hữu dù là nhà thơ, nhà văn hoặc nhà khoa học thì cũng đều hiểu biết điều này: là nhà thơ thì làm thơ để ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa và ca ngợi những vẻ đẹp đẽ trong vũ trụ; là nhà văn thì viết những áng văn không những để dạy con người biết đến Thiên Chúa mà còn dạy cho con người biết sống làm người, chứ không dùng văn chương để đầu độc người khác; là nhà khoa học thì những phát minh của mình luôn đem lợi ích lại cho nhân loại và thăng tiến con người.

Tóm lại, chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình trong tình yêu của Thiên Chúa, là những vần thơ đẹp nhất để được niềm vui ở đời này và hưởng hạnh phúc mai sau.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info