TỰ DO CỦA KITÔ HỮU
(Khảo luận của Martin Luther)

Nhiều người coi đức tin Kitô Giáo là điều dễ dàng, và không ít người đặt nó vào vị trí các nhân đức. Họ làm thế vì chưa cảm nghiệm được đức tin, và chưa nếm được sức mạnh lớn lao của đức tin. Người ta không thể viết tốt về nó hay hiểu được điều đã được viết về nó ngoại trừ đã có lúc nào đó cảm nhận được sự can đảm mà đức tin đem tới cho một con người khi họ bị thử thách đè nặng. Nhưng những ai dù chỉ mới nếm qua được nó cũng không bao giờ có thể viết, nói, suy niệm, hoặc nghe đủ về nó. Nó là “giếng nước hằng sống trào dâng, đem lại sự sống đời đời” như Chúa Kitô đặt tên cho nó trong Gioan 4:14.

Còn với tôi, dù không giầu có chi về đức tin để huênh hoang và biết rõ kho lẫm của mình thật ít ỏi, tuy nhiên tôi vẫn hy vọng rằng mình đã nắm được chút ít đức tin, tuy vẫn còn bị tấn công bởi rất nhiều cám dỗ lớn lao và đa dạng; và tôi hy vọng rằng tôi có thể thảo luận về nó, nếu không tao nhã hơn, thì chắc chắn cũng vào trọng điểm hơn những người duy chiểu tự và những người tranh luận khéo léo từng làm từ trước đến nay, nhưng thậm chí không hề hiểu cả những điều họ viết.

Để dọn đường trơn tru hơn cho người ít học, là người duy nhất tôi muốn phục vụ, tôi xin trình bày hai mệnh đề sau đây liên quan tới sự tự do và ách nô lệ của tinh thần:

Kitô hữu là ông chủ hoàn toàn tự do của mọi người, không lệ thuộc ai.
Kitô hữu là đầy tớ hoàn toàn tùng phục mọi người, lệ thuộc mọi người.

Hai mệnh đề trên xem ra mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, nếu có thể hợp lại với nhau, chúng sẽ phục vụ mục đích của chúng ta cách tuyệt vời. Cả hai câu đều là tuyên bố của chính Thánh Phaolô, người đã viết trong 1Cr 9:19: “Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người” và trong Rm 13:8: “anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”. Do chính bản chất của nó, tình yêu sẵn sàng phục vụ và lệ thuộc kẻ được yêu. Bởi thế, Chúa Kitô, dù là Chúa muôn loài, đã “sinh ra từ người đàn bà, sinh ra dưới lề luật” (Gl 4:4), và bởi thế, cùng một lúc, là người tự do lẫn đầy tớ, “mang hình Thiên Chúa” lẫn “mang hình tôi tớ” (Pl 2:6-7).

Tuy nhiên, ta hãy bắt đầu với một điều xa hơn với chủ đề của ta, nhưng hiển nhiên hơn. Con người có bản chất kép, vừa tinh thần vừa thể xác. Theo bản chất tinh thần, mà người ta vốn gọi là linh hồn, họ được gọi là con người tâm linh, con người bên trong hay con người mới. Theo bản chất thể xác, mà người ta vốn gọi là thân xác, họ được gọi là con người xác thịt, con người bên ngoài hay con người cũ; về những con người này, Thánh Phaolô viết như sau trong 2 Cr 4:16: “Dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới”. Vì tính đa phức về bản chất này, Thánh Kinh mới quả quyết những điều mâu thuẫn nhau về cùng một con người vì hai con người trong cùng một con người này mâu thuẫn nhau, “vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt” như thư Galát 5:17 vốn dạy.

Trước nhất, ta hãy xét con người bên trong để xem xem một Kitô hữu chính trực, tự do, và đạo hạnh, nghĩa là một người tâm linh, một người mới, và một người bên trong, trở nên điều họ là ra sao. Điều hiển nhiên là không điều gì ở bên ngoài lại có bất cứ ảnh hưởng nào đối với việc sản sinh ra sự chính trực hay sự tự do của Kitô hữu cả. Chỉ duy một luận điểm mà thôi cũng cung cấp đủ chứng cớ cho mệnh đề vừa nói. Linh hồn nào được ích lợi gì khi thân xác khỏe khoắn, tự do, và linh hoạt, và ăn, uống và hành động tùy ý thích? Vì trong các phương diện này, cả những người nô lệ tội lỗi không hề có Chúa cũng rất hả hê. Mặt khác, sức khỏe kém hay bị cầm tù, bị đói, bị khát hay bất cứ tai họa bên ngoài nào khác nào có làm hại chi tới linh hồn? Ngay những người có Chúa hơn cả, và những người tự do nhờ lương tâm trong sáng, cũng bị những điều này làm cho khốn khổ. Không một điều nào trong số này đụng tới sự tự do hay ách nô lệ của linh hồn. Chẳng giúp gì cho linh hồn khi thân xác được trang trí bằng phẩm phục thánh của linh mục hay được cư ngụ tại nơi thánh hoặc bận bịu với các nhiệm vụ thánh thiêng, hay cầu nguyện, ăn chay, kiêng một số loại thực phẩm nào đó, hay làm bất cứ việc gì có thể làm bởi thân xác và trong thân xác. Sự chính trực và sự tự do của linh hồn đòi một điều khác hẳn vì những điều vừa nhắc có thể được làm bởi bất cứ người ác đức nào. Những việc như thế không sản sinh được gì ngoại trừ những kẻ giả hình. Mặt khác, thân xác cũng không gây hại cho linh hồn nếu nó phải mặc quần áo thế tục, cư ngụ tại các nơi không được thánh hiến, ăn, uống như mọi người khác, không cầu nguyện lớn tiếng, và sao lãng những việc trên đây vốn được những kẻ giả hình thực hành.

Hơn nữa, dành dụm mọi loại công việc, thậm chí cả chiêm niệm, suy niệm, và mọi điều linh hồn có thể làm, cũng vô ích. Chỉ một điều, một điều duy nhất mà thôi, cần thiết cho cuộc sống Kitô hữu, cho sự chính trực, và sự tự do. Điều duy nhất ấy chính là lời hết sức thánh thiện của Thiên Chúa, là tin mừng của Chúa Kitô, như chính Chúa Kitô đã nói trong Gioan 11:25: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”; và trong Gioan 8:36: “nếu người Con có giải phóng các ông, các ông mới thực sự là những người tự do”; và trong Mátthêu 4:4: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. Như thế, ta hãy coi là chắc chắn và hoàn toàn được xác minh rằng linh hồn không cần gì khác ngoài Lời Thiên Chúa và rằng nơi nào thiếu Lời Chúa nơi ấy không hề có trợ giúp nào cho linh hồn. Nếu có Lời Thiên Chúa, nơi ấy giầu có và không còn thiếu thốn gì vì đây là Lời sự sống, là chân lý, ánh sáng, bình an, chính trực, cứu rỗi, hân hoan, tự do, khôn ngoan, sức mạnh, ơn thánh, vinh quang, và mọi phúc lành không thể tính toán được. Đó là lý do khiến tiên tri trong toàn bộ Thánh Vịnh 119 và nhiều nơi khác nữa khát mong và luyến tiếc Lời Thiên Chúa và sử dụng nhiều tên để mô tả Lời ấy.

Đàng khác, không còn tai họa khủng khiếp nào bị cơn thịnh nộ của Chúa giáng xuống con người cho bằng cơn đói khát được nghe Lời Người như chính Người đã nói trong Amos 8:11. Cũng thế, không còn lòng thương xót nào lớn hơn việc Người gửi Lời Người xuống, như ta đọc thấy trong Thánh Vịnh 107:20: “Người gửi lời Người xuống, và chữa lành họ, cùng giải thoát họ khỏi bị hủy diệt”. Mà Chúa Kitô cũng không được sai đến thế gian vì bất cứ thừa tác vụ nào khác ngoại trừ thừa tác vụ Lời. Hơn nữa, toàn bộ đẳng cấp thiêng liêng, mọi tông đồ, giám mục và linh mục, đều chỉ được kêu gọi và bổ nhiệm cho thừa tác vụ Lời mà thôi.

Qúi vị có thể thắc mắc “như vậy Lời Chúa là gì, và nên sử dụng Lời này ra sao, vì lời Chúa thì nhiều lắm?” Tôi xin thưa: Thánh Tông Đồ đã giải thích điều này trong thư Rôma 1. Lời đây là tin mừng của Thiên Chúa liên quan tới Con của Người, Đấng đã thành xác phàm, đã chịu thống khổ, đã sống lại từ cõi chết, và được hiển vinh nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa. Rao giảng Chúa Kitô là nuôi sống linh hồn, làm nó ra chính trực, giải phóng nó, và cứu rỗi nó, miễn là nó tin lời rao giảng. Theo Rm 10:9, chỉ có đức tin mới là việc sử dụng có tính cứu rỗi và có hiệu quả Lời Thiên Chúa: “nếu anh chị em dùng miệng lưỡi tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa và tin thật trong lòng rằng Thiên Chúa đã làm Người trỗi dậy từ cõi chết, anh chị em sẽ được cứu rỗi”. Xa trước đó “Chúa Kitô là cùng đích của lề luật, để mọi người có đức tin đều được công chính hóa” (Rm 10:4). Ngoài ra, Rm 1:17 còn cho hay “Ai nhờ đức tin nên công chính sẽ được sống”. Không thể tiếp nhận hay trân qúi Lời Thiên Chúa bằng bất cứ việc làm nào nhưng chỉ bằng đức tin mà thôi. Cho nên, điều rõ ràng là linh hồn chỉ cần Lời Thiên Chúa để được sống và được chính trực thế nào, thì nó cũng chỉ được công chính hóa nhờ đức tin mà thôi chứ không nhờ bất cứ việc làm nào như thế; vì nếu nó có thể được công chính hóa nhờ bất cứ điều gì khác, thì nó đâu cần đến Lời, và do đó, đâu cần tới đức tin.

Đức tin này không thể hiện hữu song song với việc làm, nghĩa là, nếu đồng thời cho rằng mình được công chính hóa nhờ việc làm, bất kể việc làm này có đặc tính gì, vì như thế cũng không khác gì là “nhẩy khập khiễng hai chân” (1V 18:21), là vừa thờ Baal vừa hôn chính tay mình (Gióp 31: 27-28), một việc, như chính Gióp nói, vốn là tội ác đáng trừng phạt. Cho nên, lúc qúi vị bắt đầu tin, qúi vị học được rằng mọi sự trong qúi vị đều đáng chê trách, đều tội lỗi, và đáng trừng phạt như Thánh Tông Đồ từng viết trong thư Rm 3:23: “Vì mọi người đều phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” và “không ai là người công chính, không, không một ai cả. Người người đã lìa xa chánh lộ, chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi” (3:10-12). Khi đã học được điều đó, qúi vị sẽ biết qúi vị cần Chúa Kitô, Đấng đã chịu thống khổ và đã sống lại vì qúi vị để nếu qúi vị tin vào Người, thì nhờ đức tin này, qúi vị sẽ trở nên con người mới bao lâu tội lỗi của qúi vị được tha thứ và qúi vị được công chính hóa nhờ công phúc của một người khác là một mình Chúa Kitô mà thôi.

Bởi thế, vì đức tin này chỉ có thể thống ngự trong con người bên trong, như Rm 10:10 dạy, “vì con người tin thật trong lòng nên họ được công chính hóa” và vì chỉ có đức tin mới công chính hóa được, nên rõ ràng con người bên trong không thể nào được công chính hóa, được tự do hay được cứu rỗi nhờ bất cứ việc làm hay hành động bên ngoài nào, và những việc làm này, bất kể tính chất chúng như thế nào, cũng không dính dáng gì tới con người bên trong cả. Đàng khác, chỉ có sự vô thần và bất tín trong lòng, chứ không có việc làm nào khác, làm họ trở thành đầy tớ tội lệ và đáng trừng phạt của tội lỗi. Do đó, mọi Kitô hữu phải lưu tâm trước hết tới việc đặt mọi tin tưởng ra ngoài việc làm và mỗi ngày mỗi củng cố một mình đức tin mà thôi và nhờ đức tin mà lớn lên trong nhận thức, không phải về việc làm, mà về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu thống khổ và đã sống lại vì họ, như Thánh Phêrô vốn dạy trong trong chương cuối thư thứ nhất của ngài (1Pr 5:10). Không việc nào khác làm nên một Kitô hữu. Bởi thế, như Thánh Gioan đã tường thuật ở Ga 6:28, khi người Do Thái hỏi Chúa Kitô họ phải làm gì “để thể hiện công việc của Thiên Chúa”, Người đã gạt qua một bên mọi việc làm bị Người coi là dư thừa và chỉ gợi ý một việc, đó là “Công việc của Thiên Chúa là anh em tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6:29); “vì trên Người, Thiên Chúa Cha đã đóng ấn của Người” (Ga 6:27).

Cho nên, đức tin chân thực vào Chúa Kitô là kho tàng khôn sánh, đem theo nó ơn cứu rỗi trọn vẹn và cứu con người khỏi mọi sự ác, như Chúa Kitô đã quả quyết trong chương cuối Tin Mừng Máccô 16:16: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu rỗi; nhưng ai không tin sẽ bị kết án”. Isaia chiêm niệm kho tàng này và đã tiên báo về nó trong chương 10: “Chúa sẽ tạo ra trên lãnh thổ một lời nhỏ nhưng rất chi phối, và lời này sẽ tràn đầy sự chính trực” (xem Is 10:22). Như thể ông muốn nói: “đức tin, vốn là sự nên trọn tuy nhỏ nhưng trọn vẹn của lề luật, sẽ đổ đầy tín hữu một sự công chính lớn lao đến nỗi họ không cần điều gì khác nữa để được chính trực”. Trong Rm 10:10, Thánh Phaolô cũng nói thế: “người tin thật trong lòng, sẽ nhờ đó được công chính hóa”.

Nếu qúi vị hỏi làm sao lại có việc chỉ một mình đức tin mới công chính hóa và đem lại cho ta một kho tàng ơn phúc lớn lao không cần việc làm trong khi biết bao việc làm, biết bao nghi lễ và luật lệ đã được truyền kê trong Thánh Kinh, thì tôi xin thưa: trước hết, xin hãy nhớ những điều đã nói, tức là, chỉ có đức tin, chứ không phải việc làm, mới công chính hóa, giải phóng và cứu rỗi; ta sẽ làm cho điều này rõ ràng hơn sau này. Ở đây, ta phải nhấn mạnh rằng toàn bộ Thánh Kinh của Thiên Chúa được chia thành hai phần: các giới răn và các lời hứa. Dù giới răn dạy những điều tốt, các điều được dạy này không được thực hành ngay khi chúng được giảng dạy, vì giới răn dạy ta điều phải làm nhưng không cho ta sức mạnh để làm việc đó. Chúng nhằm dạy con người biết mình, để qua chúng, họ có thể nhận ra sự thiếu khả năng của họ trong việc làm điều tốt và rất có thể sẽ thất vọng về khả năng của mình. Chính vì thế chúng được gọi là Cựu Ước, và quả đã tạo nên Cựu Ước. Thí dụ, giới răn “Ngươi không được thèm muốn” (Xh 20:17) là giới răn muốn chứng minh rằng mọi người chúng ta đều có tội, vì không ai tránh được việc thèm muốn, bất kể họ đấu tranh chống lại nó ra sao. Cho nên, để không thèm muốn và làm trọn giới răn này, con người phải thất vọng về chính mình, và tìm sự trợ giúp mà họ không tìm thấy nơi đâu trong chính họ cũng như trong bất cứ ai khác, như đã quả quyết trong Hs 13:9: “Hỡi Israel, sự hủy diệt là của riêng ngươi, sự trợ giúp ngươi chỉ có nơi Ta”. Ta xử sự với một giới răn thế nào thì cũng xử sự như thế với mọi giới răn khác, vì ta cũng đều không giữ được bất cứ giới răn nào.

Nay, khi con người nhờ các giới răn mà học được việc biết thừa nhận sự bất lực của mình và lo lắng về việc làm sao mình có thể thỏa mãn lề luật, vì lề luật phải được chu toàn đến nỗi một chấm một phẩy cũng không được để mất, nếu không, con người sẽ bị kết án không còn hy vọng, đây là lúc, thực sự khiêm hạ và bị giản lược thành số không dưới chính mắt họ, họ không tìm được điều gì trong chính họ nhờ đó họ được công chính hóa hay được cứu rỗi. Đến đây, phần thứ hai của Sách Thánh đến giúp ta, tức các lời hứa của Thiên Chúa vốn công bố vinh quang của Người; lời hứa này nói rằng “nếu bạn muốn chu toàn lề luật chứ không ham muốn, như lề luật đòi hỏi, hãy đến, hãy tin vào Chúa Kitô nơi Người, ơn thánh, sự chính trực, bình an, tự do, và mọi sự đã được hứa hẹn cho bạn. Nếu bạn tin, bạn sẽ có đủ mọi sự; nếu bạn không tin, bạn sẽ thiếu mọi sự”. Điều bạn không thể hoàn thành bằng cách cố gắng chu toàn mọi việc làm tốt theo lề luật, rất nhiều và hoàn toàn vô ích, bạn sẽ chu toàn nhanh chóng và dễ dàng nhờ đức tin. Thiên Chúa, Cha chúng ta, đã khiến mọi sự lệ thuộc đức tin để bất cứ ai có đức tin đều sẽ có mọi sự, và ai không có đức tin sẽ không có gì hết. Như đã có lời quả quyết trong thư Rôma 11:32: “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rm 11:32). Như thế, các lời hứa của Thiên Chúa đem lại điều các Giới Răn của Thiên Chúa đòi hỏi và chu toàn điều lề luật truyền lệnh để mọi sự thuộc về một mình Thiên Chúa, cả các giới răn lẫn việc chu toàn chúng. Một mình Người truyền lệnh, một mình Người chu toàn. Do đó, các lời hứa của Thiên Chúa thuộc về Tân Ước. Quả thực, chúng là Tân Ước.

Vì các lời hứa của Thiên Chúa này là những lời thánh thiện, chân thực, công chính, tự do và bình an, đầy tốt lành, nên linh hồn nào bám vào chúng bằng một đức tin vững vàng sẽ kết hợp với chúng một cách mật thiết và hoàn toàn tan hòa bởi chúng đến nỗi không những được dự phần vào sức mạnh của chúng mà còn được bão hòa và say ngất bởi chúng nữa. Nếu một cái đụng của Chúa Giêsu cũng đủ chữa lành bệnh, thì cái đụng thiêng liêng dịu dàng nhất này, sự tan hòa của Lời này sẽ thông truyền cho linh hồn mọi sự vốn thuộc Ngôi Lời xiết bao hơn nữa. Do đó, đấy là lý do tại sao nhờ đức tin mà thôi không cần việc làm, linh hồn được công chính hóa, biến thành chân thật, bình an, tự do, đầy rẫy mọi chúc phúc, và thực sự trở thành con cái Thiên Chúa như Ga 1:12 viết “Nhưng với những ai... tin vào danh Người, Nguời sẽ ban cho năng lực để trở thành con cái Thiên Chúa”.

Từ những điều nói trên đây, ta dễ dàng thấy từ nguồn nào, đức tin đã dẫn khởi được một năng lực lớn lao như thế và tại sao việc làm tốt hay mọi việc làm tốt cộng lại không thể bằng nó. Không việc làm tốt nào có thể dựa vào Lời Thiên Chúa hay sống trong linh hồn, vì một mình đức tin và Lời Chúa đang thống trị trong linh hồn.

Y hệt như chiếc bàn ủi nóng rực sáng như lửa nhờ sự kết hợp của lửa với nó, Lời cũng ban bố các đặc tính của nó như thế cho linh hồn. Như thế, rõ ràng các Kitô hữu có mọi thứ họ cần trong đức tin và không cần đến việc làm nào để công chính hóa mình; và nếu họ không cần một việc làm nào, họ cũng không cần lề luật; và nếu họ không cần lề luật, thì chắc chắn họ thoát khỏi lề luật. Đúng là “lề luật không được đặt để cho người công chính” (1Tm 1:9). Điều này có ý nói tự do của Kitô hữu, đức tin của chúng ta, không xui khiến ta sống lười biếng hay xấu ác nhưng làm cho lề luật và việc làm trở thành không cần thiết cho sự chính trực hay cứu rỗi của bất cứ ai.

Đó là năng lực thứ nhất của đức tin. Bây giờ, ta hãy khảo sát năng lực thứ hai. Một chức năng khác của đức tin là nó vinh danh người nó tín thác một cách tôn kính và tôn trọng cao nhất vì nó coi người này chân thật và đáng tin cậy. Không có vinh dự nào ngang bằng với việc lượng giá sự chân thật và đáng tin cậy ta dùng tôn vinh người ta tín thác. Liệu ta có thể gán cho ai điều gì cao hơn sự chân thật, chính trực và tốt lành? Một đàng, không cách nào trong đó ta tỏ lòng khinh miệt lớn hơn đối với một ai đó cho bằng coi anh ta sai lạc, xấu xa và hoài nghi họ như ta thường làm khi ta không tin tưởng họ. Cho nên, khi linh hồn tín thác mạnh mẽ vào các lời Chúa hứa, nó coi Người chân thật và chính trực. Không điều gì trổi vượt hơn thế có thể gán cho Thiên Chúa. Việc thờ phượng Thiên Chúa cao nhất chính là ta gán cho Người sự chân thật, sự chính trực, và bất cứ điều gì khác nên gán cho người được tín thác. Khi việc này được thực hiện, linh hồn thuận theo thánh ý Người. Lúc ấy, nó sáng danh Người và để mình được Thiên Chúa mặc tình đối xử vì, bám chặt vào các lời hứa của Thiên Chúa, nó không còn hoài nghi chi nữa Đấng vốn chân thật, công chính và khôn ngoan sẽ làm, sẽ sắp đặt và cung cấp mọi sự một cách tốt đẹp.

Nhờ đức tin, một linh hồn như thế há lại không vâng nghe Thiên Chúa trong mọi sự hay sao? Còn giới răn nào một sự vâng nghe như thế lại không chu toàn trọn vẹn? Còn sự chu toàn nào trọn vẹn hơn sự vâng nghe trong mọi sự? Tuy nhiên, sự vâng nghe này không được thực hiện qua việc làm mà là qua một mình đức tin mà thôi. Một đàng, còn có sự nổi loạn nào lớn hơn chống lại Thiên Chúa, còn sự ác xấu nào lớn hơn, còn sự khinh miệt Thiên Chúa nào lớn hơn bằng việc không tin tưởng các lời Người hứa hẹn? Vì điều này là chi nếu không phải biến Thiên Chúa thành người nói láo hay hoài nghi Người chân thật? tức là, gán sự chân thật cho bản thân mình và gán dối trá và phù phiếm cho Thiên Chúa? Há một người làm như thế không bác bỏ Thiên Chúa và đặt Người thành một ngẫu tượng trong tâm hồn mình? Rồi, các việc làm thực hiện trong sự xấu xa như thế thì có gì tốt, dù là việc làm của các thiên thần và các tông đồ? Cho nên, Thiên Chúa rất đúng trong việc bao gồm mọi sự, không phải vào sự giận dữ hay thèm muốn, mà vào sự bất tín, để những ai tưởng tượng rằng họ chu toàn lề luật bằng cách thực hiện các việc làm khiết tịnh và thương xót do lề luật đòi hỏi (các nhân đức dân sự và nhân bản) thì được cứu rỗi. Họ được bao gồm vào tội bất tín và một là phải xin sự thương xót hoặc bị kết án một cách phải lẽ.

Tuy nhiên, khi Thiên Chúa thấy chúng ta coi Người chân thật và bằng đức tin tận cõi lòng, dành cho Người niềm vinh dự lớn lao Người đáng được, Người sẽ dành cho chúng ta vinh dự lớn lao bằng cách coi chúng ta chân thật và chính trực vì cùng một đức tin của chúng ta. Đức tin tạo sự thật và chính trực bằng việc dành cho Thiên Chúa điều vốn thuộc về Người. Bởi thế, đến lượt Người, Thiên Chúa vinh danh sự chính trực của ta. Thật đúng và chính đáng là Thiên Chúa chân thật và công chính và ai coi Người và tuyên xưng Người như thế cũng là người chân thật và công chính. Thành thử, Người nói trong 1Sm 2:30: “Ai tôn vinh Ta, Ta sẽ tôn vinh nó, còn ai khinh thường Ta, sẽ bị khinh thường”. Thánh Phaolô cũng nói như thế trong Rm 4:3 rằng “Ông Ápraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính” vì nhờ đức tin, ông dành vinh dự hoàn hảo nhất cho Thiên Chúa, và vì cùng một đức tin như thế, đức tin của chúng ta cũng được kể cho chúng ta là chính trực nếu chúng ta tin.

Kỳ sau: Phúc lộc khôn sánh thứ ba của Đức Tin