Tính đến ngày 18.2.2020, tại Trung Quốc, hình như đã có ít nhất 4 bác sĩ cùng nhiều người khác của ngành y qua đời vì nhiệm vụ chống dịch COVID-19.

Giữa lúc bệnh tật tiếp tục lan tràn cách đáng sợ trong khi cả thế giới vẫn đang loay hoay tìm cách ngăn chặn, nhưng chưa có hiệu quả nào được kể là tối hảo, thì các nhân viên y tế là những đại ân nhân của chúng ta.

Dù muốn, dù không, họ đang phải ngày đêm chiến đấu với dịch, với từng mạng sống của những bệnh nhân được giao phó cho họ. Chỉ có họ, trong lúc chúng ta vô phương cách, trở thành niềm hy vọng của chúng ta. Nhiệm vụ của họ, ngay lúc này, vừa cao cả, vừa thiêng liêng, nhưng cũng đầy bất trắc, đầy thách thức.

Nhất là các nhân viên y tế ngay trong vùng tâm chấn của dịch, có thể còn khỏe hay chưa nhiễm bệnh, cũng đã quá mệt mỏi, quá kiệt sức trong công tác cứu người.

Tinh thần của họ chắc chắn ảnh hưởng và tổn thương không nhỏ, thậm chí san chấn vì từng phút giây phải chứng kiến bệnh nhân của mình, đồng nghiệp của mình ngã xuống.

Không biết phải làm gì hơn, giữa lúc thương đau này, chúng ta gần gũi với họ trong tinh thần, cảm thông và cầu nguyện cho họ thật nhiều. Xin Chúa gia tăng nghị lực và ban sức mạnh tinh thần, để họ vững vàng hơn, chiến đấu trong mặt trận đầy gai góc, trong khi chiến thắng còn ở tận chân trời.

Chúng ta lo lắng vì số nhân viên y tế ngày càng vơi cạn vì nhiễm dịch, trong khi số người bệnh lại cứ tăng lên từng ngày, không phải bằng những bước đi, nhưng bằng những bước nhảy...

Chúng ta thương tiếc và hướng hết tâm hồn mình tưởng nhớ những nhân viên đã qua đời. Bằng chính lòng tin tưởng lớn lao vào tình yêu thương xót của Chúa, chúng ta tha thiết cầu nguyện cho các nhân viên y tế, vì nhiệm vụ cứu người mà phải hy sinh. Nguyện xin Chúa đoái thương đến công trạng mà ân thưởng xứng đáng linh hồn của các vị.

Sau đây là chân dung một số trong những nhân viên ấy:

1. BÁC SĨ LÝ VĂN LƯỢNG (LI WENLIANG).

Bác sĩ Lý hoàn toàn không biết gì về virus corona (COVID-19), dù anh đang làm việc ngay tâm chấn và hàng ngày phải tiếp xúc với những nạn nhân của virus này.

Cho đến tháng 12.2020, anh phát hiện 7 trường hợp nhiễm virus lạ mà anh cho là giống SARS, loại virus gây dịch bệnh toàn cầu năm 2002-2003.

Ngày 30.12.2019, bác sĩ Lý gởi một tin nhắn cho một số đồng nghiệp, cảnh báo họ về nguy cơ bùng phát virus lạ. Anh còn khuyên họ nên mặc quần áo bảo hộ để tránh lây nhiễm. Đó chính là corona chủng mới mà anh chỉ có thể gọi là virus lạ.

Tin nhắn của bác sĩ Lý thu hút sự chú ý của giới cầm quyền địa phương sau khi một người đăng ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện lên mạng. 7 bác sĩ khác, dựa trên tin nhắn này, đã nhanh chóng chia sẻ thêm ba nhóm trò chuyện khác.

Vừa hấp tấp, vừa máy móc, lại cho thấy sự tắc trách vì không tìm hiểu cặn kẽ, bên cạnh đó, còn thể hiện sự kém hiểu biết, ngay đêm 30.12.2019, các quan chức y tế thành phố Vũ Hán triệu tập Lý Văn Lượng, yêu cầu được biết lý do anh chia sẻ thông tin.

Tháng 1.2020, bác sĩ Lý quyết định đăng trên weibo và giải thích những gì đã và đang diễn ra tại bệnh viện nơi anh làm việc.

Ngày 3.1.2020, anh bị buộc tội "phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội". Biên bản buộc tội anh còn ghi: "Chúng tôi cảnh cáo anh: Nếu anh ngoan cố, không tuân theo yêu cầu và tiếp tục hoạt động phi pháp này, anh sẽ bị xử lý theo pháp luật, anh có hiểu không?". Bác sĩ Lý Văn Lượng phải ký vào biên bản "lạ" này.

Ngày 10.1, bác sĩ Lý Văn Lượng mô tả, anh bắt đầu ho. Hôm sau anh bị sốt. Hai ngày tiếp theo, anh phải nằm viện. Bố mẹ anh cũng ngã bệnh và được đưa đi viện.

Cuối tháng 1.2020, bác sĩ Lý đăng biên bản "lạ" mà anh phải ký lên Weibo và giải thích những gì đã xảy ra.

Chính quyền địa phương xin lỗi anh nhưng lời xin lỗi không còn cần thiết. Vị bác sĩ đáng thương, đáng kính của chúng ta đang phải đối diện với cái chết và nhiều cái chết khác đã không còn bên trong biên giới của một địa phương.

Thật đáng trách, có đến vài tuần đầu của tháng 1.2020, các quan chức ở Vũ Hán khẳng định, dịch chỉ lây từ động vật sang người. Không có chỉ đạo về việc bảo vệ các y bác sĩ.

Mãi đến ngày 20.1 (tức 3 tuần sau khi bác sĩ Lý cảnh báo), chuyên gia dịch tễ học Trung Quốc mới xác nhận corona chủng mới lây từ người sang người và tuyên bố tình trạng dịch bệnh khẩn cấp, sau khi phát hiện một bệnh nhân đã lây cho ít nhất 14 nhân viên y tế và rất nhiều trường hợp lây nhiễm khác.

Ngày 30.1, bác sĩ Lý Văn Lượng lại đăng trên Weibo: "Hôm nay đã có xét nghiệm axit nucleic với kết quả dương tính, mọi thứ cuối cùng đã rõ, tôi đã được chẩn đoán bị nhiễm".

Ngày 6.2.2020, truyền thông Trung Quốc chính thức thông tin bác sĩ Lý Văn Lượng đã qua đời vì virus corona, bỏ lại đứa con đầu mới 5 tuổi và một đứa con khác phải mồ côi cha trong khi còn đang trong bụng mẹ (vợ bác sĩ Lý Văn Lượng đang mang thai con thứ hai).

Trước khi chết, điều mà vị bác sĩ đáng thương nhớ của chúng ta quan tâm nhất vẫn là gia đình. Trong một phỏng vấn khi còn đang bị cách ly tại bệnh viện Vũ Hán, bác sĩ Lý nói: "Tôi lo lắng nhất cho người thân. Bố mẹ tôi vẫn đang nằm viện, vợ tôi đang mang thai. Giờ đây chẳng có gì quan trọng nữa. Tôi hy vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát nhanh nhất có thể và tất cả đều mạnh khỏe... Vợ tôi là bác sĩ khoa mắt ở một bệnh viện khác, con tôi chỉ mới 5 tuổi. Giờ vợ và con tôi đang sống bên nhà ngoại".

Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng khiến công chúng tức giận. Họ cho rằng, chính quyền nợ anh một lời xin lỗi. Họ không thể hiểu, vì sao nỗ lực cảnh báo dịch bệnh ban đầu của anh là việc làm cứu cả thế giới, lại bị xem là hành vi gây rối trật tự xã hội?

Họ ngậm ngùi trước hình ảnh vợ và các con của anh phải mất anh vĩnh viễn. Họ thương xót hình ảnh mẹ anh không thể nhìn thấy con mình lần cuối, chỉ có thể ôm trên tay lọ đựng tro cốt của anh (người ta thiêu xác anh ngay sau khi anh qua đời vì sợ lây nhiễm) mà nức nỡ. Họ tự tưởng nhớ anh bằng nhiều hình thức với tất cả lòng thương cảm.

2. NỮ BÁC SĨ TỪ HUY (XU HUI).

Bà là Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Nam Kinh đã làm việc trong 18 ngày liên tục trước khi đột tử vì kiệt sức vào ngày 7.2.2020. Bà qua đời ở tuổi 51.

Sau sự ra đi của bác sĩ Từ, nhiều người dân tỉnh Giang Tô, nơi bà công tác gọi bà là tấm gương sáng, hình mẫu lý tưởng cho tất cả các nhân viên y tế noi theo.

Dưới thông báo về sự ra đi của bà, rất nhiều người ghi lại những bình luận thương xót và lo ngại cho tình hình sức khỏe của các nhân viên y tế khi họ phải căn thẳng liên tục để phòng chống dịch.

3. BÁC SĨ LIN ZHENGBIN.

Là một mác sĩ đầu ngành về cấy ghép thận. Ông là giáo sư tại bệnh viện Vũ Hán, đã có kinh nghiệm 30 năm về cấy ghép thận.

Ngày 11.2.2020, truyền thông Trung Quốc đưa tin bác sĩ Lin Zhengbin, qua đời tại thành phố Vũ Hán hồi đầu tuần, hưởng thọ 62 tuổi. Ông trút hơi thở sau chưa đầy 1 tháng nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19).

4. BÁC SĨ LƯU TRÍ MINH (LIU ZHIMING).

Trong bản tin 11 giờ 15 phút ngày 18.2.2020, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết, bác sĩ Lưu Trí Minh, sinh năm 1969,Viện trưởng bệnh viện Vũ Xương ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc qua đời vì COVID-19 hồi 10 giờ 30 sáng 18.2.2020 (giờ địa phương).

Bác sĩ Lưu Trí Minh sống tại thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc. Ông tốt nghiệp Học viện Y của Đại học Vũ Hán năm 1991. Là tiến sĩ, ông chuyên chẩn đoán và điều trị chấn thương sọ não, khối u trong não, bệnh mạch máu não. Đặc biệt, ông là chuyên gia khoa ngoại thần kinh, giỏi về điều trị phẫu thuật ngoại thần kinh. Ông còn là giảng viên hướng dẫn các nghiên cứu sinh thạc sĩ tại Đại học Giang Hán và Đại học Y dược Hồ Bắc.

Bác sĩ Lưu Trí Minh từng được chính quyền quận Vũ Xương của thành phố Vũ Hán trao tặng danh hiệu "Anh tài Vũ Xương". Ông cũng góp tên trong "Quỹ tiến sĩ chính quyền nhân dân thành phố Vũ Hán" và "Công trình thập bách thiên nhân tài" của thành phố Vũ Hán.

Bệnh viện Vũ Xương là một trong những bệnh viện được chỉ định đầu tiên ở Vũ Hán để chữa trị bệnh nhân nhiễm COVID-19, được xem là bệnh viện hàng đầu trong cuộc chiến chống loại virus tàn nhẫn này. Bệnh viện hiện có 966 nhân viên, được cơ quan y tế tỉnh Hồ Bắc xếp loại là bệnh viện tổng hợp hạng 3.

5. NHIỀU NHÂN VIÊN Y TẾ.

Theo tin từ Trung Quốc hôm 14.2.2020, ông Tăng Ích Tân, phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia cho biết, tính đến cuối ngày 11.2, toàn Trung Quốc có 1.716 nhân viên y tế nhiễm COVID-19, chiếm khoảng 3,8% tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc.

Trong số các nhân viên y tế nhiễm bệnh, có 6 người tử vong, chiếm 0,4% số ca tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc đại lục tính đến thời điểm đó. Ngoài ra, còn khoảng 600 nhân viên nghi nhiễm bệnh.

Trong số đó, có cái chết của một y tá thuộc bệnh viện Vũ Xương (thành phố Vũ hán) là bà Liễu Phàm (Liu Fan), từng được ghi nhận chết vì virus corona chủng mới. Bà là y tá tại phòng tiêm của Trung tâm dịch vụ y tế đường Lê Viên của bệnh viện Vũ Xương, qua đời lúc 18 giờ 30 phút ngày 14.2.2020, hưởng dương 59 tuổi.

Các bác sĩ và chuyên gia y tế nói rằng sự thiếu hụt các trang thiết bị bảo vệ, thời gian làm việc quá lâu và chưa hiểu biết đầy đủ về mức độ lây nhiễm của virus là những yếu tố chính dẫn đến một số lượng lây nhiễm lớn cho các nhân viên ngành y.

Mặc dù là một trong những ngành nghề danh giá, được coi trọng hết sức, nhưng đằng sau ánh hào quang của chiếc áo blouse trắng tinh khiết, là sự cống hiến, hy sinh không biết mệt mỏi của các y bác sĩ trong công cuộc cứu chữa người bệnh.

Không có được giấc ngủ ngon, khó có được bữa cơm đầm ấm bên gia đình, dễ gặp rủi ro trong nghề nghiệp, lắm khi còn bị thân nhân của các bệnh nhân chửi bới, đánh đập, phải đối mặt với mọi chất thải y tế, thậm chí phải bỏ mạng khi cường độ làm việc quá cao hoặc bị lây nhiễm từ bệnh nhân của mình... Đó là tất cả những gì mà các bác sĩ đang phải ngày đêm đối mặt.

Chúng ta yêu quý họ. Chúng ta dành cho họ một tình cảm lớn lao, để họ được an ủi phần nào bên cạnh những hy sinh thầm lặng mà họ phải chịu đựng và đón nhận.

Nhất là trong thời đại dịch kinh hoàng này, nhìn thấy bóng dáng họ, nhìn thấy màu trắng tinh trên thân mình của họ, chúng ta yên tâm hơn, được ủi an hơn, hy vọng cho sự sống nhiều hơn.

Xin cho họ luôn "chân cứng đá mềm" trước mọi thách thức của thời cuộc. Xin cho họ đủ mạnh để vượt thác ghềnh, hòng "đạp đầu sóng ngọn gió" dành lấy sự sống của những ai đi qua bàn tay chữa chạy và chăm sóc của họ, có lúc mong manh tưởng chừng sợi chỉ mành.

Với tôi, những lúc đầy chông gai thế này, các nhân viên y tế đẹp như những thiên thần áo trắng. Công việc của họ đâu chỉ đơn thuần là nghề nghiệp, nhưng là ơn gọi!...