KIM ĐỊNH (15.6.1915 - 25.3.1997)

LTS: Trong bộ Bách Khoa của Viện Văn Hóa Việt Nam, xuất bản năm 2004 tại Hà Nội, Viện Sĩ Nguyễn Huệ Chi đã viết về Triết Gia Kim Định một cách công phu, đầy đủ. Tuy nhiên ông chưa nhận ra thời kỳ đúc đỉnh của Hà Vu để tạo ra Việt Nho và thời kỳ bẻ quẹo Việt Nho ra Hán Nho của nhà Hán. Nguyễn Huệ Chi đã nêu ra được 7 nét đặc trưng của văn hóa Viêm Việt, nhưng ông chưa nói đến phần cốt tủy của triết lý An Vi là Nhân Chủ, Thái Hòa và Tâm Linh. Đây là nền tảng của Triết Việt mà Kim Định đã dày công xây dựng. Hội An Việt : anvietuk@aol.com (44) 207 275 7780

Linh mục, nhà nghiên cứu triết học, nhà văn hóa Việt Nam, sinh ở làng Trung Thành, địa phận Bùi Chu thuộc Nam Định. 1937-39, dạy tiếng Latinh tại Tiểu chủng viện Ninh Cường, Bùi Chu. 1939-43, học triết học và thần học tại Đại chủng viện Quần Phương, Bùi Chu. Năm 1943 được thụ phong Linh mục. 1943-47, dạy triết học phương Tây tại Đại chủng viện Quần Phương, Bùi Chu và bắt đầu cầm bút, viết cuốn Duy vật và duy thực, 1947, được cử đi du học ở Pháp, vào học tại Học viện Công giáo (Institut Catholique) và Học viện cao học Trung Quốc học (Institut des Hautes Etudes Chinoises), Paris. Sau khi tốt nghiệp, năm 1958 trở về miền Nam Việt Nam, dạy triết học tại Đại chủng viện Lê Bảo Tịnh Gia Định. 1961-75, là Giáo sư Viện Đại học Văn khoa Sài Gòn, chuyên dạy triết học Đông phương, ngoài ra còn giảng dạy tại các Viện Đại học Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Thành Nhân và An Giang. Sau 1975 sang cư trú tại Xăng Jôzê (San Jose) Hoa Kỳ, tiếp tục nghiên cứu triết học phương Đông và nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tham dự các hội nghị quốc tế về triết học thế giới tại Đài Loan 1984, về Khổng học với thế giới ngày nay tại Đài Bắc, Đài Loan, 1987, về triết học tại Braigơtơn (Brighton), Anh, 1988 và về triết học Á Châu tại Bắc Phi, 1990. Ông mất ở bang Mixuri (Missouri), Hoa Kỳ.

Do nhu cầu giảng dạy triết học Đông phương mà chủ yếu là triết học Trung Quốc, lúc đầu Kim Định chỉ cốt viết giáo trình cho sinh viên về bộ môn này, nhưng về sau những vấn đề văn hóa sử Trung Quốc và Việt Nam đã thực sự lôi cuốn ông, giúp ông mở rộng việc nghiên cứu, công bố hàng loạt công trình gắn kết với nhau theo một hệ thống khá chặt chẽ. Có thể kể một số tác phẩm chính : Cửa Khổng (soạn 1960; Nxb. Ra khơi, Sài Gòn, 1965; Nxb. Ca dao, Sài gòn, 1970; Nxb. Lĩnh nam, Hoa Kỳ, 1997), Nhân bản (soạn 1961; in tại Sài Gòn trước 1967; Nxb. Thanh niên quốc gia, California, tái bản dưới tên mới Nhân chủ, 1981-82), Căn bản triết lý trong văn hóa Việt Nam (in tại Sài gòn trước 1967; Nxb. Nam cung, California, tái bản dưới tên mới Hồn nước với lễ gia tiên, 1979), Chữ thời (soạn 1961; Nxb. Thanh bình, Sài Gòn, 1967), Vũ trụ nhân linh (Nxb. Khai trí, Sài Gòn, 1962), Dịch kinh linh thể (1962), Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông tây (Ra khơi, Sài Gòn, 1969), Triết lý giáo dục (soạn 1964; in tại Sài Gòn trước 1967; Nxb. Ca dao, Sài Gòn, 1975; Nxb. H.T. Kelton, Hoa Kỳ, 1986), Định hướng văn học (Nxb. Ra khơi, Sài Gòn, 1969), Việt lý tố nguyên (Nxb. An tiêm, Sài Gòn, 1970), Tâm tư (Khai trí, 1970), Hiến chương giáo dục (An tiêm, 1970), Vấn đề quốc học (Nxb. Nguồn sáng, Sài Gòn, 1971), Triết lý cái đình (Nguồn sáng, 1971; H.T. Kelton, 1986), Lạc thư minh triết (Nguồn sáng, 1971), Cơ cấu Việt Nho (Nguồn sáng, 1973), Tinh hoa ngũ điển (Nguồn sáng, 1973), Loa thành đồ thuyết (Thanh bình, 1973), Nguồn gốc văn hóa Việt Nam (Nguồn sáng, 1973)... Cho đến 1975, số lớn trong những tác phẩm trên đã được in lại nhiều lần. Sau khi sang Hoa Kỳ ông còn có các cuốn Sứ điệp trống đồng (Thanh niên quốc gia, 1984), Hùng sử Việt ca (Nxb. Thằng mõ, 1984), Kinh Hùng khải triết (Thanh niên quốc gia, 1984), Pho tượng đẹp nhất của Việt tộc (H.T. Kelton, 1988), Văn Lang vũ bộ (H.T. Kelton, 1988)...

Với ý tưởng muốn tìm đến tận cội nguồn tư duy triết học phương Đông, hai vấn đề được Kim Định quan tâm bậc nhất là xác lập lại hệ giá trị Nho giáo nguyên thủy và cố gắng tiếp cận bản sắc của văn hóa cổ truyền Việt Nam. Trong vấn đề thứ nhất thì Cửa Khổng là cuốn sách mở đầu nhưng cũng là công trình có tính chất nền tảng, đề xuất nhiều gợi ý mới mẻ mà những công trình kế tiếp hầu như chỉ là sự khơi sâu vào từng mặt của những tìm tòi này. Kim Định không làm cái việc trình bày học thuyết Nho giáo một cách cổ điển như người khác vẫn làm. Vận dụng một phương pháp luận hiện đại, với rất nhiều so sánh đối chứng giữa Khổng giáo và các học thuyết khác trong Bách gia chư tử, nhất là giữa Khổng giáo và các học thuyết phương Tây cùng thời, thậm chí xuất hiện sau Khổng giáo rất lâu, lại viện dẫn kiến giải của các nhà Khổng học châu Âu trong vòng một thế kỷ làm chỗ dựa, ông đi đến bác bỏ một cách có căn cứ việc hạ thấp vai trò của Khổng Tử* và học thuyết của bậc hiền triết này trong lịch sử tư tưởng và văn hóa viễn Đông mấy ngàn năm, mà theo ông là bắt nguồn từ tâm lý tự ti của người châu Á khi đứng trước văn minh của khoa học kỹ thuật Âu Tây. Kim Định cho rằng Nho giáo từ sau Khổng Tử trở đi không còn là Nho giáo chính truyền. Nhiều hệ tư tưởng khác đã thâm nhập và tìm cách biến cải nó, làm nó thay đổi về bản chất, sửa chữa cả văn chương của nó, nhất là dưới đời Hán. Vì thế, phải “gạn lọc cho Nho giáo trở nên tinh ròng”, nghĩa là tìm ra chiếc chìa khóa mở được “cánh cửa lớn” là tư tưởng đích thực của Khổng Tử thì mới có thể “đi ngược trở lên” (tố nguyên) chứ không đi xuôi trở xuống, để vào đúng ngôi nhà chính của đạo Nho. Măt khác, phải hiểu học thuyết của Khổng Tử như một triết thuyết đạo lý chứ không phải là một giải pháp chính trị xã hội có tính chất tình thế mà người áp dụng bao giờ cũng phải uốn nắn mềm dẻo để không bị chế độ chuyên chế phương Đông triệt tiêu. Có hiểu như thế mới thấy hết chỗ ưu việt của Khổng Tử, một người tưởng chừng nệ cổ nhưng thực chất là vượt thời đại : chọn người tài đức mà bác bỏ sự kế thừa dòng dõi, tư nhân hóa việc học tức là xóa bỏ độc quyền học thức trong tay tầng lớp quyền quý, làm cho dân giàu trên nguyên tắc quân phân tài sản, chống lại việc xóa bỏ ruộng công, đề cao việc cai trị bằng lễ, lấy chữ tín làm tiêu chí cho Nhà nước trong việc trị dân. Tư tưởng dân chủ của Khổng Tử rõ ràng vượt xa chuyên chế của Pháp gia, không cực đoan như Đạo gia và còn cách mạng hơn cả phương Tây. Đặt trong lịch trình tiến hóa tư tưởng, Kim Định cho rằng, sở dĩ “vương đạo” của Khổng Tử đạt được những tiến bộ như trên vì nó được xây dựng trên cái nền nhân bản tâm linh là một cấp độ cao của tâm thức nhân loại, vượt lên khỏi năm chặng đường trước nó : “bất phân”, “bái vật”, “ma thuật”, “ý hệ” và “tâm linh”, nhờ đó con người đã biết nhìn vào chiều kích sâu thẳm bên trong mình để hòa giải với các “thế lực ngoại tại”, không phủ định sạch trơn các cặp phạm trù mâu thuẫn tương đối như không, thị phi, thiện và ác như Lão - Trang, mà làm cho chúng trở nên hài hòa cân đối, và tìm thấy bản tính chung của con người là tính người nó là cở sở để những cá thể người khác biệt về địa vị xã hội, về chủng tộc... xich lại gần nhau và đạt đến sự thái hòa - “hòa nhi bất đồng”. Khổng Tử đã biết “thu hồi quyền tự quyết” cho con người bằng cách không nói đến “quái dị, bạo lực, phản loạn, quỷ thần”, đề cao việc tu thân từ thiên tử đến thứ dân, lấy nhân tâm làm gốc của “tam tài” chứ không lấy thiên lấy địa làm gốc, yêu cầu kẻ sĩ coi việc “biết người là trí” và “chuyên làm việc nghĩa giúp dân”. Nhưng để hợp với trình độ xã hội lúc ấy ông vẫn khéo léo gợi ý “kính quỷ thần mà xa hẳn nó ra”, cũng như vẫn duy trì hai lễ tế trời và tế gia tiên nhưng gạt hẳn ý nghĩa bái vật đi mà đưa ý nghĩa xã hội vào đấy. Về giáo dục, chương trình giáo dục của Nho giáo cũng toàn diện hơn hẳn chương trình giáo dục của Tây phương thời cổ đại và trung cổ vì nó biết chú trọng dạy con người cả trí tuệ, thể lực và tâm hồn (cầm kỳ thi họa), trong khi Tây phương duy lý chỉ biết hướng vào cách ăn nói sao cho lôgic, tính toán sao cho nhanh nhạy và thêm môn âm nhạc để phục vụ tôn giáo. Giáo dục của Khổng Tử là tinh thâm trong khi giáo dục của Tây phương là lý sự cho nên nền giáo dục ấy đã trở thành gánh nặng. Về phương pháp, Khổng Tử không nhiều lời trong suy luận trừu tượng như phương Tây mà gợi mở tìm tòi nơi người học, “vun tưới óc phê bình và sự suy nghĩ độc lập” để người học tự tìm lấy kết luận cho mình. Ông chú ý xây dựng nhân cách con người, đặt trọng trách con người trước xã hội ở tuổi thành niên bằng việc nêu cao ý nghĩa trọng đại của lễ gia quan. Ông còn biết đưa triết học vào đại chúng, biết coi trọng vai trò của văn học nghệ thuật đặc biệt là thơ và nhạc, nghĩa là không cắt đứt triết lý với tình người. Ông hết sức quan tâm đến thi ca bởi đó là tiếng nói của tâm tình. Là nhà tâm lý vĩ đại, ông hiểu rằng trong tình cảm con người thì tình yêu thương gái trai là mãnh liệt nhất, cho nên triết lý của ông vừa nhằm mục tiêu là cái biết (tri chi) và cả cái vui (lạc chi); triết của ông không gò bó nhân tính, trái lại đó là “nền móng của một triết lý nhân sinh tích cực hợp với nguồn sống của vũ trụ”, nói như sách Trung dung : “Đạo quân tử khai mào từ việc gái trai, đến lúc cùng tột thì xét tới thiên địa”. Quan niệm nghệ thuật của Khổng giáo cũng đặc sắc ở chỗ nó là vô ngôn ẩn ngữ; nó ẩn náu đằng sau danh từ, tạo nên một sức mạnh uyên áo, giàu sức khêu gợi, với những nguyên tắc : lấy cái hữu hạn nói cái vô cùng, lấy cái rõ ràng nói cái mờ ảo, lấy cái hòa điệu của sắc màu nói cái hòa điệu của vũ trụ, lấy cái thanh thoát của đường nét nói cái tâm hướng đến đạo, lấy cái vật hình nói cái tâm cảm... tóm lại Khổng Tử biết coi trọng sức mạnh tinh thần của nghệ sĩ hơn tài năng kỹ xảo đơn thuần. Nhờ đó nghệ thuật và triết học của Khổng chỉ khác nhau ở phương tiện mà mục đích không khác nhau, đều nhằm “cảm thông được với nguồn suối tâm linh bát ngát đang ngầm chảy trong mọi người cũng như muôn vật”. Với ông, người nghệ sĩ vừa phải dồn hết những năng khiếu ẩn sâu trong tiềm thức vào tác phẩm lại vừa phải rút bỏ dấu ấn cá biệt của cá nhân mình đi, có thế tác phẩm mới trở thành phương tiện cộng thông giữa chủ thể và khách thể một cách nhiệm màu. Tất cả những điều này tỏ rõ sự ưu việt trong tương quan giữa nghệ thuật và triết học theo quan niệm Khổng giáo so với nghệ thuật phương Tây. Tác dụng “thanh luyện tâm hồn” tuyệt vời của nó, nói theo Hêghen (F. Hegel, 1770-1831), là cái đích mà nghệ thuật phương Tây đang rất cần hướng tới.

Từ việc nhìn nhận lại thực chất giá trị của Khổng giáo, Kim Định bước sang vấn đề thứ hai mà ông gần như mê say theo đuổi trong suốt cuộc đời mình. Ông khởi xướng học thuyết An vi hay Việt Nho tức là xem xét Nho giáo một cách siêu việt, ở tận đầu nguồn của nó. Đây cũng là một vấn đề được đặt ra theo hướng phương pháp luận, nhằm phản bác lại cách nhìn “duy sử” cũng như cách nhìn đo đếm khoa học một cách cơ giới, khi muốn quay trở về đúng nguồn cội nền văn hóa Lạc Việt của người Việt Nam. Theo Kim Định, chỉ có cách nhìn “huyền sử” mới là phương pháp thỏa đáng nhất, qua đó những nhân vật, hình tượng, và những sự tích mà truyền thuyết xưa ghi lại trong Việt điện u linh* và Lĩnh Nam chích quái* - cũng giống như những chứng tích khảo cổ học và chứng tích trên trống đồng - sẽ không còn là những con người lịch sử có thật hay những sự việc cụ thể đã thật sự diễn ra trong một thời đoạn lịch sử chính xác nào đấy như sử gia từng nghĩ, mà chính là những biểu tượng quy nạp vào đó công cuộc tiến hóa hàng nghìn, hàng chục nghìn năm lịch sử của cha ông. Có nhìn như thế mới thấy được mối liên quan mật thiết giữa chuỗi truyền thuyết về người Việt cổ xưa (Hồng Bàng, Hùng Vương...) với chuỗi truyền thuyết mà Trung Hoa đã tự nhận là gốc tích riêng của tổ tiên họ (Tam hoàng Ngũ đế...). Và vấn đề phải đặt lại là chính tổ tiên người Việt là người Viêm Việt xưa kia đã từng ngự trị ở giữa vùng châu thổ sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, đã chiếm lĩnh hết 18 tỉnh của Trung Quốc ngày nay, và đã làm nên văn hóa Việt Nho, một nền văn hóa tinh thuần, lấy nhu thuận làm cốt lõi, đại biểu cho văn minh nông nghiệp, mà sau này Hoa tộc, một giống người du mục từ Bắc tràn xuống, với tinh thần thượng võ, đã đẩy lui Viêm Việt xuống mãi phía Nam, phân hóa thành nhiều chủng : Anhđônêziêng, Môn-Khme, Âu Việt, Miêu Việt, Lạc Việt, nhưng đồng thời do trình độ văn minh thấp hơn, cũng lại bị văn minh Viêm Việt đồng hóa để đi đến hòa đồng Việt Nho của Viêm Việt thành Hán Nho. Vì thế, không những trước khi Hoa tộc du mục đến xâm chiếm Giang Hán, Viêm Việt đã từng có những sách Tam phần, Ngũ điển, Bát sách, Cửu khâu như truyền thuyết nói, mà ngay trong những bộ sách kinh điển của Nho giáo Trung Quốc còn lưu giữ lại đến hôm nay, văn hóa Viêm Việt cũng đóng góp một phần rất lớn, có thể nhận ra qua vô số bằng chứng hiển nhiên : Kinh dịch thật ra đã có từ lâu đời, đến đời Chu Văn Vương mới viết thành sách, mà nội dung cốt lõi là âm dương và bát quái kết hợp thành 64 quẻ chính là của Viêm Việt, hai số 3 và 2 chỉ trời và đất, đi với hai phương Đông và Nam là của Viêm Việt, và trong ngôn ngữ Việt Nam cách nói cặp đôi âm dương (bố cái, trời đất, núi sông...) còn nhiều và rõ nét hơn cả ngôn ngữ Trung Hoa; Kinh thư nổi nhất là thiên “Hồng phạm” vì “nó bao hàm một suy tư về cơ cấu vũ trụ” (Granê - Granet), nhưng “Hồng phạm” lại liên quan mật thiết đến nông nghiệp, liên quan đến ông Vũ trị thủy là người gắn bó với Việt tộc, nhất là tư tưởng kính nể dân bao trùm trong cả bộ sách thì không thể là tư tưởng tôn quân của cư dân du mục Trung Hoa; Kinh lễ “vẽ lại cái lý tưởng sinh hoạt của xã hội Việt tộc xa xưa” trong đó thiên “Nguyệt lệnh” là phần cốt tủy lại chứng tỏ nền văn hóa Viêm tộc đã chinh phục Hoa tộc đến độ sâu sắc, “vì chính Hoa tộc đã đổ khuôn văn hóa và nắm giữ quyền hành cai trị, vậy mà trong khi đổ khuôn vẫn không dám đoạt hết ngôi vị dành cho Viêm tộc”; Kinh thi* tuy đã bị san định, tước bỏ đi quá nhiều nhưng vẫn còn nhận ra “nội dung phần lớn thuộc Viêm tộc, vì bầu khí cởi mở”, sinh hoạt hội hè phồn thực, tình cảm luyến ái hồn nhiên, vai trò chủ động, tự do của nữ giới, phong tục ngoại hôn rất sâu đậm, và cả về tên địa vực còn ghi lại trong các bài thơ. Nhưng chỗ thống nhất quan trọng hơn nữa giữa các tác phẩm trên đây là ảnh hưởng phổ biến của văn học dân gian và văn hóa dân gian trong phương thức tư duy và trong ngôn ngữ, nó chứng tỏ các tác phẩm kinh điển kia chỉ có thể được đúc kết trong môi trường sinh hoạt của cư dân nông nghiệp mà không phải trong môi trường du mục. Vậy thì những cuốn sách nói trên đã đến lúc cho phép chúng ta xác nhận lại thật rõ ràng một số đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Viêm Việt, một “bản quyền” vô giá của dân tộc Việt Nam mà người Trung Hoa giai đoạn du mục chưa thể có:

  • 1. Đây là nền văn hóa nông nghiệp gắn liền với thiên nhiên, thời tiết, mùa màng, là sự hợp nhất giữa người và trời (thiên nhân hợp nhất), suy rộng ra là lòng yêu hòa bình, ghét chiến tranh, đặt văn lên trên võ, đặt nhân trị và lễ trị lên trên pháp trị.
  • 2. Là nền văn hóa bắt nguồn từ cuộc sống định cư nên sớm định hình tình cảm yêu nhà yêu nước, trong khi du mục là cuộc sống lang thang nên chỉ biết có người đứng đầu. Vì thế giữa hai vế kết hợp về sau của đạo Nho là “trung quân ái quốc” thì trung quân vốn của Hoa tộc, ái quốc vốn của Việt tộc.
  • 3. Là nền văn hóa đã trường kỳ chống lại sự xâm lăng của văn hóa du mục nên cũng là nền văn hóa sớm có sự cố kết về mặt tinh thần dân tộc; dân tộc tính là một tiêu chí định tính quan trọng của văn minh Lạc Việt và văn minh viễn Đông.
  • 4. Là nền văn hóa mềm mại uyển chuyển (Nho = nhu), biết coi trọng âm hơn dương, coi trọng nữ giới hơn nam giới hay ít ra cũng thừa nhận nữ giới có những quyền, những ưu thế hơn nam giới - “lệnh ông không bằng cồng bà”.
  • 5. Là nền văn hóa trọng “chiêu” hơn “mục”, trọng “tả” hơn “hữu”, tức là hướng về phương Đông và phương Nam, về nữ giới, về số lẻ, về hiền triết, về văn học nghệ thuật, về dân chúng, tóm lại hướng tới thuận hòa.
  • 6. Là nền văn hóa sinh thành trên cơ sở cố kết đơn vị làng, coi làng là một thứ liên bang uyển chuyển mở rộng phần tự trị trong xã hội phong kiến, nơi đề cao vai trò người mẹ và người trưởng thượng, nơi hình thành những lễ tục dân gian cùng trường tồn bên cạnh luật lệnh của nhà nước như một kiểu văn hóa lưỡng nghi; làng cũng là tổ hợp của dân chúng đứng ra đương đầu với nhà vua khi cần thiết - “phép vua thua lệ làng”.
  • 7. Là nền văn hóa tôn trọng thể chế gia đình như một giải pháp trung hòa giữa hai thái cực : muốn xóa bỏ tự do cá nhân vì lợi ích của công quyền và ngược lại, muốn phớt lờ mọi nghĩa vụ xã hội để đạt được tự do cá nhân. Tôn trọng thể chế gia đình khiến con người sống có tình và có lý, có quyền lợi và có nghĩa vụ, có trung và có hiếu.
Ý kiến của Kim Định thường được trình bày dưới dạng những giả thuyết làm việc mà không phải là những định đề áp đặt hoặc coi như đã giải quyết trọn vẹn. Mặt khác, vào những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, ông đã sớm có sự nhạy cảm trong việc tiếp nhận các phương pháp mới của triết học Âu Tây chẳng hạn cấu trúc luận, phân tâm học, cả học thuyết tương đối của Anhxtanh (A. Einstein, 1879-1955)..., nên có được cách lập luận đa dạng, với những thao tác không một chiều, cứng nhắc, giúp độc giả soi nhìn đối tượng từ nhiều phía, và làm cho luận thuyết của mình có sức hấp dẫn. Nhưng những điều ông đề xuất cũng như các luận điểm được ông chốt lại có những chỗ không tránh khỏi cực đoan, do không đủ cứ liệu, kể cả do thiên kiến, đã gây ra những phản ứng sôi nổi trong học giới, khiến nhiều người tin theo và cũng nhiều người bác bỏ. Mặc dầu thế, nhìn chung không thể không thừa nhận đấy là những tìm tòi đầy tâm huyết và có sức gợi mở không nhỏ, về một hệ thống vấn đề không kém quan trọng đang là ẩn số cần được tiếp tục giải đáp trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam.