Vào lúc 15:00giờ thứ bảy ngày 29/06/2019 tại Đan viện St. Ottilien Đức Quốc được tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho Quê hương Việt Nam. Bầu trời hôm nay chan hòa ánh nắng, tô đẹp thêm sự rạng rỡ vui tươi cho những người về tham dự.

Xem hình ảnh

Được biết có những ông bà đã về Đan viện từ tối hôm trước, và những gia đình đến từ Heidenheim, và những vùng phụ cận đã tới rất sớm như Augsburg, Menminggen, Regensburg và München.

Thánh lễ bắt đầu, ca đoàn Kirchenchor Merching của người Đức, với sự điều khiển ca trưởng, ông Martin Dronzella và Organistin là bà Regina Steinhardt, đã hát vang ca nhập lễ cùng hoà nhịp với tiếng trống của một Bruder Justo Joseph OSB, người dân Togo của châu phi. Thánh Giá, hình Lòng Chúa Thương Xót, hình Đức Mẹ La Vang được rước long trọng lên cung Thánh cùng với đoàn linh mục đồng tế.

Linh mục Augustinus Phạm Sơn Hà OSB chủ tế Thánh lễ và gởi lời chào đến tất cả mọi người, Pater Theophil Gaus OSB, Pater Martin Trieb, Pater Josep Afatchao người Togo cùng đồng tế. Và có Bruder David, Bruder Markus von ST.Ottlien.

Năm nay, thêm nhóm người Togo hát Kinh Vinh Danh, cùng tiếng trống, chuông rất hùng hồn bằng tiếng bản xứ của họ. Cộng đòan người Việt nam hát đáp ca và dâng lễ.

Phần Phụng vụ lời Chúa hôm nay, là bài Thánh thư của Thánh Phêrô tông đồ (3, 8-12), và Phúc Âm (LK, 15,3-7) được đọc với hai ngôn ngữ Đức và Việt nam.

Pater Theophil Gaus OSB giảng, và được linh mục Augustinus Phạm Sơn Hà dịch lại như sau:

"Hãy nhìn vào bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót: Chúng ta thấy sự Hòa Bình xuất hiện khi nào?

Bức ảnh gợi cho chúng ta 4 ý tưởng.

1, Ý nghĩa đầu tiên, Chúa Giêsu là Mục tử tốt lành, Ngài vác trên vai một người đang gặp hoạn nạn.

Sự Hòa bình xuất hiện khi nào?

Khi chúng ta là Giáo hội, sống biết quan tâm đến những người nghèo.

"Người Nghèo" được đề cập ở đây là tất cả những người mà họ cần đến sự đoàn kết tương thân tương trợ của chúng ta. Là những người sống gần tôi , cũng như những người sống ở xa; là những đồng bào của quý ông bà ở trong đất nước Việt Nam đang lên tiếng đòi công lý; đang bênh vực, bảo vệ cho nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận... thì bị đàn áp, tù đày.

Họ là những người đang chịu nhiều những bất công thiệt thòi, vì sự tham ô, hối lộ. Họ bị cảnh màn trời chiếu đất vì nạn thiên tai lũ lụt, hạn hán mất mùa.

Họ là những người đang ở Châu Phi như đất nước Togo, sống trong sự nghèo túng, không được đào tạo học hành, không có hệ thống chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

2, Ý nghĩ thứ hai: Người được Chúa vác trên vai nhận ra được điều tốt đẹp theo ánh mắt Chúa Giêsu.

Khi chúng ta nhận ra được" góc nhìn" của Chúa Giêsu: Nghĩa là chúng ta, lãnh nhận được nơi Ngài mà nhận ra được nhân phẩm của những người khác. Chúng ta vẻ ra hình ảnh người khác theo chủ quan của mình, và đầu tiên thường để ý vào những tính hư tật xấu của họ. Chuá Giêsu mời gọi chúng ta, phải nhìn thấy được những đức tính tốt trong họ, phải lạc quan tin tưởng những điểm tích cực nơi họ. Tôi cố gắng suy nghĩ tích cực những gì tôi có thể làm được với những người xung quanh tôi, những người ở xa, những người đồng hương, và các dân tộc khác, duy nhất với thái độ tích cực, thay vì những thành kiến tiêu cực, chỉ trích, phê bình.

Được như vậy thì có sự Hòa bình.

3, Ý nghĩ thứ ba diễn tả Chúa Giêsu hiểu rõ con người Chúa đang vác trên vai.

Ngay chính chúng ta, học hỏi nơi Chúa Giêsu để hiểu về người khác. Nghĩa là chúng ta có thể cảm hóa, chấp nhận được những hoàn cảnh sống của họ, chúng ta mới có thể hiểu được thái độ sống, hành động cư xử của họ. Đó là sự "CẢM THÔNG", một từ ngữ tốt đẹp, đầy ý nghĩa. Như vậy chúng ta mới có thể giải quyết được những tranh chấp, tỵ hiềm, và không làm cản trở bước tiến của sự Hòa Bình.

4, Ý nghĩ thứ tư diễn tả người được vác trên vai Chúa Giêsu có khuôn mặt giống Chúa Giêsu.

Khi chúng ta nên giống hình ảnh Chúa Giêsu .Vâng, thật vậy, trong mỗi chúng ta đã có hình ảnh của Ngài, là được làm con cái của Thiên Chúa. Chúng ta đã nhờ được phép Thanh Tẩy, và lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên giống hình ảnh con của Ngài.

Nếu chúng ta tin tưởng, trân trọng và yêu quý Phẩm Giá của chính mình. Vậy thì đơn giản nhất là chúng ta tin tưởng, và quý trọng Phẩm Giá của người khác, yêu thương họ, dù họ là người ở gần hay ở xa. Và tất cả những người trên thế giới này, đặc biệt là những người tại đất nước Togo, Việt nam để họ có thể sống xứng đáng với phẩm giá con người của họ. Từ đó, sự công bằng, nền công lý sẽ được thể hiện.

Chính vì vậy, hôm nay, tại Đan viện ST.Ottilien, chúng ta cùng hiệp thông dâng Thánh lễ, cầu nguyện cho các Tín hữu nhiều nơi đang bị bách hại, đàn áp để họ làm chứng Đức tin, thể hiện quyền sống và quyền làm người của họ."

Thánh lễ kết thúc, mọi người đi đến sân nhà tĩnh tâm của Đan viện, dùng cơm chiều chuyện trò, ca hát. Năm nay phần ẩm thực có những "Chefkoch" trổ tài với những món ăn quê hương Việt nam, và của người bản xứ Bayern như, Weißwurst, Brezel . Nhưng cũng không thiếu phần ca hát của người Đức và người Việt.

Nhóm người Afrika đã làm vui tươi, sống động với những bài hát, điệu nhảy, tiếng trống.

Thưởng thức những món ăn ngon miệng xong, người người một tay, thu dọn bàn ghế, giấy rác sạch sẽ. Từ không khí ca hát nhôn nhịp bước vào sự thinh lặng, mọi người lắng đọng tâm hồn, rước kiệu Mẹ Maria vòng quanh Đan viện với những chuỗi kinh Mân côi, những Thánh vịnh , những bài hát xen kẻ tiếng Đức và tiếng việt. Nhưng đặc biệt, một người Togo hát giọng Tenor, AVe Ave Ave Maria theo cung điệu bài hát của Lộ Đức làm cho buổi rước kiểu thêm vui tươi và trang trọng.

"Lạy Mẹ Maria, chúng con có một tổ quốc Việt Nam với non sông gấm vóc, quê hương yêu quý ngàn đời. Nhưng đất nước chúng con bị cai trị dưới chế độ cộng sản độc tài vô thần. Nhân phẩm bị chà đạp, nhân quyền bị cấm cản. Gây ra nhiều cảnh ngang trái, bất công, như nhà cửa tại vườn rau Lộc Hưng bị san bằng, đập phá và còn nhiều nơi khác trên Quê Hương nữa.

Xin Mẹ Maria đoái thương, giúp họ có nhiều nghị lực, vững mạnh trong đức tin để vượt qua cuộc sống hằng ngày.

Xin Mẹ Maria đoái thương Đất Nước Việt Nam, được thoát nạn cộng sản vô thần, để mọi người dân Việt trên Quê hương, sống trong no ấm, tự do, hoà bình."

Linh mục Augustinus Phạm Sơn Hà đã nhắn nhủ mọi người, chúng ta về đây, trước tiên là để cầu nguyện cho chính mỗi người của mình được bằng an của Thiên chúa trong tâm hồn, và học theo gương Đức cố Hồng Y Phan Xi Cô-Xaviê Nguyễn Văn Thuận là phải yêu quê hương Việt Nam bằng cả con tim và trí óc của mình như ngài đã thực hiện:

"Là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu tổ quốc gấp bội
Chúa dạy con, giáo hội dạy con"


Linh mục Augustinus và linh mục Josep Afatchao ban phép lành của Thiên Chúa để kết thúc buổi cầu nguyện.

Mọi người lần lượt ra về, lòng tràn ngập niềm vui, rộn rã chào nhau, và hẹn gặp lại năm tới.