Chặng thứ tám: Chúa Giêsu gặp gỡ các phụ nữ

"Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28)



Suy niệm:

Tình hình xã hội, kinh tế và chính trị của di dân và nạn nhân của nạn buôn người thách thức và làm chúng ta bối rối. Chúng ta phải có lòng can đảm, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô kiên quyết chủ trương, để tố cáo nạn buôn người như tội ác chống lại loài người. Tất cả chúng ta, và các Kitô hữu nói riêng, phải nhận ra rằng tất cả chúng ta phải chịu trách nhiệm về vấn đề này, và tất cả chúng ta có thể và phải là một phần của giải pháp. Tất cả chúng ta, nhưng trước hết các phụ nữ, đang được thách thức trở nên can đảm. Can đảm trong việc biết cách nhìn và hành động, như các cá nhân và như một cộng đồng. Chỉ bằng cách hợp nhất trong nghèo đói, chúng ta mới có thể biến nó thành một kho báu vĩ đại, có khả năng thay đổi cách tiếp cận của người ta và giảm bớt các đau khổ của nhân loại. Người nghèo, người nước ngoài, người khác, không nên bị coi như kẻ thù để bác bỏ và chống lại, mà là anh chị em cần được chào đón và giúp đỡ. Họ không phải là vấn đề, nhưng là một nguồn tài nguyên quý giá cho các kinh thành kiên cố của chúng ta, nơi thịnh vượng và tiêu thụ không làm giảm bớt sự kiệt lực và mệt mỏi ngày càng gia tăng của chúng ta.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin dạy chúng con nhìn bằng đôi mắt của Chúa, bằng ánh mắt chào đón và thương xót mà Chúa vốn dùng để nhìn các hạn chế và nỗi sợ hãi của chúng con. Xin giúp chúng con bắt chước Chúa trong cách chúng con xem xét các ý tưởng, hành vi và quan điểm khác nhau. Xin giúp chúng con nhận ra rằng chúng con là thành phần của cùng một gia đình nhân loại, và tìm các cách táo bạo mới mẻ để chấp nhận sự đa dạng và cùng nhau làm việc để xây dựng các cộng đồng, gia đình, giáo xứ và xã hội dân sự.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện và thưa: "Xin giúp chúng con chia sẻ nỗi đau khổ của người khác": những người đau buồn về cái chết của những người thân yêu; những người cảm thấy khó khăn trong việc yêu cầu giúp đỡ và an ủi; những người đã kinh qua áp bức và bạo lực.

Chặng thứ chín: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

“Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt” (Is 53: 7)

Suy niệm:

Lạy Chúa, Chúa ngã xuống đất lần thứ ba, kiệt sức và bị làm nhục, dưới sức nặng của thập giá. Giống như tất cả những cô gái bị ép buộc sống trên đường phố bởi các nhóm buôn người trong chế độ nô lệ của con người. Giống như Chúa, họ không thể chịu nổi sự kiệt sức và tủi nhục khi nhìn thấy các thân thể trẻ của họ bị thao túng, lạm dụng và hủy hoại, cùng với niềm hy vọng và các ước mơ của họ. Các phụ nữ trẻ đó cảm thấy bị phân làm hai: bị lùng sục và bị sử dụng, đồng thời bị bác bỏ và lên án bởi một xã hội làm lơ một cách thuận tiện loại khai thác này, thành quả của nền văn hóa vứt bỏ của nó. Vào một trong nhiều đêm trên đường phố Rôma, con đi tìm một người phụ nữ trẻ mới đến Ý. Không thấy cô trong nhóm của cô, con liên tục gọi tên cô: "Mercy!" Trong bóng tối, con bắt gặp cảnh cô bé cuộn tròn và nửa ngủ nửa tỉnh bên hè phố. Khi nghe con gọi, cô tỉnh dậy và nói rằng cô không thể tiếp tục chịu đựng được nữa. "Tôi không thể chịu đựng được nữa", cô tiếp tục lặp lại. Con nghĩ tới mẹ cô. Nếu bà biết chuyện gì đã xảy ra với con gái bà, hẳn bà sẽ bật khóc.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, đã bao lần Chúa hỏi chúng con câu hỏi gây bối rối này: "Em trai của con đang ở đâu? Em gái của con đang ở đâu?" Đã bao nhiêu lần Chúa nhắc nhở chúng con rằng tiếng khóc xé lòng của họ đã thấu tới Chúa? Xin giúp chúng con chia sẻ nỗi khổ của tất cả những người bị coi là đồ bỏ. Thật quá dễ dàng lên án người ta và những tình huống khó khăn xúc phạm đến cảm thức tao nhã giả tạo của chúng con. Nhưng chấp nhận trách nhiệm của chúng con trong tư cách cá nhân, chính phủ và cộng đồng Kitô giáo là điều không dễ dàng bằng.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện và thưa: "Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh và lòng can đảm để từ bỏ": sự bóc lột và sỉ nhục mà nhiều bạn trẻ phải đối diện; sự thờ ơ và im lặng của nhiều Kitô hữu; các luật lệ bất công thiếu nhân tính và liên đới.

Chặng thứ mười: Chúa Giêsu bị lột áo quần

“Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại” (Cl 3:12)

Suy niệm:

Tiền bạc, tiện nghi, quyền lực. Đây là những ngẫu thần của mọi thời đại. Nhất là thời của chúng ta, một thời có thể huênh hoang về sự tiến bộ to lớn trong việc thừa nhận các quyền cá nhân. Mọi sự đều có thể được mua, kể cả thân thể của các vị thành niên, bị lột mất phẩm giá của họ và hy vọng cho tương lai. Chúng ta đã quên mất tính trung tâm của con người nhân bản, phẩm giá, vẻ đẹp và sức mạnh của mỗi người nam nữ. Dù trong khi thế giới đang xây dựng những bức tường và rào cản, chúng ta muốn nhìn nhận và cảm ơn tất cả những ai bằng nhiều cách khác nhau trong những ngày tháng này đã liều mạng sống của họ, nhất là ở Địa Trung Hải, để cứu sống nhiều gia đình đi tìm sự an toàn và cơ hội. Các con người nhân bản chạy trốn nghèo đói, độc tài, thối nát và nô dịch.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin giúp chúng con khám phá lại vẻ đẹp và sự phong phú nơi mọi người và nơi mọi dân tộc như một hồng phúc độc đáo của Chúa, đặt chúng để phục vụ toàn bộ xã hội chứ không bị sử dụng cho lợi nhuận hoặc lợi ích cá nhân của chúng con. Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn để gương sáng và lời dạy của Chúa về lòng thương xót và tha thứ, về sự khiêm nhường và kiên nhẫn, làm chúng con trở thành nhân bản hơn, và nhờ đó, trở thành Kitô hữu hơn.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện và thưa: "Lạy Chúa, xin ban cho chúng con những tấm lòng thương xót": khi phải đối diện với lòng ham muốn hưởng lạc, quyền lực và tiền bạc; khi phải đối diện với những bất công giáng xuống người nghèo và người yếu thế; khi phải đối diện với những ảo tưởng phát sinh từ lợi ích bản thân.

Chặng thứ mười một: Chúa Giêsu bị đóng đinh vào Thập giá

“Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm "(Lc 23:34)

Suy niệm:

Xã hội của chúng ta tuyên bố bình đẳng về quyền lợi và phẩm giá cho mọi con người nhân bản. Tuy nhiên, nó thực hành và dung dúng sự bất bình đẳng. Nó thậm chí chấp nhận các hình thức bất bình đẳng cực đoan. Đàn ông, đàn bà và trẻ em bị mua bán bởi những lái buôn người mới. Các nạn nhân của nạn buôn người sau đó bị người khác lợi dụng. Và cuối cùng, họ bị vứt bỏ, bị loại bỏ như những hàng hóa vô giá trị. Có bao nhiêu người đang trở nên giàu có hơn bằng cách nuốt chửng máu thịt của người nghèo?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, có bao nhiêu người đàn ông và đàn bà ngay ngày hôm nay đang bị đóng đinh, các nạn nhân của sự bóc lột tàn bạo, lột hết phẩm giá, tự do và hy vọng cho tương lai! Tiếng kêu cứu của họ thách thức chúng con như các cá nhân, chính phủ, xã hội và Giáo hội. Làm thế nào chúng con lại có thể tiếp tục đóng đinh Chúa bằng sự đồng lõa của chúng con trong việc buôn bán người? Xin ban cho chúng con đôi mắt để nhìn và một trái tim để cảm nhận sự đau khổ của tất cả những ai ngày nay cũng đang bị đóng đinh bởi các hệ thống sống và tiêu thụ của chúng con.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện và thưa: "Lạy Chúa, xin thương xót": những người mới bị đóng đinh trên khắp thế giới ngày nay; những người trong xã hội ban hành luật pháp và thực thi quyền lực; những người không thể tha thứ và không thể yêu thương.

Chặng thứ mười hai: Chúa Giêsu chết trên Thập giá

"Lạy Chúa, lạy Chúa, tại sao Chúa lại từ bỏ con?" (Mc 15, 34)

Suy niệm:

Lạy Chúa, trên thập giá, Chúa cũng mang sức nặng của sự khinh miệt, nhạo báng, lăng mạ, bạo lực, bỏ rơi và thờ ơ. Chỉ có Mẹ Maria, Mẹ của Chúa và một vài phụ nữ khác ở lại với Chúa như là nhân chứng cho sự đau khổ và cái chết của Chúa. Xin cho tấm gương của họ gợi hứng cho chúng con biết cam kết sát cánh với tất cả những người chết ngày hôm nay trên các đồi Canvariô khắp thế giới: trong các trại chuyển tiếp, trên những con thuyền bị từ chối vào cảng an toàn, tại các nơi tạm trú, những điểm nóng và căn trại cho các công nhân thời vụ, giữa các cuộc đàm phán kéo dài về điểm đến cuối cùng của họ.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa: xin giúp chúng con trở thành những người hàng xóm thực sự cho những người mới bị đóng đinh và tuyệt vọng trong thế giới ngày nay. Xin dạy chúng con lau nước mắt cho họ, an ủi họ, thậm chí như Chúa được an ủi bởi sự hiện diện của Mẹ Maria và các người phụ nữ khác ở dưới chân thập giá của Chúa.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện và thưa: "Lạy Chúa, xin giúp chúng con tự do hiến thân": cho tất cả những ai đau khổ vì bất công, thù hận và báo thù; cho tất cả những ai bị vu khống và kết án một cách bất công; cho tất cả những ai cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi và bị sỉ nhục.

Chặng thứ mười ba: Chúa Giêsu được đưa xuống khỏi thập giá

“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác"(Ga 12,24)

Suy niệm:

Trong thời đại tin tức chớp nhoáng này, ai còn nhớ hai mươi sáu phụ nữ trẻ Nigeria bị chết đuối và đám tang của họ được tổ chức ở Salerno? Đồi Canvariô của họ thật dài và khó khăn. Đầu tiên là băng qua sa mạc Sahara, chen chúc trong những chiếc xe buýt xiêu vẹo. Sau đó, họ bị buộc phải ở trong các trại giam đáng sợ ở Libya. Cuối cùng là nhảy xuống biển, nơi họ chết ngay ngoài cổng "miền đất hứa". Hai trong số họ đang mang trong mình hồng phúc sự sống mới, những đứa con sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, cái chết của họ, giống như cái chết của Chúa Giêsu lúc được đưa xuống khỏi Thập giá, không phải là vô ích. Chúng ta giao phó tất cả các mạng sống này cho lòng thương xót của Thiên Chúa, Cha chúng ta và Cha của tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ, tuyệt vọng và bị hạ phẩm giá.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, vào giờ này, chúng con nghe thấy lời kêu than của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Lampedusa, địa điểm của cuộc tông du đầu tiên của ngài: "Có ai khóc chưa?" Và bây giờ sau vô số vụ đắm tàu, chúng con tiếp tục kêu than: "Có ai khóc chưa?" Chúng con tự hỏi, có ai khóc trước hai mươi sáu quan tài xếp hàng và phủ đầy hoa hồng trắng đó? Chỉ có năm trong số những người phụ nữ này đã được nhận diện. Không tên hay không, tất cả bọn họ đều là con gái và em gái của chúng con. Tất cả đều đáng được tôn trọng và tưởng nhớ. Họ kêu gọi chúng con - các tổ chức của chúng con, chính quyền của chúng con và mỗi chúng con nhận trách nhiệm vì đã im lặng và thờ ơ.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện và thưa: "Lạy Chúa, xin cho chúng con cùng khóc": trước đau khổ của người khác; trước mọi quan tài không tên đó; trước nước mắt của rất nhiều bà mẹ.

Chặng thứ mười bốn: Chúa Giêsu được táng trong mộ

"Thế là đã hoàn tất!" (Ga 19:30)

Suy niệm:

Sa mạc và biển cả đã trở thành nghĩa trang mới của thế giới chúng ta. Những cái chết khiến chúng ta không nói nên lời. Tuy nhiên, trách nhiệm phải được lãnh nhận. Người ta để anh chị em của họ chết: đàn ông, đàn bà, trẻ em mà chúng ta không thể, hoặc không chịu cứu. Trong khi các chính phủ, tự giam mình trong các cung điện quyền lực của họ, tranh luận, thì sa mạc Sahara chứa đầy xương của những người đàn ông và đàn bà không thể sống thoát sự suy kiệt, đói và khát. Biết bao nỗi đau liên quan đến những cuộc xuất hành mới này! Biết bao sự tàn nhẫn đã gây ra cho những người chạy trốn khỏi quê hương của họ: trong những chuyến đi tuyệt vọng của họ, trong sự tống tiền và tra tấn mà họ chịu đựng, trên biển khơi đã trở thành mộ huyệt nước.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra rằng tất cả chúng con đều là con cái của một Cha. Xin cho cái chết của Con Chúa là Chúa Giêsu ban cho các nhà lãnh đạo và các nhà lập pháp của các quốc gia ý thức được vai trò họ phải đóng trong việc bảo vệ mọi người được tạo dựng giống hình ảnh và họa ảnh của Chúa.

KẾT THÚC:

Chúng ta muốn kể lại câu chuyện của Favour, một bé thơ mới chín tháng, rời Nigeria với cha mẹ còn trẻ của em, những người đi tìm một tương lai tốt hơn ở châu Âu. Trong cuộc hành trình lâu dài và nguy hiểm ở Địa Trung Hải, cha và mẹ em đã chết cùng với hàng trăm người khác từng dựa vào những tên buôn người vô đạo đức để đến vùng đất hứa. Chỉ một mình Favour sống sót; giống như Môsê, em đã được vớt khỏi biển nước. Ước gì đời em trở thành ánh sáng hy vọng trên nẻo đường hướng tới một nhân loại huynh đệ hơn.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, khi kết thúc đường thập giá của Chúa, chúng con xin Chúa dạy chúng con tỉnh táo, cùng với Mẹ của Chúa và các người phụ nữ đứng cạnh Chúa trên Đồi Canvariô, chờ đợi sự phục sinh của Chúa. Xin cho nó trở thành ngọn hải đăng hy vọng, hân hoan, sự sống mới, tình huynh đệ, sự chấp nhận và hiệp thông giữa các dân tộc, tôn giáo và hệ thống luật pháp. Ngõ hầu, mọi con trai và con gái của loài người sẽ thực sự được công nhận trong phẩm giá làm con trai và con gái của Thiên Chúa, và không bao giờ bị đối xử như các nô lệ nữa.