CÂU 2: THIÊN CHÚA LÀ AI?

Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau chia sẽ về vấn nạn Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ và con người với một kế hoạch đã định trước. Tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau chia sẽ về Thiên Chúa của chúng ta: Ngài là ai?
Trong cuốn DOCAT, các ban sẽ đọc thấy câu trả lời như sau:
Chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa là khởi nguyên của muôn vật, muôn loài hiện hữu. Ngài là căn nguyên đầu tiên và nền tảng tối thượng của tất cả, để giữ cho muôn loài tồn tại. Nói theo ngôn ngữ của khoa học hiện đại, Ngài có trước vụ nổ Big Bang tạo nên vũ trụ, và là nguồn gốc của các quy luật tự nhiên. Thiếu vắng Thiên Chúa, tất cả những gì tồn tại đều sụp đổ. Thiên Chúa cũng là mục đích cuối cùng của mọi loài hiện hữu.
Câu trả lời này tiếp tục lối suy tư mà bạn tìm thấy trong vấn nạn số một mà chúng ta đã chia sẽ với nhau. Chúng ta thấy rỏ ràng trong câu trả lời trên một sự liên tục qua việc trình bày rằng: Nếu Thiên Chúa là Đấng dựng nên vũ trụ và con người, thì Ngài chính là khởi nguyên, và là nguyên nhân đầu tiên và tối thượng của tất cả mọi sự. Nhưng một Thiên Chúa như thế thì lại xa lạ với chúng ta ngày hôm nay, vì việc sáng tạo đã xảy ra quá lâu, và chúng ta dường như không có một kinh nghiệm nào về sang tạo. Những gì chúng ta biết là do khoa học và niềm tin cung cấp. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, khoa học và đức tin không thể là bạn đồng hành với nhau. Đôi khi, họ con xem đức tin là kẻ thù của tiến bộ khoa học. Đâu là mối tương quan giữa khoa học và đức tin theo khoé nhìn Kitô Giáo?
Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định rằng:
Đức tin Kitô Giáo không đối nghịch với lý trí [khoa học]. Đức tin bảo vệ lý trí và những vấn nạn của nó về tính toàn diện của sự vật và vũ trụ. Cho đến gần đây, đức tin thường bị kết án là chống lại sự tiến bộ và gợi lên một sự phẩn uất không lành mạnh đối với khoa học kỷ thuật…. Sự thật là đức tin đặt thế giới vào trong tay con người và vì vậy đức tin là một yếu tố làm cho kỷ nguyên hiện đại có thể. Nhưng đức tin luôn liên kết vấn nạn về sự thống trị trên thế giới với vấn nạn về sự sáng tạo của Thiên Chúa và ý nghĩa của sự sáng tạo này. Đức tin làm cho những nghiên cứu kỷ thuật và điều chúng ta đang bàn đến, đó là sự sáng tạo, là có thể, bởi vì nó giải thích tính hợp lý của thế giới và định hướng của thế giới trước con người; nhưng đức tin hoàn toàn đối nghịch với lối suy tư hạn hẹp, lối suy tư mà chỉ gói gọn trong những vấn nạn về chức năng và tính hữu dụng của sự vật. Đức tin thách đố con người đi vượt qua tính hữu dụng tức thời của sự vật và đặt vấn nạn về những nền tảng toàn bộ sự vật. Đức tin bảo vệ lý trí khỏi sự tấn công của lý trí thực dụng [khoa học] khi nó biết lắng nghe và chiêm ngắm [Thiên Chúa].
Thiên Chúa mà chúng ta tin là ai mà làm cho nhiều người “khó chịu,” nhưng đồng thời làm cho nhiều người tìm thấy được niềm vui và an ủi? Làm sao tôi có thể cảm nghiệm được sự hiện diện gần gũi của Ngài trong đời tôi? Để biết rỏ Thiên Chúa là ai, chúng ta cần đi ngược lại thời gian để tìm hiểu về gốc tích của niềm tin Kitô Giáo vào Thiên Chúa, gốc tích ấy chính là niềm tin của Do Thái Giáo. Đúng thế, chúng ta cần biết rằng, đối với người Do Thái, niềm tin vào Thiên Chúa không bắt đầu với việc tin Ngài là Đấng Tạo Dựng, nhưng là Đấng giải phóng, vì trung tâm của kinh nghiệm họ có về Thiên Chúa là kinh nghiệm vượt qua (biển đỏ), kinh nghiệm được giải phóng khỏi nô lệ của người Ai Cập. Theo dòng lịch sử trôi, niềm tin của người Do Thái phát triển để rồi họ tin nhận rằng Thiên Chúa, Đấng giải phóng họ khỏi ách nô lệ cũng là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn loại muôn vật. Trong cuốn sách Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Đức Thánh Cha Benedict XVI viết như sau:
Thiên Chúa trong Kinh Thánh nhìn giống điều gì? Thật sự Ngài là ai? Trong lịch sử mặc khải của Cựu Ước và Tân Ước, Thiên Chúa mặc khải chính mình cho Môsê, như được viết trong sách Xuất Hành chương ba. Điều này được chứng minh lần này qua lần khác như là nền tảng của đức tin Do Thái Giáo. Điều quan trọng là chúng ta bắt đầu xem xét trình thuật này bằng việc lưu tâm đến khung cảnh lịch sử và địa lý của nó. Khung cảnh lịch sử có thể tìm thấy trong Lời Chúa là: “Ta đã thấy sự khốn cùng của dân ta ở Ai Cập, và Ta đã nghe tiếng kêu than của chúng bởi vì các đốc công. Ta biết sự đau khổ của dân ta” (3:7). Thiên Chúa là Đấng bảo vệ quyền của dân Người. Ngài bảo vệ quyền của kẻ yếu đuối chống lại người quyền thế. Đây là khuôn mặt thật của Ngài, và đây là điểm nòng cốt của luật trong Cựu Ước, luật mà được lặp lại để mở rộng sự bảo vệ của Thiên Chúa với quả phụ và cô nhi, và khách lạ. Đây cũng chính là trung tâm điểm của việc rao giảng của Chúa Giêsu. Chính Ngài mặc lấy sự yếu đuối của người bị kết tội, bị lên án và giết chết. Qua đây Ngài mở rộng sự bảo vệ của Thiên Chúa đến những con người không được bảo vệ.
Quả thật, Thiến Chúa của người Do Thái cũng là Thiên Chúa mà chúng ta cảm nghiệm cách cụ thể trong đời sống của chúng ta: Một Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Nhưng làm sao tôi biết được Thiên Chúa? Chúng ta tìm thấy trong kinh thánh sự kiện trong sách Xuất Hành chương ba xảy ra trong hoang địa, nơi ơn gọi của Môsê được bắt đầu và triển nở. Điều tương tự xảy ra cho tiên tri Êlia, và cho cả Chúa Giêsu. Con người sẽ không có một kinh nghiệm nào về Thiên Chúa, nếu con người không đi ra khỏi những hoạt động thường ngày và chấp nhận đối diện với sức mạnh của sự tỉnh mịch. Từ viễn cảnh thứ nhất, khung cảnh lịch sử nô lệ của dân Do Thái, chúng ta kết luận rằng: một con tim bị chiếm lấy bởi những dục vọng, một con tim tự tìm kiếm chính mình, không thể biết Thiên Chúa. Từ viễn cảnh thứ hai, sự tỉnh lặng của hoang địa, chúng ta khẳng định rằng: một con tim chứa đựng sự ồn ào, một con tim không chú ý, một con tim không biết suy gẫm, không thể tìm thấy Thiên Chúa.
Khi cảm nghiệm được Thiên Chúa trong cõi thâm sâu của con tim, các bạn sẽ nhận ra rằng: Thiên Chúa của chúng ta có tên. Ngài có một cái Nickname để các bạn có thể “add” Ngài vào trong nhóm bạn hoặc nhóm người thân của bạn. Giờ đây, chúng ta hãy bước vào trung tâm điểm của vấn đề về Thiên Chúa là ai đối với người Công Giáo. Trong kinh thánh, chúng ta khám phá ra ra rằng: Thiên Chúa “đặt cho chính mình” một cái tên khi Ngài trò chuyện với Môsê và trình bày tên này trong công thức: “Ta là Đấng Ta là.” Sự kiện không thể được vắt cạn: tất cả những gì theo sau đó trong lịch sử của đức tin, đến thời và gồm cả lời tuyên xưng của Chúa Giêsu về Thiên Chúa, là một sự trình bày đã được canh tân của những lời này, những lời mà dần dần tìm được chiều sâu rộng lớn hơn. Vào những ngày đầu của lịch sử dân Do Thái, điều rõ ràng nhất đối với họ là Thiên Chúa đã tách tên “Giavê” ra khỏi những tên của Chúa, Ngài trở nên Thiên Chúa duy nhất mà họ phải yêu mến hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Đây không phải là một tên ở giữa những tên khác, bởi vì Đấng mang tên này không phải là Đấng ở giữa những chúa khác, là những chúa chia sẻ cùng một hữu thể. Tên của Ngài là một huyền nhiệm. Tên của Ngài làm cho Ngài hoàn toàn trở thành Đấng không thể so sánh. “Ta là Đấng ta là” – có nghĩa là sự gần gũi, quyền lực vượt trên hiện tại và vượt trên tương lai. Thiên Chúa không phải là tù nhân của những gì đã xảy ra “từ thuở đời đời”; Ngài luôn luôn là sự hiện tại: “Ta là.” Ngài là đương thời với mọi khoảng thời gian và trước mọi khoảng thời gian. Tôi có thể gọi Thiên Chúa này ở đây và ngay bây giờ: Ngài thuộc về “bây giờ” và đáp lại “sự bây giờ” của tôi. Chính điều này làm cho Ngài thật gần gũi với các bạn. Ngài luôn ở với các bạn ngay giây phút hiện tại. Bạn có thể gọi Ngài bất kỳ lúc nào, lúc vui cũng như lúc buồn. Đức Thánh Cha Benedict XVI viết thật hay về điều này:
Thiên Chúa có tên, và Thiên Chúa gọi chúng ta bằng tên của chúng ta. Ngài là một “Ngôi vị” và Ngài tìm kiếm ngôi vị. Ngài có một khuôn mặt, và Ngài tìm kiếm khuôn mặt của chúng ta. Ngài có một trái tim, và Ngài tìm kiếm trái tim của chúng ta. Đối với Ngài, chúng ta không phải là những chức năng trong một “thế giới máy móc.” Ngược lại, những người không có chức năng nào là những người thuộc về Ngài. Tên cho phép tôi được gọi bởi người khác. Tên bao hàm cộng đoàn, một cộng đoàn bao gồm những con người. Điều này cho thấy tại sao Chúa Giêsu là Môsê thật vì Ngài chính là sự hoàn thành của sự mặc khải về tên của Thiên Chúa. Ngài không mang đến một vài từ mới, ví dụ như tên của Thiên Chúa; Ngài mang lại nhiều hơn thế, bởi vì Ngài chính là khuôn mặt của Thiên Chúa. Chính Ngài là tên của Thiên Chúa. Nơi Ngài, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa như “người bạn,” như ngôi vị, như con tim. Chính tên của Ngài, Giêsu, đưa cái tên huyền nhiệm nơi bụi gai cháy đến sự hoàn hảo của nó; bây giờ chúng ta có thể nhận ra rằng Thiên Chúa không nói tất cả những gì mà Ngài phải nói. Điều này là như thế bởi vì tên “Giêsu” trong hình thức Do Thái bao gồm từ “Giavê” và thêm vào đó một yếu tố sâu xa hơn: “Thiên Chúa cứu.” “Ta là Đấng ta là” – cám ơn Chúa Giêsu, bây giờ có nghĩa: “Ta là Đấng cứu độ ngươi.” Hữu thể của Ngài chính là sự cứu độ.
Đến đây, chúng ta tự hỏi: Biết Thiên Chúa là ai có ý nghĩa gì cho cuộc sống của tôi không? Martin Luther đưa ra một công thức thật ấn tượng của thực tại về Thiên Chúa trong Sách Giáo Lý Lớn của mình như sau: “Việc có một chúa, hoặc chúa này là ai, có ý nghĩa gì? Câu trả lời là: chúa có nghĩa là một đấng hay một cái gì đó mà từ đó chúng ta mong đợi mọi thứ tốt lành và ở đó chúng ta trú ẩn trong khi đau buồn, để rồi có chúa không là gì khác ngoài việc tin tưởng và đặt trọn niềm tin vào ngài từ con tim mình; như tôi thường nói rằng tin tưởng và đức tin của chính con tim tạo nên cả Thiên Chúa và ngẫu tượng.” Vậy, chúng ta đặt niềm tin của mình vào điều gì? Chúng ta phải tin vào điều gì? Có phải tiền bạc, quyền lực, danh vọng, dư luận quần chúng, và tình dục trở thành những quyền lực mà trước chúng, con người cúi đầu và phục vụ như là những ông chúa không? Nếu những ông chúa này bị truất phế khỏi ngai của chúng, thế giới này không được xem là khác đi sao?
Thiên Chúa chỉ có ý nghĩa cho cuộc đời của chúng ta, những người Công Giáo, khi chúng ta nhận ra rằng: Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa Ba Ngôi: “Tại sao lại là Chúa Ba Ngôi? Vì bài chia sẽ giới hạn, tôi xin mượn lời của Đức Thánh Cha Benedict XVI trình bày cách ngắn gọn về vấn nạn này như sau:
Trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu [trong tin mừng của Thánh Gioan từ chương 16-19], Chúa Cha trở thành hữu hình và Chúa Giêsu làm cho chính mình được biết như là Người Con. Sự hiệp nhất này được mặc khải chính là Chúa Ba Ngôi. Do đó, trở thành một Kitô Hữu có nghĩa là chia sẻ lời kinh của Chúa Giêsu, là bước vào một kiểu sống mà chính Chúa Giêsu đã mang lại, đó là, kiểu mẫu của lời cầu nguyện của Ngài. Trở thành Kitô Hữu có nghĩa là gọi “Cha” với Chúa Giêsu và, thật vậy, trở thành một đứa trẻ, một người con của Thiên Chúa trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, là Đấng cho phép chúng ta là chính mình và nhờ cách thức này lôi kéo chúng ta vào trong sự hiệp nhất của Thiên Chúa. Là một Kitô hữu có nghĩa là nhìn vào thế giới từ trung tâm điểm này, điểm mà cho chúng ta tự do, hy vọng, sự kiên quyết và niềm an ủi.
Điều này đưa chúng ta về với điểm khởi đầu của đức tin của chúng ta. Chúng ta được rửa tội Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trước khi chúng ta biết những gì xảy ra cho chúng ta. Ngày hôm nay, nhiều người nghi ngờ không biết điều này có phải là điều tốt hay không. Chúng ta có ấn tượng rằng những quyết định được thực hiện trước và áp đặt trên con người, những quyết định mà chỉ cá nhân có thể quyết định. Những giả định như thế đối với chúng ta dường như là một giới hạn đáng nghi ngờ của tự do của con người trong phạm vi cối lõi của cuộc sống.
Những cảm giác như thế thể hiện sự mơ hồ sâu xa của chúng ta đối với chính niềm tin Kitô Giáo. Chúng ta xem điều này như là một gánh năng hơn là một hồng ân – một gánh nặng mà con người chỉ có thể chấp nhận cho chính mình. Nhưng chúng ta quên rằng sự sống cũng là một cái gì đó được quyết định trước cho chúng ta – Chúng ta không được hỏi ý trước! Và cuộc sống đòi hỏi rất nhiều những thứ khác: Khi một người được sinh ra, không phải chỉ sự hiện hữu thể lý của người đó được xác định trước, nhưng cả ngôn ngữ và thời đại mà trong đó người đó sống, cách thức suy nghĩ và lượng giá của nó. Một cuộc sống mà không có những món quà cho trước như loại này thì không hiện hữu; vấn nạn ở đây là: những món quà cho trước này là gì? Nếu phép rửa tội là một món quà cho trước, đó là việc được yêu bởi Tình Yêu Vĩnh Cửu, thì thử hỏi có món quà nào đáng giá và trong trắng hơn món quà này không? Nếu món quà cho trước chỉ là sự sống thì nó không có ý nghĩa gì và có thể trở thành một gánh nặng đáng sợ. Chúng ta có thể quyết định trước về cuộc sống của một người khác và cách thức mà người đó phải sống không? Ý tưởng này chỉ có thể được bảo vệ nếu chính sự sống được bảo vệ. Nói cách cụ thể hơn là ý tưởng trên chỉ được bảo vệ chỉ khi sự sống được nâng đỡ bởi một niềm hy vọng, một niềm hy vọng vượt qua tất cả những nỗi khiếp sợ của sự hiện hữu trên trần thế.
Các bạn thân mến, tôi xin kết bài chia sẽ hôm nay với nhận định về mối tương qua giữa câu hỏi Thiên Chúa là ai và Giáo Hội là mẹ của chúng ta. Chúng ta đón nhận niềm tin vào Chúa là nhờ Giáo Hội. Vì vậy, chúng ta cần phải yêu mến và bảo vệ Giáo Hội bằng cách sống triệt để và sống tốt ơn gọi làm Kitô hữu của mình. Các bạn có biết rằng ở nơi đâu Giáo Hội được xem như một tổ chức ngẫu nhiên của con người, như những tổ chức trần tục khác, món quà cho trước của đức tin sẽ bị đặt vấn đề. Nhưng những ai để cho mình được Thiên Chúa thuyết phục và tin rằng Giáo Hội không phải là một vấn nạn của những tổ chức trần tục của con người, nhưng là một món quà của tình yêu, món quà mà luôn chờ đợi chúng ta ngay cả trước khi chúng ta hít hơi thở đầu tiên, sẽ nhận ra rằng công việc đáng giá nhất trong đời mình là chuẩn bị người khác để món quà cho trước của tình yêu này – bởi vì chính món quà cho trước này mới có thể mang lại ý nghĩa cho việc truyền giao sự sống cho người khác. Điều này có nghĩa là chúng ta phải học một lần nữa để chiếm đoạt Thiên Chúa như là khởi điểm trong quá trình tìm hiểu ý nghĩa của sự hiện hữu của người Kitô Hữu. Sự hiện hữu này là niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa và tin rằng Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần – vì chỉ có như thế thì câu khẳng định Thiên Chúa là Tình Yêu mới có ý nghĩa. Nếu Thiên Chúa không phải là tình yêu trong chính Ngài, thì Ngài không phải là tình yêu. Nhưng nếu Ngài là tình yêu trong chính Ngài, thì Ngài phải là “Tôi” và “Bạn.” Điều này có nghĩa là Ngài phải là Ba Ngôi. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa mở mắt chúng ta, để rồi một lần nữa Ngài trở thành nền tảng của sự hiểu biết của chúng ta về sự hiện hữu của người Kitô Hữu, vì chỉ bằng cách thức này thì chúng ta mới hiểu chính mình cách mới mẽ hơn và đi đến việc canh tân nhân loại.