Đó Là Người Mạnh Nhất
(Chúa Nhật 7 TN C 2019)
Trong lời Kinh Tổng nguyện của Chúa Nhật 26 Thường Niên, Hội Thánh đã dâng lên Thiên Chúa những lời đặc biệt nầy : “Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả…” !
Nếu căn cứ theo lời kinh nguyện phụng vụ quan trọng nầy (Kinh Tổng Nguyện của Thánh lễ Chúa Nhật), thì “quyền năng Chúa” không phải “được biểu lộ tỏ tường nhất” qua những hành vi to lớn vĩ đại, những cuộc thần hiển uy hùng như ta vẫn tưởng :
- Cựu ước có “đại hồng thuỷ thời No-e”, có lửa đốt sạch thành Sô-đô-ma thời Ab-ra-ham, có những tai ương cả thể xảy ra cho toàn dân Ai Cập thời Mô-sê, có “núi Si-nai khói bốc, lửa dậy…”, có “Nước Biển Đỏ tách đôi thành hai bờ dựng đứng” để dân Ít-ra-en vượt qua về Đất hứa….
- Tân ước, với quyền năng của “Vị Thiên Chúa làm người” : “chỉ một tiếng dẹp yên sóng cả ba đào”, chỉ “5 chiếc bánh và 2 con cá đãi dư dật đám 5000 dân đang khát đói”, chỉ một lời quyền năng đẩy lùi phong cùi, bất toạ, đui, điếc, què, câm…và cả một đoàn quân thất kinh sấp mặt trong đêm vườn dầu…!
Nhưng lại “được biểu lộ cách tỏ tường hơn cả khi Chúa thương xót và thứ tha” !
Với não trạng và tâm thức chuộng cái “mã ngoài hoành tráng”, đánh giá giá trị theo tiêu chuẩn “to con lớn xác”, quyền lực sang giàu, chọc trời khuấy nước, công thành danh toại…, quả thật, cho dù là những kẻ có đức tin, chấp nhận chân lý trên về Thiên Chúa quả là không dễ dàng chút nào.
Thế nhưng, những gì Hội Thánh “ORANDI” cũng là những điều Hội Thánh “CREDENDI” (Lex orandi Lex credendi – Luật cầu nguyện là luật đức tin). Hội Thánh đã cầu nguyện “…khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả…”, thì chắc chắn, Hội Thánh xác tín rằng : những công trình vĩ đại nhất, cao cả nhất, quyền năng nhất mà Thiên Chúa thực hiện trong chương trình cứu rỗi con người, trong lịch sử nhân loại, đó chính là những việc thương xót và thứ tha.
Mà đúng vậy. Trong mọi công trình của Thiên Chúa, có công trình nào lớn cho bằng việc “Ngài đã thương ban Con Một” (Ga 3,16), một nghĩa cử vĩ đại nhất của thương xót và tha thứ, và cũng là việc “biểu lộ quyền năng cách tỏ tường nhất”.
Đó cũng chính là ý định, là con đường, là phương thế…mang tính “xuyên suốt” mà chúng ta có thể tìm thấy trong những lời dạy bảo của Thiên Chúa, ít nhất, ngay trong sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay.
Thật vậy, ngay từ Bài đọc 1, qua trích đoạn của sách Samuel quyển thứ nhất, tường thuật một hành vi “mã thượng” đầy “nhân ái khoan dung” của Đa-vít dành cho vua Sao-lê, một kẻ đang truy lùng để tiêu diệt Đa-vít, đã muốn gởi gắm chân lý nầy : điều làm cho Đa-vít trở nên một anh hùng, một vị Thánh vương, một con người vĩ đại…không phải là những trận chiến thắng lẫy lừng, những mạng sống quân thù bị ngài tiêu diệt…mà chính là tấm lòng đại lượng, khoan dung, nhân ái.
Chính vua Sao-lê đã cảm nhận tỏ tường cái vĩ đại, lớn lao, nhất là cái tiền đồ sán lạn của Đa-vít, ngang qua hành vi đại lượng, nhân ái nầy : “Đa-vít con cha ơi, con được chúc phúc ! Chắc chắn con sẽ làm việc lớn, và sẽ thành công” (1 Sm 26,25).
Rồi 1000 năm sau đó, một “hậu duệ của nhà Đa-vít”, chàng “Thợ mộc đến từ Na-da-rét”, Đức Giêsu-Kitô – Vị Thiên-Chúa-làm-người, đã trở thành người phát ngôn duy nhất và cũng “thẩm quyền nhất”, tái công bố một chân lý rõ ràng về Thiên Chúa để con người tin thờ và hành động theo ý Ngài : Thiên Chúa là Đấng nhân từ :
“… anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em Ðấng nhân từ…”.
Nếu Tin Mừng Luca là một trong 4 cuốn Tin Mừng có nội dung mang “dáng đứng của lòng thương xót”, thì quả thật những trích đoạn được công bố trong thánh lễ Chúa Nhật 7 thường niên hôm nay chính là những giáo huấn cụ thể và tiêu biểu nhất.
Đặc biệt, “Bài giảng trên cánh đồng” hôm nay của Luca phần nào tương hợp với “Bài giảng trên núi” của thánh sử Matthêô (Mt 5-7). Tuy nhiên, “điểm nhấn” của Luca, thay vì, như Matthêô : “Hãy hoàn thiện, vì Thiên Chúa là Đấng toàn thiện” (Mt 5,48), đã hướng tới “Hãy nhân từ vì Thiên Chúa là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Vâng, sự “toàn thiện” của Thiên Chúa cũng chính là “lòng nhân từ”; cho nên “Thiên Chúa là Đấng Thánh” (Lv 11,44) cũng có nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16)
Để áp dụng thực hành “lòng nhân từ” của Thiên Chúa hầu trở nên “con cái của Đấng Tối Cao”, trước hết Tin mừng Luca đề nghị một một thái độ, một chọn lựa, mà nếu nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Gaudete et Exsultate, đó là một sự “lội ngược dòng” : “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, …”.
Chân lý Tin Mừng nầy không chỉ đối nghịch lại cái xu hướng mang tính tâm lý của con người, nhưng còn “ngược chiều” với cả một “định chế văn hoá” từng chi phối khá lâu dài và phổ cập trong lịch sử của con người cả đông lẫn tây : “Văn hoá thù hận”.
Người Á đông thì khăng khăng : “Sát phụ thù bất cọng đái thiên” (Thù giết cha không đội trời chung). Chuyện thù hận, oan oan tương báo, xưa nay ngập tràn. Do thù hận mà dẫn tới cái chết thương tâm của đôi trai gái Romeo-Juliete (Bi kịch của Shakespeare viết từ thời Trung cổ năm 1594-1595) hay cái chết oan nghiệt của đại anh hùng Tiêu Phong và cô bạn A Tử tại Nhạn Môn Quan (Tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung : Thiên Long Bát bộ (Hay Lục Mạch thần kiếm)…
Trong khi đó, tại Việt nam chúng ta, ngoài đường, trong quán nhậu, nơi học đường…chỉ cần một “cái nhìn đểu”, một câu chửi thề, một lời nói không đâu…cũng có thể dẫn tới nhẹ nhất là cãi cọ đôi co, hơn tí là “sức đầu mẻ trán”, nặng là “tạt a-xít, cắt gân chân” và cuối cùng là “đi đứt cuộc đời” ! Chuyện kể tràn lan của báo đài trong mấy ngày Tết vừa qua hầu hết là như thế.
Không phải nhân loại không biết đến sự tai hại của hận thù. Nhà minh triết cổ thời của Rôma, Cicéron đã từng lưu ý : “Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”. Riêng Đức Khổng Tử đã lưu ý các học trò : “Trước khi lên đường báo thù, hãy đào hai cái huyệt”.
Thế nhưng, để có một con đường, một giải pháp đích thực hướng con người tới chân thiện, hoá giải hận thù, xây dựng nền văn minh tình thương, nhân loại phải chọn lựa Tin Mừng của Đức Kitô, Đấng là Đường, Sự Thật, Sự Sống, Đấng dạy chân lý và mặc khải chính sự thánh thiện của Thiên Chúa : Nhân từ - Yêu thương.
Với một loạt đề nghị thể hiện lòng nhân từ : “chúc lành…, cầu nguyện…., đưa má phải…, giao áo trong…, làm ơn…, không đòi của cho vay…, đừng xét đoán, lên án…, hãy tha thứ, hãy cho…”, quả thật cách ứng xử của Tin Mừng là cả một cuộc “lột xác”, một “hoán cải không ngừng”. Chắc chắn, vì sự đòi hỏi cấp thiết của công cuộc Tân Phúc Âm hoá cho thế giới hôm nay, cũng như để mọi người Kitô hữu có cơ hội nhiều hơn, trực tiếp hơn, cụ thể hơn… sống “chiều kích nhân từ” nầy của Tin Mừng, mà Hội Thánh đã lập ra “Năm Thánh Lòng Thương Xót” (2015-2016) : “Lòng Thương Xót chính là con đường mà nó gắn kết Thiên Chúa và con người lại với nhau, vì Lòng Thương Xót mở con tim ra cho niềm hy vọng trước việc chúng ta sẽ vẫn được yêu thương mãi mãi, bất chấp sự giới hạn vì tội lỗi của chúng ta.” (Tông sắc Dung nhan lòng thương xót, số 2).
Cho dù là một sự “lội ngược dòng” trong một thế giới tục hoá, thì sự chọn lựa sống yêu thương, nhân từ luôn là một “dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa”, dấu chỉ “mang ảnh hình của A-dam đến từ thượng giới” (Bđ2, Thư Cô-rin-tô).
Và chắc chắn một điều : chỉ với con đường “mới mẻ của Tin Mừng” nầy mới mong đẩy lùi nền “văn hoá oán thù”, nền “văn mình sự chết”, như cách định nghĩ của Michel Quoist : “Hành động duy nhất có thể làm đứt đoạn dây chuyền bạo lực, đó là tha thứ và yêu thương. Ai dám đưa cả má trái mình ra, đó là người mạnh nhất.”
Giuse Trương Đình Hiền
(Chúa Nhật 7 TN C 2019)
Trong lời Kinh Tổng nguyện của Chúa Nhật 26 Thường Niên, Hội Thánh đã dâng lên Thiên Chúa những lời đặc biệt nầy : “Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả…” !
Nếu căn cứ theo lời kinh nguyện phụng vụ quan trọng nầy (Kinh Tổng Nguyện của Thánh lễ Chúa Nhật), thì “quyền năng Chúa” không phải “được biểu lộ tỏ tường nhất” qua những hành vi to lớn vĩ đại, những cuộc thần hiển uy hùng như ta vẫn tưởng :
- Cựu ước có “đại hồng thuỷ thời No-e”, có lửa đốt sạch thành Sô-đô-ma thời Ab-ra-ham, có những tai ương cả thể xảy ra cho toàn dân Ai Cập thời Mô-sê, có “núi Si-nai khói bốc, lửa dậy…”, có “Nước Biển Đỏ tách đôi thành hai bờ dựng đứng” để dân Ít-ra-en vượt qua về Đất hứa….
- Tân ước, với quyền năng của “Vị Thiên Chúa làm người” : “chỉ một tiếng dẹp yên sóng cả ba đào”, chỉ “5 chiếc bánh và 2 con cá đãi dư dật đám 5000 dân đang khát đói”, chỉ một lời quyền năng đẩy lùi phong cùi, bất toạ, đui, điếc, què, câm…và cả một đoàn quân thất kinh sấp mặt trong đêm vườn dầu…!
Nhưng lại “được biểu lộ cách tỏ tường hơn cả khi Chúa thương xót và thứ tha” !
Với não trạng và tâm thức chuộng cái “mã ngoài hoành tráng”, đánh giá giá trị theo tiêu chuẩn “to con lớn xác”, quyền lực sang giàu, chọc trời khuấy nước, công thành danh toại…, quả thật, cho dù là những kẻ có đức tin, chấp nhận chân lý trên về Thiên Chúa quả là không dễ dàng chút nào.
Thế nhưng, những gì Hội Thánh “ORANDI” cũng là những điều Hội Thánh “CREDENDI” (Lex orandi Lex credendi – Luật cầu nguyện là luật đức tin). Hội Thánh đã cầu nguyện “…khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả…”, thì chắc chắn, Hội Thánh xác tín rằng : những công trình vĩ đại nhất, cao cả nhất, quyền năng nhất mà Thiên Chúa thực hiện trong chương trình cứu rỗi con người, trong lịch sử nhân loại, đó chính là những việc thương xót và thứ tha.
Mà đúng vậy. Trong mọi công trình của Thiên Chúa, có công trình nào lớn cho bằng việc “Ngài đã thương ban Con Một” (Ga 3,16), một nghĩa cử vĩ đại nhất của thương xót và tha thứ, và cũng là việc “biểu lộ quyền năng cách tỏ tường nhất”.
Đó cũng chính là ý định, là con đường, là phương thế…mang tính “xuyên suốt” mà chúng ta có thể tìm thấy trong những lời dạy bảo của Thiên Chúa, ít nhất, ngay trong sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay.
Thật vậy, ngay từ Bài đọc 1, qua trích đoạn của sách Samuel quyển thứ nhất, tường thuật một hành vi “mã thượng” đầy “nhân ái khoan dung” của Đa-vít dành cho vua Sao-lê, một kẻ đang truy lùng để tiêu diệt Đa-vít, đã muốn gởi gắm chân lý nầy : điều làm cho Đa-vít trở nên một anh hùng, một vị Thánh vương, một con người vĩ đại…không phải là những trận chiến thắng lẫy lừng, những mạng sống quân thù bị ngài tiêu diệt…mà chính là tấm lòng đại lượng, khoan dung, nhân ái.
Chính vua Sao-lê đã cảm nhận tỏ tường cái vĩ đại, lớn lao, nhất là cái tiền đồ sán lạn của Đa-vít, ngang qua hành vi đại lượng, nhân ái nầy : “Đa-vít con cha ơi, con được chúc phúc ! Chắc chắn con sẽ làm việc lớn, và sẽ thành công” (1 Sm 26,25).
Rồi 1000 năm sau đó, một “hậu duệ của nhà Đa-vít”, chàng “Thợ mộc đến từ Na-da-rét”, Đức Giêsu-Kitô – Vị Thiên-Chúa-làm-người, đã trở thành người phát ngôn duy nhất và cũng “thẩm quyền nhất”, tái công bố một chân lý rõ ràng về Thiên Chúa để con người tin thờ và hành động theo ý Ngài : Thiên Chúa là Đấng nhân từ :
“… anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em Ðấng nhân từ…”.
Nếu Tin Mừng Luca là một trong 4 cuốn Tin Mừng có nội dung mang “dáng đứng của lòng thương xót”, thì quả thật những trích đoạn được công bố trong thánh lễ Chúa Nhật 7 thường niên hôm nay chính là những giáo huấn cụ thể và tiêu biểu nhất.
Đặc biệt, “Bài giảng trên cánh đồng” hôm nay của Luca phần nào tương hợp với “Bài giảng trên núi” của thánh sử Matthêô (Mt 5-7). Tuy nhiên, “điểm nhấn” của Luca, thay vì, như Matthêô : “Hãy hoàn thiện, vì Thiên Chúa là Đấng toàn thiện” (Mt 5,48), đã hướng tới “Hãy nhân từ vì Thiên Chúa là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Vâng, sự “toàn thiện” của Thiên Chúa cũng chính là “lòng nhân từ”; cho nên “Thiên Chúa là Đấng Thánh” (Lv 11,44) cũng có nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16)
Để áp dụng thực hành “lòng nhân từ” của Thiên Chúa hầu trở nên “con cái của Đấng Tối Cao”, trước hết Tin mừng Luca đề nghị một một thái độ, một chọn lựa, mà nếu nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Gaudete et Exsultate, đó là một sự “lội ngược dòng” : “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, …”.
Chân lý Tin Mừng nầy không chỉ đối nghịch lại cái xu hướng mang tính tâm lý của con người, nhưng còn “ngược chiều” với cả một “định chế văn hoá” từng chi phối khá lâu dài và phổ cập trong lịch sử của con người cả đông lẫn tây : “Văn hoá thù hận”.
Người Á đông thì khăng khăng : “Sát phụ thù bất cọng đái thiên” (Thù giết cha không đội trời chung). Chuyện thù hận, oan oan tương báo, xưa nay ngập tràn. Do thù hận mà dẫn tới cái chết thương tâm của đôi trai gái Romeo-Juliete (Bi kịch của Shakespeare viết từ thời Trung cổ năm 1594-1595) hay cái chết oan nghiệt của đại anh hùng Tiêu Phong và cô bạn A Tử tại Nhạn Môn Quan (Tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung : Thiên Long Bát bộ (Hay Lục Mạch thần kiếm)…
Trong khi đó, tại Việt nam chúng ta, ngoài đường, trong quán nhậu, nơi học đường…chỉ cần một “cái nhìn đểu”, một câu chửi thề, một lời nói không đâu…cũng có thể dẫn tới nhẹ nhất là cãi cọ đôi co, hơn tí là “sức đầu mẻ trán”, nặng là “tạt a-xít, cắt gân chân” và cuối cùng là “đi đứt cuộc đời” ! Chuyện kể tràn lan của báo đài trong mấy ngày Tết vừa qua hầu hết là như thế.
Không phải nhân loại không biết đến sự tai hại của hận thù. Nhà minh triết cổ thời của Rôma, Cicéron đã từng lưu ý : “Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”. Riêng Đức Khổng Tử đã lưu ý các học trò : “Trước khi lên đường báo thù, hãy đào hai cái huyệt”.
Thế nhưng, để có một con đường, một giải pháp đích thực hướng con người tới chân thiện, hoá giải hận thù, xây dựng nền văn minh tình thương, nhân loại phải chọn lựa Tin Mừng của Đức Kitô, Đấng là Đường, Sự Thật, Sự Sống, Đấng dạy chân lý và mặc khải chính sự thánh thiện của Thiên Chúa : Nhân từ - Yêu thương.
Với một loạt đề nghị thể hiện lòng nhân từ : “chúc lành…, cầu nguyện…., đưa má phải…, giao áo trong…, làm ơn…, không đòi của cho vay…, đừng xét đoán, lên án…, hãy tha thứ, hãy cho…”, quả thật cách ứng xử của Tin Mừng là cả một cuộc “lột xác”, một “hoán cải không ngừng”. Chắc chắn, vì sự đòi hỏi cấp thiết của công cuộc Tân Phúc Âm hoá cho thế giới hôm nay, cũng như để mọi người Kitô hữu có cơ hội nhiều hơn, trực tiếp hơn, cụ thể hơn… sống “chiều kích nhân từ” nầy của Tin Mừng, mà Hội Thánh đã lập ra “Năm Thánh Lòng Thương Xót” (2015-2016) : “Lòng Thương Xót chính là con đường mà nó gắn kết Thiên Chúa và con người lại với nhau, vì Lòng Thương Xót mở con tim ra cho niềm hy vọng trước việc chúng ta sẽ vẫn được yêu thương mãi mãi, bất chấp sự giới hạn vì tội lỗi của chúng ta.” (Tông sắc Dung nhan lòng thương xót, số 2).
Cho dù là một sự “lội ngược dòng” trong một thế giới tục hoá, thì sự chọn lựa sống yêu thương, nhân từ luôn là một “dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa”, dấu chỉ “mang ảnh hình của A-dam đến từ thượng giới” (Bđ2, Thư Cô-rin-tô).
Và chắc chắn một điều : chỉ với con đường “mới mẻ của Tin Mừng” nầy mới mong đẩy lùi nền “văn hoá oán thù”, nền “văn mình sự chết”, như cách định nghĩ của Michel Quoist : “Hành động duy nhất có thể làm đứt đoạn dây chuyền bạo lực, đó là tha thứ và yêu thương. Ai dám đưa cả má trái mình ra, đó là người mạnh nhất.”
Giuse Trương Đình Hiền