Lúc 10g sáng Chúa Nhật 20 tháng Mười, Đức Thánh Cha, các vị trong giáo triều Rôma và các nghị phụ đang tham dự Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon sẽ đồng tế thánh lễ Khánh Nhật Truyền Giáo tại đền thờ Thánh Phêrô. Đây là ngày Thế giới Truyền Giáo lần thứ 93 và cũng là trùng vào năm kỷ niệm 100 năm Tông Thư Maximum Illud của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV (30 tháng 11, 1919).
Trong sứ điệp cho ngày Thế giới Truyền Giáo năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô viết:
Được Rửa Tội và Sai Đi: Giáo Hội Chúa Kitô trong sứ mạng giữa thế giới
Anh chị em thân mến,
Hướng đến Tháng Mười 2019, tôi đã xin toàn thể Giáo Hội làm sống lại ý thức và dấn thân truyền giáo khi chúng ta kỷ niệm bách niên Tông Thư Maximum Illud của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV (30 tháng 11, 1919). Viễn kiến tiên tri của Tông Thư này về các hoạt động tông đồ đã giúp tôi một lần nữa nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới dấn thân truyền giáo của Giáo Hội và tạo ra động lực Tin Mừng mới cho công cuộc rao giảng và đem đến cho thế giới ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã phục sinh.
Tựa đề của Sứ Điệp này cũng là tựa đề của Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường diễn ra trong Tháng Mười: Được Rửa Tội và Sai Đi: Giáo Hội Chúa Kitô trong sứ mạng giữa thế giới. Cử hành tháng này sẽ giúp chúng ta trước hết tái khám phá chiều kích truyền giáo của đức tin chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô, một đức tin đã được Thiên Chúa thương ban cho chúng ta trong phép Rửa. Mối quan hệ con thảo của chúng ta với Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là một điều gì đó riêng tư, nhưng luôn luôn liên quan đến Giáo Hội. Qua sự hiệp thông của chúng ta với Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta cùng với cơ man các anh chị em của mình được sinh ra cho sự sống mới. Sự sống thần linh này không phải là sản phẩm để mua bán - chúng ta không thực hành việc chiêu dụ tín đồ - nhưng là một kho báu để trao tặng, truyền thông và công bố: đó là ý nghĩa của việc truyền giáo. Chúng ta được ban tặng món quà này cách nhưng không và chúng ta chia sẻ nó cách nhưng không với người khác (x. Mt 10:8), không loại trừ một ai. Thánh ý Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi bằng cách nhận biết chân lý và trải nghiệm lòng thương xót của Người qua sứ vụ của Giáo Hội, là mầu nhiệm phổ quát của ơn cứu độ (x. 1 Tm 2:4; Lumen Gentium – Ánh sáng Muôn dân, 48).
Giáo Hội Chúa Kitô trong sứ mạng giữa thế giới. Đức tin vào Đức Giêsu Kitô giúp chúng ta nhìn mọi sự trong viễn cảnh đúng của chúng, khi chúng ta nhìn thế giới bằng con mắt và trái tim của Thiên Chúa. Đức cậy mở lòng chúng ta ra hướng đến những chân trời vĩnh cửu của sự sống thần linh mà chúng ta được thông phần. Đức ái mà chúng ta được nếm trước trong các bí tích và tình yêu thương huynh đệ, thúc đẩy chúng ta đi đến mọi tận cùng của thế giới (x. Mk 5:4; Mt 28:19; Cv 1:8; Rm 10:18). Một Giáo Hội quyết tiến tới những vùng biên cương xa xôi nhất cần phải có một sự hoán cải truyền giáo thường hằng. Biết bao vị thánh, biết bao những người nam nữ có đức tin, làm chứng cho sự thật rằng sự cởi mở vô hạn này, sự tiến ra trong tình yêu thương xót này quả thật là khả thi và thực tế, vì nó được thúc đẩy bởi tình yêu và ý nghĩa sâu xa nhất của nó như là hồng ân, hy tế và tính nhưng không (x. 2 Cr 5:14-21)! Người rao giảng về Thiên Chúa phải là một người của Thiên Chúa (x. Maximum Illud).
Sứ mạng truyền giáo này chạm tới bản thân chúng ta: Tôi là một nhà truyền giáo, luôn luôn là phải như thế; anh chị em là một nhà truyền giáo, luôn luôn là như vậy; mỗi người nam người nữ đã chịu phép Rửa là một nhà truyền giáo. Ai đang yêu thì không bao giờ bất động; họ bị lôi cuốn; và đến lượt mình lại lôi cuốn người khác; họ hiến mình cho người khác và xây dựng những mối quan hệ trao ban sự sống. Trong mọi việc liên quan đến tình yêu của Thiên Chúa, không ai là vô ích hay vô nghĩa. Mỗi người chúng ta là một nhà truyền giáo cho thế giới này, vì mỗi người chúng ta là hoa trái của tình yêu của Thiên Chúa. Cho dù những người cha người mẹ có thể phản bội tình yêu của mình bằng những lời dối trá, thù hằn và bất trung, Thiên Chúa không bao giờ lấy lại món quà sự sống của Người. Từ thuở đời đời Người đã tiền định cho mọi con cái của Người đều được dự phần vào sự sống thần linh vĩnh cửu của Người (x. Ep 1:3-6).
Sự sống này được ban cho chúng ta trong phép Rửa, qua đó chúng ta nhận được hồng ân đức tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. phép Rửa tái sinh chúng ta theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, và làm chúng ta thành những chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, là Giáo Hội. Theo nghĩa này, phép Rửa thực sự cần thiết đối với ơn cứu rỗi vì nó bảo đảm rằng, mọi nơi mọi lúc, chúng ta là con cái trong nhà Cha, chứ không bao giờ là những cô nhi, những người xa lạ hay nô lệ. Nơi người tín hữu Kitô là một thực tại bí tích, được viên mãn trong Thánh Thể, và được tìm thấy trong ơn gọi và vận mệnh của mọi người nam nữ đang tìm kiếm ơn hoán cải và ơn cứu độ. Vì phép Rửa hoàn thành lời hứa về ân sủng của Thiên Chúa khiến mọi người trở nên con cái trong Chúa Con. Chúng ta là con cái của cha mẹ ruột chúng ta, nhưng trong phép Rửa chúng ta nhận được nguồn mạch của mọi tình phụ tử và mẫu tử đích thực: Không ai có thể gọi Thiên Chúa là Cha nếu không có mẹ là Giáo Hội của Người (x. Thánh Cyprianô, De Cath. Eccl., 6).
Sứ vụ của chúng ta, do đó, bắt nguồn từ tình phụ tử của Thiên Chúa và tình mẫu tử của Giáo Hội. Lệnh Chúa Giêsu Phục Sinh truyền cho các môn đệ vào ngày Phục Sinh gắn liền với phép Rửa: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em, là những người đã được tràn đầy Thánh Thần, để thế gian được giao hoà (x. Ga 20:19-23; Mt 28:16-20). Sứ vụ này là một phần trong căn tính Kitô hữu của chúng ta; nó khiến chúng ta phải có trách nhiệm giúp mọi người nhận thức ơn gọi làm nghĩa tử của Chúa Cha, nhận ra nhân phẩm của mình và quí trọng giá trị nội tại của mọi sự sống con người, từ lúc thụ thai tới cái chết tự nhiên. Chủ nghĩa thế tục đang tung hoành ngang dọc ngày nay, khi nó nhất quyết từ chối tình phụ tử chủ động của Thiên Chúa trong lịch sử chúng ta, thì nó là một cản trở cho tình huynh đệ đích thực của nhân loại, được thể hiện trong sự kính trọng sự sống của người khác. Không có Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, mọi sự khác biệt đều bị giản lược thành là một mối đe dọa hiểm nghèo, khiến người ta không thể nào chấp nhận lẫn nhau trong tình huynh đệ chân thành và trong tình hiệp nhất sinh hoa kết quả trong nhân loại.
Tính phổ quát của ơn cứu độ được Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô đã khiến Đức Thánh Cha Bênêđíctô XV đưa ra lời kêu gọi chấm dứt mọi hình thức của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa chủng tộc, hay sự kết hiệp giữa việc rao giảng Tin Mừng với các lợi kích kinh tế và quân sự của các cường quốc thực dân. Trong Tông Thư Maximum Illud, Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng sứ vụ phổ quát của Giáo Hội đòi hỏi phải gạt bỏ các ý tưởng độc quyền về tư cách thành viên trong chính đất nước và nhóm sắc tộc của ta. Sự cởi mở của nền văn hoá và cộng đồng trước tính mới mẻ cứu độ của Đức Giêsu Kitô đòi hỏi phải bỏ lại đàng sau mọi hình thức quy hướng vào bên trong về mặt sắc tộc và giáo hội. Hôm nay cũng vậy, Giáo Hội cần những người nam nữ, theo phép Rửa đã được lãnh nhận, quảng đại đáp lại tiếng gọi bỏ lại nhà cửa, gia đình, xứ sở, ngôn ngữ và giáo hội địa phương của họ, để được sai đến với các dân tộc khác, đến với một thế giới chưa được chuyển hoá bởi các bí tích của Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội Người. Bằng việc rao giảng Lời Chúa, làm chứng cho Tin Mừng và cử hành sự sống của Thần Khí, họ kêu gọi các dân tộc mà họ được gửi đến hoán cải, làm phép Rửa cho họ và trao ban ơn cứu độ của Đức Kitô, với sự tôn trọng tự do của mỗi người và trong sự đối thoại với các nền văn hoá và tôn giáo của họ. Nhờ đó, sứ vụ truyền giáo cho muôn dân, missio ad gentes, là điều thiết yếu đối với Giáo Hội trong mọi thời đại, có thể góp phần một cách căn bản cho tiến trình hoán cải thường xuyên nơi mọi Kitô hữu. Đức tin nơi biến cố Phục sinh của Đức Giêsu; sứ mạng truyền giáo được lãnh nhận trong phép Rửa; sự thoát ly khỏi các ràng buộc địa lý và văn hoá của bản thân và gia đình mình; nhu cầu giải thoát khỏi tội lỗi và giải phóng khỏi những sự dữ cá nhân và xã hội: tất cả những điều này đều đòi hỏi một sứ vụ truyền giáo vươn đến những tận cùng của bờ cõi trái đất.
Sự trùng hợp quan phòng của dịp kỷ niệm bách niên Tông Thư này với Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon cho phép tôi nhấn mạnh rằng sứ mạng mà Đức Giêsu uỷ thác cho chúng ta với ơn sủng từ Thần Khí Người cũng đúng lúc và cần thiết cho các vùng đất và các dân tộc ấy. Một lễ Hiện Xuống mới đang mở rộng cửa cho Giáo Hội, để không một nền văn hóa nào bị đóng kín trong chính nó và không một dân tộc nào bị cắt đứt khỏi sự hiệp thông phổ quát của đức tin. Không một ai phải bị đóng kín trong tình trạng tự hấp thu, tự qui chiếu vào sắc tộc và tôn giáo của mình. Biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô phá vỡ những giới hạn chật hẹp của các thế giới, các tôn giáo và các nền văn hoá, khi kêu gọi chúng vươn lên trong sự tôn trọng nhân phẩm của mọi người và hướng tới một sự hoán cải sâu xa để trở về với sự thật của Chúa Phục Sinh, Đấng ban sự sống đích thực cho mọi người.
Ở đây tôi muốn nhắc lại những lời của Đức Bênêđíctô XVI khi ngài khai mạc Hội Nghị các Giám Mục Châu Mỹ Latinh tại Aparecida, Brazil, năm 2007. Tôi muốn lặp lại và mượn lại những lời này: “Nhưng các quốc gia Mỹ Châu Latinh và vùng Caribê hiểu việc đón nhận đức tin Kitô có nghĩa là gì đối với họ? Đối với họ, nó có nghĩa là biết và đón tiếp Đức Kitô, vị Thiên Chúa vô danh mà các tổ tiên của họ hằng tìm kiếm mà không nhận ra trong các truyền thống tôn giáo phong phú của họ. Đức Kitô là Đấng Cứu Độ mà họ âm thầm khao khát. Nó cũng có nghĩa là họ đã lãnh nhận, trong nước rửa tội, sự sống thần linh làm cho họ trở thành những dưỡng tử của Thiên Chúa; hơn nữa, họ đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng đã đến để làm cho các nền văn hoá của họ sinh hoa kết quả, khi thanh luyện và phát triển nhiều hạt giống mà Lời Nhập Thể đã gieo trong các nền văn hoá ấy, qua đó dẫn họ đi trên những con đường của Tin Mừng. Lời Thiên Chúa, khi nhập thể nơi Đức Giêsu Kitô, cũng trở thành lịch sử và văn hoá. Cái hoang tưởng quay trở lại để thổi hơi sự sống vào các tôn giáo thời kỳ tiền-Kha Luân Bố, trong khi tách biệt con người với Đức Kitô và với Giáo Hội hoàn vũ, sẽ không thể là một bước tiến tới phía trước: nhưng thực ra, nó sẽ là một bước giật lùi. Trên thực tế, sẽ là một bước thụt lùi về một giai đoạn lịch sử bám chặt vào quá khứ” (Diễn từ khai mạc Hội Nghị, 13 tháng Năm, 2007: Insegnamenti III, 1 [2007], 855-856).
Chúng ta phó thác sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội cho Đức Maria Mẹ chúng ta. Trong tình hiệp nhất với Con của Mẹ từ lúc Nhập Thể, Đức Trinh Nữ Maria đã cất bước trên con đường hành hương của Mẹ. Mẹ dự phần hoàn toàn vào sứ vụ của Đức Giêsu, một sứ mạng đã trở thành sứ mạng của chính Mẹ khi đứng dưới chân Thánh Giá: đó là sứ mạng cộng tác, với tư cách là Mẹ Giáo Hội, trong việc mang những con cái mới của Thiên Chúa đến với sự tái sinh trong Thần Khí và đức tin.
Tôi muốn kết thúc sứ điệp này với vài lời vắn tắt về các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, đã từng được đề nghị trong Tông Thư Maximum Illud như là một nguồn tài nguyên truyền giáo. Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo phục vụ tính phổ quát của Giáo Hội như là một mạng lưới toàn cầu hỗ trợ Đức Giáo Hoàng trong dấn thân truyền giáo của ngài qua lời cầu nguyện, là linh hồn của việc truyền giáo, và qua những việc quyên góp bác ái từ các Kitô hữu trên khắp thế giới. Các khoản quyên góp của họ giúp Đức Giáo Hoàng trong các cố gắng loan báo Tin Mừng của các Giáo Hội địa phương (Hội Giáo Hoàng Truyền Bá Đức Tin), trong việc đào tạo hàng giáo sĩ địa phương (Hội Giáo Hoàng Thánh Phêrô Tông Đồ), trong việc gây ý thức truyền giáo giữa các trẻ em (Hội Giáo Hoàng Thiếu Nhi Truyền Giáo), và trong việc cổ vũ chiều kích truyền giáo của đức tin Kitô (Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo). Trong khi nhắc lại sự ủng hộ của tôi đối với các Hội này, tôi tin tưởng rằng Tháng Mười Truyền Giáo Ngoại Thường 2019 này sẽ góp phần canh tân việc phục vụ truyền giáo của các hội này cho sứ vụ của tôi.
Tôi thân ái ban phép lành cho mọi người nam nữ truyền giáo, và cho tất cả những ai, qua phép Rửa, đang bằng cách này hay cách khác tham gia vào việc truyền giáo của Giáo Hội.
Từ Vatican, 9 tháng 6, 2019
Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
+ Đức Thánh Cha Phanxicô
Source:Libreria Editrice VaticanaMESSAGE OF HIS HOLINESS FRANCIS FOR WORLD MISSION DAY 2019 Baptized and Sent: The Church of Christ on Mission in the World
Trong sứ điệp cho ngày Thế giới Truyền Giáo năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô viết:
Được Rửa Tội và Sai Đi: Giáo Hội Chúa Kitô trong sứ mạng giữa thế giới
Anh chị em thân mến,
Hướng đến Tháng Mười 2019, tôi đã xin toàn thể Giáo Hội làm sống lại ý thức và dấn thân truyền giáo khi chúng ta kỷ niệm bách niên Tông Thư Maximum Illud của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV (30 tháng 11, 1919). Viễn kiến tiên tri của Tông Thư này về các hoạt động tông đồ đã giúp tôi một lần nữa nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới dấn thân truyền giáo của Giáo Hội và tạo ra động lực Tin Mừng mới cho công cuộc rao giảng và đem đến cho thế giới ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã phục sinh.
Tựa đề của Sứ Điệp này cũng là tựa đề của Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường diễn ra trong Tháng Mười: Được Rửa Tội và Sai Đi: Giáo Hội Chúa Kitô trong sứ mạng giữa thế giới. Cử hành tháng này sẽ giúp chúng ta trước hết tái khám phá chiều kích truyền giáo của đức tin chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô, một đức tin đã được Thiên Chúa thương ban cho chúng ta trong phép Rửa. Mối quan hệ con thảo của chúng ta với Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là một điều gì đó riêng tư, nhưng luôn luôn liên quan đến Giáo Hội. Qua sự hiệp thông của chúng ta với Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta cùng với cơ man các anh chị em của mình được sinh ra cho sự sống mới. Sự sống thần linh này không phải là sản phẩm để mua bán - chúng ta không thực hành việc chiêu dụ tín đồ - nhưng là một kho báu để trao tặng, truyền thông và công bố: đó là ý nghĩa của việc truyền giáo. Chúng ta được ban tặng món quà này cách nhưng không và chúng ta chia sẻ nó cách nhưng không với người khác (x. Mt 10:8), không loại trừ một ai. Thánh ý Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi bằng cách nhận biết chân lý và trải nghiệm lòng thương xót của Người qua sứ vụ của Giáo Hội, là mầu nhiệm phổ quát của ơn cứu độ (x. 1 Tm 2:4; Lumen Gentium – Ánh sáng Muôn dân, 48).
Giáo Hội Chúa Kitô trong sứ mạng giữa thế giới. Đức tin vào Đức Giêsu Kitô giúp chúng ta nhìn mọi sự trong viễn cảnh đúng của chúng, khi chúng ta nhìn thế giới bằng con mắt và trái tim của Thiên Chúa. Đức cậy mở lòng chúng ta ra hướng đến những chân trời vĩnh cửu của sự sống thần linh mà chúng ta được thông phần. Đức ái mà chúng ta được nếm trước trong các bí tích và tình yêu thương huynh đệ, thúc đẩy chúng ta đi đến mọi tận cùng của thế giới (x. Mk 5:4; Mt 28:19; Cv 1:8; Rm 10:18). Một Giáo Hội quyết tiến tới những vùng biên cương xa xôi nhất cần phải có một sự hoán cải truyền giáo thường hằng. Biết bao vị thánh, biết bao những người nam nữ có đức tin, làm chứng cho sự thật rằng sự cởi mở vô hạn này, sự tiến ra trong tình yêu thương xót này quả thật là khả thi và thực tế, vì nó được thúc đẩy bởi tình yêu và ý nghĩa sâu xa nhất của nó như là hồng ân, hy tế và tính nhưng không (x. 2 Cr 5:14-21)! Người rao giảng về Thiên Chúa phải là một người của Thiên Chúa (x. Maximum Illud).
Sứ mạng truyền giáo này chạm tới bản thân chúng ta: Tôi là một nhà truyền giáo, luôn luôn là phải như thế; anh chị em là một nhà truyền giáo, luôn luôn là như vậy; mỗi người nam người nữ đã chịu phép Rửa là một nhà truyền giáo. Ai đang yêu thì không bao giờ bất động; họ bị lôi cuốn; và đến lượt mình lại lôi cuốn người khác; họ hiến mình cho người khác và xây dựng những mối quan hệ trao ban sự sống. Trong mọi việc liên quan đến tình yêu của Thiên Chúa, không ai là vô ích hay vô nghĩa. Mỗi người chúng ta là một nhà truyền giáo cho thế giới này, vì mỗi người chúng ta là hoa trái của tình yêu của Thiên Chúa. Cho dù những người cha người mẹ có thể phản bội tình yêu của mình bằng những lời dối trá, thù hằn và bất trung, Thiên Chúa không bao giờ lấy lại món quà sự sống của Người. Từ thuở đời đời Người đã tiền định cho mọi con cái của Người đều được dự phần vào sự sống thần linh vĩnh cửu của Người (x. Ep 1:3-6).
Sự sống này được ban cho chúng ta trong phép Rửa, qua đó chúng ta nhận được hồng ân đức tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. phép Rửa tái sinh chúng ta theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, và làm chúng ta thành những chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, là Giáo Hội. Theo nghĩa này, phép Rửa thực sự cần thiết đối với ơn cứu rỗi vì nó bảo đảm rằng, mọi nơi mọi lúc, chúng ta là con cái trong nhà Cha, chứ không bao giờ là những cô nhi, những người xa lạ hay nô lệ. Nơi người tín hữu Kitô là một thực tại bí tích, được viên mãn trong Thánh Thể, và được tìm thấy trong ơn gọi và vận mệnh của mọi người nam nữ đang tìm kiếm ơn hoán cải và ơn cứu độ. Vì phép Rửa hoàn thành lời hứa về ân sủng của Thiên Chúa khiến mọi người trở nên con cái trong Chúa Con. Chúng ta là con cái của cha mẹ ruột chúng ta, nhưng trong phép Rửa chúng ta nhận được nguồn mạch của mọi tình phụ tử và mẫu tử đích thực: Không ai có thể gọi Thiên Chúa là Cha nếu không có mẹ là Giáo Hội của Người (x. Thánh Cyprianô, De Cath. Eccl., 6).
Sứ vụ của chúng ta, do đó, bắt nguồn từ tình phụ tử của Thiên Chúa và tình mẫu tử của Giáo Hội. Lệnh Chúa Giêsu Phục Sinh truyền cho các môn đệ vào ngày Phục Sinh gắn liền với phép Rửa: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em, là những người đã được tràn đầy Thánh Thần, để thế gian được giao hoà (x. Ga 20:19-23; Mt 28:16-20). Sứ vụ này là một phần trong căn tính Kitô hữu của chúng ta; nó khiến chúng ta phải có trách nhiệm giúp mọi người nhận thức ơn gọi làm nghĩa tử của Chúa Cha, nhận ra nhân phẩm của mình và quí trọng giá trị nội tại của mọi sự sống con người, từ lúc thụ thai tới cái chết tự nhiên. Chủ nghĩa thế tục đang tung hoành ngang dọc ngày nay, khi nó nhất quyết từ chối tình phụ tử chủ động của Thiên Chúa trong lịch sử chúng ta, thì nó là một cản trở cho tình huynh đệ đích thực của nhân loại, được thể hiện trong sự kính trọng sự sống của người khác. Không có Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, mọi sự khác biệt đều bị giản lược thành là một mối đe dọa hiểm nghèo, khiến người ta không thể nào chấp nhận lẫn nhau trong tình huynh đệ chân thành và trong tình hiệp nhất sinh hoa kết quả trong nhân loại.
Tính phổ quát của ơn cứu độ được Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô đã khiến Đức Thánh Cha Bênêđíctô XV đưa ra lời kêu gọi chấm dứt mọi hình thức của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa chủng tộc, hay sự kết hiệp giữa việc rao giảng Tin Mừng với các lợi kích kinh tế và quân sự của các cường quốc thực dân. Trong Tông Thư Maximum Illud, Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng sứ vụ phổ quát của Giáo Hội đòi hỏi phải gạt bỏ các ý tưởng độc quyền về tư cách thành viên trong chính đất nước và nhóm sắc tộc của ta. Sự cởi mở của nền văn hoá và cộng đồng trước tính mới mẻ cứu độ của Đức Giêsu Kitô đòi hỏi phải bỏ lại đàng sau mọi hình thức quy hướng vào bên trong về mặt sắc tộc và giáo hội. Hôm nay cũng vậy, Giáo Hội cần những người nam nữ, theo phép Rửa đã được lãnh nhận, quảng đại đáp lại tiếng gọi bỏ lại nhà cửa, gia đình, xứ sở, ngôn ngữ và giáo hội địa phương của họ, để được sai đến với các dân tộc khác, đến với một thế giới chưa được chuyển hoá bởi các bí tích của Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội Người. Bằng việc rao giảng Lời Chúa, làm chứng cho Tin Mừng và cử hành sự sống của Thần Khí, họ kêu gọi các dân tộc mà họ được gửi đến hoán cải, làm phép Rửa cho họ và trao ban ơn cứu độ của Đức Kitô, với sự tôn trọng tự do của mỗi người và trong sự đối thoại với các nền văn hoá và tôn giáo của họ. Nhờ đó, sứ vụ truyền giáo cho muôn dân, missio ad gentes, là điều thiết yếu đối với Giáo Hội trong mọi thời đại, có thể góp phần một cách căn bản cho tiến trình hoán cải thường xuyên nơi mọi Kitô hữu. Đức tin nơi biến cố Phục sinh của Đức Giêsu; sứ mạng truyền giáo được lãnh nhận trong phép Rửa; sự thoát ly khỏi các ràng buộc địa lý và văn hoá của bản thân và gia đình mình; nhu cầu giải thoát khỏi tội lỗi và giải phóng khỏi những sự dữ cá nhân và xã hội: tất cả những điều này đều đòi hỏi một sứ vụ truyền giáo vươn đến những tận cùng của bờ cõi trái đất.
Sự trùng hợp quan phòng của dịp kỷ niệm bách niên Tông Thư này với Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon cho phép tôi nhấn mạnh rằng sứ mạng mà Đức Giêsu uỷ thác cho chúng ta với ơn sủng từ Thần Khí Người cũng đúng lúc và cần thiết cho các vùng đất và các dân tộc ấy. Một lễ Hiện Xuống mới đang mở rộng cửa cho Giáo Hội, để không một nền văn hóa nào bị đóng kín trong chính nó và không một dân tộc nào bị cắt đứt khỏi sự hiệp thông phổ quát của đức tin. Không một ai phải bị đóng kín trong tình trạng tự hấp thu, tự qui chiếu vào sắc tộc và tôn giáo của mình. Biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô phá vỡ những giới hạn chật hẹp của các thế giới, các tôn giáo và các nền văn hoá, khi kêu gọi chúng vươn lên trong sự tôn trọng nhân phẩm của mọi người và hướng tới một sự hoán cải sâu xa để trở về với sự thật của Chúa Phục Sinh, Đấng ban sự sống đích thực cho mọi người.
Ở đây tôi muốn nhắc lại những lời của Đức Bênêđíctô XVI khi ngài khai mạc Hội Nghị các Giám Mục Châu Mỹ Latinh tại Aparecida, Brazil, năm 2007. Tôi muốn lặp lại và mượn lại những lời này: “Nhưng các quốc gia Mỹ Châu Latinh và vùng Caribê hiểu việc đón nhận đức tin Kitô có nghĩa là gì đối với họ? Đối với họ, nó có nghĩa là biết và đón tiếp Đức Kitô, vị Thiên Chúa vô danh mà các tổ tiên của họ hằng tìm kiếm mà không nhận ra trong các truyền thống tôn giáo phong phú của họ. Đức Kitô là Đấng Cứu Độ mà họ âm thầm khao khát. Nó cũng có nghĩa là họ đã lãnh nhận, trong nước rửa tội, sự sống thần linh làm cho họ trở thành những dưỡng tử của Thiên Chúa; hơn nữa, họ đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng đã đến để làm cho các nền văn hoá của họ sinh hoa kết quả, khi thanh luyện và phát triển nhiều hạt giống mà Lời Nhập Thể đã gieo trong các nền văn hoá ấy, qua đó dẫn họ đi trên những con đường của Tin Mừng. Lời Thiên Chúa, khi nhập thể nơi Đức Giêsu Kitô, cũng trở thành lịch sử và văn hoá. Cái hoang tưởng quay trở lại để thổi hơi sự sống vào các tôn giáo thời kỳ tiền-Kha Luân Bố, trong khi tách biệt con người với Đức Kitô và với Giáo Hội hoàn vũ, sẽ không thể là một bước tiến tới phía trước: nhưng thực ra, nó sẽ là một bước giật lùi. Trên thực tế, sẽ là một bước thụt lùi về một giai đoạn lịch sử bám chặt vào quá khứ” (Diễn từ khai mạc Hội Nghị, 13 tháng Năm, 2007: Insegnamenti III, 1 [2007], 855-856).
Chúng ta phó thác sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội cho Đức Maria Mẹ chúng ta. Trong tình hiệp nhất với Con của Mẹ từ lúc Nhập Thể, Đức Trinh Nữ Maria đã cất bước trên con đường hành hương của Mẹ. Mẹ dự phần hoàn toàn vào sứ vụ của Đức Giêsu, một sứ mạng đã trở thành sứ mạng của chính Mẹ khi đứng dưới chân Thánh Giá: đó là sứ mạng cộng tác, với tư cách là Mẹ Giáo Hội, trong việc mang những con cái mới của Thiên Chúa đến với sự tái sinh trong Thần Khí và đức tin.
Tôi muốn kết thúc sứ điệp này với vài lời vắn tắt về các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, đã từng được đề nghị trong Tông Thư Maximum Illud như là một nguồn tài nguyên truyền giáo. Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo phục vụ tính phổ quát của Giáo Hội như là một mạng lưới toàn cầu hỗ trợ Đức Giáo Hoàng trong dấn thân truyền giáo của ngài qua lời cầu nguyện, là linh hồn của việc truyền giáo, và qua những việc quyên góp bác ái từ các Kitô hữu trên khắp thế giới. Các khoản quyên góp của họ giúp Đức Giáo Hoàng trong các cố gắng loan báo Tin Mừng của các Giáo Hội địa phương (Hội Giáo Hoàng Truyền Bá Đức Tin), trong việc đào tạo hàng giáo sĩ địa phương (Hội Giáo Hoàng Thánh Phêrô Tông Đồ), trong việc gây ý thức truyền giáo giữa các trẻ em (Hội Giáo Hoàng Thiếu Nhi Truyền Giáo), và trong việc cổ vũ chiều kích truyền giáo của đức tin Kitô (Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo). Trong khi nhắc lại sự ủng hộ của tôi đối với các Hội này, tôi tin tưởng rằng Tháng Mười Truyền Giáo Ngoại Thường 2019 này sẽ góp phần canh tân việc phục vụ truyền giáo của các hội này cho sứ vụ của tôi.
Tôi thân ái ban phép lành cho mọi người nam nữ truyền giáo, và cho tất cả những ai, qua phép Rửa, đang bằng cách này hay cách khác tham gia vào việc truyền giáo của Giáo Hội.
Từ Vatican, 9 tháng 6, 2019
Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
+ Đức Thánh Cha Phanxicô
Source:Libreria Editrice Vaticana