(Ga 20:1-9)
PHỤC SINH.
Ngay từ sáng sớm đầu tuần,
Ma-ry cất bước, tới gần mồ chôn.
Thọat nhìn tảng đá cửa môn,
Lăn ra nằm cạnh, hết hồn thất kinh.
Chạy về loan báo sự tình,
Phê-rô chạy đến, tình hình ra sao?
Gio-an tới trước bước vào,
Cúi mình trông thấy, cao rao danh người.
Trong mồ khăn liệm một nơi,
Dây băng cuộn lại, để rời một bên.
Si-mon thổn thức bước lên,
Trong lòng rộn rã, như trên cõi trời.
Gio-an thị kiến cao vời,
Ông còn chưa hiểu, sống đời là sao.
Niềm tin nung nấu máu đào,
Ứng lời Kinh Thánh, hiến trao thân mình.
Giê-su sống lại hiển vinh,
Cao quang ngự chốn, thiên đình oai phong.
Vững tin đoan hứa trong lòng,
Tông đồ tiến bước, trông mong gặp Thầy.
Mùa Đông ảm đạm và giá lạnh đã qua đi. Chúng ta bước vào mùa Xuân với
mặt trời chiếu sáng, khí hậu ấm áp và các cây cối bắt đầu đâm chồi nẩy lộc.
Các nụ hoa dần hé mở đón chào ánh dương. Ánh nắng chan hòa báo hiệu
một mùa Xuân mới. Chúa Giêsu là mặt trời công chính đã xuất hiện. Ngài đã
sống lại từ cõi chết. Alleluia.
Mừng Chúa sống lại khải hoàn, đây chính là tâm điểm của niềm tin Kitô
Giáo. Chúa đã sống lại ra khỏi mồ. Sự kiện mồ trống rất quan trọng. Chúa
không còn trong cõi chết và không chịu sự tan rữa. Thân xác Chúa biến đổi
sáng láng. Thân xác Chúa không còn bị lệ thuộc vào không gian và thời
gian. Chúa đã sống lại thật, chứ không phải là hồi sinh.
Mahammaden muốn bày tỏ cho nhà truyền giáo Kitô những gia tài là kho
tàng qúi báu của Đạo. Ngài nói rằng khi chúng tôi tới Mecca, chúng tôi thấy
quan tài của Mahomed, vị sáng lập đạo. Nhưng khi những người tín hữu đến
Giêrusalem, các ông chẳng thấy gì, ngoài ngôi mồ trống. Nhà truyền giáo
đáp lại rằng đó chính là sự khác biệt. Mohamed đã chết và ở trong quan tài,
tất cả hệ thống của tôn giáo và triết thuyết ở đó với ông. Còn Chúa Kitô sống
lại, tất cả quyền lực trên trời dưới đất được trao ban cho Ngài. Ngài sống lại
đời đời. Ngài đã ra khỏi mồ.
Sự sống lại của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với mỗi người chúng ta? Đây
chính là cùng đích niềm tin của người Kitô hữu. Chúng ta biết con người có
thể làm được nhiều sự thay đổi. Họ có thể chuyển đổi một số bộ phận trong
thân xác con người, nhưng họ đành chào thua trước sự chết và sự sống. Một
khoảng cách vô tận. Con người không thể lấp đầy. Chỉ có thập giá của Chúa
có thể nối hai bờ vực thẳm. Chúa đã sống lại vì Chúa là sự sống bất diệt.
Sự sống của chúng ta cũng được bắt nguồn từ chính sự sống của Thiên
Chúa. Từ hơi thở đầu tiên Thiên Chúa ban cho tổ tiên được tiếp tục ban phát
từ đời này qua đời khác. Sự sống chính là một mầu nhiệm. Con người ai
cũng ước mong được sống. Ước mong thầm kín đó được thể hiện trong ngày
sau hết, khi chúng ta cùng được sống lại với Đức Kitô.
Chúa sống lại và cư ngự trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Chúa hiện thân
nơi khuôn mặt của Mẹ Têrêxa khi thăm viếng một người đàn bà nghèo đang
hấp hối. Mẹ tắm rửa chuẩn bị cho bà về cõi đời sau. Khuôn mặt bà rạng rỡ
trong niềm tin. Bà sung sướng ra đi gặp Đấng mà bà tin theo. Chúa sống lại
không phải ngự trên trời cao. Chúa sống lại để ở lại với chúng ta mọi ngày
cho đến tận thế. Alleluia.
TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
THỨ HAI
Mt. 28: 8-15
Sự kiện thứ nhất xảy ra sau khi Chúa sống lại, Chúa đã hiện ra đón gặp các
bà đạo đức, Ngài nói: Chào các bà. Các bà tiến lại ôm chân Ngài và phục
lạy Ngài. Còn niềm vui mừng nào hơn thế nữa. Chúa đã đi qua gian khổ, gặp
lại những khuôn mặt thân thương và trung tín. Họ xứng đáng được gặp Chúa
trước tiên.
Dù hoàn cảnh nào, các bà vẫn một niềm tin kính Chúa. Lẽo đẽo theo chân
Chúa lên đồi Golgôtha, các bà khóc thương vì những cơ cực Chúa phải chịu.
Bà Verônica không sợ quân lính hung dữ, trao khăn cho Chúa lau mặt. Mẹ
Maria còn can đảm gặp mặt con với tấm thân tan tác máu me. Mẹ Maria và
các bà đứng đó là niềm ủi an và đỡ nâng cho Chúa trong cơn sầu khổ. Chúa
đã thưởng cho các bà. Chúa đã sống lại trong vinh quang nhưng Chúa vẫn tỏ
lòng trìu mến với những tâm hồn trung kiên và yêu mến.
Các bà xứng đáng là những nữ môn đệ đầu tiên đem tin mừng Phục Sinh đến
với mọi người. Trước hết là các môn đệ rồi đến bà con, bạn hữu xa gần. Khi
Chúa Giáng Sinh, Chúa tỏ ra cho các mục đồng đơn sơ và ngay thật. Ngay
sau khi sống lại, Chúa lại tỏ ra cho các bà. Họ là những người mẹ nhiệt tình
và đầy ắp yêu thương. Các bà đã cộng tác trong sứ mệnh truyền rao sự chết
và sống lại của Chúa. Chúng con sẽ tiếp tục nối gót các bà loan truyền tin
vui đến mọi người và mọi nơi.
THỨ BA
Gioan 20: 11-18
Hai bài trình thuật của thánh Matthêu và Gioan có một vài chi tiết khác nhau
về việc bà Maria gặp Chúa sau khi sống lại. Mỗi vị cho chúng ta thêm những
chi tiết cụ thể về ngôi mồ trống. Điểm chủ yếu là Chúa đã sống lại và đã ra
khỏi mồ. Chúa đã hiện ra với bà Maria.
Gioan kể bà Maria đứng bên mộ khóc và nói: Người ta đã lấy mất Chúa tôi
và tôi không biết người ta đã để người ở đâu. Bà đang buồn sầu lo lắng thì
Chúa Giêsu hiện ra đứng đó, nhưng bà không biết đó là Chúa Giêsu. Chúa
Giêsu gọi: Maria. Bà quay lại và thưa với Người: Rabboni, nghĩa là lạy
Thầy. Và Chúa đã sai bà đi báo tin cho các anh em.
Không chỉ có sự kiện mồ trống nhưng chính Chúa đã sống lại từ cõi chết.
Chúa đã hiện ra cho bà Maria thấy. Thoạt đầu bà không biết vì thân xác của
Chúa đã biến đổi thành thân xác của sự sống lại. Chúa hiện diện đó nhưng
Chúa cho ai thấy, người đó mới được thấy. Mỗi dịp mừng Lễ Phục Sinh
chúng ta lại được nghe bài ca tiếp liên nói về bà Maria đã thấy gì trên đường
bà đi ra mồ. Bà thấy Chúa Kitô sống lại.
Kỷ nguyên mới bắt đầu, giờ đây các tông đồ mới chính thức ra đi làm nhân
chứng cho Chúa Kitô sống lại. Trong thánh lễ, sau khi truyền phép, linh mục
tuyên xưng: Đây là mầu nhiệm đức tin. Mọi người thưa: Lạy Chúa, chúng
con loan truyền việc Chúa chịu chết và sống lại cho tới khi Chúa đến.
THỨ TƯ
Luca 24: 13-35
Chúa đã chết và đã được mai táng trong mồ. Có hai môn đệ chán nản và thất
vọng bỏ về quê. Trên đường Emmaus các ông chia xẻ nỗi buồn rầu về những
sự đã xảy ra. Chúa Giêsu đã xuất hiện đồng hành với họ. Chúa cùng chia xẻ
nỗi đau đớn và mất mát với các ông. Chúa còn dẫn giải Kinh Thánh từ
Môisen đến các tiên tri để các ông hiểu rõ về công cuộc cứu độ của Thiên
Chúa.
Các ông được an ủi phần nào. Các ông muốn được ở bên người khách lạ để
tiếp tục lắng nghe lời Kinh Thánh. Hai ông đã mời khách ở lại cùng: Xin ông
ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn. Đáp lời mời chân
tình, người khách đã ở lại với hai ông. Đang khi đồng bàn với họ, Người
cầm bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra và trao cho họ. Mắt họ mở ra và họ
nhận ra Chúa; nhưng Chúa đã biến đi.
Câu truyện rất hay và sự kiện xảy ra bỡ ngỡ ngoài sự tính toán của con
người. Chúa sống lại, Chúa âm thầm quy tụ từng môn đệ lại. Ngài mở lòng
họ để họ nhận ra Ngài. Họ sẽ là những nhân chứng đáng tin cậy. Chúa vẫn
theo con đường đơn sơ và khiêm tốn để đến với các môn đệ của Chúa. Chúa
không tỏ uy quyền cao sang và vinh thắng để thuyết phục mọi người tin
Chúa.
Chúa vẫn âm thầm đến với từng tâm hồn. Chúa cần lòng tin yêu và phó thác.
Chúa yêu thích những tâm hồn đơn sơ.
THỨ NĂM
Luca 24: 35-48
Hai môn đệ quá vui mừng, lên đường trở lại ngay đêm đó. Đang lúc phấn
khởi chia xẻ tin vui với các môn đệ khác thì Chúa hiện ra đứng giữa họ và
nói: Bình an cho các con. Lại xảy ra nữa, môn đệ không nhận ra Chúa ngay
mà lại hoảng hốt tưởng mình thấy ma. Những lúc hoảng loạn thấy cái gì
cũng sợ, đúng là tâm trạng hoang mang của các tông đồ.
Chúa Giêsu cho họ rờ xem chân tay để xác minh là Chúa sống lại thật. Bấy
giờ Chúa Giêsu bắt đầu mở trí cho họ để họ hiểu Kinh Thánh. Chính Chúa
đã hoàn tất mọi việc đã loan báo về Ngài. Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Ngài
hiện ra nhiều lần nhưng mỗi lần trong hình thể khác nhau nên các môn đệ
không thể nhận dạng ngay. Thân xác sống lại của Chúa có thể xuất hiện mọi
nơi, Ngài không còn bị giới hạn trong không gian vật chất. Những dấu vết
thẹo ở tay chân của Chúa không bị biến mất. Đó chính là dấu chứng của tình
yêu.
Chúa hiện đến với các tông đồ là để phấn chấn niềm tin nơi các ông. Khi các
ngài vững tin rồi, các Ngài sẽ là chứng nhân anh dũng cho sự chết và sống
lại của Chúa. Các tông đồ giờ đây đã trở thành những con người không còn
sợ hãi hay rụt rè trước công luận. Họ đã chứng kiến mọi sự xảy ra từ đầu và
tiếp tục là những chứng nhân sống động.
Lạy Chúa, Chúa đã sống lại từ cõi chết để ban ơn cứu độ. Xin Chúa tha thứ
mọi lỗi lầm chúng con đã xúc phạm đến Chúa.
THỨ SÁU
Gioan 21: 1-14
Simon Phêrô nhớ nghề cũ, ông rủ các bạn đi đánh cá. Nghề nghiệp cả đời đã
gắn bó với cuộc sống dân dã của các tông đồ. Một nghề vất vả và lao lực,
các ngài còn có gia đình phải chăm lo. Họ đã đánh lưới suốt đêm nhưng
chẳng được gì. Sáng sớm về lại bờ lại gặp khách xin ăn. Họ chẳng có gì đãi
khách. Người khách lạ đề nghị thả lưới bên hữu thuyền và họ thả lưới và đã
bắt được mẻ cá đầy.
Chúa hiện diện đó với họ mà họ không hay biết. Chúa sai họ thả lưới, họ
vâng nghe. Họ đã bắt được nhiều cá. Trên bờ có sẵn lửa than và bánh, thế là
họ lại quây quần bên bếp hồng chia xẻ niềm vui. Không ai dám hỏi Chúa:
Ông là ai. Chúa đến lấy bánh và cá trao cho họ. Họ đã nhận ra Chúa qua
nghi thức bẻ bánh.
Trước khi Chúa chịu chết, Chúa đi tìm và chọn gọi từng người theo Chúa.
Sau khi sống lại, cũng thế, Chúa cũng lại đi quy tụ từng người trở về đoàn.
Chúa kiên nhẫn đợi chờ thời gian để các tông đồ củng cố lại niềm tin yêu và
sức sống.
Mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa là khởi đầu và cùng đích của
chương trình cứu độ. Phần còn lại Chúa tín thác cho các tông đồ và những
người kế vị các Ngài đem tin mừng cứu độ cho muôn dân. Ai tin vào Con
Chúa sẽ tìm thấy sự sống đời đời. Vì Chúa chính là sự sống và là sự sống lại.
THỨ BẢY
Mc 16: 9-15
Thánh Marcô tường thuật vắn gọn các lần Chúa hiện ra sau khi sống lại.
Truớc hết Chúa hiện ra với bà Maria Mađalêna, rồi bà đi báo tin cho các
môn đệ. Sau đó, Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường về quê và với
nhóm mười hai. Chúa khiển trách các ông đã không tin và cứng lòng. Thật
sự, việc Chúa Giêsu chịu chết đã làm các ông hoảng sợ và gần như thất
vọng. Việc Chúa sống lại là một sự kiện vĩ đại mà các ông không thể lường
được.
Đã có môn đệ chán nản quyết định bỏ về quê làm ăn. Phêrô và các bạn chài
cũng thu xếp trở về nghề cũ. Tưởng đâu Chúa chết là nhóm bị rã đám. Các
nhà lãnh đạo tôn giáo cũng mong thế. Họ vui mừng vì đã dẹp bỏ được nhóm
người đi theo ông Giêsu. Họ nghĩ sư phụ đã chết rồi, đầy tớ còn làm được
chi nữa.
Đúng ra bây giờ mới là thời điểm quan trọng. Sự thật không thể chối bỏ. Sự
thật không thể không làm chứng. Các tông đồ đã chứng kiến sự thật hiển
nhiên, Chúa bị đòn đánh, khổ nhục, chịu đóng đinh, treo và chết trên thánh
giá. Ngài đã sống lại và hiện ra nhiều lần với nhiều người. Đây là sự thật,
không ai có thể chối cãi. Các tông đồ dám lấy mạng sống mình để chứng
minh cho sự thật này.
Không có sự gì có thể làm lay chuyển lòng tin của các tông đồ. Các ngài đã
chứng kiến và đã cùng ăn uống với Thầy.