Chúa Nhật II Mùa Chay C
Sự thường khi nghe nói đến hai từ vinh quang, người ta dễ liên tưởng đến hai từ quyền lực. Bởi chưng, chuyện như nhãn tiền, đó là khi có quyền lực thì vinh quang ào tới, nhất là do bởi “thói đời” thích khúm núm, quỵ lụy, tâng bốc, tung hô người có lực, có quyền.
Vào Chúa Nhật II Mùa Chay cả ba năm A, B, C, các bài tin mừng Giáo Hội dọn cho đoàn tín hữu đều tường thuật cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Và chúng ta dễ nhận ra hữu ý của việc Chúa Giêsu tỏ bày vinh quang cho ba môn đệ thân tín, đó là để động viên tinh thần các vị trước khi Người lên Giêrusalem chịu tử nạn. Nội dung cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu với Môsê và Êlia chính là “cuộc xuất hành Chúa Giêsu sắp hoàn thành tại Giêrusalem”. Chúa Giêsu trước đó cũng đã công khai tiên báo cuộc khổ nạn Người sẽ chịu do bởi các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư gây ra và Người mời gọi những ai muốn theo Người thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo (x.Lc 9,22-26).
Vinh quang được xem là tình trạng có giá trị tinh thần cao, đáng được tôn kính và ái mộ. Tuy nhiên cũng cần phân biệt vinh quang thật và vinh quang giả hiệu. Vinh quang thật thì lâu bền vì được dệt xây bằng những hành vi tốt đẹp, chính đáng và cao cả. Trái lại vinh quang giả hiệu lại chóng qua và nhất thời, vì nó thường được xây dựng trên bạo lực hoặc những mưu đồ bất chính…Như thế chúng ta có thể nói rằng chỉ mình Thiên Chúa mới có vinh quang đích thật. Nhân loại chúng ta có được vinh quang là nhờ thông dự phần nào đó vào vinh quang của Thiên Chúa.
Chúa Kitô tỏ vinh quang để rồi tự hiến dâng mạng sống vì người mình yêu. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nhìn thấy vinh quang của Thầy chí thánh, một cách như bị thúc bách, Phêrô đã cất tiếng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Lc 9,33). Dường như Phêrô quên mất chính mình cũng như hai bạn đồng môn. Lịch sử minh chứng cho ta hay những tâm hồn nào càng kết hiệp thân tình với Thiên Chúa thì luôn quảng đại trao ban chính mình cho tha nhân. Chúng ta có thể kiểm chứng điều này nơi những con người được diễm phúc chiêm ngắm Chúa Giêsu, Mẹ Maria hiện ra đó đây theo dòng lịch sử. Có thể nói rằng tất thảy đều thay đổi cách diệu lạ, đều sống tự hiến cách phi thường. Và đây cũng là một trong những tiêu chí mà Giáo Hội dùng để kiếm tra các hiện tượng cho rằng Chúa, Mẹ hiện ra với người này, người kia. Hãy xem đời sống của những người ấy có đổi thay cách tích cực không, nghĩa là họ có quảng đại hiến thân vì tha nhân hơn không?
Mặt khác, chính khi tự hiến vì yêu thương thì vinh quang được hiển lộ. “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). Khi Giuđa ra đi để thực hiện âm mưu nộp Thầy thì đó “là lúc Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31). Thánh tông đồ dân ngoại khẳng định rằng khi Đức Kitô tự nguyện khước từ vinh quang danh dự của một vị Thiên Chúa, trở nên giống phàm nhân, mặc lấy thân nô lệ và hạ mình vâng lời chịu chết vì chúng ta thì được Thiên Chúa siêu tôn và tặng ban danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu (x.Pl 2,6-11).
Nhân loại xưa lẫn nay đều vinh danh những con người biết xả thân tự hiến vì đồng loại. Đó là các bậc vĩ nhân, là các anh hùng dân tộc và đặc biệt là những thánh nhân. Cần thừa nhận rằng vẫn có đó nhiều vinh quang giả tạo, nhất thời. Đó là những vinh quang vắng bóng sự tự hiến. Tìm kiếm vinh quang mà không biết hiến thân thì chỉ là ảo vọng. Trái lại nếu chúng ta chủ ý tự hiến để kiếm tìm vinh quang thì nhiều khi cũng gặp thất bại, nếu sự tự hiến ấy thiếu trong sáng trong ý hướng kiếm tìm. Như thế có thể nói vinh quang không phải là một tình trạng đến sau nhưng chính là ánh sáng huy hoàng của sự tự hiến. Đến đây chúng ta mới hiểu được vì sao “vinh quang của ta chính là thập giá Chúa Kitô”. Chúa Kitô đã được viên đại đội trưởng thi hành án nhìn nhận: “Người này đích thực là người công chính” ngay phút giây Người tắt thở trên cây thập giá (Lc 23,47). Và mầu nhiệm Phục Sinh không phải là sự vinh quang đến sau nhưng là một sự chứng thực cái vinh quang đã có nơi mầu nhiệm Tử Nạn.
Dưới cái nhìn đức tin, được vào vinh quang, dù lớn hay bé, tất thảy đều để hiến thân vì hạnh phúc tha nhân và qua đó làm rạng danh Thiên Chúa. Vinh quang ấy có thể là một thánh chức, có thể là một thừa tác vụ hay một bậc sống…Các Đức Giáo Hoàng khi được Hồng Y đoàn bầu vào vai trò vị trí kế vị thánh Phêrô hẳn nhiên đều ý thức là để làm tôi tớ các tôi tớ như Đức Kitô đến thế gian không phải để được hầu hạ nhưng để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x.Mt 20,28).
Điều cần lưu ý đó là đừng quá mong chờ vinh quang sẽ đến trong thời gian tại thế, sau khi chúng ta hiến thân vì tha nhân. Ước gì chúng ta không chỉ tin mà còn cảm nhận sự thật này đó là sự vinh quang đã có ngay trong chính hành vi tự hiến của chúng ta. Việc Chúa Giêsu biểu lộ vinh quang của Người trước khi chịu khổ hình không chỉ để động viên các môn đệ vững tin bước theo Người lên Giêrusalem mà còn khẳng định rằng chính khi người chịu khổ hình là Người được vinh quang. Thấy được hay cảm được sự vinh quang ngay trong sự tự hiến thì chắc chắn chúng ta sẽ can đảm bước theo Chúa Kitô để sống yêu thương cho đến cùng.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Sự thường khi nghe nói đến hai từ vinh quang, người ta dễ liên tưởng đến hai từ quyền lực. Bởi chưng, chuyện như nhãn tiền, đó là khi có quyền lực thì vinh quang ào tới, nhất là do bởi “thói đời” thích khúm núm, quỵ lụy, tâng bốc, tung hô người có lực, có quyền.
Vào Chúa Nhật II Mùa Chay cả ba năm A, B, C, các bài tin mừng Giáo Hội dọn cho đoàn tín hữu đều tường thuật cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Và chúng ta dễ nhận ra hữu ý của việc Chúa Giêsu tỏ bày vinh quang cho ba môn đệ thân tín, đó là để động viên tinh thần các vị trước khi Người lên Giêrusalem chịu tử nạn. Nội dung cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu với Môsê và Êlia chính là “cuộc xuất hành Chúa Giêsu sắp hoàn thành tại Giêrusalem”. Chúa Giêsu trước đó cũng đã công khai tiên báo cuộc khổ nạn Người sẽ chịu do bởi các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư gây ra và Người mời gọi những ai muốn theo Người thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo (x.Lc 9,22-26).
Vinh quang được xem là tình trạng có giá trị tinh thần cao, đáng được tôn kính và ái mộ. Tuy nhiên cũng cần phân biệt vinh quang thật và vinh quang giả hiệu. Vinh quang thật thì lâu bền vì được dệt xây bằng những hành vi tốt đẹp, chính đáng và cao cả. Trái lại vinh quang giả hiệu lại chóng qua và nhất thời, vì nó thường được xây dựng trên bạo lực hoặc những mưu đồ bất chính…Như thế chúng ta có thể nói rằng chỉ mình Thiên Chúa mới có vinh quang đích thật. Nhân loại chúng ta có được vinh quang là nhờ thông dự phần nào đó vào vinh quang của Thiên Chúa.
Chúa Kitô tỏ vinh quang để rồi tự hiến dâng mạng sống vì người mình yêu. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nhìn thấy vinh quang của Thầy chí thánh, một cách như bị thúc bách, Phêrô đã cất tiếng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Lc 9,33). Dường như Phêrô quên mất chính mình cũng như hai bạn đồng môn. Lịch sử minh chứng cho ta hay những tâm hồn nào càng kết hiệp thân tình với Thiên Chúa thì luôn quảng đại trao ban chính mình cho tha nhân. Chúng ta có thể kiểm chứng điều này nơi những con người được diễm phúc chiêm ngắm Chúa Giêsu, Mẹ Maria hiện ra đó đây theo dòng lịch sử. Có thể nói rằng tất thảy đều thay đổi cách diệu lạ, đều sống tự hiến cách phi thường. Và đây cũng là một trong những tiêu chí mà Giáo Hội dùng để kiếm tra các hiện tượng cho rằng Chúa, Mẹ hiện ra với người này, người kia. Hãy xem đời sống của những người ấy có đổi thay cách tích cực không, nghĩa là họ có quảng đại hiến thân vì tha nhân hơn không?
Mặt khác, chính khi tự hiến vì yêu thương thì vinh quang được hiển lộ. “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). Khi Giuđa ra đi để thực hiện âm mưu nộp Thầy thì đó “là lúc Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31). Thánh tông đồ dân ngoại khẳng định rằng khi Đức Kitô tự nguyện khước từ vinh quang danh dự của một vị Thiên Chúa, trở nên giống phàm nhân, mặc lấy thân nô lệ và hạ mình vâng lời chịu chết vì chúng ta thì được Thiên Chúa siêu tôn và tặng ban danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu (x.Pl 2,6-11).
Nhân loại xưa lẫn nay đều vinh danh những con người biết xả thân tự hiến vì đồng loại. Đó là các bậc vĩ nhân, là các anh hùng dân tộc và đặc biệt là những thánh nhân. Cần thừa nhận rằng vẫn có đó nhiều vinh quang giả tạo, nhất thời. Đó là những vinh quang vắng bóng sự tự hiến. Tìm kiếm vinh quang mà không biết hiến thân thì chỉ là ảo vọng. Trái lại nếu chúng ta chủ ý tự hiến để kiếm tìm vinh quang thì nhiều khi cũng gặp thất bại, nếu sự tự hiến ấy thiếu trong sáng trong ý hướng kiếm tìm. Như thế có thể nói vinh quang không phải là một tình trạng đến sau nhưng chính là ánh sáng huy hoàng của sự tự hiến. Đến đây chúng ta mới hiểu được vì sao “vinh quang của ta chính là thập giá Chúa Kitô”. Chúa Kitô đã được viên đại đội trưởng thi hành án nhìn nhận: “Người này đích thực là người công chính” ngay phút giây Người tắt thở trên cây thập giá (Lc 23,47). Và mầu nhiệm Phục Sinh không phải là sự vinh quang đến sau nhưng là một sự chứng thực cái vinh quang đã có nơi mầu nhiệm Tử Nạn.
Dưới cái nhìn đức tin, được vào vinh quang, dù lớn hay bé, tất thảy đều để hiến thân vì hạnh phúc tha nhân và qua đó làm rạng danh Thiên Chúa. Vinh quang ấy có thể là một thánh chức, có thể là một thừa tác vụ hay một bậc sống…Các Đức Giáo Hoàng khi được Hồng Y đoàn bầu vào vai trò vị trí kế vị thánh Phêrô hẳn nhiên đều ý thức là để làm tôi tớ các tôi tớ như Đức Kitô đến thế gian không phải để được hầu hạ nhưng để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x.Mt 20,28).
Điều cần lưu ý đó là đừng quá mong chờ vinh quang sẽ đến trong thời gian tại thế, sau khi chúng ta hiến thân vì tha nhân. Ước gì chúng ta không chỉ tin mà còn cảm nhận sự thật này đó là sự vinh quang đã có ngay trong chính hành vi tự hiến của chúng ta. Việc Chúa Giêsu biểu lộ vinh quang của Người trước khi chịu khổ hình không chỉ để động viên các môn đệ vững tin bước theo Người lên Giêrusalem mà còn khẳng định rằng chính khi người chịu khổ hình là Người được vinh quang. Thấy được hay cảm được sự vinh quang ngay trong sự tự hiến thì chắc chắn chúng ta sẽ can đảm bước theo Chúa Kitô để sống yêu thương cho đến cùng.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột