Ấn tòa giải tội vốn là cái gai đối với phong trào thế tục hóa. Lịch sử Giáo Hội cho thấy nhiều vị giải tội bị bách hại chỉ vì cái gai này. Nhưng cũng như việc quá khóa đối với các tử đạo người Việt thuở nào, các ngài vẫn một lòng trung tín đối với tín lý bất khả xâm phạm của ấn tín này.
Cái gai ấy càng sắc hơn bao giờ hết với việc bùng nổ nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục. Phong trào thế tục hóa hung hãn hẳn lên đòi phải huỷ bỏ cái thứ thực hành bị họ coi không những lỗi thời mà còn nguy hại đến việc bài trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục, như thể việc lạm dụng tình dục trẻ em chỉ là chuyện của các linh mục Công Giáo và trực tiếp do ấn tín tòa giải tội gây ra.
Dù sao, phong trào hung hãn trên cũng làm bối rối một số hàng giáo phẩm. Có những nơi không dám đánh lại, đành đánh bài trì hoãn bằng cách hứa sẽ tham khảo Tòa Thánh.
Dĩ nhiên, Tòa Thánh phải lên tiếng và đầu tháng Bẩy này, Tông Tòa Xá Giải (Apostolic Penitentiary) đã ra một Chú Dẫn (Note) tựa tiếng Ý là Nota della Penitenzieria Apostolica sull’importanza del foro interno e l’inviolabilità del sigillo sacramentale (Chú Dẫn của Tông Tòa Xá Giải về Tầm Quan Trọng của Tòa Trong và Tính Bất Khả Xâm Phạm của Ấn Tín Bí Tích), tái xác nhận tính bất khả xâm phạm tuyệt đối của ấn tín toà giải tội, không có luật trừ.
Ấn tích bí tích, tuyệt đối bất khả xâm phạm
Trong buổi công bố Chú Dẫn trên, ngày 1 tháng 7 năm 2019, tại Vatican, Đức Hồng Y Mauro Piacenza, cầm đầu Tông Tòa, thuật lại chính chỉ thị của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong diễn văn với các tham dự viên Khóa Tòa Trong do Tông Tòa Xá Giải tổ chức ngày 29 tháng Ba năm 2019. Dịp này Đức Phanxicô liên tiếp nhấn mạnh hai chủ đề hết sức quan trọng đối với thần học, giáo luật và thực hành của Giáo Hội, rất xa lạ với công luận hiện thời: tính thánh thiêng của tòa trong và tính bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích.
Ở đầu bài diễn văn, Đức Giáo Hoàng, trước hết, nhắc nhở bản chất thánh thiêng của tòa trong, lãnh vực thân mật của mối tương quan giữa Thiên Chúa và tín hữu, một điều không luôn được hiểu biết và bảo vệ thích đáng, cả trong chính cộng đồng Giáo Hội. Ngài nói:
“Và tôi xin nói thêm, bên ngoài bản văn, một lời về hạn từ ‘tòa trong’. Đây không phải là kiểu nói tầm phào: nó được phát biểu một cách nghiêm túc: tòa trong là tòa trong,và nó không thể tiết lộ ra “bên ngoài”. Và sở dĩ tôi nói điều này vì tôi đã để ý một số nhóm trong Giáo Hội, các đại biểu, các bề trên, ta hãy nói như thế này, trộn lẫn hai điều và căn cứ vào tòa trong mà đưa ra các quyết định ở toà ngoài. Xin vui lòng, đấy là một tội! Đấy là một tội chống lại phẩm giá của người tin tưởng vị linh mục, và giãi bầy tình huống của họ để xin ơn tha thứ, thế mà sau đó, điều này được sử dụng để tổ chức các vấn đề cho nhóm hay có lẽ cho phong trào... Tôi không biết, tôi chỉ đoán thế, thậm chí có lẽ cho cả một hội dòng mới. Tôi không biết. Nhưng tòa trong là tòa trong. Và nó là điều thánh thiêng. Tôi muốn nói điều này vì tôi lo lắng đối với nó”.
Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc lại tính bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích, một bảo thảm không thể miễn chấp của bí tích hòa giải:
“Hòa giải chính là một ơn phúc mà sự khôn ngoan của Giáo Hội luôn bảo vệ bằng mọi khả năng tinh thần và luật pháp của mình, với ấn tín bí tích. Dù không luôn được não trạng hiện đại hiểu rõ, nó là điều không thể miễn chước đối với tính thánh thiêng của bí tích và đối với tự do lương tâm của hối nhân là người bất cứ lúc nào cũng phải nắm chắc rằng cuộc đàm luận bí tích sẽ mãi được giữ bí mật của tòa giải tội, giữa lương tâm mở ra của họ để đón nhận ơn thánh, và Thiên Chúa, qua sự trung gian cần thiết của vị linh mục. Ấn tín bí tích là điều không thể miễn chước và không quyền lực nhân bản nào có quyền tài phán đối với nó, cũng như không thể đưa ra bất cứ đòi hỏi nào đối với nó”.
Theo Đức Hồng Y, Tông Tòa Xá Giải, vì trong suốt 8 thế kỷ nay vốn là Tòa chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan đến tòa trong, nên biết rất rõ giá trị khôn dò của tính bí mật bí tích, tính kín đáo, và tính bất khả xâm phạm của lương tâm. Khi viết Chú Dẫn này, Tòa muốn tự đặt mình vào thế phục vụ Đức Thánh Cha, Giáo Hội và mọi người thiện chí, tái khẳng định tầm quan trọng của chúng và cổ vũ việc hiểu rõ hơn các ý niệm này, các ý niệm mà hiện nay xem ra bị hiểu lầm cách rộng rãi, thậm chí còn bị chống đối nữa.
Tài liệu này bắt đầu với việc nhận xét rằng trong xã hội ngày nay, một xã hội có tính cậy nhờ trung gian cao độ, việc phát triển kỹ thuật và việc thực thi các phương tiện truyền thông, nói chung, không tương ứng với cam kết tương tự để tìm sự thật, nhưng đúng hơn, chỉ tương ứng với ý muốn bệnh hoạn là phổ biến tin tức, bất kể đúng sai, được khuếch đại hay giảm thiểu tùy theo sở thích. Ngày nay, mọi sự đều được phơi bày, mọi điều phải được biết đến. “Thực vậy, bằng cách nại đến phán đoán của công luận như tòa án cuối cùng, việc thông tin đủ loại, kể cả thuộc các phạm vi tư riêng nhất và kín đáo nhất, một thông tin nhất định (...) sẽ xúi giục, hoặc ít nhất ủng hộ các phán đoán khinh suất, thứ thông tin này quả đã gây hại một cách bất hợp pháp và không tài nào sửa chữa được danh thơm tiếng tốt của người khác”. Thái độ phổ quát hóa này cũng đã được phản ảnh lên Giáo Hội đến nỗi có người mong trật tự luật lệ của Giáo Hội phải phù hợp theo trật tự nhà nước nơi họ sinh sống nhân danh điều được coi là chính xác và minh bạch.
Trong bối cảnh ấy, Tông Tòa Xá Giải thấy khẩn cấp phải nhắc nhớ, trước nhất, tính bất khả xâm phạm tuyệt đối của ấn tín bí tích, dựa trên thiên luật và không chấp nhận bất cứ ngoại lệ nào. Linh mục giải tội, hành động in persona Christi capitis (trong con người làm đầu là Chúa Kitô), biết tội lỗi của hối nhân “không phải trong tư cách con người, mà trong tư cách Thiên Chúa”, theo kiểu nói thời danh của Thánh Tôma Aquinô ('non ut homo sed ut Deus'). Vì lý do này, linh mục được kêu gọi bảo vệ tính bí mật của nội dung của việc Xưng Tội không những qua việc “trung thành” với hối nhân, mà, hơn nữa, vì tôn trọng tính thánh thiêng của bí tích.
Theo nghĩa này, điều chủ yếu là phải nhấn mạnh đến tính khôn sánh của ấn tín giải tội so với bí mật nghề nghiệp của một số nhóm chuyên nghiệp (bác sĩ, dược sĩ, luật sư, v.v.) để ngăn chặn luật pháp thế tục áp dụng vào ấn tín này, vốn có tính bất khả xâm phạm, các ngoại lệ được áp dụng một cách hợp pháp vào việc giữ bí mật nghề nghiệp.
Việc giữ bí mật giải tội không phải là một nghĩa vụ được áp đặt từ bên ngoài, mà đúng ra là một yêu cầu nội tại của bí tích và, như thế, không thể bị hủy tiêu dù là bởi hối nhân. Hối nhân không nói với vị giải tội như một con người, nhưng nói với Thiên Chúa, do đó, yêu sách một điều chính đáng chỉ thuộc về Thiên Chúa quả là một phạm thánh. Nó liên quan đến việc bảo vệ chính bí tích, được Chúa Kitô thiết lập làm bến bờ an toàn cho việc cứu rỗi những con người tội lỗi. Nếu niềm tin vào ấn tín bị phản bội, tín hữu sẽ không được khuyến khích tiếp cận bí tích Hòa giải, điều này rõ ràng sẽ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho các linh hồn. Mặt khác, chính mối quan tâm đối với salus animarum (phần rỗi các linh hồn) này đã khiến Giáo hội phải thiết lập ra các hình phạt nghiêm khắc nhất đối với những người vi phạm ấn tín (xem điều 1388 Bộ Giáo Luật 728, § 1, số 1 và điều 1456 Bộ Giáo Luật các Giáo Hội Đông Phương). Thứ hai, Chú Dẫn này xem xét phạm vi pháp lý-luân lý của những hành vi của tòa trong diễn ra ở bên ngoài bí tích Giải tội. Ví dụ cổ điển là việc linh hướng. Cả trong những trường hợp này, giáo luật bảo đảm một sự kín đáo đặc biệt cho cuộc trò chuyện linh hướng, liên quan đến phạm vi riêng tư và thân mật nhất của tín hữu để lắng nghe và biện phân thánh ý Thiên Chúa. Vì vậy, chẳng hạn, vào dịp được nhận chịu chức thánh, không những cấm không được hỏi ý kiến vị giải tội mà cả ý kiến của vị linh hướng của ứng viên, để tránh bất cứ sự lạm quyền khả hữu nào.
Sau cùng, điểm cuối cùng của Chú Dẫn liên quan đến các “loại” khác của bí mật nằm ngoài phạm vi của tòa trong. Theo nghĩa này, nguyên tắc của quyền tự nhiên được giữ bí mật đã được tái khẳng định, “trừ các trường hợp ngoại lệ trong đó việc giữ bí mật chắc chắn sẽ gây tổn hại rất nghiêm trọng cho người đã thổ lộ nó, với người đã tiếp nhận nó hoặc với người thứ ba và trong đó, việc tổn hại rất nghiêm trọng chỉ có thể tránh được bằng cách tiết lộ sự thật (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 2491). Nói chung hơn, khi truyền đạt hoặc che giấu sự thật, Chú Dẫn đề xuất như một tiêu chuẩn chung “cuộc sống của một người phải phù hợp với luật yêu thương anh em, để ý tới điều tốt và an ninh, tôn trọng cuộc sống riêng tư và lợi ích chung”. Cần lưu ý rằng bản văn của Chú Dẫn không thể và không hề tìm cách trở thành một biện minh hay một hình thức khoan dung đối với các trường hợp bỉ ổi lạm dụng do các thành viên của hàng giáo sĩ vi phạm. Không có sự thỏa hiệp nào được chấp nhận khi đụng đến vấn đề cổ vũ việc bảo vệ các vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, và ngăn chặn và chống lại mọi hình thức lạm dụng, theo tinh thần của điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không ngừng nhắc lại và gần đây đã quy định bằng Tự Sắc Vos estis lux mundi (Các con là ánh sáng thế gian, ngày 7 tháng 5 năm 2019).
Bằng cách công bố một Chú Dẫn về tầm quan trọng của tòa trong và tính bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích, Tòa Xá Giải có niềm xác tín tuyệt đối rằng “việc bảo vệ ấn tín bí tích và tính thánh thiêng của việc xưng tội không bao giờ có thể cấu thành một hình thức đồng lõa với tội ác; ngược lại, nó đại diện cho thuốc giải độc thực sự duy nhất chống lại tội ác đang đe dọa con người và toàn thế giới, chúng là khả thể thực sự để phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa, để mình được biến đổi và được biến đổi bởi tình yêu này, học hỏi để tương ứng với nó một cách cụ thể bằng chính mạng sống của mình.
Nội dung
Tòa Thánh mới chỉ công bố Chú Dẫn bằng tiếng Ý, chưa có bản tiếng Anh để chúng tôi có thể trưng dẫn. Tuy nhiên theo Catholic News Service, thì vì “thiên kiến tiêu cực đáng lo ngại” chống lại Giáo Hội Công Giáo, Đức Giáo Hoàng đã truyền phải công bố bản Chú Dẫn, để kêu gọi các linh mục bảo vệ ấn tín bí tích dù phải hy sinh mạng sống.
Lời kêu gọi ấy không quá đáng khi ở California và Úc đã có những đạo luật buộc các linh mục vi phạm ấn tín này.
Theo Catholic News Service, Chú Dẫn viết rằng “việc vị giải tội bảo vệ ấn tín bí tích, nếu cần, thậm chí tới chỗ phải đổ máu, không phải chỉ là một hành vi bắt buộc phải trung thành với hối nhân nhưng còn hơn thế nữa: đây là một chứng tá cần thiết, một việc tử đạo, đối với quyền cứu rỗi độc đáo và phổ quát của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người”.
Bản văn đặt vấn đề giữ ấn tín bí tích vào bối cảnh rộng lớn hơn của sự “thoái hóa (involution) văn hóa và luân lý” khiến người ta hết khả năng “nhận ra và tôn trọng” các yếu tố có tính yếu tính của nhân sinh và đời sống trong Giáo Hội.
Bản văn cũng nói rằng, quá nhiều khi, “phán đoán của công luận” được nại ra làm tòa án cao cấp nhất và người ta cảm thấy tự do được công bố hay phát tuyến bất cứ điều gì, lấy cớ là để công chúng làm thẩm phán mà không quan tâm chi tới lương tâm, danh tiếng hay quyền của người ta được tự bênh vực mình.
Bản Chú Dẫn viết: “Trong bối cảnh ấy, dường như có sự xác nhận thiên kiến tiêu cực đáng lo ngại nào đó chống lại Giáo Hội Công Giáo” cả vì “các căng thẳng có thể thấy bên trong hàng giáo phẩm lẫn do hậu quả các tai tiếng gần đây về lạm dụng do một số thành viên hàng giáo sĩ vi phạm một cách ghê tởm”.
Nó cho rằng thiên kiến trên “đôi khi diễn dịch thành ‘đòi hỏi’ vô lý buộc Giáo Hội, trong một số vấn đề, phải bắt hệ thống pháp luật của riêng mình phù hợp với dân luật của nhà nước trong đó Giáo Hội sinh hoạt như là cách duy nhất ‘để bảo đảm sự trung thực và liêm chính’”.
Giáo Hội Công Giáo, thực sự, “lúc nào cũng bảo vệ an toàn ấn tích bí tích với hết sức mạnh tinh thần và pháp chế của mình. Nó thiết yếu đối với tính thánh thiêng của bí tích và tự do lương tâm của hối nhân”.
Khi cử hành bí tích hoà giải, linh mục hành động không phải như chính ngài mà “trong con người của Chúa Kitô”, nên không những không được tự do phổ biến bất cứ điều gì trong tòa giải tội cho bất cứ ai, kể cả hối nhân bên ngoài toà giải tội, mà còn “buộc phải dẹp bỏ bất cứ hoài niệm bất chợt nào về nó”.
Nói đến việc hối nhân xưng với linh mục một tội ác (crime), bản văn Chú Dẫn cho hay vị giải tội nên nói cho hối nhân biết các quyền của họ và các bước thực tế họ có thể làm với cả các thẩm quyền dân sự lẫn Giáo Hội trong việc báo cáo tội ác này. Đối với những trường hợp xưng một tội ác như thế này, bản văn nói rằng “không bao giờ được đặt lên hối nhân, như một điều kiện để được tha tội, nghĩa vụ phải tường trình với nền công lý dân sự”.
Bản Chú Dẫn nói rất rõ: “bất cứ hành động chính trị nào của sáng kiến lập pháp nhằm vi phạm tính bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích đều là một cuộc tấn công không thể nào chấp nhận được chống lại quyền tự do của Giáo Hội, một thực thể không tiếp nhận tính hợp pháp của nó từ các nhà nước cá thể, mà từ Thiên Chúa”.
Phát xuất từ xếp lớn
Nhận định về bản Chú Dẫn, John Allen cho hay thông thường khi nói đến một thứ đe dọa từ bên ngoài như áp lực đòi hủy bỏ ấn tín bí tích, Vatican nhắm hai cử tọa. Cử tọa đầu tiên dĩ nhiên là các tác giả của đe dọa kia; cử tọa thứ hai không ai khác mà là chính các Giám Mục Công Giáo và các nhà lãnh đạo khác, cho họ thấy xếp lớn mong họ giữ vững lập trường.
Allen giải thích rằng năm 2014, khi Đức Phanxicô chấm dứt tư cách bộ trưởng Bộ Giáo Sĩ của Đức Hồng Y Mauro Piacenza, ai cũng nghĩ ngài tách mình ra khỏi đường hướng của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI. Vì Đức Hồng Y Piacenza vốn được đào tạo nơi lò duy truyền thống của Đức Hồng Y Giuseppe Siri, người từng thời danh được gọi là “vị giáo hoàng không bao giờ được bầu” vì duy truyền thống so với Đức Gioan XXIII năm 1958.
Lui vào bóng tối một thời gian, nay tái xuất mạnh mẽ với một Chú Dẫn rất thẳng rất thực để bảo vệ ấn tín bí tích giữa lúc có những cuộc tấn công vũ bão chống lại nó ở California và Úc Châu do cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục, Đức Hồng Y hẳn phải dựa vào uy thế của xếp lớn, người vốn nổi danh trong tư cách “Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót”, hết sức đề cao bí tích xưng tội, nơi lòng thương xót có ý nghĩa hơn cả. Chính vì thế, việc đầu tiên của Đức Hồng Y Piacenza là trích dẫn lời Đức Phnaxicô nói trong khóa học về Tòa Trong do Tòa Xá giải tổ chức đầu năm nay. Nhiều người vẫn trách cứ Đức Phnaxicô cố tình nói mơ hồ, nhất là trong Amoris Laetitia để ai muốn hiểu thế nào thì hiểu, nhưng ở đây, lời ngài hết sức rõ ràng và cương quyết, không thể giải thích cách nào khác hơn là: ấn tín bí tích là điều không thể vi phạm do bất cứ quyền lực nào của con người. Những người muốn thử gân cốt Giáo Hội không ai có thể giải thích cách khác hơn thế, nên nếu họ buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín này, là họ chống lại cả một Giáo Hội, đúng hơn, theo quan điểm Công Giáo, họ phản lại Thiên Chúa như công thức “Non ut homo sed ut Deus” của Thánh Tôma Aquinô đã chứng tỏ. Họ cũng độc tài không kém các hoàng đế xưa của Rôma hay của Việt Nam trong việc bách hại tôn giáo, vẫn là dưới một chiêu bài: hoàng đế Rôma là tư cách thần thánh của chính ngôi vị họ, hoàng dế Việt Nam là đạo lý Khổng Mạnh, họ bây giờ là “bảo vệ vị thành niên”.
Nhưng ở một bình diện khác, theo Allen, đây cũng là một bài học cho những đầu gối đang run rẩy trước áp lực thế tục muốn vi phạm điều vốn là cốt lõi để người ta chạy tới với lòng thương xót của Thiên Chúa trong bí tích hòa giải. Vì đây không hẳn là lời của Đức Hồng Y Piacenza mà chính là lời của xếp lớn.