Theo Cindy Wooden của Catholic News Service, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu Hội Đồng Giám Mục Đức đừng công bố bản hướng dẫn toàn quốc cho phép người Thệ Phản lấy người Công Giáo được hiệp lễ trong Thánh Lễ.

Thực vậy, ông Greg Burke, giám đốc Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, vừa lên tiếng xác nhận sự chân chính của một lá thư được Sandro Magister đăng tải trên trang Blog “Settimo Cielo” của ông.



Lá thư trên, được ký bởi Đức Hồng Y tân cử Luis Ladaria, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, có đoạn viết rằng “Đức Thánh Cha đã đạt tới kết luận này là văn kiện ấy chưa chín chắn đủ để được công bố”.

Đức Hồng Y Bộ trưởng ngày 3 tháng 5 từng gặp một số giám mục Đức thuộc cả hai nhóm bênh và chống “sáng kiến” cũng như các viên chức thuộc hai Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo và Văn Bản Luật Pháp.

Sau các phiên họp trên, Tòa Thánh ra tuyên bố nói rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đánh giá cao dấn thân đại kết của các giám mục Đức và yêu cầu các ngài tìm một kết quả càng một lòng bao nhiêu càng hay, trong tinh thần hiệp thông giáo hội”.

Lá thư ngày 4 tháng 6 của Đức Hồng Y tân cử Ladaria cho hay ngài đã hai lần nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Phanxicô chuyên về các hướng dẫn được đề nghị này và về cuộc gặp gỡ đầu tháng 5 và nhắc đến việc: đề nghị của các giám mục Đức đặt ra “một loạt nhiều vấn đề có tầm quan trọng đáng lưu ý”.

Đức Hồng Y tân cử liệt kê 3 vấn đề chính sau đây:

1.“Vấn đề cho phép các Kitô hữu Luthêrô trong các cuộc hôn nhân liên phái là một thể tài đụng đến đức tin của Giáo Hội và có liên quan tới Giáo Hội hoàn vũ.

2. “Vấn đề như thế cũng gây hậu quả đối với các liên hệ đại kết với các giáo hội và cộng đồng giáo hội khác mà ta không thể đánh giá thấp”.

3. Vấn đề này cũng đụng đến giáo luật, nhất là việc giải thích điều 844 của Bộ Giáo Luật; điều này nói rằng “nếu có nguy tử hay nếu, theo phán đoán của giám mục giáo phận hay hội đồng gím mục, một cấp thiết trầm trọng nào khác đòi buộc, các thừa tác viên Công Giáo được ban cấp các bí tích này một cách đúng phép cho các Kitô hữu khác không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, (với điều kiện) họ không thể tiếp cận một thừa tác viên của cộng đồng họ, tự ý tìm kiếm việc này, miễn là biểu lộ đức tin Công Giáo đối với các bí tích này và được chuẩn bị thích đáng”.

Bản hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục Đức chưa bao giờ được công bố, nhưng nhiều người cho rằng nó dự liệu các hoàn cảnh trong đó một tín hữu Luthêrô lấy một người Công Giáo Rôma và thường xuyên tham dự Thánh Lễ với người phối ngẫu Công Giáo thì được rước lễ thường xuyên. Hiện nay, trên thế giới, nhiều giáo phận cho phép như thế trong một số dịp đặc biệt như rửa tội hay rước lễ lần đầu của con cái họ.

Lá thư của Đức Hồng Y tân cử Ladaria cho hay: vì các giải thích đa dạng đối với điều luật trên, nên “các bộ sở có thẩm quyền của Tòa Thánh đã được trao phó việc đưa ra các soi sáng kịp thời cho các câu hỏi như thế trên bình diện giáo hội hoàn vũ”.

Ngài viết “Cách riêng, điều xem ra thích hợp là để cho vị giám mục giáo phận phán đoán về việc hiện hữu của ‘sự cấp thiết trầm trọng’”, một điều cho phép các Kitô hữu thuộc các hệ phái khác được Rước Lễ trong Thánh Lễ Công Giáo.

Matthias Kopp, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Đức, cho hay Đức Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch hội đồng, đã nhận được thư đề ngày 4 tháng 6 của Đức Hồng Y tân cử Ladaria.

Vì đầu tháng 5, Đức Phanxicô khuyến khích tìm ra một chủ trương đồng lòng, nên Ông Kopp cho rằng Đức Hồng Y Marx “khá ngạc nhiên” khi nhận được lá thư này.



Điều đáng lưuu ý là cùng ngày 4 tháng 6, tại Vatican, Đức Phanxicô tiếp một phái đoàn Giáo Hội Tin Lành Luthêrô Đức. Dịp này, ngài nói với phái đoàn rằng “Chúng ta hãy hỗ trợ nhau trong cuộc hành trình, trong đó có việc tiếp diễn cuộc đối thoại thần học”.
Ngài cho họ hay: “Không cuộc đối thoại đại kết nào có thể tiến triển nếu chúng ta đứng yên một chỗ. Chúng ta phải bước đi, phải tiến triển, không hẳn hăm hở chạy lên phía trước đạt cho được đường kết thúc đầy hy vọng, nhưng cùng nhau sánh bước một cách kiên nhẫn dưới con mắt Thiên Chúa”.
Ngài nói rằng: Một số thể tài, trong đó có “Giáo Hội, Thánh Thể và thừa tác giáo hội” cần được nghiên cứu và đối thoại sâu xa hơn.