SUY TƯ TRONG ĐẠI DỊCH CORONA-VUHAN

“Nhưng khi con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18, 8b)

Trong thời ông Nô-ê khi người ta đang bận ăn uống vui chơi, dựng vợ gả chồng, xây dựng nhà cửa, thì thình lình mưa trên trời ập xuống bốn mươi ngày và bốn mưởi đêm (Stk 7, 12) nhận chìm tất cả vào cơn cuồng loạn của hồng thủy. Thiên Chúa đã phạt loài người vì tội lỗi của họ, nhưng trong nhân loại tội lỗi ấy Thiên Chúa vẫn còn nhìn thấy người biết kính sợ Chúa là ông Nô-ê và gia đình của ông, và Chúa đã tha cho họ.

Theo báo Dân Trí số ra ngày thứ sáu 7/2/2020 đưa tin thì trước tết tại Vũ Hán-Trung Quốc, ngày 19/1/2020 chính quyền địa phương đã tổ chức một buổi tất niên có hơn 40.000 hộ tham dự, “nhiều người trong khu dân cư Baibuting, quận Giang Ngạn, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã bắt đầu có triệu chứng sốt sau khi tham dự tiệc tất niên khổng lồ hôm 18/1 ở đây. Điều này buộc chính quyền địa phương gọi 57 tòa nhà ở đây là “tòa nhà sốt”.

Rồi những con virus-Vũ Hán mà các nhà khoa học chỉ nhìn thấy được dưới kinh siêu hiển vi ấy đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân Vũ Hán tại Trung Quốc, nó lây lan từ người này qua người nọ, từ nhà này qua nhà khác, từ nơi công cộng đến nơi riêng tư như phòng ngủ phòng khách phòng ăn của các gia đình…

Có người vui mừng hớn hở nói là Chúa phạt Trung Quốc vì nhà nước bách hại đạo công giáo của Ngài, vì chính quyền bạo ngược kiêu căng muốn viết lại Kinh Thánh của Chúa.

Chính quyền cách ly những người bị nghi nhiễm virus Vũ Hán, gia đình ly tán, bạn bè hàng xóm nghi kỵ nhau, làng trên xóm dưới coi nhau như kẻ thù, người người sợ nhau, nhà nhà nhìn nhau như kẻ thù truyền kiếp. Ma quỷ vui mừng vì con người đối xử với nhau như trong hỏa ngục.

“Nhưng khi con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18, 8b)

Từ Vũ Hán-Trung Quốc con virus này đã theo những người về quê ăn tết, du lịch, đi chu du đến mọi miền đất nước, vượt qua biên giới trở thành đại dịch cho thế giới.

Người ta dẹp bỏ các cuộc hội họp đông người, người ta cách ly những người bị nghi và nhiễm bệnh, bởi vì đó là phương pháp hay nhất để khỏi lây lan qua người khác. Sự cách ly này là chính đáng, người tích cực thì cho là tốt và tình nguyện cách ly, người tiêu cực thì lại sợ hãi, trốn tránh và làm cả cho cả xã hội loạn lên vì họ không ý thức được sự nguy hiểm của đại dịch này.

Khi số người bị lây nhiễm quá nhanh, người ta không còn tụ họp đông người nữa, trên các chuyến xe liên lục tỉnh không còn cảnh chen chúc nhau nữa, không còn cảnh quán xá đèn xanh đèn đỏ và người đông như trẩy hội nữa. Ai cũng sợ lây nhiễm, và tìm cách để tránh khỏi nhiễm bệnh.

Từ cách tránh bệnh nơi chỗ đông người này, các giáo dân cũng bị ảnh hưởng của cơn dịch, ít người đến nhà thờ để tham dự thánh lễ, và ngay cả trong gia đình người ta cũng được khuyên là nên đọc kinh riêng, tránh ngồi đọc kinh chung với nhau…

“Nhưng khi con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18, 8b)

Giáo dân đến nhà thờ ít và nỗi lo sợ lây lan nên có nhiều nhà thờ đóng cửa, hủy bỏ các thánh lễ ngày Chúa Nhật, hủy bỏ các buổi họp hành, các lớp giáo lý và các sinh hoạt của giáo xứ đều tạm ngưng, giáo dân hoang mang, đức tin không còn là ngọn đuốc soi đường cho họ nữa, và họ cảm thấy mình bất lực, và có người còn nói Chúa bất lực khi nạn dịch hoành hành đến nỗi phải đóng cửa nhà của Chúa, tức là nhà thờ có Chúa ngự trong bí tích Thánh Thể và giáo dân đến thờ lạy mỗi ngày.

Thời các vua chúa bách hại đạo nhưng không thể cấm họ tụ họp, và càng cấm đạo thì giáo dân càng tìm cách tụ họp lại để cử hành thánh lễ và cầu nguyện chung, các nước cộng sản trong lúc bách hại đạo gay gắt nhất cũng không cấm cản được giáo dân đến nhà thờ. Nhưng với con virus-Vũ Hán này có nhiều nhà thờ trên thế giới bị đóng cửa cách hợp pháp do chính các giám mục của mình vì sợ lây lan cho mọi người khi tụ họp với nhau…

“Nhưng khi con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18, 8b)

Khi đóng cửa nhà thờ -với bất cứ lý do gì- thì có hai phản ứng tích cực và tiêu cực: tích cực là giáo dân sẽ yêu mến đi dự thánh lễ hơn, và tiêu cực là giáo dân sẽ quên đến nhà thờ và đức tin sẽ bị lung lay.

Dù cho phản ứng có tích cực hay tiêu cực, thì ma quỷ và những người chống đối, phỉ báng và ghen ghét giáo hội của Chúa vẫn được lợi lộc hơn, nhất là ma quỷ, bởi vì tụi nó “bất chiến tự nhiên thành”.

Nhưng Thiên Chúa luôn thực hiện những công việc mà ma quỷ và con người không thể hiểu được, suy nghĩ của con người thì khác xa với tư tưởng của Chúa như trời với đất, qua cơn đại dịch này có người nói giáo hội công giáo thua rồi, vì ngay cả Rô-ma cũng đóng cửa nhà thờ…

Họ quên mất một điều là như thế này: Đức Giêsu phán với người phụ nữ Samaria: «Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái. Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. (Ga 4, 21-23)

“Nhưng giờ đã đến, và chính lúc này đây” là giờ của đại dịch corona-vuhan, giáo dân một số nơi trên thế giới không được đến ngôi nhà thờ thân yêu của mình nữa để tham dự thánh lễ, để lãnh nhận các bí tích, nhưng họ vẫn còn có một ngôi đền thờ mà Thiên Chúa yêu thích nhất, đó là tâm hồn của họ.

“Nhưng khi con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18, 8b)

Tâm hồn của các tín hữu là đền thờ của Thiên Chúa, khi cánh cửa của đền thờ xây dựng bằng gạch đá đóng lại, thì cửa của ngôi thánh đường tâm hồn họ mở ra, và chính tâm hồn họ là một nhà tạm di động và sống động, họ không còn phải gò bó bởi giờ giấc của nhà thờ, nhưng họ tự do tự tại đem Chúa đến cho mọi người bằng việc lành phúc đức của họ.

Khi họ hạn chế đi lại ngoài đường thì gia đình trở thành nhà thờ nho nhỏ của họ, cha mẹ con cái có thời gian quây quần bên nhau, chia sẻ với nhau những công việc trong nhà. Tất cả cùng hồi tâm lại và quay trở về với thân phận giáo dân trong gia đình mình bằng những kinh nguyện và chăm sóc lẫn nhau.

Chỉ một con virus vô hình vô dạng mà con người cảm thấy mình bất lực và giới hạn, và người ta nhận ra rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng mới là nơi họ ẩn náu, bởi vì Thiên Chúa đang ở trong tâm hồn của họ, Ngài nhìn thấy tất cả những đau khổ của con người, nhìn thấy sự thất vọng của con người. Và như người nông dân đang sàng lọc và giữ lại những hạt lúa tốt trên cái nia của mình, Thiên Chúa cũng sẽ sàng lọc nhân loại như thế qua cơn đại dịch này, và lời Đức Chúa Giê-su ngày xưa vẫn đang vang vọng trong giáo hội và trong mỗi người chúng ta: “Nhưng khi con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18, 8b)

Nhà thờ đóng cửa hợp pháp, thời gian thử thách sàng lọc dữ dội bắt đầu.

Các giáo hữu nhiệt thành than trách các giám mục và linh mục sợ hãi trước cơn dịch, họ quên mất một điều trách nhiệm này thuộc về các ngài vì các ngài là những đại diện cho Thiên Chúa, chúng ta cứ việc vâng lời và gia tăng lời cầu nguyện cho mọi người, và tuân giữ những gì mà những người hữu trách chỉ dẫn, đó mới là việc bác ái vĩ đại và yêu mến hội thánh Chúa.

“Nhưng khi con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18, 8b)

Đó là lời cảnh cáo của Đức Chúa Giê-su cho chúng ta trong những giây phút của cơn đại dịch corona-vuhan này.

Xin Thiên Chúa là cha từ bi nhân hậu, thương đến nhân loại đang quằn quại chống chọi với đau khổ, không những với cơn đại dịch này, mà còn những đau khổ khác trong tâm hồn và trong cuộc sống của họ.

Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho con. (Lc 17, 5) để khi Chúa đến Chúa vẫn còn nhìn thấy con. Amen.

Corona-vuhan, ngày 20 tháng 3 năm 2020

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info