Các vị Giáo hoàng và cuộc nổi dậy đạo đức chống lại vũ khí hạch nhân.

Hay sự phát triển của Huấn quyền Giáo Hội Công Giáo về thực tại bi thảm của chiến tranh, dưới ánh sáng tàn phá của các cuộc tấn công hạch nhân trên Hiroshima và Nagasaki.

Bài nhận định của Alessandro Gisotti, cựu Giám Đốc lâm thời Phòng Báo Chí Tòa Thánh:



Có một việc trước và sau Hiroshima và Nagasaki trong lịch sử nhân loại.

Cũng có một việc trước và sau liên quan đến cách Giáo hội nhìn trải nghiệm bi thảm của chiến tranh qua Huấn quyền của các vị Giáo hoàng. Sự tàn phá gây ra bởi vũ khí hạch nhân buộc Giáo hội phải xem xét lại chủ đề chiến tranh một cách mới mẻ. Chưa bao giờ trong lịch sử, loài người lại bị ám ảnh bởi một thứ vũ khí có khả năng xóa sạch mọi dấu vết của con người trên bề mặt trái đất.

Đức Giáo Hoàng Piô XII

Một tình huống chưa từng có như vậy đè nặng lên trái tim Đức Giáo Hoàng Piô XII đến nỗi, trong Thông điệp vô tuyến ngày 24 tháng 8 năm 1939, ngài đã đưa ra một lời cảnh báo tiên tri: “Không có mất mát gì với hòa bình. Mọi sự đều có thể bị mất với chiến tranh”. Sáu năm sau, những lời đó mang một ý nghĩa mới đầy bi thảm. Như đã được chứng minh bằng vụ đánh bom hạch nhân ở Hiroshima và Nagasaki, mọi sự thực sự có thể “bị mất với chiến tranh”.

Vào ngày 8 tháng 2 năm 1948, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tiếp các thành viên của Giáo hoàng Hàn lâm viện Khoa học. Qua họ, ngài đã nêu một câu hỏi với các nhà khoa học trên toàn thế giới: “Loài người mong đợi các bất hạnh nào từ một cuộc xung đột trong tương lai, nếu họ chứng tỏ không thể bắt ngưng hoặc hạn chế việc sử dụng các phát minh khoa học ngày một mới hơn và gây ngạc nhiên hơn?”

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII

Vào tháng 10 năm 1962, trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Moscow và Washington dường như tránh xa việc sử dụng bom nguyên tử. Phải mất 13 ngày rất dài, khiến nhân loại nghẹt thở, để tìm ra giải pháp thương lượng. Tổng thống Mỹ Kennedy và đối tác Nga Khrushchev của ông dừng lại ngay trước vực thẳm. Sở dĩ họ làm được như thế, một phần cũng nhờ Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, người đã sử dụng mọi phương tiện hiện có, từ cầu nguyện đến ngoại giao, để mở ra các không gian mới để đối thoại. Vị thánh tương lai đã sử dụng Đài phát thanh Vatican để bảo đảm rằng thông điệp hòa bình của ngài vuơn xa đến mức có thể, bao gồm cả Nhà Trắng lẫn Điện Cẩm Linh. Trong Thông điệp vô tuyến ngày 25 tháng 10 năm 1962, ngài khuyến khích các nhà lãnh đạo quốc gia tránh “các kinh hoàng của chiến tranh”; ngài nói rằng “không ai có thể dự đoán được các hậu quả khủng khiếp” của cuộc xung đột bao gồm vũ khí hạch nhân.

Hòa bình dưới thế

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã có một tác động mạnh mẽ đối với Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Càng ngày ngài càng tin chắc việc phải đào sâu và phát triển học thuyết Công Giáo về chủ đề chiến tranh và hòa bình. Vào tháng 4 năm 1963, Đức Giáo Hoàng đã công bố thông điệp Pacem in Terris (Hòa bình dưới thế), không chỉ ngỏ với các tín hữu mà, như chúng ta đọc trong trang tiêu đề của bản văn, với “tất cả những ai có thiện chí”. Sức mạnh của tài liệu nằm chính ở khả năng có thể tranh luận mà ngay cả một người không tin cũng có thể thừa nhận và tiếp nhận. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nhận xét, trong thời đại nguyên tử, quả là “ngoại lý” khi nghĩ rằng chiến tranh có thể được sử dụng “như một công cụ của công lý”. Đó là lý do tại sao ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang và cổ vũ việc giải trừ vũ khí toàn diện là những mục tiêu được “lý trí đúng đắn” đòi hỏi.

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã tiếp nối chứng tá của vị tiền nhiệm. Ngài kết thúc Công đồng Vatican II và đưa ra cam kết của riêng ngài rằng nhân loại sẽ không bao giờ phải chịu đựng sự hủy diệt của Hiroshima và Nagasaki nữa. Văn kiện của Công đồng, Gaudium et spes, nhận định rằng các hành động quân sự được thực hiện bằng vũ khí hạch nhân vượt quá “giới hạn việc phòng thủ hợp pháp”, và nếu kho vũ khí nguyên tử do các Đại Cường sở hữu được sử dụng hoàn toàn, thì “sẽ có sự phá hủy gần như toàn diện các bên tranh chấp". Do đó, câu định nghĩa của Đức Giáo Hoàng và các nghị phụ Công đồng coi bất cứ cuộc chiến tranh nào “nhắm một cách bừa bãi việc phá hủy toàn bộ các thành phố hoặc khu vực rộng lớn và cư dân của chúng” đều là “một tội ác chống lại Thiên Chúa và chống lại chính loài người”.

Tại Liên Hiệp Quốc

Bài diễn văn của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 4 tháng 10 năm 1965, đã lặp lại thông điệp trên. Đức Giáo Hoàng nói rằng, nếu qúy vị muốn trở thành anh chị em, “hãy để vũ khí rơi khỏi tay qúy vị... nhất là những vũ khí khủng khiếp mà khoa học hiện đại đã cung cấp cho qúy vị, gây ra những giấc mơ xấu, nuôi dưỡng tình cảm xấu xa, tạo ra các cơn ác mộng, các thù nghịch và giải pháp đen tối ngay cả trước khi chúng gây ra bất cứ nạn nhân và phế tích nào”. Như ngài từng làm khi đến Ấn Độ vào năm trước, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới “vì lợi ích của các quốc gia đang phát triển, hãy dành ít nhất một phần tiền có thể được tiết kiệm qua việc giảm số lượng vũ khí” .

Nền Ngoại giao Vatican

Giống Đức Gioan XXIII trước ngài, Đức Phaolô VI cũng đặt nền ngoại giao của Vatican vào việc phục vụ chính nghĩa hòa bình và giải trừ hạch nhân. Vai trò của Hồng Y Agostino Casaroli đặc biệt quan trọng. Năm 1971, ngài bay tới Moscow để chuyển văn kiện xác nhận sự cam kết của Tòa Thánh đối với Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạch nhân. Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tương lai cũng ngỏ lời với Phiên họp Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về giải trừ binh bị năm 1978, bằng cách đọc bức thông điệp của Đức Phaolô VI. Đức Giáo Hoàng viết, “vấn đề chiến tranh và hòa bình ngày nay được nêu ra bằng những từ ngữ mới”, vì lần đầu tiên loài người có trong tay “một tiềm năng có đầy đủ khả năng tiêu diệt mọi sự sống trên hành tinh”. Vì lý do này, giải trừ binh bị hiện nay là một mệnh lệnh đạo đức.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Giống vị tiền nhiệm của mình, Thánh Gioan Phaolô II đã nói chuyện với các nhà khoa học một cách đặc biệt chăm chú; ngài nhắc nhở họ về tính ưu việt của tinh thần so với vật chất, giá trị của tiến bộ kỹ thuật biết gây lợi cho loài người. Tại trụ sở của UNESCO ở Paris ngày 2 tháng 6 năm 1980, Đức Giáo Hoàng đã mời gọi các nhà khoa học chứng minh rằng họ mạnh hơn những người mạnh của trái đất và yêu cầu họ dùng mọi thế giá tinh thần của họ để cứu nhân loại khỏi sự hủy diệt hạch nhân. Năm sau, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Viễn Đông. Vào ngày 25 tháng 2 năm 1981, ngài có mặt tại Đài tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima. Ở đây, ngài nhấn mạnh rằng nếu tưởng niệm quá khứ có nghĩa là đưa ra một cam kết cho tương lai, thì việc tưởng niệm Hiroshima có nghĩa là bị kinh hoàng bởi ý niệm chiến tranh hạch nhân.

Tại Hiroshima

Khi ở Hiroshima, Đức Giáo Hoàng đã gặp gỡ những người “Hibakusha”, tức những người sống sót vụ nổ nguyên tử, và một lần nữa, ngài ngỏ lời với các nhà khoa học, nhấn mạnh vấn đề luân lý được đặt ra bởi chính sự hiện hữu của các vũ khí có khả năng hủy diệt loài người. Ngài nói tới “một cuộc khủng hoảng luân lý” sau các vụ đánh bom nguyên tử và tố cáo cuộc chạy đua vũ trang. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sau đó đã phát động “một thách thức lớn” cho các bộ óc và lãnh đạo lỗi lạc nhất thế giới. Một thách thức mà theo lời ngài, “hệ ở việc hài hòa các giá trị của khoa học và các giá trị của lương tâm”. Ngài cảnh báo “tương lai của chúng ta trên hành tinh này, đang chường mặt cho nguy cơ hủy diệt hạch nhân”, tùy thuộc vào một nhân tố duy nhất: “Nhân loại phải thực hiện một chuyển biến luân lý”. Trong triều giáo hoàng dài của ngài, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường tố cáo sự kinh hoàng và vô cảm của một cuộc chiến được tiến hành bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ngài không ngừng khuyến khích các nỗ lực giải trừ vũ khí, và đóng một vai trò được lịch sử công nhận trong việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh và chủ trương “cân bằng bằng khiếp đảm” dựa trên chính sách gián chỉ hạch nhân giữa Hoa Kỳ và Liên Xô.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI

Về phần mình, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng nhắc nhớ vết thương sâu hoắm gây ra cho toàn nhân loại bởi các vụ đánh bom nguyên tử. Ngài ủng hộ cam kết của Liên Hợp Quốc về giải trừ vũ khí tiến bộ và việc tạo ra các khu vực không có vũ khí hạch nhân. Trong Thông điệp của mình cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2006, ngài định nghĩa như là “tai họa” và ‘trá ngụy” bất cứ quan điểm nào được các chính phủ chấp nhận, nhưng “dựa vào vũ khí hạch nhân làm phương thế bảo đảm an ninh cho các quốc gia của họ”. Ngài nhận định “trong một cuộc chiến tranh hạch nhân, sẽ không có người chiến thắng, mà chỉ có các nạn nhân”. Bốn năm sau, khi tiếp nhận đại sứ mới của Nhật Bản tại Tòa Thánh, Đức Giáo Hoàng lại nhắc nhớ vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki: Ngài nói “Thảm kịch này nhắc nhở chúng ta sự cần thiết phải kiên trì trong các nỗ lực của chúng ta nhằm ủng hộ việc không phổ biến vũ khí hạch nhân và giải giáp vũ khí”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục và tăng cường các nỗ lực nhằm tránh điều ngài gọi là “vụ tự tử” của nhân loại. Đức Giáo Hoàng đã tổ chức Hội nghị tháng 11 năm 2017 tại Vatican, quy tụ các chính trị gia, các vị đoạt giải thưởng Nobel và các nhà khoa học, mong tìm kiếm những cách thức mới để giải phóng thế giới khỏi vũ khí hạch nhân. Việc định thời biểu cho biến cố này cũng quan trọng không kém vào thời điểm các căng thẳng đang leo thang giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên. Ngỏ lời lúc khai mạc Hội nghị, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Các vũ khí hạch nhân không chỉ vô luân mà còn phải bị coi là một phương tiện chiến tranh bất hợp pháp”.

Một tháng sau Hội nghị đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến vấn đề đó một lần nữa trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về từ Bangladesh. Ngài nói, “Chúng ta đang ở những giới hạn cuối cùng về tính hợp pháp của việc sở hữu và sử dụng các vũ khí hạch nhân. Với một kho vũ khí hạch nhân tinh vi như vậy, chúng ta có nguy cơ hủy diệt loài người, hoặc ít nhất là một phần lớn loài người”.

Hiroshima và Nagasaki

Trong khi chờ đợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Đài tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima và Nagasaki, hình ảnh kích thích nhất cho thấy cam kết giải trừ vũ khí của ngài chắc chắn là hình ảnh đứa trẻ bế em trai đã chết của em trong vụ đánh bom hạch nhân. Bức ảnh này đánh động trái tim ngài đến nỗi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tái tạo và phân phối cho các nhà báo tháp tùng ngài đến Chile vào tháng 1 năm ngoái. Ngài nói với họ, “Một hình ảnh như thế này gây xúc động cho chúng ta hơn một ngàn lời nói”.

Hơn một ngàn lời nói, một hình ảnh như thế này tra vấn lương tâm chúng ta và đưa ra một cảnh báo khẩn cấp: không bao giờ nữa, nhân loại phải trải nghiệm sự tàn phá của một cuộc tấn công nguyên tử.

Không bao giờ nữa.