Abu Dhabi, Đài tưởng niệm vị lập quốc

Ngày 4 tháng 2 năm 2019


As-salāmu alaykum! Bình an ở cùng anh em!

Tôi chân thành cảm ơn Thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan và Tiến sĩ Ahmad Al-Tayyib, Đại Imam của Đại Học Al-Azhar, vì những lời chào của chư vị. Tôi biết ơn Hội đồng trưởng lão về cuộc gặp gỡ vừa qua tại Đại Đền Thờ Hồi giáo Vua Zayed.

Tôi thân ái gởi lời chào đến các nhà chức trách dân sự và tôn giáo và ngoại giao đoàn. Cho phép tôi cũng chân thành cám ơn các bạn vì sự chào đón nồng nhiệt mà các bạn đã dành cho tôi và phái đoàn của tôi.

Tôi cũng cám ơn tất cả những người đã góp phần để chuyến đi này có thể thực hiện được và những người đã làm việc với sự tận tâm, nhiệt tình và chuyên nghiệp cho sự kiện này: các nhà tổ chức, những người trong Văn phòng Nghi Lễ, các nhân viên an ninh và tất cả những người đã đóng góp theo nhiều cách khác nhau “trong hậu trường”. Một lời cám ơn đặc biệt xin được gởi đến ông Mohamed Abdel Salam, cựu Cố vấn của Đại Imam.

Từ đất nước của các bạn, suy nghĩ của tôi hướng đến tất cả các quốc gia trên bán đảo này. Tôi xin gửi lời chào thân ái nhất đến họ, trong tình bạn và lòng quý trọng.

Với tấm lòng biết ơn Chúa, trong năm kỷ niệm tám thế kỷ cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phanxicô Assisi và Quốc vương al-Malik al Kāmil, tôi đã đón lấy cơ hội được đến đây như một tín hữu khao khát hòa bình, như một người anh em tìm kiếm hòa bình với những người anh em khác. Chúng ta hiện diện ở đây để mong muốn hòa bình, thúc đẩy hòa bình, và trở thành công cụ của hòa bình.

Logo của chuyến viếng thăm này mô tả một con chim bồ câu với một nhánh ô liu. Đó là một hình ảnh gợi lại một câu chuyện - có trong các truyền thống tôn giáo khác nhau - về trận lụt đại hồng thủy. Theo tường thuật của Kinh thánh, để bảo vệ loài người khỏi họa diệt vong, Thiên Chúa đã bảo ông Nô-ê đi vào con tàu cùng với gia đình. Ngày nay, chúng ta cũng vậy, khi nhân danh Thiên Chúa, để bảo vệ hòa bình, chúng ta cần phải cùng nhau trở thành một gia đình trong một con tàu có thể lướt qua biển thế gian đầy giông bão này: đó là con tàu của tình huynh đệ.

Điểm xuất phát là sự thừa nhận rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của một gia đình nhân loại. Người là Đấng Tạo Dựng muôn loài và tất cả nhân loại chúng ta. Người muốn chúng ta sống như anh chị em với nhau, trong ngôi nhà chung của sáng tạo mà Người đã ban cho chúng ta. Tình huynh đệ được thiết lập ở đây nằm ở những căn cội của nhân loại chung của chúng ta, như “một ơn gọi được bao gồm trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa”. [1] Điều này cho chúng ta biết rằng tất cả mọi người đều có nhân phẩm như nhau và không ai có thể là chủ tể hay nô lệ của người khác.

Chúng ta không thể tôn vinh Đấng Tạo Hóa mà không trân trọng sự thánh thiêng của mỗi người và của mỗi cuộc sống con người: mỗi người đều quý giá như nhau trong mắt của Thiên Chúa, là Đấng không nhìn vào gia đình nhân loại với một ánh mắt ưu tiên người này loại trừ người khác, nhưng với một ánh mắt nhân từ bao gồm tất cả mọi người. Khi chúng ta nhìn nhận mỗi con người đều có các quyền như nhau là chúng ta tôn vinh danh Chúa trên trái đất này. Như thế, nhân danh Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, mọi hình thức bạo lực phải bị lên án không chút do dự, bởi vì chúng ta báng bổ danh Chúa một cách nghiêm trọng khi chúng ta sử dụng danh ấy để biện minh cho sự thù hận và bạo lực đối với anh chị em mình. Không có bạo lực nào có thể được biện minh nhân danh tôn giáo.

Kẻ thù của tình huynh đệ là một thứ chủ nghĩa cá nhân được diễn dịch thành những mong muốn khẳng định bản thân và phe nhóm riêng mình trên những người khác. Mối nguy hiểm này đe dọa tất cả các khía cạnh của cuộc sống, ngay cả đặc ân bẩm sinh cao nhất của con người, là sự cởi mở với siêu việt và lòng đạo đức. Lòng đạo đức chân chính bao gồm yêu mến Chúa với tất cả trái tim và yêu mến người lân cận như chính mình. Do đó, hành vi tôn giáo cần liên tục được thanh tẩy khỏi cơn cám dỗ liên tục tái diễn là đánh giá những người khác như các kẻ thù và đối thủ. Mỗi hệ thống niềm tin được kêu gọi để vượt qua sự phân chia giữa bạn bè và kẻ thù, ngõ hầu có thể đưa ra viễn ảnh thiên đàng, nơi đón nhận mọi người một cách bình đẳng không phân biệt đối xử.

Tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao về sự dấn thân của quốc gia này đối với lòng bao dung và việc bảo đảm tự do thờ phượng, để đương đầu với chủ nghĩa cực đoan và thù hận. Ngay cả quyền tự do cơ bản là được tuyên xưng niềm tin của mình cũng được đề cao - quyền tự do này là một yêu cầu nội tại đối với sự nhìn nhận chính mình của con người - chúng ta cần phải cảnh giác sao cho tôn giáo không thể bị công cụ hóa và phủ nhận chính nó khi cho phép bạo lực và khủng bố.

Tình huynh đệ chắc chắn “cũng bao hàm sự đa dạng và khác biệt giữa anh chị em, mặc dù họ được liên kết với nhau bởi huyết thống và có cùng bản chất và phẩm giá”. [2] Tôn giáo đa nguyên là một biểu hiện của điều này; trong bối cảnh như vậy, thái độ đúng đắn không phải là sự đồng nhất bắt buộc cũng không phải là sự đánh đồng cá mè một lứa. Những gì chúng ta được kêu gọi trong tư cách các tín hữu là dấn thân cho phẩm giá bình đẳng của tất cả mọi người, nhân danh Đấng Giàu Lòng Thương Xót đã tạo ra chúng ta và vì danh Người sự hòa giải các cuộc xung đột và tình huynh đệ trong sự đa dạng cần phải được tìm kiếm. Ở đây tôi muốn tái khẳng định niềm tin của Giáo Hội Công Giáo rằng: “Chúng ta không thể thực sự kêu cầu Thiên Chúa, Cha của tất cả, nếu chúng ta từ chối đối xử trong tình anh em với bất kỳ người nào, được tạo ra như hình ảnh của Thiên Chúa.” [3 ]

Tuy nhiên, chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn nạn khác nhau: làm thế nào chúng ta có thể chăm sóc lẫn nhau trong một gia đình nhân loại? Làm thế nào chúng ta có thể nuôi dưỡng một tình huynh đệ không phải là lý thuyết mà được chuyển dịch thành một tình anh em đích thực? Làm sao sự bao gồm người khác có thể thắng thế được trước khuynh hướng loại trừ người ta nhân danh phe nhóm của riêng mình? Nói tóm lại, làm thế nào các tôn giáo có thể là những kênh của tình huynh đệ chứ không phải là những rào cản của sự phân cách?

Gia đình nhân loại và sự can đảm của lòng vị tha

Nếu chúng ta tin vào sự tồn tại của gia đình nhân loại, thì gia đình ấy phải được chăm sóc. Như trong mọi gia đình, điều này xảy ra trên tất cả thông qua một cuộc đối thoại hàng ngày và hiệu quả. Điều này giả định rằng việc có bản sắc riêng phải được trân trọng chứ không buộc phải từ bỏ để làm hài lòng người khác. Nhưng đồng thời, nó đòi hỏi sự can đảm của lòng vị tha, [4] liên quan đến sự thừa nhận đầy đủ người khác và quyền tự do của người ấy, và hệ quả là cam kết hành xử sao cho các quyền cơ bản của người khác luôn được khẳng định, ở mọi nơi và bởi mọi người. Không có tự do, chúng ta không còn là con cái của gia đình nhân loại, mà là nô lệ. Một phần của tự do đó, mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây, là tự do tôn giáo. Nó không bị giới hạn trong việc tự do thờ phượng nhưng phải tiến xa hơn để có thể nhìn thấy người kia thực sự là anh chị em, là con cái của chính gia đình nhân loại của tôi, mà Thiên Chúa đã cho được tự do và vì thế, không định chế nào của con người có thể ép buộc, ngay cả bằng cách nại đến danh Thiên Chúa.

Đối thoại và cầu nguyện

Sự can đảm của lòng vị tha là trung tâm của cuộc đối thoại, dựa trên sự chân thành của các ý hướng. Đối thoại trong thực tế bị phương hại bởi định kiến, là điều làm tăng khoảng cách và sự nghi ngờ: chúng ta không thể tuyên bố tình huynh đệ và sau đó hành động một cách ngược lại. Theo một tác giả hiện đại, “Một người lừa dối chính mình và lắng nghe lời dối trá của mình sẽ đi đến mức không còn có thể phân biệt được sự thật trong anh ta, hoặc xung quanh anh ta, và vì vậy mất hết sự tôn trọng đối với bản thân và người khác”. [5]

Trên hết, cầu nguyện là điều cần thiết: lời cầu nguyện với ý định chân thành vừa hóa thân thành lòng can đảm vị tha vì danh Chúa, vừa giúp thanh tẩy tâm hồn khỏi tự quy hướng vào chính mình. Lời cầu nguyện của con tim phục hồi tình huynh đệ. Do đó, “đối với tương lai của cuộc đối thoại liên tôn, điều đầu tiên chúng ta phải làm là cầu nguyện và cầu nguyện cho nhau vì chúng ta là anh chị em với nhau! Không có Chúa, không có gì là có thể; có Ngài, mọi thứ trở nên có thể! Cầu xin cho lời cầu nguyện của chúng ta - mỗi người theo truyền thống của riêng mình – tùng phục hoàn toàn thánh ý Chúa, là Đấng muốn tất cả những người nam nữ nhận ra họ là anh chị em với nhau và sống như vậy để tạo thành một gia đình nhân loại vĩ đại trong sự hài hòa của sự đa dạng”. [6]

Không có lựa chọn nào khác: chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng tương lai hoặc sẽ không có tương lai nào cả. Cách riêng, các tôn giáo không thể từ bỏ nhiệm vụ cấp bách là xây dựng những cầu nối giữa các dân tộc và các nền văn hóa. Đã đến lúc các tôn giáo nên tích cực hơn, với lòng can đảm và táo bạo, không định kiến, để giúp gia đình nhân loại tăng cường khả năng hòa giải, mở rộng tầm nhìn của hy vọng và con đường hòa bình cụ thể.

Giáo dục và Công lý

Giờ đây, chúng ta hãy trở lại với hình ảnh ban đầu của chim bồ câu hòa bình. Hòa bình, để bay được, cần đôi cánh nâng đỡ nó: đôi cánh của giáo dục và công lý.

Giáo dục - trong tiếng Latin có nghĩa là “trích ra, rút ra” - là mang lại ánh sáng chiếu soi các tài nguyên quý giá của tâm hồn. Thật khích lệ khi nhận thấy rằng các khoản đầu tư ở đất nước này đang được thực hiện không chỉ trong việc khai thác các tài nguyên của trái đất, mà còn là các tài nguyên thuộc về tâm hồn, trong việc giáo dục giới trẻ. Đó là một dấn thân mà tôi hy vọng sẽ được tiếp tục và lan rộng ở nơi khác. Giáo dục cũng xảy ra trong một mối quan hệ, trong sự hỗ tương. Bên cạnh câu châm ngôn cổ đại nổi tiếng “hãy tự biết chính mình”, chúng ta cũng phải đề cao “hãy biết đến anh chị em mình”: hãy biết đến lịch sử, văn hóa và đức tin của họ, bởi vì chúng ta không thể biết bản thân mình thực sự nếu không biết đến người khác. Là con người, và hơn thế nữa là anh chị em với nhau, chúng ta hãy nhắc nhở nhau rằng không có gì thuộc về con người có thể còn xa lạ với chúng ta. [7] Điều quan trọng đối với tương lai là việc hình thành những bản sắc mở có khả năng vượt qua cám dỗ quy hướng vào chính mình và trở nên cứng nhắc.

Đầu tư vào văn hóa kích thích sự giảm bớt hận thù, tăng trưởng văn minh và thịnh vượng. Giáo dục và bạo lực tỷ lệ nghịch với nhau. Các trường Công Giáo - được đánh giá cao ở đất nước này và trong khu vực - thúc đẩy một nền giáo dục như thế nhân danh hòa bình và sự hiểu biết lẫn nhau để ngăn chặn bạo lực.

Những người trẻ tuổi, những người thường bị bao vây bởi những thông điệp tiêu cực và tin giả, cần phải học cách đừng đầu hàng trước quyến rũ của chủ nghĩa duy vật, thù hận và định kiến. Họ cần học cách phản đối bất công và cả những kinh nghiệm đau đớn trong quá khứ. Họ cần học cách bảo vệ quyền của người khác bằng chính năng lực mà họ bỏ ra để bảo vệ quyền của mình. Một ngày nào đó, họ sẽ là những người đánh giá chúng ta. Họ sẽ đánh giá cao chúng ta, nếu chúng ta đã cho họ một nền tảng vững chắc để tạo ra những cuộc gặp gỡ văn minh mới. Họ sẽ đánh giá thấp chúng ta, nếu chúng ta chỉ để lại cho họ những ảo ảnh và viễn ảnh trống rỗng của những xung đột man rợ có hại.

Công lý là cánh thứ hai của hòa bình, thường bị tổn hại bởi các sự kiện đơn lẻ, nhưng dần dần bị ăn mòn đi bởi căn bệnh ung thư bất công.

Do đó, không ai có thể tin vào Chúa mà không tìm cách sống công bằng với mọi người, theo Nguyên tắc Vàng: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.” (Mt 7:12).

Hòa bình và công lý không thể tách rời! Tiên tri Isaia nói: “Sự nghiệp của đức công minh sẽ là hoà bình” (32:17). Hòa bình chết khi nó tách khỏi công lý, nhưng công lý là sai lầm nếu nó không phải là phổ quát. Một thứ công lý chỉ dành cho các thành viên trong gia đình, cho những đồng bào của mình, cho các tín đồ của cùng một niềm tin là một thứ công lý khập khiễng; đó là một sự bất công trá hình!

Các tôn giáo trên thế giới cũng có nhiệm vụ nhắc nhở chúng ta rằng tham lam lợi nhuận khiến trái tim trở nên vô hồn và những luật lệ thị trường hiện tại, đòi hỏi mọi thứ ngay lập tức, không mang lại lợi ích cho cuộc gặp gỡ, đối thoại, gia đình - là những khía cạnh thiết yếu của cuộc sống đòi hỏi phải có thời gian và sự kiên nhẫn. Các tôn giáo nên là tiếng nói của những người bé mọn, những người không phải là các con số thống kê nhưng là anh chị em với chúng ta, và các tôn giáo phải đứng về phía người nghèo. Các tôn giáo nên tiếp tục theo dõi như những tuần canh của tình huynh đệ trong đêm dài xung đột. Các tôn giáo nên là những lời cảnh tỉnh trước nhân loại đừng nhắm mắt làm ngơ trước bất công và không bao giờ cam chịu trước quá nhiều những bi kịch trên thế giới.

Sa mạc nở hoa

Nói về tình huynh đệ như con tàu Nô-ê của hòa bình, tôi muốn lấy cảm hứng từ hình ảnh thứ hai, đó là sa mạc bao quanh chúng ta.

Ở đây, chỉ trong vài năm, với tầm nhìn xa và khôn ngoan, sa mạc đã được biến thành một nơi thịnh vượng và hiếu khách. Từ một trở ngại không thể chấp nhận và không thể tiếp cận, sa mạc đã trở thành nơi gặp gỡ giữa các nền văn hóa và tôn giáo. Ở đây sa mạc đã nở hoa, không chỉ vài ngày trong năm, nhưng còn trong nhiều năm tới. Đất nước này, trong đó cát và các tòa nhà chọc trời gặp nhau, tiếp tục là một ngã tư quan trọng giữa Tây và Đông, giữa Bắc và Nam của hành tinh: tiếp tục là một nơi phát triển, nơi từng là những không gian khắc nghiệt nay đang cung cấp việc làm cho người dân của các quốc gia khác nhau.

Tuy nhiên, sự phát triển cũng có những đối thủ của nó. Nếu kẻ thù của tình huynh đệ là chủ nghĩa cá nhân được đề cập ở trên, thì tôi cũng muốn nêu bật sự thờ ơ như một trở ngại cho sự phát triển, sự thờ ơ đó chung cuộc chuyển đổi thực tại hưng thịnh thành những vùng đất sa mạc. Trong thực tế, một sự phát triển hoàn toàn thực dụng không thể cung cấp tiến bộ thực sự và lâu dài. Chỉ có một sự phát triển toàn diện và mạch lạc mới cung cấp một tương lai xứng đáng với con người. Sự thờ ơ ngăn cản chúng ta nhìn thấy cộng đồng nhân loại xa hơn là những thu nhập của nó; và khiến chúng ta không thể nhìn anh chị em của mình xa hơn những công việc họ làm. Sự thờ ơ, trong thực tế, không nhìn về tương lai. Nó không quan tâm đến tương lai của kỳ công sáng tạo, nó không quan tâm đến phẩm giá của người lạ và tương lai của trẻ em.

Trong bối cảnh này, tôi rất vui mừng khi ở đây tại Abu Dhabi vào tháng 11 năm ngoái, Diễn đàn đầu tiên về Liên minh liên tôn cho các Cộng đồng An toàn hơn đã diễn ra, với chủ đề là phẩm giá trẻ em trong thế giới kỹ thuật số. Sự kiện này gợi lại một thông điệp được đưa ra một năm trước tại Rôma trong một đại hội quốc tế có cùng chủ đề, một đại hội mà tôi đã nhiệt thành hỗ trợ và khuyến khích. Do đó, tôi cám ơn tất cả các nhà lãnh đạo đã tham gia vào lĩnh vực này và tôi bảo đảm với họ về sự ủng hộ, tình đoàn kết và tham gia của tôi và của Giáo hội Công giáo, trong chính nghĩa rất quan trọng này là bảo vệ trẻ vị thành niên dưới mọi hình thức.

Ở đây, trong vùng đất sa mạc này, một cách phát triển hiệu quả đã được mở ra, bắt đầu từ việc tạo công ăn việc làm, mang lại hy vọng cho nhiều người từ nhiều quốc gia, và từ nhiều nền văn hóa và tín ngưỡng. Trong số đó, cũng có nhiều Kitô hữu, những người đã hiện diện trong khu vực này từ nhiều thế kỷ, đã tìm thấy cơ hội và đóng góp đáng kể cho sự phát triển và phồn vinh của đất nước. Ngoài các kỹ năng chuyên nghiệp, họ mang đến cho các bạn sự chân thực trong đức tin của họ. Sự tôn trọng và khoan dung mà họ gặp gỡ, cũng như những nơi thờ phượng cần thiết là nơi họ cầu nguyện, và là nơi họ có thể trưởng thành về mặt tâm linh, sau đó mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Tôi khuyến khích các bạn tiếp tục đi trên con đường này, để những người sống ở đây hoặc đi qua có thể lưu giữ không chỉ hình ảnh của những công trình vĩ đại được dựng lên trên sa mạc, mà còn là hình ảnh của một quốc gia bao dung và chào đón tất cả mọi người.

Với tinh thần này, tôi mong muốn có cơ hội được gặp gỡ cụ thể, không chỉ ở đây mà trong toàn bộ khu vực yêu dấu, là tâm điểm của Trung Đông này. Tôi mong muốn các xã hội nơi những người có tín ngưỡng khác nhau có quyền công dân như nhau và là nơi quyền ấy chỉ bị tước mất [khi đương sự dự phần] trong trường hợp bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào.

Một cuộc sống huynh đệ với nhau, được xây dựng dựa trên giáo dục và công lý; một sự phát triển nhân bản được xây dựng dựa trên sự bao gồm chào đón, và trên quyền của tất cả mọi người là những hạt giống của hòa bình mà các tôn giáo trên thế giới được kêu gọi để giúp phát triển. Có lẽ chưa bao giờ, trong tình huống lịch sử tế nhị này, một nhiệm vụ không thể trì hoãn của các tôn giáo là góp phần phi quân sự hóa trái tim con người. Cuộc chạy đua vũ trang, việc mở rộng tầm ảnh hưởng của nó, các chính sách gây hấn gây phương hại cho người khác sẽ không bao giờ mang lại sự ổn định. Chiến tranh không thể tạo ra bất cứ điều gì ngoài sự khốn khổ, vũ khí không mang lại điều gì ngoài cái chết!

Tình huynh đệ nhân loại đòi hỏi chúng ta, với tư cách là đại diện của các tôn giáo trên thế giới, nghĩa vụ phải từ chối mọi sắc thái tán thành từ ngữ “chiến tranh”. Chúng ta hãy trả nó lại cho sự thô lỗ khốn khổ của nó. Những hậu quả định mệnh của nó đang bày ra trước mắt chúng ta. Tôi đang nghĩ đặc biệt đến Yemen, Syria, Iraq và Libya. Cùng nhau, như anh chị em trong một gia đình nhân loại tuân theo thánh ý Thiên Chúa, chúng ta hãy chống lại luận lý của sức mạnh vũ trang, chống lại việc kiếm tiền từ các mối quan hệ, từ việc vũ trang biên giới, nâng cao các tường thành, và bịt miệng người nghèo. Chúng ta hãy phản đối tất cả những điều này với sức mạnh ngọt ngào của lời cầu nguyện và với cam kết đối thoại hàng ngày. Việc chúng ta ở bên nhau hôm nay là một thông điệp của tin cậy, một sự khích lệ cho tất cả những người thiện chí, để họ không thể đầu hàng trước những cơn hồng thủy bạo lực và sự sa mạc hóa lòng vị tha. Thiên Chúa ở cùng với những ai tìm kiếm hòa bình. Từ thiên đàng, Ngài chúc phúc cho mỗi bước tiến được thực hiện dưới thế trên con đường này.

Cám ơn tất cả các bạn.

[1] Đức Bênêđíctô XVI, Diễn từ trước các tân Đại sứ cạnh Tòa thánh, ngày 16 tháng 12 năm 2010.

[2] Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới, 1 tháng Giêng năm 2015, 2.

[3] Công Đồng Vatican II, Tuyên bố về mối quan hệ của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo - Nostra Aetate, 5.

[4] x. Diễn từ trước các tham dự viên tại Hội nghị quốc tế vì hòa bình, Trung tâm hội nghị Al-Azhar, Cairo, 28 tháng 4 năm 2017.

[5] F. M. Dostoyevsky, Anh em nhà Karamazov, II, 2.

[6] Diễn từ trong buổi tiếp kiến chung dành cho hội nghị liên tôn, ngày 28 tháng 10 năm 2015.

[7] X. Terence, Heautontimorumenos (Người tự tra tấn mình) I, 1, 25.


Source:Vatican News