Phục Hồi Ơn Thánh
Xin đừng xua đuổi con khỏi thánh nhan Chúa; và đừng lấy thần khí thánh thiện Chúa khỏi nơi con. Ở đây, ông xin được phục hồi ơn thánh: và trước nhất ông xin chính ơn thánh, thứ đến, ông xin hiệu quả của ơn thánh, khi ông thưa, Xin hãy phục hồi. Người được nói có ơn thánh Thiên Chúa là có về hai phương diện. Vì ai được coi là có ơn sủng của Chúa và của người ta, thì xét về điểm tương tự, họ cũng được lòng cả hai, tức cả Chúa lẫn người ta.
Và ơn thánh này được gọi là làm vui lòng. Êphêsô 1: “trong đó Người ban ơn cho ta trong con yêu qúi của Người”. Và theo đó, ơn thánh được tuyên bố là lòng nhân hậu của Thiên Chúa, qua đó, Thiên Chúa yêu thương con người đến sự sống đời đời. Nhưng xét về điểm khác nhau, thì ơn sủng của con người không làm họ thành tốt lành, nhưng nhờ sự tốt lành của nó, người ta trở thành người làm vui lòng người khác; nhưng với Thiên Chúa, nó theo cách ngược lại: vì do lòng nhân hậu của Thiên Chúa mà con người trở thành tốt lành. Bởi thế, có hai điều trong ơn thánh Thiên Chúa; tức là, chính lòng nhân hậu và các hiệu quả của nó đối với linh hồn; và ông xin được cả hai khi ông thưa: Xin đừng xua đuổi con khỏi thánh nhan Chúa; và đừng lấy thần khí thánh thiện Chúa khỏi nơi con.
Và ta có thể hiểu điều này theo nghĩa kép. Người ở trước mặt ai thì nhìn người này và bị người này nhìn. Và đó là người được kể là ở trước mặt Thiên Chúa theo Sách Các Vua III, chương 17: “Tôi ở trước mặt Chúa, Đấng hằng sống”. Sáng Thế 32: “Thiên Chúa, Đấng mà trước mặt Người, cha ông chúng ta đã bước đi qua lại”. Và làm thế vì họ chính đáng được thấy Thiên Chúa. Thánh Vịnh 26: Một điều tôi đã xin cùng Chúa, và tôi sẽ xin nữa; là tôi được ở trong nhà Chúa mọi ngày suốt đời tôi.
Với mỗi tội lỗi, người ta đều có thể mất linh hồn; vì những kẻ tội lỗi bỏ rơi Thiên Chúa đều bị Thiên Chúa bỏ rơi, và làm tan tác niềm tín thác tin tưởng vào Người. Isaia 59: “Tội lỗi và sai phạm của các ngươi đã chia rẽ giữa các ngươi và Thiên Chúa các ngươi (xét về điều trước) và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Người khỏi các ngươi” xét về điều sau. Bởi thế, họ bị xua đuổi khỏi thánh nhan Thiên Chúa vì tội lỗi; và do đó, ông xin không bị xua đuổi theo cả hai cách.
Cũng nên lưu ý điều này: trong con người, có hai điều; tức tội lệ, vì đó mà họ đáng bị phạt, và bản tính nhờ đó họ đáng được ơn thánh: và bởi thế, ông xin Chúa đừng nhìn đến tội lệ của ông mà nhìn đến bản tính ông; do đó, ông thưa: Xin đừng xua đuổi con.
Cũng thế, hồng phúc ơn thánh được ân ban qua đức ái, và hồng phúc này được ân ban qua Chúa Thánh Thần; và bởi thế, ông thưa: và đừng lấy thần khí thánh thiện của Chúa khỏi nơi con; vì con là đền thờ của Người tuy sa lạc vì tội lỗi. Sách Khôn Ngoan 1: “Thần Khí Thánh Thiện của kỷ luật sẽ bay khỏi kẻ dối trá”. Do đó, xin đừng lấy đi, nghĩa là, vĩnh viễn (đừng lấy đi).
Xin hãy phục hồi nơi con. Vì ơn thánh làm hai điều nơi con người. Một điều liên quan đến những điều cao hơn, tức là, nó đem lại sự vui mừng hớn hở, vì ai có ơn thánh đều có đức ái; và ai có đức ái thì yêu mến Thiên Chúa, và chiếm hữu được Người, và người có được điều họ yêu mến thì hớn hở hân hoan. Do đó, nơi nào có đức ái, nơi ấy có niềm vui. Thư Rôma 14: “Nước Thiên Chúa không phải là thịt và rượu; nhưng là niềm vui trong Chúa Thánh Thần”. Thánh Vịnh Gia đánh mất niềm vui này; nên ông xin cho nó được phục hồi nơi ông, khi ông thưa: Xin phục hồi nơi con niềm vui, không vui vì những sự vật trần gian, nhưng vì ơn Chúa cứu độ, nghĩa là, hành vi cứu độ của Chúa.
Một bản văn khác nói niềm vui của Chúa Giêsu, nghĩa là, của Chúa Cứu Thế, qua Người, sự tha tội được thực hiện. Habacúc 3: “Con sẽ hân hoan trong Thiên Chúa, Chúa Giêsu, của con”.
Hiệu quả khác liên quan tới những điều thấp hơn; và hiệu quả này là việc làm vững mạnh trong ơn thánh, được thực hiện nhờ Chúa Thánh Thần: và củng cố con bằng một thần khí hoàn hảo.
Nhưng Chúa Thánh Thần làm vững mạnh hai cách. Một cách là chống lại sự dữ. Isaia 8: "Ta dạy dỗ ngươi bằng cánh tay mạnh mẽ”, cách kia là trong sự thiện. Còn Isaia 40 thì cho hay: “Những ai trông cậy nơi Chúa sẽ đổi mới được sức mạnh của họ”. Sức mạnh này có được là nhờ Thánh Thần. Vì thân xác không mạnh trừ là nhờ các thần khí; nên con người không mạnh nếu không có Chúa Thánh Thần. Nhưng nó sẽ không biểu lộ được sức mạnh trừ phi là thần khí hoàn hảo, vì sức mạnh thấp hơn không đủ để chứng tỏ có sức chống lại sức mạnh cao hơn. Vì sức mạnh của ma qủy rất lớn. Gióp 41: “không có quyền lực nào trên mặt đất có thể so sánh với nó”. Cho nên, để chống lại ma qủy, con người cần được một thần khí hoàn hảo giúp đỡ, tức một thần khí thống trị và trổi vượt hơn mọi sự vật. Và con người cần thứ thần khí này để chống trả thần khí xác thịt. Dân Số 16: “Ôi Đấng Quyền Năng, Thiên Chúa của thần khí xác thịt phổ quát”.
Cũng để chống trả thần khí thế gian. Thư 1 Côrintô chương 2: “Nay ta lãnh nhận không phải thần khí thế gian này, mà là thần khí của Thiên Chúa”. Cả thần khí ma qủy nữa. Sách Các Vua 1 chương 18: “thần khí dữ từ Thiên Chúa xuống trên vua Saun”. Cần lưu ý điều này: trong bài này có 3 lần nhắc đến thần khí: thần khí đúng đắn (spiritus rectus), thần khí thánh thiện và thần khí hoàn hảo. Và theo Bảng Liệt Kê Các Chữ Khó, một số người lãnh nhận điều gọi là thần khí trong yếu tính, theo đó, tất cả những gì không phải là thân xác đều là thần khí. Do đó, thần khí được gọi là Cha, Con, và Thánh Thần; nhưng tốt hơn phải đích thân lãnh nhận thần khí này. Vì Chúa Thánh Thần tạo nên 3 điều trong con người.
Điều thứ nhất, sự ngay thẳng trong ý hướng. Thánh Vịnh 142: Thần khí tốt lành của Chúa sẽ dẫn tôi vào đất đúng. Thần khí này cũng thánh hóa chúng ta. Thư Rôma 1: “Theo thần khí thánh hóa”. Nó cũng làm chúng ta cao qúi và biến chúng ta thành những ông hoàng. Thư Galát 4: “Vì anh em là con cái Thiên Chúa, nên Thiên Chúa sai Thần Khí của Con Người xuống lòng anh em”.
Con sẽ dạy. Trên đây, Thánh Vịnh Gia trình bầy các lời cầu xin của ông lên Thiên Chúa; tuy nhiên, ở đây, ông hứa một lần nữa sẽ đền bù: và trước hết ông hứa sẽ làm gì vào lúc này cho Thiên Chúa; thứ đến, ông sẽ làm gì trong tương lai, khi thưa: (một cách) nhân từ. Về lời hứa thứ nhất, ông làm 2 điều. Trước nhất, ông hứa với Thiên Chúa một số hy lễ thiêng liêng; thứ đến, ông tự miễn chước các của lễ bằng thịt, khi ông thưa, vì nếu Chúa muốn. Ông hứa với Thiên Chúa hai hy lễ thiêng liêng; tức là, dạy dỗ, nhờ đó, người lân cận của ông được giảng dậy; thứ hai, ông hứa hy lễ thiêng liêng chúc tụng, qua đó, Thiên Chúa được ca ngợi, ở chỗ, ông nói, Xin giải thoát con.
Vì thế, ở đây, ông thưa, Con sẽ dạy người bất chính đường lối của Chúa. Và cần phải lưu ý điều ông nói ở trên trong một Thánh Vịnh khác (49): Với kẻ tội lỗi, Chúa phán: Tại sao ngươi không công bố các công lý của Ta, và đặt danh Ta nơi miệng ngươi? Qua đó, Người cho thấy: để kẻ có tội dậy dỗ là điều không thích đáng.
Và bao lâu ông cảm thấy mình còn là người có tội, ông không dám hứa sẽ quảng bá việc dậy dỗ của mình; nhưng sau khi Chúa đã phục hồi thần khí hoàn hảo cho ông, thì điều thích đáng là ông vừa được huấn giáo vừa huấn giáo người khác. Giêrêmia 3: “Ta sẽ ban cho ngươi một mục tử theo lòng Ta muốn, và vị này sẽ nuôi dưỡng ngươi bằng nhận thức và tín lý”.
Và có lời chép về Chúa Kitô trong Công Vụ 1: “Chúa Giêsu bắt đầu làm và (sau đó) dạy dỗ”. Nhưng hoa trái của việc dạy dỗ này không phải là việc suy lý sự thật để chiêm niệm nó một cách hạnh phúc, mà cùng đích được dự trù của nó là việc hoán cải nơi những người tội lỗi: và do đó, ông thưa: Và kẻ dữ sẽ trở lại với Chúa.
Giêrêmia 15: “Chúng sẽ quay trở lại với Chúa, và Chúa sẽ không quay mặt đi khỏi họ”. Thánh Vịnh 21: "Mọi dân ngoại sẽ trở lại cùng Chúa". Và theo Bảng Liệt Kê Các Chữ Khó, ông gọi những người này là dữ và bất chính, mặc dù Đavít hiểu rất rõ: những người phạm tội chống lại Thiên Chúa bị gọi là những kẻ bất chính; và do đó, ông nói một cách có ý nghĩa rằng Con sẽ dạy người bất chính, như thể muốn nói: dù một số người kính tôn Thiên Chúa, nhưng họ lại làm những điều chống lại người lân cận của họ; và với những người như thế, con sẽ dạy họ đường lối của Chúa, nghĩa là, để họ đừng xúc phạm người lân cận của họ nữa. Thư Gioan 1, chương 4: “Và điều răn chúng tôi đã nhận được từ Thiên Chúa là ai yêu Thiên Chúa thì cũng yêu anh em mình”.
Xin giải thoát con khỏi máu. Ở đây, ông hứa hy lễ chúc tụng; và có hai trở ngại đối với hy lễ này. Một là tội lỗi; hai là sai phạm nội tâm. Do đó, trước nhất, ông xin cho trở ngại thứ nhất được cất đi; thứ đến, ông xin cho trở ngại thứ hai được cất đi, khi ông thưa, Lạy Chúa, Chúa hãy mở môi con. Do đó, ông xin cho trở ngại được cất đi, và hứa sẽ dâng hy lễ chúc tụng. Trở ngại cho việc chúc tụng Thiên Chúa, như đã chép, là tội lỗi. Sách Giảng Viên 15: “Lời chúc tụng khó mà có trong miệng kẻ tội lỗi”.
Nhưng, Đavít mắc tội trọng; và do đó, ông xin được giải thoát khỏi tội này, nên ông thưa, Xin giải thoát con khỏi máu. Theo Bảng Liệt Kê Các Chữ Khó, danh từ máu không được đặt ở số nhiều; tuy nhiên, dịch giả muốn dùng nó để diễn tả tội lỗi (ở số nhiều); và điều này có ý chỉ tư dục xác thịt, tức xác thịt và máu huyết. Mátthêu 16: “Không phải xác thịt và máu huyết đã mặc khải điều đó cho con, mà là Cha Ta ở trên trời”. Như thể ông muốn nói: Xin giải thoát con khỏi các tội lỗi phạm vì xác thịt và máu huyết.
Hay cần phải nói điều này: Đavít đã phạm tội ngoại tình và tội sát nhân; và ở cả hai tội đều có máu huyết: vì trong tội sát nhân, máu đã đổ ra. Thánh Vịnh 5: Thiên Chúa tởm gớm kẻ khát máu và gian dối. Còn tội ngoại tình thì diễn biến từ việc thích máu huyết; và do đó, ông thưa Khỏi máu. Hôsê 4: “Máu đã đụng đến máu”. Vì thế, lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi máu, vì chỉ có Chúa mới làm được việc này. Isaia 43: “Ta là Đấng sẽ tẩy sạch các tội lỗi của ngươi vì danh Ta, và Ta sẽ không nhớ chi đến các tội lỗi của ngươi nữa”. Và vì Chúa là Thiên Chúa ơn cứu độ con, nghĩa là, Đấng có thể cứu thoát con. Và lưỡi Con sẽ ca ngợi, tức là, con sẽ nói tới đức công lý của Chúa một cách hân hoan, bằng niềm vui nội tâm của con. Isaia 30: “Các ngươi sẽ ca hát như trong đêm cử hành đại lễ”. Tương tự như thế ở chương 35: “chúng sẽ tới Sion với lời chúc tụng, và niềm vui miên viễn sẽ ở trên đầu chúng”. Thánh Vịnh 41: “Với tiếng hân hoan và chúc tụng; sự ồn ào náo nhiệt của ngày hội”.
Lạy Chúa, Chúa hãy mở môi con. Nhưng cần phải hiểu điều này: con người có khi bị ngăn cản, không được dạy dỗ, cũng vì trở ngại của việc nói nội tâm; và việc này đôi khi xẩy ra vì lỗi của người nghe. Êdêkien 3 “Ta sẽ làm lưỡi ngươi dính chặt vào phía trên miệng ngươi, và ngươi sẽ bị câm”. Và dưới một chút “vì chúng là một nhà làm người ta tức giận”. Và vì tội đích đáng của ông. Thánh vịnh 106: bọn gian tà chẳng dám hé môi. Vì chỉ có Thiên Chúa “mới làm cho miệng lưỡi trẻ thơ hùng biện” (Khôn Ngoan chương 10). Bởi thế, ông xin: Lạy Chúa, xin Chúa cất đi các trở ngại, mà con đã gặp phải vì tội lỗi, từ môi miệng con; và Chúa hãy mở môi con. Êphêsô 6: “xin cho ngôn từ được ban cho tôi để tôi mở miệng một cách tin tưởng làm cho mầu nhiệm Tin Mừng được biết đến”.
Nhưng cần lưu ý rằng mở miệng được hiểu là sự sâu sắc của việc huấn giáo, ở bất cứ chỗ nào trong Sách Thánh khi thấy kiểu nói này; như ở Sách Gióp chương 3: “Sau đó, Gióp mở miệng ông ra”. Và Mátthêu 5: “Mở miệng Người ra, Chúa Giêsu” nghĩa là, để nói đến sự sâu sắc của Sách Thánh. Và rồi miệng con sẽ ca ngợi Chúa; như thể ông muốn nói: điều con có trong lòng, con tuyên xưng ra bằng miệng lưỡi con.
Vì nếu Chúa muốn lễ hy sinh. Ở đây, ông tự biện giải (excusat se): và trước hết, ông chứng tỏ rằng hy lễ đã không được Thiên Chúa chấp nhận; thứ hai, ông chứng tỏ rằng hy lễ nào có thể được Thiên Chúa chấp nhận, khi ông thưa, Lễ hy sinh Chúa muốn.
Bởi thế, ông thưa: Con hứa một lần nữa cả huấn giáo lẫn ngợi khen: vì hy lễ này sẽ tôn vinh Chúa; nhưng hy lễ bằng thịt không được Chúa khứng nhận. Và do đó, ông thưa: Nếu Chúa muốn lễ hy sinh nghĩa là hy lễ bằng thịt ; con nhất định sẽ dâng lên; nhưng quả tình, Chúa đâu có ưa thích lễ vật toàn thiêu.
Nhưng há Chúa không thích các hy lễ bằng thịt hay sao? Nếu Chúa không chấp nhận các hy lễ này, thì tại sao trong Luật Cũ Người lại truyền phải dâng lên?
Phải nói rằng Người cho chúng được dâng lên không phải vì Người, mà vì chúng là hình tượng của hy lễ đích thực bên trong qua đó, Chúa Kitô tự dâng chính mình Người; và chúng là các dấu hiệu của hy lễ bên trong, khi con người dâng cuộc sống mình cho Thiên Chúa, và một lần nữa, chúng được lập ra vì lợi ích của những người kém văn hóa không biết Thiên Chúa, và do đó, điều thích đáng là họ tôn vinh Người và học hỏi về Người trong các sự việc này, kẻo họ dâng hy lễ cho các ngẫu thần mà họ vốn có xu hướng nghiêng về. Nhưng vì Đavít, nhờ Chúa Thánh Thần, biết rằng hy lễ tâm hồn mới được Thiên Chúa chấp nhận, nên ông không dâng hy lễ bằng thịt.
Nhưng trong mọi hy lễ, hy lễ toàn thiêu được Thiên Chúa khứng nhận hơn. Thế nhưng chúng được khứng nhận không phải vì chúng, nên ông thưa: Chúa đâu có ưa thích lễ vật toàn thiêu: vì nếu chúng được Chúa khứng nhận một cách đơn thuần, thì con đã dâng chúng lên Chúa rồi. Và dù có ai đề xuất rằng chúng là mùi thơm được Chúa rất ưa thích, thì cần phải nói: đây chỉ là một hy lễ tượng trưng và là dấu hiệu của hy lễ bên trong, một y lễ làm Thiên Chúa vui lòng. Bởi thế, ông nói thêm Lễ hy sinh Chúa muốn, nghĩa là được khứng nhận, là tinh thần buồn sầu. Thánh Augustinô, trong Cuốn X của khảo luận Về Kinh Thành Thiên Chúa: “Mọi hy lễ ngài dâng bề ngoài đều là dấu hiệu chỉ hy lễ bên trong, trong đó, ngài dâng linh hồn ngài cho Thiên Chúa”.
Nhưng nên biết rằng linh hồn con người bị dẫn vào tội lỗi trước nhất bởi sự vui vẻ trống rỗng. Sách Giảng Viên 2: “Ta kể tiếng cười là sai lầm: và với sự vui vẻ, ta nói: tại sao ngươi lại bị lừa một cách tự mãn như thế?” nghĩa là, bị dẫn vào tội lỗi. Thứ đến, vì tội lỗi, nó trở nên chai đá đối với những điều thiêng liêng. Sách Giảng Viên 3: “một tâm hồn chai đá, sau cùng, sẽ sở hữu sự dữ”. Thư Rôma 2 viết: “Theo sự chai đá và tâm hồn không ăn năn của các ông”. Thứ ba, vì nó tự lấy mình làm đủ trong các sự vật xác thân, và không lưu ý tới những điều thiêng liêng, nên nó kiêu căng, vì “đây là nguyên ủy mọi tội lỗi” (Sách Giảng Viên 10). Do đó, điều thích đáng là hối nhân, người dâng lòng mình như một hy lễ lên Thiên Chúa, đã làm điều ngược hẳn lại các điều này.
Và trước hết, ngược với niềm vui trống rỗng, điều thích đáng là có được sự buồn sầu thống hối; và do đó, ông thưa: Lễ hy sinh Chúa muốn là tinh thần buồn sầu; nghĩa là, nó buồn sầu vì mọi tội lỗi cộng lại chứ không phải chỉ có một. Thư Côrintô 2 chương 7: “nỗi buồn sầu theo ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ”. Còn Barúc 2 thì nói: “những tâm hồn buồn sầu vì sự dữ lớn lao và thân xác lom khom rời rã, lạy Chúa, chính những tâm hồn này mới dâng vinh quang lên Chúa và sự buồn sầu của họ”.
Ngược với điều thứ hai là sự hối tội (contritio): bởi thế, ông thưa, Một trái tim tan nát (contrita). Và nên lưu ý sự khác nhau giữa tan vỡ và tan nát: vì tan vỡ (confracta) là những vật bị bể thành những mảnh lớn; còn tan nát (contrita) là những vật bị bể thành những mảnh li ti. Bởi thế, bao lâu người ta có một tâm hồn chai đá, thì tâm hồn này như thể hoàn toàn ở trong sự dữ; nhưng khi họ hoàn toàn từ bỏ tội lỗi, hoàn toàn sống cho những điều thiêng liêng, thì họ được gọi là tan nát. Sách Gióp chương 16 “Trước đây giầu có (của cải trần gian), nay tôi bỗng dưng tan tành”.
Ngược với điều thứ ba là sự khiêm nhường; và do đó, ông thưa: Chúa không khinh chê một trái tim... phải khiêm hạ: vì “Thiên Chúa chống kẻ kiêu ngạo; và ban ơn thánh cho người khiêm nhường” (Thư Giacôbê 4). Và ta cần hiểu rằng ông nhắc đến trái tim và tinh thần: mà tinh thần thì liên quan tới sự hăng say (animositatem) và do đó, liên quan tới sự nóng giận (irascibilem). Isaia 25: “vì sát khí của quân cường bạo chẳng khác nào mưa bão đập vào tường”. Trái tim liên quan tới những điều có thể tư dục (concupiscibilem); thành thử ở đây phải hiểu là bất cứ điều gì thuộc về sức mạnh của dục vọng cũng phải được dâng lên Thiên Chúa làm hy lễ.
Nhân từ. Ở đây, ông hứa điều ông sẽ làm trong tương lai: và trước hết, ông xin điều cần được Thiên Chúa thực hiện; thứ đến, ông tuyên bố, ở chỗ ông thưa, Lúc ấy, xin Chúa chấp nhận.
Mắt Đavít hướng tới hai điều. Một điều, ở gần, có tính ám chỉ (figurale), điều kia, ở xa, có tính ẩn dụ (figuratum). Điều đầu, vì có lời chép rằng Đavít xây các tường thành cho Giêrusalem, nhưng ông không hoàn tất; và sau khi các tường này đã hoàn tất, đền thờ mới được xây cất, và do đó, ông thưa: trong thánh ý tốt lành của Chúa, xin xử lý để thành luỹ Giêrusalem được xây dựng. Và rồi khi tường thành đã được xây dựng, đền thờ sẽ được xây; và lúc ấy, xin Chúa chấp nhận hy lễ công lý, lễ vật hiến tế, lễ vật toàn thiêu. Tất cả đều có tính ám chỉ.
Nhưng nếu nói đến ẩn dụ, điều mà ta phải làm, thì có hai Giêrusalem; tức Giêrusalem thiên giới. Thư Galát 4: “Giêrusalem ấy, Giêrusalem ở trên cao, là Giêrusalem tự do và là mẹ ta”. Giêrusalem kia là Giáo Hội hiện nay, theo hình ảnh Giêrusalem thiên giới. Sách Khải Huyền 21: “Tôi thấy thành thánh, thành Giêrusalem mới, từ trời, từ Thiên Chúa, mà xuống”.
Cả hai đều có các bức tường. Tường của Giêrusalem thiên giới là thành lũy của vĩnh cửu và trường sinh, mà các vị thánh theo đuổi nhờ Chúa Kitô. Thư Rôma 8: “Đấng làm cho Chúa Giêsu Kitô trỗi dậy, cũng sẽ làm thân xác tử sinh của chúng ta trỗi dậy”. Tường của Giêrusalem hiện nay, theo Êdêkien 13, “Ngươi đã không đứng lên để đương đầu với quân thù cũng không dựng tường cho nhà Israel để đứng vững trong chiến đấu”. Ông thấy trước việc xây dựng các bức tường này trong thần trí lời tiên tri của Isaia 56. Bởi thế, để các bức tường được xây dựng, Lạy Chúa, xin xử lý nhân từ, nghĩa là hãy tỏ lòng nhân từ này, lòng nhân từ mà Thánh Tông Đồ cho hay đã hoàn toàn thể hiện trong Titô 3: “lòng nhân từ và nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã xuất hiện”.
Và việc này không do công trạng của chúng ta mà là do thánh ý tốt lành của Chúa. Thư Rôma 12: “Để anh em chứng minh điều gì tốt, điều gì đáng chấp nhận và điều gì là thánh ý hoàn thiện của Thiên Chúa”. Thư Tessalônica 1, chương 4: “Thánh ý Thiên Chúa là anh em được thánh hóa”. Và Chúa làm việc này là để thành lũy Giêrusalem được xây dựng, cả Giêrusalem chiến đấu lẫn Giêrusalem chiến thắng.
Nhưng sau đó sẽ là gì? Sau đó, xin Chúa chấp nhận hy lễ công lý. Và điều này được giải thích ba cách: hai cách đầu liên hệ đến Giáo Hội hiện nay. Vì một cách, ta phải nhắc đến hy lễ này, không phải hy lễ trong đó gia súc bị giết, nhưng hy lễ trong đó con người bị sát tế vì Chúa Kitô, và trong việc này, có hai bước: hy lễ của Chúa Kitô đứng hàng đầu. Thư Galát 2: “Người yêu tôi và đã nộp mình vì tôi”. Và do đó, ông thưa Lúc ấy nghĩa là lúc xây dựng tường thành Giêrusalem, nghĩa là Giáo Hội, xin Chúa chấp nhận hy lễ công lý, qua đó, Chúa Kitô, Đấng công chính, tự hiến mình. Gioan 8: “Ai trong các ông có thể bắt tội tôi?”.
Vì Người có nhân đức cao cả đến nỗi Người đền tội cho con người hầu công chính hóa họ. Đứng hàng thứ hai, những người thánh thiện khác, vì Thiên Chúa, đã hiến mình làm hy lễ: khi ông thưa, lễ vật hiến tế, nghĩa là, các thánh hiển tu, những vị nhờ tin tưởng vào Chúa Kitô, cũng như vào nơi mình, đã dâng mình chịu chết, tuy không bị sát hại. Sách Thủ Lãnh 5: “Hỡi ngươi, Israel, người đã vui lòng dâng mạng sống mình chịu nguy hiểm, hãy chúc tụng Chúa”.
Và lễ vật toàn thiêu. Đây là các vị tử đạo. Gioan 15: “Không tình yêu nào lớn hơn người thí mạng sống mình vì bằng hữu”. Và lúc ấy, xin Chúa chấp nhận, tức lúc các vị thánh thiện này tự đặt mình lên bàn thờ Chúa giống các con bò tơ; nghĩa là trên đức tin vào Chúa, và vào Chúa Kitô; nghĩa là, họ tự đặt mình như các con bò tơ vì danh Chúa Kitô, và vì đức tin vào Người, để được hiến sinh.
Nói cách khác, nếu nói tới việc làm của người công chính, thì ý nghĩa như sau: Chúa sẽ chấp nhận công lý làm hy lễ, vì các việc công lý và thương xót giống như hy lễ. Thư Do Thái 13: “Đừng quên làm điều thiện, và ban phát điều thiện; vì nhờ các hy lễ này, anh em sẽ nhận được ơn phúc của Thiên Chúa”. Và lúc ấy, Chúa sẽ chấp nhận lễ vật hiến tế. Theo Thánh Grêgôriô, lễ vật toàn thiêu là lễ vật hoàn toàn được đốt cháy; và nó biểu tượng cho những con người hoàn thiện hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa.
Lễ vật hiến tế là những người dâng một điều gì đó và giữ lại một điều gì đó: và bấy giờ các linh mục sẽ giết bò tơ, nghĩa là, các tân tòng, dâng trên bàn thờ, nghĩa là trên đức tin vào Chúa Kitô: hay bấy giờ, các giáo phẩm cao hơn sẽ đặt các giảng viên giáo dân đã được huấn giáo về đức tin lên trên bàn thờ, nghĩa là, trên việc tuyên xưng đức tin.
Lối giải thích thứ ba là về Giêrusalem thiên giới; và ý nghĩa như sau: Bấy giờ, nghĩa là lúc các bức tường của Giêrusalem thiên giới sẽ được xây dựng, xin Chúa chấp nhận hy lễ công lý. Ở đây, bất cứ khi nào một hy lễ thống hối được thực hiện, thì ở đó, cũng có hy lễ chúc tụng. Isaia 60: “Dân ngươi tất cả sẽ công chính, họ sẽ được hưởng lãnh thổ mãi mãi”. Và Thánh Vịnh 63 chính là nói về hy lễ chúc tụng này. Phúc thay những ai ở trong nhà Chúa, họ sẽ mãi mãi chúc tụng Chúa. Và rồi Chúa sẽ chấp nhận các lễ vật hiến tế, nghĩa là các tiểu thánh nhân, và các lễ vật toàn thiêu, nghĩa là các đại thánh nhân. Và các thiên thần sẽ thực hiện việc dâng này, những vị mà Mátthêu 13 nói tới “Nhưng hãy thu lúa mì vào kho nẫm của Ta”. Và các thiên thần này sẽ đặt các thánh trên bàn thờ của Chúa, nghĩa là, trong vinh quang nước trời. Sách Khải Huyền 8: “và nhiều nhũ hương được trao cho Người, để Người dâng lời cầu nguyện của mọi vị thánh trên bàn thờ vàng”. Thánh Vịnh 68, Làm như vậy sẽ đẹp lòng Chúa hơn dâng tiến bò bê đủ móng đủ sừng.
HẾT