Theo CNS, trong Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh tại Vương cung Thánh Đường Thánh Phêrô ngày 10 tháng Tư, 2020, Cha Cantalamessa, vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng đã nói rằng coronavirus không phải là một hình phạt Chúa gửi đến, nhưng là một biến cố bi thảm, giống mọi đau khổ khác trong đời, được Thiên Chúa dùng để đánh thức nhân loại.



Ngài nói: “đại dịch coronavirus bỗng chốc đánh thức ta khỏi nguy hiểm mà các cá nhân và cả nhân loại luôn có thể vướng phải: cơn ảo giác toàn năng. Chỉ cần một yếu tố nhỏ nhất, vô mô thức nhất của thiên nhiên, tức virút, cũng đủ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là những kẻ tử sinh, sức mạnh quân sự và kỹ thuật không đủ để cứu chúng ta”.

Phụng vụ trên được chủ tế bởi Đức Phanxicô tại Bàn Thờ Tòa (Chair) Thánh Phêrô trong Vương cung Thánh đường dâng kính vị thánh này, ngôi thánh đường nay gần như trống trơn và hoàn toàn im lặng. Sau khi vào chỗ, vị Giáo Hoàng 83 tuổi, với sự giúp đỡ của 2 phụ tá, đã qùy rồi nằm sõng soài dưới sàn nhà thờ như dấu chỉ thờ lạy và đền tội. Đôi tay để dưới người, mắt nhắm lại, Đức Giáo Hoàng im lặng cầu nguyện trước tượng chịu nạn phủ vải đỏ.

Trong phụng vụ, Đức Giáo Hoàng và một cộng đoàn nhỏ khoảng chục người đứng trong khi 3 phó tế và ca đoàn thu nhỏ của Nhà Nguyện Sixtine hát trình thuật Khổ Nạn trích từ Tin Mừng Gioan. Như thường lệ, vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng giảng lễ.

Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, Đức Phanxicô là người duy nhất tham dự việc tôn thờ Thập Giá. Sau khi cung kính hôn Thập Giá, ngài đứng phía sau nó trong khi các người tham dự qùy thờ lạy từ xa.

Trong bài giảng lễ, Cha Cantalamessa cũng nói rằng bài đọc Tin Mừng về cái chết của Chúa Kitô “là trình thuật tội ác lớn nhất một cách khách quan từng phạm trên mặt đất. Dù cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu có thể được nhìn từ nhiều viễn tượng khác nhau, “thập giá được hiểu rõ hơn nhờ các hậu quả hơn là nhờ các nguyên nhân của nó”. Ngài bảo: thập giá Chúa Kitô thay đổi ý nghĩa của đau đớn và đau khổ nhân bản, bởi lẽ cả hai không còn bị nhìn như trừng phạt của Thiên Chúa hay một nguyền rủa nữa. Trái lại, đau khổ “được cứu chuộc tận gốc khi Con Thiên Chúa tự vác lấy nó vào thân”.

Cha Cantalamessa giảng thêm: “Đâu là bằng chứng chắc chắn nhất thức uống mà ai đó đưa cho bạn không bị chuốc độc? Chính là việc người đó uống từ cùng một chiếc chén trước khi bạn uống. Đó chính là điều Thiên Chúa đã làm: trên thập giá, Người đã uống, trước mặt toàn thế giới, chén đau đớn đến tận giọt cuối cùng. Đó là cách Người chỉ cho ta thấy nó không bị chuốc độc, nhưng bên dưới nó có trân châu bảo ngọc”.

Ngài giảng tiếp: dù khó tránh khỏi các hậu quả tiêu cực của virút, kể cả cái chết và bệnh tật của người thân, đại dịch hiện nay, giống như việc đóng đinh của Chúa Giêsu, nên được nhìn “từ các hậu quả tích cực hơn là từ các nguyên nhân của nó”. Một hậu quả tích cực nữa của đại dịch là cảm nhận được tình liên đới và hợp nhất khắp thế giới; cảm nhận này sẽ giảm dần nguy cơ chiến tranh và các tranh chấp có vũ trang. Điều quan trọng, theo ngài, là đừng để cho “biết bao đau đớn, biết bao chết chóc, và biết bao dấn thân anh hùng của các nhân viên y tế ra vô ích”.

Cha kết luận: “trở về cung cách các sự việc có trước đây là ‘một suy thoái’ ta nên sợ hơn cả. Chúng ta hãy dành các tài nguyên vô hạn vốn dành cho các vũ khí vào các mục đích hiện chúng ta nhận ra cần thiết và khẩn thiết hơn cả: sức khỏe, vệ sinh, thực phẩm, chiến đấu chống nghèo đói, quản lý môi trường. Chúng ta hãy để lại cho thế hệ sau một thế giới nghèo hơn về hàng hóa và tiền bạc, nếu cần, nhưng giầu hơn về tình người”.