Từ ngày 23 đến 28 tháng 7 tới đây, sẽ diễn ra Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 17 tại Toronto, Canada với chủ đề: Anh em là muối đất. Anh em là ánh sáng của thế gian" (Mt 5:13-14) . Thiết tưởng đây là dịp để chúng ta nhìn lại nguồn gốc, tinh thần và chủ đề của các Ngày Quốc tế Giới trẻ kể từ năm 1985, hầu hiệp thông với các bạn trẻ khắp thế giới.

Nguồn gốc: Năm 1983-84, Giáo Hội cử hành tại Rôma lễ kỷ niệm 1950 năm cái chết cứu chuộc của Chúa Kitô. Ba trăm ngàn bạn trẻ đã tự động tựu về Thánh đô lúc ấy. Tiếp đó, Liên Hiệp Quốc tuyên bố lấy năm 1985 làm Năm Quốc tế Giới trẻ. Lần này cũng vậy, hơn 300 ngàn bạn trẻ đã tụ tập tại thủ đô Italia để gặp gỡ Ðức Thánh Cha. Ý thức được nhu cầu biểu lộ qua hai cuộc tập họp này, năm 1986, Ðức Gioan-Phaolô II đã thành lập "Ngày Quốc tế Giới trẻ”, và tới nay nó đã kéo dài được 15 lần, theo thể thức như sau: một năm trên cấp quốc tế (phần nhiều vào tháng 8), một năm ở cấp giáo phận (ngày Lễ lá).

Tinh thần: Những ngày này đã in dấu lên thời đại ta. Chúng thành công được nhờ bí quyết nào? Nhờ ba bí quyết: khuyến khích Giáo Hội và xã hội tin tưởng vào giới trẻ - đem việc toàn cầu hóa phục vụ con người - nhắc lại đòi hỏi đón tiếp người xa lạ. Ðối với thế giới, giữa lòng ngôi làng mà hành tinh Trái đất đã trở thành, các Ngày Quốc tế Giới trẻ là một dấu chỉ của tình huynh đệ: bằng cách tôn trọng những khác biệt, dựa trên các truyền thống tinh thần của Kitô giáo, các Ngày QTGT biểu lộ sự đón tiếp, lòng cởi mở, và ý chí muốn xây dựng một nền văn minh tình thương. Ðối với người trẻ, giữa lòng nhiều xã hội đang già cỗi, các Ngày QTGT là một hành vi tin tưởng vào giới trẻ. Chúng diễn tả cái mà đức tin làm phát sinh trong tâm hồn: từ nghệ thuật tiến đến chiêm ngưỡng, từ gặp gỡ tiến đến dấn thân xã hội, từ tìm kiếm hòa bình tiến đến bảo vệ thiên nhiên.

Năm Chủ đề của những Ngày QTGT
0Lễ lá 1985 Tập họp tự phát của giới trẻ tại Rôma, không có chủ đề.
1 Lễ Lá 1986 "Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,15).
2 Tháng 4-1987 (Buenos Aires, Áchentina) "Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta và đã tin vào tình yêu đó” (1Ga 4,16) 900.000 bạn trẻ.
3 Lễ Lá 1988 "Người bảo gì, anh em cứ việc làm theo” (Ga 2,5).
4 Ngày 20-8-1989 (Saint-Jacques-de-Compostelle, Tây Ban Nha) "Thầy là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6) 400.000 bạn trẻ.
5 Lễ Lá 1990 "Thầy là cây nho và anh em là cành” (Ga 15,5).
6 Ngày 15-8-1991 (Czestochowa, Ba Lan) "Anh em đã nhận được Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử” (Rm 8,15) 1.600.000 bạn trẻ.
7 Lễ Lá 1992 "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng” (Mc 16,15).
8 Ngày 15-8-1993 (Denver, Hoa Kỳ) 600.000 bạn trẻ "Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
9 Lễ Lá 1994 "Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).
10 Ngày 15-1-1995 (Manila, Philíppin) "Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21) 4.000.000 bạn trẻ.
11 Lễ Lá 1996 "Thưa Thầy, chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).
12 Ngày 24-8-1997 (Paris, Pháp) "Thưa Thầy, Thầy ở đâu? - Ðến mà xem” (Ga 1,38-39)1.200.000 bạn trẻ.
13 Lễ Lá 1998 "Thần Khí sẽ dạy anh em mọi điều” (Ga 14,26).
14 Lễ Lá 1999 "Chúa Cha yêu mến anh em” (Ga 16,27).
15Ngày 20-8-2000 (Rôma, Italia) "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. 2 triệu bạn trẻ đã tham dự.
16Lễ Lá 2001 "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo" (Lc 9, 23)
17Ngày 23-28/7/2002- Anh em là muối đất ...Anh em là ánh sáng của thế gian" (Mt 5:13-14)


Sau đây, chúng tôi xin gởi đến Quý Ðộc giả bản chuyển dịch Sứ điệp Ngày Quốc tế giới trẻ năm 2000 của Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô II.

NGÔI LỜI ÐÃ TRỞ NÊN NGƯỜI PHÀM VÀ CƯ NGỤ GIỮA CHÚNG TA (GA 1,14)

Các bạn trẻ thân mến,

1. Cách đây 15 năm, cuối Năm Thánh Ơn Cứu Chuộc, cha đã giao cho các con một cây thập giá lớn bằng gỗ, mời gọi các con vác nó đi khắp thế giới như dấu chỉ lòng Chúa Giêsu yêu thương loài người và để loan báo rằng chỉ nhờ Ðức Kitô tử nạn phục sinh, chúng ta mới được cứu rỗi. Từ đó, được nhiều cánh tay và quả tim quảng đại vác lấy, nó đã làm một cuộc lữ hành dài không ngơi nghỉ qua các đại lục, cho thấy Thánh giá đồng hành cùng giới trẻ và giới trẻ đồng hành cùng Thánh giá.
Chung quanh "Thập giá Năm Thánh” ấy đã khai sinh và phát triển các Ngày Quốc tế Giới trẻ, "thời điểm dừng chân” đầy ý nghĩa trên con đường kitô hữu trẻ của các con, "lời liên tục và cấp bách mời gọi” các con thiết lập cuộc sống trên Ðức Kitô là đá tảng. Làm sao không chúc tụng Chúa vì vô số hoa trái đã được khơi dậy nơi các cá nhân cũng như trong toàn thể Giáo Hội nhờ các Ngày Quốc tế Giới trẻ, mà vào cuối thế kỷ 20 này, đã ngắt nhịp con đường các tín hữu trẻ của thế giới tiến về thiên niên kỷ mới?

Sau khi đã vượt qua các đại lục, Thập giá này giờ đây trở lại Rôma, mang theo với nó lời cầu nguyện và sự dấn thân của hàng triệu bạn trẻ đã nhận ra nó như dấu chỉ đơn sơ nhưng thiêng thánh của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Chính Rôma, như các con biết, sẽ đón tiếp Ngày Quốc tế Giới trẻ năm 2000 giữa lòng cuộc Ðại Toàn xá.
Các bạn trẻ thân mến, cha kêu mời các con hân hoan thực hiện cuộc hành hương tiến về nơi gặp gỡ vĩ đại này của Giáo Hội, vốn sẽ được gọi cách đúng đắn là "Toàn xá của Giới trẻ”. Các con hãy chuẩn bị bước qua Cửa Thánh với ý thức rằng ngang qua đó có nghĩa là củng cố đức tin của mình vào Ðức Kitô để sống sự sống mới mà Người đã ban cho chúng ta (x. Mầu nhiệm nhập thể, 8).

2. Ðể làm chủ đề cho Ngày Quốc tế Giới trẻ thứ 15 này của các con, Cha đã chọn câu nói qua đó tông đồ Gioan diễn tả mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa làm người: "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Cái làm cho đức tin Kitô giáo khác biệt với mọi tôn giáo, đó là niềm xác tin nhân vật Giêsu Nadarét là Con Thiên Chúa, Lời nhập thể, Ngôi Hai trong Ba Ngôi đã đến trần gian. Ðó là «niềm xác tín vui tươi của Giáo Hội ngay từ khởi thủy, khi Giáo Hội hát mừng "mầu nhiệm cao cả của đạo thánh”: Ðức Kitô xuất hiện trong thân phận người phàm» (Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 463). Thiên Chúa vô hình đang sống và hiện diện nơi Ðức Giêsu, con Bà Maria, Théotokos, Mẹ Thiên Chúa. Ðức Giêsu Nadarét là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, Emmanuel: ai biết Người là biết Thiên Chúa, ai thấy Người là thấy Thiên Chúa, ai theo Người là theo Thiên Chúa, ai kết hợp với Người là kết hợp với Thiên Chúa (x. Ga 12,44-50). Nơi Ðức Giêsu sinh tại Bêlem, Thiên Chúa đã nhận lấy thân phận phàm nhân và làm cho mình dễ gần gũi bằng cách giao ước với con người.

Ở ngưỡng cửa ngàn năm mới, cha chân thành lặp lại lời tha thiết mời gọi các con mở rộng mọi cánh cửa cho Ðức Kitô: "Những ai đón nhận Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Ðón nhận Ðức Giêsu Kitô có nghĩa là chấp nhận lời Chúa Cha mời gọi sống yêu Người và yêu anh em, cảm thấy cùng Người liên đới với tất cả không phân biệt; có nghĩa là tin rằng trong lịch sử nhân loài, bị sự dữ và đau khổ ghi dấu sâu đậm, tiếng nói tối hậu thuộc về sự sống và tình yêu, vì Thiên

Chúa đã đến cư ngụ giữa chúng ta, để chúng ta có thể cư ngụ nơi Người.

Khi nhập thể, Ðức Kitô đã hóa nên nghèo khó để dùng sự nghèo khó của Người làm giàu chúng ta, và Người đã ban cho chúng ta ơn cứu chuộc là kết quả tiên khởi của máu Người đổ ra trên Thập giá (x. Giáo lý HTCG, 517). Trên đỉnh Canvê, "Người đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta... đã bị đâm thâu vì tội lỗi của chúng ta...” (Is 53,4-5). Việc hy sinh mạng sống đến tột cùng như thế, được hoàn tất cách tự do để chúng ta được rỗi, làm chứng cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta. Về điều này, tông đồ Gioan đã viết: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Người Con ấy thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Người đã sai Con xuống chia sẻ phận người của chúng ta cách trọn vẹn, ngoại trừ tội lỗi; đã hoàn toàn "trao hiến” Con cho nhân loại, dẫu họ đã khăng khăng từ chối và giết chết Người Con đó (x. Mt 21,33-39), để cái chết của Người hòa giải được họ. «Thiên Chúa Tạo hóa thế là đã tự bày tỏ như Thiên Chúa Cứu chuộc, "trung tín với chính mình”, trung tín với lòng yêu loài người và yêu thế gian, như Người đã tự bày tỏ ngày sáng tạo... Nếu đã được một Ðấng Cứu chuộc lớn lao như vậy, con người hẳn có giá trị trước mặt Tạo hóa biết bao» (Ðấng Cứu chuộc loài người 9.10).

Ðức Giêsu đã đi gặp tử thần nhưng chẳng vì thế mà thôi "ở với chúng ta”, thôi làm Emmanuel. Người đã thế chỗ chúng ta bằng cách cứu chuộc chúng ta khỏi sự dữ và tội lỗi trên cây Thập giá (x. Tin mừng sự sống, 50). Như viên bách quản Rôma, thấy cách Ðức Giêsu chết trên Thập giá, đã hiểu rằng Người là Con Thiên Chúa (x. Mc 15,39), thì chúng ta cũng thế: nhờ nhìn xem và chiêm ngắm Ðấng bị đóng đinh, chúng ta cũng hiểu được rằng Ðấng đã bày tỏ nơi mình mức độ yêu mếân loài người như thế đúng là Thiên Chúa thực sự (x. Ðấng Cứu chuộc loài người 9). Cuộc thụ nạn của Ðức Kitô là tình yêu cuồng nhiệt, không tính toán khi trao ban, là chóp đỉnh của tất cả cuộc sống Người, cuộc sống "hiến trao” cho anh em mình để bày tỏ tâm lòng của Chúa Cha. Có vẻ dựng đứng từ đất, Thập giá thật ra treo xuống từ trời, như cử chỉ Thiên Chúa ôm lấy vũ trụ. Nó "tỏ mình như trung tâm, ý nghĩa và cùng đích của tất cả lịch sử và của mọi đời người” (Tin mừng sự sống, 50).

"Một người đã chết thay cho tất cả” (2Cr 5,14): Ðức Kitô "đã vì chúng ta mà tự hiến cho Thiên Chúa làm hy lễ thơm tho ngào ngạt” (Ep 5,2). Ðằng sau cái chết của Người, có một kế hoạch tình yêu, được đức tin Giáo Hội gọi là "mầu nhiệm cứu chuộc”: toàn thể nhân loại được cứu, có nghĩa là được thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và được đưa vào Nước Trời. Ðức Kitô là Chúa trời đất. Ai nghe lời Người và tin vào Cha, Ðấng đã sai Người đến thế gian, thì có sự sống vĩnh cửu (x. Ga 5,24). Người là "chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian” (Ga 1,29.36), là Thượng tế đã bị thử thách về mọi phương diện như chúng ta, thành thử có thể cảm thương những yếu hèn của chúng ta (x. Dt 4,14tt), và "nhờ đã tới mức thập toàn” qua kinh nghiệm đau khổ của Thập giá, Người đã nên "nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,9).

3. Các bạn trẻ thân mến, đứng trước những mầu nhiệm lớn lao này, các con hãy biết nâng mình lên đỉnh cao chiêm niệm. Hãy dừng lại để ngất trí khâm phục hài nhi đã được Ðức Maria sinh ra, quấn trong tã và đặt vào máng: đó chính là Thiên Chúa đến giữa chúng ta. Hãy nhìn Ðức Giêsu Nadarét, được một số đón nhận, nhưng cũng bị số khác khinh miệt, dè bĩu và từ khước: đó là Ðấng Cứu độ của mọi người. Hãy thờ lạy Ðức Giêsu, Ðấng đã cứu chuộc và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết.

Người là Thiên Chúa hằng sống, nguồn mạch sự Sống.

Hãy chiêm ngắm và suy nghĩ! Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta để sống chính sự sống của Người; Người đã mời gọi chúng ta làm con cái Người, làm chi thể sống động của Nhiệm Thân Ðức Kitô, làm đền thờ sáng láng của Thần Khí mến yêu. Người kêu gọi chúng ta thành "thân thuộc” của Người. Người muốn chúng ta nên thánh hết thảy. Các bạn trẻ thân mến, vậy thì các con hãy có tham vọng nên thánh, như Người là thánh!

Chúng con sẽ hỏi cha: nhưng ngày nay, làm sao nên thánh được? Nếu chỉ dựa sức riêng loài người, thì việc này quả là bất khả. Thật thế, các con biết rõ những thành công và thất bại của mình, biết đâu là những gánh nặng đè lên con người, những mối nguy đe dọa nó và những hậu quả do tội lỗi nó gây nên. Vì thế đôi lúc các con gần như thất vọng và rốt cuộc nghĩ rằng mình không thể thay đổi chi nơi chính mình cũng như trong thế giới.

Dẫu con đường gian khó, chúng ta tuy thế vẫn có thể làm được tất cả trong Ðấng cứu chuộc chúng ta. Bởi vậy, các con chớ quay đầu về phía những ai không phải là Ðức Giêsu Kitô. Chớ tìm chỗ khác cái mà chỉ mình Người mới có thể trao ban, vì "ngoài Người, chẳng có ơn cứu rỗi. Và chỉ có danh Người, được ban cho nhân loại, mới có thể cứu rỗi chúng ta” (Cv 4,12). Với Chúa Giêsu, việc nên thánh -dự tính của Thiên Chúa đối với mọi ai đã chịu phép rửa- là có thể thực hiện được. Hãy tín nhiệm Người; hãy tin ở sức mạnh vô địch của Tin mừng và đặt đức tin trên nền tảng đức cậy. Ðức Giêsu đồng hành với các con, canh tân tâm hồn các con và củng cố các con bằng sức mạnh của Thần Khí Người.

Hỡi các bạn trẻ của mọi đại lục, chớ sợ làm các vị thánh của thiên niên kỷ mới! Hãy biết chiêm niệm và yêu thích cầu nguyện, nhất quán với đức tin mình và quảng đại phục vụ anh chị em; hãy nên những thành viên tích cực của Giáo Hội và những tác nhân xây dựng hòa bình. Ðể thực hiện dự định sống dấn thân này, hãy luôn nghe Lời Chúa, hãy múc lấy sức mạnh trong các Bí tích, đặc biệt bí tích Tạ ơn và Cáo giải. Chúa muốn các con nên những tông đồ gan dạ của Tin mừng Người và thành những kẻ xây dựng một nhân loại mới. Thật thế, làm sao các con có thể khẳng định niềm tin vào Thiên Chúa làm người mà chẳng kiên quyết chọn lập trường chống lại tất cả những gì khiến con người và gia đình bị giảm hạ? Nếu tin rằng Chúa Con đã đến mạc khải tình yêu Chúa Cha cho mọi thụ tạo, các con không thể không đem mọi nỗ lực góp phần xây dựng một thế giới mới, một thế giới dựa trên sức mạnh của tình yêu và lòng tha thứ, trên việc tranh đấu chống mọi bất công, mọi khốn khổ thể lý, tinh thần, thiêng liêng, trên việc cam kết đem chính trị, văn hóa và kỹ thuật phục vụ con người và sự phát triển toàn vẹn con người.

4. Cha thành tâm hy vọng rằng năm Toàn xá, nay ở sát chúng ta rồi, sẽ nên một thời cơ thuận lợi để can đảm hồi phục tinh thần và đặc biệt biểu dương lòng Thiên Chúa yêu nhân loại. Ước chi toàn thể Giáo Hội tiến dâng «bài ca chúc tụng và cảm tạ lên Chúa Cha, Ðấng vì tình yêu khôn sánh, đã cho chúng ta được làm "đồng hương với các thánh, người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2,19) trong Ðức Kitô» (Mầu nhiệm nhập thể, 6). Các xác tín được tông đồ Phaolô diễn tả nay củng cố chúng ta: nếu Thiên Chúa đã không tha cho chính Con mình, nhưng đã phó nộp Người vì chúng ta hết thảy, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta cùng với Người? Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Trong mọi biến cố của cuộc sống, kể cả cái chết, chúng ta đều có thể chiến thắng trọn vẹn, nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta đến chết trên Thập giá (x. Rm 8,31-37).

Mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa và mầu nhiệm cứu chuộc Người đã thực hiện cho mọi thụ tạo, làm nên tâm điểm đức tin chúng ta. Giáo Hội công bố điều ấy không ngừng suốt bao thế kỷ, "qua các hiểu lầm và bắt bớ của thế gian cũng như qua các an ủi của Thiên Chúa” (Thánh Augustinô, Ðô thành Thiên Chúa, 18,51,2; PL 41,614) và giao cho mọi con cái mình kho tàng quý giá ấy để gìn giữ và bảo vệ. Các con cũng vậy, hỡi những bạn trẻ, các con là những người tiếp lãnh và thụ thác gia sản ấy: "Ðó là đức tin chúng ta. Ðó là đức tin Giáo Hội. Và chúng ta hân hoan công bố nó, trong Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Sách Nghi thức Rôma, Lễ nghi Thêm sức). Chúng ta cùng công bố nó với nhau, nhân Ngày Quốc tế Giới trẻ sắp tới, ngày mà cha hy vọng các con sẽ tham dự đông đảo. Rôma là "thành phố thánh điện”, nơi các kỷ niệm sống động của hai Tông đồ Phêrô Phaolô và của nhiều vị tử đạo nhắc cho mọi khách hành hương nhớ tới ơn gọi của mỗi tín hữu. Trước thế giới, trong tháng tám năm tới, chúng ta sẽ lặp lại lời tuyên tín của tông đồ Phêrô: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68), vì "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).

Hỡi các bạn trẻ nam nữ, những người sẽ trưởng thành trong thế kỷ tới, cũng chính các con được giao "Cuốn sách Sự sống” mà trong đêm Giáng sinh năm này, khi bước qua ngưỡng Cửa Thánh đầu tiên, giáo hoàng sẽ đưa cho Giáo Hội và cho thế giới như nguồn sống và nguồn hy vọng cho ngàn năm thứ ba (x. Mầu nhiệm nhập thể, 8). Ước chi Tin mừng trở thành kho tàng quý giá nhất cho các con: nhờ chăm chỉ học hỏi và quảng đại đón nhận Lời Chúa, các con sẽ tìm được lương thực cũng như sức mạnh cho đời sống hằng ngày và sẽ có thể rút từ đó những lý lẽ để tiếp tục dấn thân xây dựng nền văn minh tình thương.

5. Giờ chúng ta hãy quay nhìn Ðức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa. Về Người, thành Rôma đang lưu giữ một trong những công trình cổ xưa nhất và quý đẹp nhất mà lòng sùng mộ của dân Kitô giáo đã tiến dâng: vương cung thánh đường Ðức Bà Cả.
Việc Ngôi Lời nhập thể và việc cứu chuộc loài người được liên kết chặt chẽ với nhau trong ngày Truyền tin, khi Thiên Chúa mạc khải cho Ðức Maria dự tính của Người và đã tìm thấy nơi Mẹ, lúc ấy cũng trẻ như các con, một quả tim hoàn toàn sẵn sàng để cho tình yêu của Người hoạt động. Từ bao thế kỷ, qua việc đọc kinh Truyền tin, lòng đạo Kitô giáo mỗi ngày đều nhắc lại việc Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người. Ước chi lời kinh đó trở thành lời kinh của các con, được các con mỗi ngày đem suy niệm.

Mẹ Maria như bình minh báo trước sự xuất hiện của Mặt trời công chính, Ðức Kitô Ðấng Cứu Chuộc chúng ta. Với tiếng "xin vâng” ngày Truyền tin, qua thái độ hoàn toàn sẵn lòng trước dự tính của Chúa Cha, Mẹ đã đón nhận và làm cho việc Chúa Con nhập thể được thành tựu; là môn đệ số một, với sự hiện diện âm thầm, Mẹ đã bước theo Ðức Giêsu đến tận đỉnh Canvê và đã nâng đỡ niềm hy vọng của các Tông đồ trong nỗi chờ mong cuộc Phục sinh và Hiện xuống; trong đời sống Giáo Hội, cách thần bí mầu nhiệm, Mẹ tiếp tục làm Ðấng mở đường cho Chúa đến. Cha tin tưởng giao việc chuẩn bị Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 15 của các con cho Ðấng không ngừng hoàn tất nhiệm vụ Mẹ Giáo Hội và Mẹ mỗi kitô hữu, xin Mẹ Rất thánh của Ðức Kitô dạy dỗ các con biết nhận ra thánh ý Cha trên trời đối với cuộc sống mình. Xin Mẹ cầu cho các con được sức mạnh và khôn ngoan để có thể nói với Thiên Chúa và nói về Thiên Chúa. Xin Mẹ khuyến khích các con, trong thiên niên kỷ mới, biết theo gương Mẹ mà trở thành những kẻ loan báo hy vọng, tình thương và hòa bình.

Trong niềm mong đợi được đón tiếp các con thật nhiều tại Rôma năm tới, "cha xin phó thác các con cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho các con được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến” (Cv 20,32); và với tấm lòng dào dạt yêu thương tất cả, cha chúc lành cho các con, gia đình các con và thân bằng quyến thuộc của các con.

Vatican, ngày 29-6-1999, lễ thánh Phêrô Phaolô

Gioan-Phaolô II, Giáo hoàng

(theo www.cef.fr và dịch theo bản tiếng Pháp từ www.vatican.va)