Chương IV: Các thách thức nhân học và văn hóa

51. Các xã hội và nền văn hóa của thời ta được nhận diện bởi một số khía cạnh nòng cốt, dù dưới các hình thức khác nhau. Việc những khía cạnh này liên tục tái xuất hiện cho phép chúng ta nhận ra chúng như các dấu chỉ thay đổi của thời đại mà hiện chúng ta đang sống, trên bình diện nhân học và văn hóa. Hơn những người khác, người trẻ, vốn là những người canh chừng và biểu lộ mọi thời đại, coi những khía cạnh này như một nguồn cơ hội mới và đe dọa chưa từng thấy. Một số nhà phân tích nói tới một "sự biến hóa" (metamorphosis) thân phận con người, một sự biến hoá đặt ra cho mọi người, nhất là người trẻ, nhiều thách thức to lớn trên đường xây dựng một bản sắc lành mạnh.

Thân Xác, Cảm Giới và Tính Dục



52. Câu hỏi chủ chốt đầu tiên liên quan đến tính thân xác (corporeality) và nhiều khía cạnh của nó. Thân xác - vốn là biên giới và là giao điểm giữa thiên nhiên và văn hóa - luôn tượng trưng và bảo vệ cảm thức giới hạn của thân phận tạo vật và là một hồng phúc phải được chào đón một cách hân hoan và biết ơn. Những phát triển trong cuộc nghiên cứu y sinh học và kỹ thuật đang phát sinh ra một khái niệm khác về thân xác của chúng ta. Các triển vọng tích hợp ngày càng táo bạo giữa thân xác và máy móc, giữa các mạch thần kinh và điện tử, một tích hợp tìm thấy hình tượng trong cyborg (nửa người nửa máy), làm dễ dàng phương thức kỹ trị đối với tính thân xác, kể cả về phương diện kiểm soát các động lực sinh học. Về phương diện này, ta nên lưu ý tới sự kiện người ta thích nhất khi những người hiến trứng và các bà mẹ đẻ hộ là những người trẻ. Ngoài các đánh giá hoàn toàn đạo đức, những điều mới lạ này không thể ảnh hưởng tới khái niệm của chúng ta về thân xác và tư cách không thể bị sử dụng của nó. Một số nhà bình luận cho thấy sự khó khăn của các thế hệ trẻ trong việc thích ứng với chiều kích thân phận tạo vật này của họ. Trong một số ngữ cảnh, chúng ta cũng nên nhắc đến sự hấp dẫn ngày càng gia tăng của các trải nghiệm cực đoan, đến mức gây nguy hiểm cho cuộc sống của người ta, như cơ hội để được xã hội thừa nhận hoặc cảm nhận những cảm xúc mạnh mẽ. Hơn nữa, hoạt động tình dục sớm sủa, nhiều đối tác tình dục, văn hóa khiêu dâm kỹ thuật số, việc trưng thân xác trên trực tuyến và nguy cơ du lịch tình dục làm biến dạng vẻ đẹp và chiều sâu của đời sống cảm giới và tình dục.

53. Trong lĩnh vực giáo hội, tầm quan trọng của thân xác, cảm giới và tình dục được nhìn nhận, nhưng không phải lúc nào cũng được trình bày một cách thuyết phục như một yếu tố chủ chốt trong hành trình giáo dục và đức tin, bằng cách tái khám phá và đánh giá cao ý nghĩa của sự khác biệt giới tính và động lực ơn gọi vốn đặc thù đối với nam và nữ. Các nghiên cứu xã hội học cho thấy nhiều người trẻ Công Giáo không tuân theo giáo huấn của Giáo Hội về đạo đức tình dục. Không HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nào đưa ra các giải pháp hoặc quy định, nhưng nhiều Hội Đồng tin rằng «vấn đề tình dục phải được thảo luận một cách cởi mở hơn và không thiên vị». Cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG nhấn mạnh giáo lý của Giáo hội về các vấn đề gây tranh cãi, như «ngừa thai, phá thai, đồng tính luyến ái, sống chung, hôn nhân» (GMTHĐ 5) đã được tranh luận sôi nổi ra sao bởi những người trẻ, cả trong Giáo hội và trong xã hội. Có những người trẻ Công Giáo tin rằng giáo huấn của Giáo Hội là một nguồn vui và muốn Giáo Hội «giữ vững các chủ trương tín lý dù chúng không được nhiều người ưa thích và nên công bố chúng một cách có chiều sâu trong giảng dạy hơn» (GMTHĐ 5). Những người không đồng ý với họ vẫn muốn là thành phần của Giáo Hội cách nào đó, và yêu cầu có sự soi sáng hơn về vấn đề này. Do đó, cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG yêu cầu các nhà lãnh đạo giáo hội “nói bằng những ngôn từ thực tế về các chủ đề gây tranh cãi như đồng tính luyến ái và các vấn đề về phái tính, mà người trẻ hiện đã tự do thảo luận mà không kiêng cữ chi” (GMTHĐ 11).

Các mô hình tìm hiểu mới và việc tìm kiếm sự thật

54. Với các mức độ mạnh mẽ khác nhau, nhiều quốc gia trên thế giới đang đối phó với “các tin giả”, tức là sự phổ biến thông tin giả mạo không thể kiểm soát được qua các phương tiện truyền thông đại chúng (kỹ thuật số và những phương tiện khác) và việc càng ngày càng khó khăn phân biệt được nó với tin tức thực sự. Trong cuộc tranh luận công khai, sự thật và việc lý luận dường như đã mất hết sức thuyết phục của chúng. Đây là lý do tại sao thuật ngữ "sau sự thật" được đặt ra. Như một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã chỉ ra, «trong các mạng lưới xã hội và phương tiện truyền thông kỹ thuật số không có phẩm trật sự thật».

55. Người trẻ đặc biệt bị phơi bày cho thứ bầu khí trên, vì các thói quen thông đạt của họ, và vì họ cần được đồng hành trong việc tìm thấy đường đi tối hậu của họ. Trong thế giới sau sự thật, câu “Chúa Kitô là Sự Thật làm cho Giáo Hội khác với bất cứ nhóm thế gian nào khác mà chúng ta có thể đồng hóa với” (GMTHĐ 11), mà cuộc Cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG đã sử dụng, chắc chắn kết cục sẽ có một ý nghĩa khác so với các thời đại trước đây. Nó không phải là việc từ bỏ dấu ấn quý giá nhất của Kitô giáo để sống phù hợp với tinh thần thế gian, cũng không phải là điều mà người trẻ đang yêu cầu, nhưng chúng ta cần tìm ra cách để truyền đạt thông điệp Kitô giáo trong các hoàn cảnh văn hóa thay đổi . Để phù hợp với truyền thống Thánh Kinh, việc nhìn nhận rằng sự thật có căn bản tương quan là một điều tốt: con người nhân bản khám phá ra sự thật một khi họ cảm nghiệm nó từ Thiên Chúa, Đấng duy nhất thực sự đáng nương tựa và đáng tin cậy. Sự thật này phải được chứng thực và thực hành chứ không chỉ làm cho vững và chứng minh mà thôi, điều mà người trẻ tham dự cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG đã nhận ra: “Các câu chuyện bản thân của các chi thể Giáo Hội là những cách hữu hiệu để truyền giảng tin mừng, vì các trải nghiệm bản thân không thể được đặt thành nghi vấn” (GMTHĐ 15).

56. Hôm nay chúng ta phải nhận ra rằng cách các phương tiện truyền thông kỹ thuật số hành động, và việc cần phải chọn nguồn thông tin nào để truy cập giữa các đề xuất bất tận, đang hướng dẫn người ta ngày càng chỉ biết tiếp xúc với những cá nhân cùng não trạng. Các nhóm, tổ chức và hiệp hội giáo hội cũng có nguy cơ biến thành những vòng cung đóng kín (xem GE 115).

Các hiệu quả nhân học của thế giới kỹ thuật số

57. Từ quan điểm nhân học, sự bùng nổ của kỹ thuật số bắt đầu có tác động rất sâu sắc đối với khái niệm thời gian và không gian, đối với việc tự nhận thức của chúng ta và cách chúng ta nhìn người khác và thế giới, đối với cách ta thông đạt, học hỏi và trở nên hiểu biết. Cách tiếp cận thực tại nào dành ưu tiên cho hình ảnh hơn là lắng nghe và việc đọc đều đang thay đổi cách chúng ta học hỏi và phát triển các khả năng phê phán của ta. Trong tương lai, nó không thể không ảnh hưởng đến cả cách thức truyền đạt đức tin, dựa vào việc lắng nghe Lời Thiên Chúa và đọc Thánh Kinh. Các câu trả lời của các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cho thấy hình như ít hội đồng hoàn toàn nhận thức được sự biến hóa hiện nay.

58. Sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số một cách hời hợt khiến người ta có nguy cơ bị cô lập, thậm chí có thể trở nên thậm nguy: tình trạng này được biết đến dưới thuật ngữ tiếng Nhật hikikomori và đang ảnh hưởng ngày càng nhiều thanh niên hơn ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Á. Một nguy cơ khác là rút vào thứ hạnh phúc ảo tưởng và phù du dẫn đến nhiều hình thức nghiện ngập. Người trẻ dự cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG đã nhận ra điều này: “người trẻ tuổi hay có xu hướng tách biệt hành vi của họ thành môi trường trực tuyến và ngoại tuyến. Thành thử cần phải đào luyện để người trẻ tuổi biết cách sống cuộc sống kỹ thuật số của họ. Các mối liên hệ trực tuyến có thể trở thành vô nhân. Các không gian kỹ thuật số làm chúng ta không nhìn thấy tính dễ bị tổn thương của một con người nhân bản khác và cản trở sự tự phản tỉnh của chúng ta. Các vấn đề như văn hóa khiêu dâm làm méo mó cách nhận thức của người trẻ về tính dục của con người. Kỹ thuật được sử dụng theo cách này tạo nên một thực tại ảo tưởng song song mà bỏ qua phẩm giá con người. Các rủi ro khác bao gồm: mất bản sắc liên kết với việc trình bày sai lạc về con người, xây dựng một nhân cách ảo và mất đi sự hiện diện có cơ sở xã hội. Ngoài ra, còn có các rủi ro dài hạn, chúng bao gồm: mất trí nhớ, mất văn hóa và óc sáng tạo trước việc có thể lập tức truy cập thông tin, và mất tập trung do việc phân mảnh gây ra. Thêm vào đó, còn có nền văn hóa và chế độ độc tài của dáng vẻ bề ngoài nữa» (GMTHĐ 4).

Việc không thích các định chế và các hình thức tham gia mới

59. Một đặc điểm khác tìm thấy trong nhiều xã hội đương thời là sự yếu kém của các định chế, và sự suy giảm tin tưởng của người ta vào chúng, gồm cả Giáo Hội. Các câu trả lời cho Bản Câu Hỏi Trực Tuyến của Văn Phòng Thượng Hội Đồng làm nổi bật sự kiện chỉ có một số ít người trẻ (16,7%) tin rằng họ có khả năng ảnh hưởng đến đời sống công cộng của đất nước họ: không phải họ không muốn, nhưng họ tin rằng họ ít có cơ hội và không gian thuận lợi để làm việc này. Việc thiếu sự lãnh đạo đáng tin, ở các bình diện khác nhau, cả trong lĩnh vực dân sự lẫn giáo hội, đều bị người trẻ phê phán mạnh mẽ. Một điểm yếu đặc biệt hiển nhiên đã phát sinh do việc tràn lan tham nhũng. Các định chế phải quan tâm đến ích chung và khi ai đó dám bắt chúng phục vụ lợi ích bản thân của họ, tính khả tín của chúng bị xói mòn đáng kể. Đây là lý do tại sao tham nhũng phá họai nền tảng của một số xã hội. Thách thức của công bình xã hội nhất thiết đòi phải xây dựng các định chế hợp công lý nhằm phục vụ nhân phẩm một cách toàn diện.

60. Sự mất hy vọng nơi các định chế cũng có thể có lợi, khi nó mở nhiều con đường khác nhau cho việc tham gia và người ta nhận nhiều trách nhiệm hơn mà không rơi vào hố hoài nghi. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC chỉ ra rằng, trong bối cảnh không chắc chắn và sợ hãi về tương lai, người trẻ không còn liên kết với các định chế đúng nghĩa, nhưng với những người ở bên trong chúng chịu thông truyền các giá trị bằng chứng từ đời sống của họ. Cả ở bình diện bản thân lẫn định chế, tính nhất quán và trung thực là các nhân tố căn bản cho tính khả tín.

Tê liệt không quyết định được vì có quá nhiều đề nghị

61. Một số yếu tố đã đề cập trên đây, nếu xét chung với nhau, giải thích lý do tại sao, ở một số nơi trên thế giới, chúng ta đang phải sống trong một “nền văn hóa do dự”, coi những chọn lựa có tính suốt đời là chuyện không thể có, nếu không muốn nói là vô nghĩa. Trong một thế giới nơi mà các cơ hội và khả thể tăng theo cấp số nhân, người ta đã trở thành bộc phát trong phản ứng đối với các lựa chọn luôn luôn có thể đảo ngược, ngay cả khi điều này ngụ ý phải liên tục kìm hãm ước muốn của chúng ta. Quá trình biện phân ơn gọi, theo trục các bước “nhìn nhận, giải thích, chọn lựa”, thường bị mắc kẹt vào lúc phải đưa ra các chọn lựa và phải thực hiện chúng. Đôi khi người ta đi tìm các bảo đảm ở bên ngoài, những bảo đảm không đòi khổ công phải tiến bước trong đức tin và phó mình cho Lời Chúa; có khi, điều trổi vượt là nỗi sợ phải từ bỏ các xác tín riêng của mình để sẵn sàng đón nhận các bất ngờ của Thiên Chúa.

62. Sự bất an của điều kiện làm việc và sự bấp bênh xã hội ngăn chặn bất cứ kế hoạch trung và dài hạn nào. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, đặc biệt là ở phương Tây, cho rằng khá khó để người trẻ có thể đạt được kế hoạch kết hôn mà không gây nguy hại cho sự tự lập của họ về kinh tế. Hơn nữa, như các câu trả lời cho Bản Câu Hỏi Trực Tuyến của Văn Phòng Thượng Hội Đồng đã chứng tỏ, nhiều người trẻ đang tự hỏi làm thế nào các quyết định dứt khoát có thể có được trong một thế giới nơi không có gì có vẻ ổn định, thậm chí không thể phân biệt đâu là đúng đâu là sai. Do đó, một trong những thách thức cấp bách vốn là đặc điểm của thời ta là làm thế nào trình bày các quyết định của đời sống như những cách lãnh trách nhiệm đối với chính đời sống của chúng ta.

Bên kia việc tục hóa

63. Mặc dù các dự đoán được đưa ra trong hai thế kỷ qua, việc tục hóa dường như đã không trở thành số phận không thể tránh được của nhân loại. Theo nhiều cách khác nhau, các trước tác học thuật liên tục sử dụng các kiểu nói như “sự trở lại của thể thánh thiêng” hay những kiểu nói khác giống như thế. Tình hình này hiện hữu cùng một lúc với việc suy giảm ơn gọi làm linh mục và làm tu sĩ và việc các nhà thờ dần dần trống chỗ đang diễn ra tại một số nơi trên thế giới: do đó, đây không phải là việc trở lại quá khứ, mà là sự xuất hiện của một mô hình mới về lòng đạo, được mô tả như không quá định chế hóa và ngày càng "lỏng" hơn, được đánh dấu bằng rất nhiều con đường cá nhân, ngay cả đối với những người cho rằng mình thuộc về cùng một hệ phái. Do đó, trong cuộc Hội Thảo Quốc Tế về Thân Phận Tuổi Trẻ, các tham dự viên đã nói rằng «trong thế giới đã dị biệt hóa của một người trẻ, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy sức sống tôn giáo và tâm linh». Sự không hài lòng với một tầm nhìn thế giới hoàn toàn nội tại (immanent), như được chủ nghĩa duy tiêu thụ và giản lược khoa học truyền đạt, mở ra một cánh cửa cho việc đi tìm ý nghĩa của cuộc sống qua các hành trình tâm linh thuộc nhiều loại khác nhau. Một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC quả quyết: “Nhiều người trẻ tuyên bố rằng họ đang tìm kiếm ý nghĩa của đời sống, theo đuổi các lý tưởng, tìm kiếm linh đạo và đức tin bản thân của riêng họ, nhưng họ hiếm khi hướng về Giáo Hội”. Chúng ta cần phải tập trung vào các đặc điểm của thái độ thay đổi này đối với tôn giáo, để giải thích các nguyên nhân và kết quả có thể có của nó, nhận diện được đâu là các cơ hội nó có thể cung cấp cho việc công bố sứ điệp Tin Mừng và đâu là các rủi ro hoặc mơ hồ nó có thể sản sinh ra. Ở nhiều nơi, điều này đi kèm với sự hấp dẫn của các đề xuất duy truyền truyền thống hoặc cực đoan nơi một số phân bộ của thế giới người trẻ: trường hợp các chiến binh nước ngoài và việc cực đoan hóa ở các bình diện khác nhau là một thí dụ của hiện tượng này. Theo một hướng hoàn toàn khác, chúng ta thấy một tình huống đáng lưu ý mà một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Đông Âu từng nhận thức, liên quan đến việc từ từ thay đổi trong các thực hành tâm linh và tôn giáo, chuyển từ bổn phận qua các sinh hoạt nhiệm ý trong lúc nhàn tản: điều này làm nổi bật khía cạnh chọn lựa bản thân, nhưng rõ ràng các thực hành như thế phải cạnh tranh với nhiều thực hành khác.

Kỳ sau: Chương V: Lắng nghe người trẻ