Suy nghĩ về cái chết của Terri Schiavo
Đêm nay, trong tâm tình thương mến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ II, cùng với Giáo Hội hoàn vũ cầu nguyện cho Vị Chủ Chăn nhân từ, suốt một đời là chứng nhân rao giảng Tin Mừng cho nhân loại không mệt mỏi, để Ngài được bình an và chiến thắng tử thần, ta cùng suy nghĩ về cái chết của một con người.
Còn nhớ mới cách đây hơn một tuần, khi các Bác sĩ rút ống sonde nuôi dưỡng bà Schiavo, Ngài đã đấu tranh để bà được sống cho đến khi nào Thiên Chúa cất đi sự sống của con người ấy. Mọi nỗ lực của Toà Thánh, một số nhà lập pháp, chính trị gia và những người phò sự sống đã không làm thay đổi phán quyết của Toà Án cũng như luật lệ tiểu bang. Điều gì đến đã đến? Cái chết của Terri Schiavo gây xúc động không riêng gì dân chúng Hoa Kỳ mà còn lan sang các châu lục khác. Vậy tại sao giữa dòng thời s, hàng ngàn người đã chết vì động đất, sau cái chết của hàng trăm ngàn vì sóng thần ở Nam Dương, cái chết của một con người lại lôi cuốn sự chú ý của nhiều người như vậy?
Có lẽ đây không phải là lúc tranh cãi giữa các Bác sĩ về vấn đề bà Schiavo đã có chết não thực sự hay chưa, vì theo lý thuyết thì một người khi đã chết não thì khó có cơ may phục hồi cứu sống, tức là chỉ có đời sống thực vật, hệ tuần hoàn, hô hấp, bài tiết vẫn hoạt đông.
Qua thực tế lâm sàng, bà Schiavo vẫn còn những lúc tỉnh và biểu lộ cảm xúc, hệ tuần hoàn, hô hấp và bài tiết hoạt đông tốt sau hàng chục năm được nuôi dưỡng và chăm sóc y tế tốt. Thưc ra các biện pháp trợ sinh cũng không đòi hỏi cao cấp lắm: sonde nuôi dưỡng (đảm bảo số lượng calory mỗi ngày), dịch truyền (điều chỉnh kiềm toan, nội môi…) các Bác sĩ điều trị hy vọng cơ may phục hồi là có cơ sở. Vấn đề còn lại là thời gian.
Những áp lực từ phía người chồng cũng như một số người cho rằng việc cắt đứt các biện pháp trợ sinh, chấm dứt sự đau đớn kéo dài đối với bà là một việc làm có tính đạo đức hay còn gọi là an tử (trợ tử) nhân danh vì lòng thương xót hoặc cho rằng đây là trường hợp bám riết điều trị của các Bác sĩ.
Những người phò sự sống cho răng đây là trường hợp bỏ sót không điều trị, vì bà Schiavo coi như bị bỏ đói khát cho đến khi chết.
Cái chết của bà Schiavo cho thấy một xu hướng muốn hợp thức hoá việc làm chết êm dịu (cho dù có chúc thư khi sống hay không) ở một số quốc gia, điều mà Giáo Hội Công Giáo luôn luôn lên án, Đức Thánh Cha gọi đó là nền văn hoá của sự chết.
Bộ phim mới đoạt giải Oscar cũng phản ánh phần nào xu hướng đó: khi Maggie bi bại liệt sau một trận đấu quyền anh, yêu cầu thầy của mình là Frankie kết thúc sự sống của mình, Frankie đã rút ống thở và tiêm một liều thuốc để Maggie chết nhân danh vì lòng thương xót, không muốn cô học trò của mình kéo dài sự đau đớn .
Nhìn đến thực trạng ngành y tế trong nước, tôi không khỏi chua xót khi nhìn thấy có rất nhiều “bà Shiavo “đang bị các Bác sĩ cho chết đi. Sự quá tải ở các bệnh viện lớn ở các thành phố lớn khiến các Bác sĩ cho bệnh nhân về vì hết phương điều trị trở nên dễ dàng và cẩu thả hơn. Nhất là những trương hợp nghèo, không đủ tiền hoặc không có trợ cấp hay bảo hiểm và với phương tiện chẩn đoán chưa đủ để kết luận là có “thực sự chết não“ hay vô phương cứu chữa hay không thì việc cho bênh nhân xuất viện sớm là chuyện thường ngày. Đó có phải là một hình thức trợ tử do bỏ sót điều trị hay không?
Với niềm tin Kitô hữu, cái chết đến từng ngày giờ đối với thân phận mỗi con ngưòi, qua cái chết, chính Chúa Kitô đã dậy chúng ta cách chiến thắng. Các Bác sĩ Công Giáo là những người được vinh dự mang hình ảnh Chúa đến cho tên trộm lành, và có khả năng chuyển bại thành thắng trong gang tấc trong giờ phút cuối cùng. Bằng tấm lòng nhân ái của người thầy thuốc, đôi tay chăm sóc như mẹ hiền, bằng sự khôn ngoan sáng suốt để nhận định ranh giới của sự hồi phục các tế bào, các Bác sĩ có thể không chỉ cứu phần xác, mà còn giúp đưa các linh hồn về nhà Cha trên trời để được hưởng một sự phục sinh viên mãn.
Trong tâm tình đó,vào thời khắc mà Ngài đang ở ranh giới của Sự Sông và Sư Chết, chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Thánh Cha để Ngài được Phục Sinh trong Chúa Kitô.