Xem hình ảnh

Chủ đề 3 của ký sự Hành Hương VietCatholic là ‘Đường Mục Vụ cuả Chuá Giêsu’. Với chủ đề này chúng tôi nối kết ký sự Di sản cuả Đức Mẹ với Con đường Thương Xót (Via Dolorosa) để làm trọn cuộc hành hương ở Israel.

Ký sự này đi qua những nơi rao giảng và sự thành lập Giáo Hội cuả Chuá Giêsu.

Chúng tôi bắt đầu với những hình ảnh mà thoạt nhìn có vẻ như không liên quan với công việc mục vụ cuả Chuá Giêsu: Đó là nơi các Thiên Thần báo tin cho mục đồng về sự Giáng Sinh cuả đấng Cứu Thế.

Bài ca Thiên Thần hát rằng: “Vinh danh Chuá Cả trên trời, bình an dưới thế cho người Thiện Tâm”.

Dưới ánh sáng diệu huyền cuả đêm Giáng Sinh, có lẽ không có mục đồng nào thắc mắc về hai chữ “Thiện Tâm”, nhưng câu hỏi vẫn là thế nào mới là “Lòng Ngay” để được hưởng Bình An Nước Trời?

Cuộc đời mục vụ cuả Chúa Giêsu, qua hành động và lời rao giảng, đã chung qui trả lời cho câu hỏi đó, mà gom góp lại thì là một tuyên ngôn ngắn, mà các học giả kim cổ gọi là ‘hiến chương mới cho nhân loại’: Hiến chương ‘Tám Mối Phúc Thật’.

Là một hiến chương ‘Cách Mạng’, bởi vì ngược với mọi tin tưởng đã tồn tại cho đến ngày ấy, hiến chương này không coi cuả cải, sức khoẻ, danh vọng, uy quyền là những dấu chỉ cuả ơn phước nữa, mà coi những kẻ thanh bần, than khóc, nhu mì, chính trực, nhân từ, trong trắng, hoà hợp, bị oan ức, bị đọa đầy là những kẻ thừa kế gia nghiệp Nước Trời.

Đó là một ý niệm mới về nhân vị con người, mà hình ảnh thì không thể diễn đạt cho thấu đáo được, cho nên chúng tôi xin mượn những lời dẫn giải sau đây để bổ túc thêm. Chúng tôi hy vọng những hình ảnh này sẽ là những ‘trợ huấn cụ’, để quí vị nhớ lại hoặc làm quen với những chủ đề hành hương.

Album đính kèm có thứ tự sau đây:

1-Cánh đồng thiên thần, nơi mục đồng nhận được tin mừng Giáng Sinh.

2-Giêricô và nuí Cám Giỗ: Đây là khu vực nằm trên đường từ Galilee đến Jerusalem cho nên Chuá Giêsu đã đi qua nhiều lần. Trong thời gian cuả Chuá, nơi đây là xóm nhà cuả các Thày Cả và Thày Levi lo việc tế lễ trên Đền Thờ Jerusalem. Những con đường sỏi đá và hiểm trở cuả vùng đã được dùng làm bối cảnh cho dụ ngôn ‘Người Samarita tốt lành’ trong đó một bọn cưóp đã ‘đánh người cướp cuả’ một nạn nhân. Trong khi các Thày Cả và Levi lảnh mặt làm ngơ, thì một người dân ngoại đã tận tình giúp đỡ kẻ bị nạn.

-Nhân tiện ở Giêricô, chúng ta đi thăm cây vả cuả ông Gia Kêu: Ông Gia kêu là một người thu thuế, thuộc loại ‘Gian Thần Bán Nước’ làm tay sai cho đế quốc Roma để tham nhũng. Ông có lòng mộ mến đức Kitô nhưng vì lùn quá cho nên phải leo lên cây mà nhìn Ngài. Chuá đã gọi ông xuống và cảm hoá ông. (Ở gần đó trong một tu viện Chính Thống Giáo cũng có một gốc cây được lồng trong kính, và họ cho rằng đó mới chính là cây thật sự cuả ông Gia Kêu.)

3- Sông Jordan, nơi Chuá chịu phép rửa: Đây là vùng biên giới giữa Israel và Jordanie. Vị trí thật sự cuả nơi Chuá chịu phép rửa thì không có sự đồng ý nào từ phiá các học giả, dẫn đến việc có nhiều tranh chấp mà các nơi lại ở xa nhau hàng trăm dặm. Một địa điểm thu hút đông đảo khách hành hương là quãng sông ở Qasr el Yahud cuả Israel (trong album), mà ở bên kia Jordanie là phố ‘Bethany Beyond the Jordan’ (Bethany bên kia sông Jordan). Nơi đây là lối đi mà trong thời cuả Chúa Giêsu người Do Thái đã dùng để vượt qua biên giới. Nếu đi thăm ‘Bethany Beyond the Jordan’ thì cũng nên ghi nhớ là Chuá đã lánh nạn ở đây sau khi bị xua đuổi và bị ném đá ở Jerusalem. (Cũng cần ghi chú thêm là ‘Bethany Beyond the Jordan’ thì khác với Bethany ở Jerusalem là nhà cuả chị em bà Martha.)





3-Bờ hồ Galilee: Bờ Bắc cuả hồ Galilee là nơi mà Chuá Giêsu đã rao giảng nhiều đến 80% tổng số công việc mục vụ cuả Người. Tabgha, Caphanaum (Capernaum) là quê hương cuả các môn đệ làm nghề chài lưới. Nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện trước và sau khi chuá Sống Lại: Chuá rao giảng, nhận môn đệ, làm phép lạ, hoá bánh cho nhiều người ăn (một lần cho đa số dân Do Thái, lần khác cho đa số dân ngoại), và trao quyền chăn dắt Hội Thánh cho Thánh Phêrô. Ngay cạnh bờ nước có một ngôi nhà thờ bé nhỏ xây bằng đá đen, là loại đá núi lửa sẵn có của vùng này, là nơi Chuá đã hỏi Phêrô 3 lần câu hỏi: “con có yêu Thầy không?”, và vì yêu nhiều cho nên Phêrô đã được trao cho quyền chăn dắt cả chiên con lẫn chiên mẹ cuả Chuá.

Sự việc Chuá chọn vùng đất này để đặt nền móng cho một nền Đạo Lý mới là vì nơi đây là vùng biên giới, dân số trộn lẫn, tinh thần phóng khoáng, và cộng đồng Do Thái chấp nhận Người. Hồi đó người Do Thái tin tưởng sẽ có một vị cứu tinh xuất hiện để giải thoát Israel, và đã có nhiều phong trào chống Roma dấy lên, mỗi khi một phong trào bị dẹp tan và người lãnh đạo bị giết thì môn đồ lại đi tìm một người khác. Đó là lý do tại sao nhiều môn đệ cuả thánh Gioan đã đi theo Đức Chuá Giêsu mà câu hỏi căn bản cuả họ là “Thầy có phải là đấng mà chúng tôi hằng mong đợi không?” Riêng trong trường hợp cuả Chuá Giêsu thì việc đi tìm một vị Thày mới sau khi Chuá bị giết rồi đã không xảy ra, tất cả các môn đệ đã ‘tử thủ’ với niềm tin mới, và tất cả đã hy sinh mạng sống cuả mình để làm chứng! Theo lý giải cuả một số nhà sử học, thì lý do cuả một hiện tượng như thế phải là: Họ đã cùng trải qua một sự gì đó rất phi thường xảy ra.

Chúng ta biết rõ điều phi thường ấy là biến cố Phục Sinh, vì không có việc sống lại cuả Chuá thì Giáo Lý cuả Chuá Giêsu là hoàn toàn điên rồ.

4-Caphanaum: Là nơi Chuá nhận các môn đệ đâu tiên là Phêrô, An Rê, Jacobê, Gioan, và ngưòi thu thuế Mathêo. Chuá đã dâng lễ tại hội đường Do Thái rất nguy nga ở Caphanaum (xem di tích trong album) và người ta đã kinh ngạc vì không như các bậc thày giảng khác, Người đã rao giảng với uy quyền. Cũng tại hội đường này Chuá đã dạy: “Ta là bánh hằng sống, ai ăn ta thì sẽ được sống đời đời”. Ngày nay bên cạnh di tích cuả hội đường, một nhà thờ với kiến trúc tân thời đã được xây dựng trên căn nhà cuả bà mẹ vợ cuả thánh Phêrô, bà là người đã được Chuá chữa lành.







5-Biển hồ Galilee: Nhìn những bờ nước thoai thoải và nhiều thế đất ‘hoà hợp âm thanh’ (dẫn tiếng nói đi xa) thì ngươì ta có thể hiểu được việc Chuá đã thường đứng trên thuyền mà giảng dạy cho dân chúng. Người ta ức đoán vào thời cuả Chuá có tới 230 chiếc thuyền chài ở đây. Trên hồ này đã xảy ra nhiều phép lạ như lưới cá đến ngập thuyền, Chuá truyền cho giông bão phải ngưng (điạ thế cuả vùng này thường xuyên gây ra những cơn giông bất ngờ,) Chuá đi trên nước…Nhìn các bãi cát hấp dẫn và mặt nước lung linh, có người tự hỏi rằng Chuá có khi nào ‘thoải mái tắm biển’ ở đây không nhỉ? Câu trả lời (đồn đoán cho vui nhé) là có thể nào mà được chứ? Vì Chuá không thể chìm được!

6-Núi “Phúc Thật” là nơi Chuá ban hiến chương mới cho nhân loại. Cái tháp cuả ngôi đền có hình bát giác, tượng trưng cho 8 mối phúc thật. Một bảng đá bằng tiếng Việt đã được các phái đoàn trong và ngoài nước khánh thành vào giữa tháng 10 vừa qua.

Ngoài ra, những trùng hợp với các album trước như Tiệc Cưới Cana, Đền Thánh Jerusalem, hồ nước thiêng Bethesda, con đường Thương Xót v.v. thì chúng tôi xin được miễn không đăng lại.

Những hình ảnh là tập hợp cuả các phóng viên Vietcatholic: Trần Mạnh Trác, cô Caroline Nguyễn và ông Nguyễn Văn Thanh.