1. Nguồn Gốc Sự Thánh Thiện trong Kitô Giáo

Cùng với lời kêu gọi nên thánh nói chung, Vatican II cũng đã cho ta sự hướng dẫn chuyên biệt về ý nghĩa của sự thánh thiện và nó hệ ở điều gì. Trong hiến chế Lumen Gentium, ta đọc thấy:

Chúa Giêsu, thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy cho tất cả và cho mỗi một môn đệ, bất luận thuộc cảnh vực nào, một đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Ðấng ban phát vừa là Ðấng hoàn tất: "Vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời" (Mt 5,48). Bởi vậy, Người đã sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong Ngươi thôi thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn cùng hết sức họ (xem Mc 12,30), và yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương họ (xem Ga 13,34; 15,12). Ðược Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Người, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính của Ngươi, và do đó, thực sự đã trở nên thánh. Cho nên với ơn Chúa họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận” (Lumen Gentium, số 40).



Tất cả điều trên được tóm lược trong công thức “sự thánh thiện hoàn hảo” là “việc kết hợp hoàn hảo với Chúa Kitô” (LG số 50). Viễn kiến này phản ảnh quan tâm chính của Công Đồng là quay về với các nguồn Thánh Kinh và Giáo Phụ, vượt qua công thức kinh viện vốn thịnh hành trong nhiều thế kỷ cả trong lãnh vực này. Nay vấn đề là ý thức được viễn kiến đổi mới về sự thánh thiện và áp dụng nó vào các thực hành của Giáo Hội trong việc giảng thuyết, dạy giáo lý, trong việc đào tạo thiêng liêng cho các ứng viên lãnh chức linh mục và đời sống tu trì, và, tại sao không? trong cả viễn kiến thần học vốn gợi hứng cho triết lý hành động của Bộ Phong Thánh nữa (1).

Một trong các dị biệt chính giữa viễn kiến Thánh Kinh về sự thánh thiện và viễn kiến kinh viện là thế này: các nhân đức được đặt căn bản không hẳn trên “lý lẽ công chính” (Aristốt: recta ratio) cho bằng trên sứ điệp cơ bản (kerygma). Nên thánh không có nghĩa tuân theo lý lẽ (lý lẽ thường dẫn tới chỗ đối nghịch!), mà có nghĩa bước theo Chúa Kitô. Sự thánh thiện của Kitô Giáo, trong yếu tính, có ý nghĩa Kitô học: nó hệ ở việc bắt chước Chúa Kitô và, ở cao điểm của nó, hệ ở việc “kết hợp hoàn toàn với Chúa Kitô” như Công Đồng dạy.

Tổng hợp đầy đủ nhất và cô đọng nhất về sự thánh thiện dựa trên sứ điệp cơ bản là tổng hợp được Thánh Phaolô phác họa trong phần khuyến dụ của thư gửi tín hữu Rôma (các chương 12-15). Thoạt đầu, Thánh Tông Đồ trình bầy một viễn kiến toàn bộ về con đường để tín hữu được thánh hóa có nội dung chủ yếu và mục tiêu như sau:

“Do đó, thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng đồng hình đồng dạng với thế giới, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:1-2).

Lần trước, chúng ta đã suy niệm những câu trên rồi. Trong các suy niệm sau đây, chúng ta sẽ bắt đầu với những gì tiếp theo sau đó trong bản văn của Thánh Phaolô và thêm vào đó những điều Thánh Tông Đồ nói ở nơi khác về cùng một chủ đề. Khi làm thế, chúng ta sẽ cố gắng nhấn mạnh các đặc điểm nổi bật của sự thánh thiện, ngày nay được gọi là “các nhân đức Kitô Giáo” và là điều Tân Ước định nghĩa là “hoa trái của Chúa Thánh Thần” hay “công trình của ánh sáng” hoặc “tâm trí vốn ở trong Chúa Giêsu Kitô” (xem Pl 2:5).

Bắt đầu ở chương 12 thư gửi tín hữu Rôma, mọi nhân đức chính của Kitô Giáo, hay hoa trái của Chúa Thánh Thần, đã được liệt kê: phục vụ, bác ái, khiêm nhường, vâng lời, trong sạch. Đây không phải là các nhân đức để vun sới vì chính chúng mà là các hiệu quả nhất thiết của việc làm của Chúa Kitô và phép rửa. Phần này bắt đầu với một liên từ tự nó đáng được cả một khảo luận bàn tới: “cho nên, tôi khuyên nhủ anh em...” Chữ “cho nên” của Thánh Tông Đồ cho thấy mọi điều ngài sẽ nói từ đây trở đi chỉ là hậu quả của những gì ngài đã viết ở các chương trước về đức tin vào Chúa Kitô và vào việc làm của Chúa Thánh Thần. Ta hãy suy niệm về bốn nhân đức sau: bác ái, khiêm nhường, vâng lời và trong sạch.

2. Tình yêu chân thực

Agape, hay đức ái Kitô Giáo, không phải là một trong các nhân đức, nó là nhân đức hàng đầu; nó là hình thức của mọi nhân đức, một nhân đức mà “mọi lề luật và tiên tri đều phụ thuộc” vào (xem Mt 22:40; Rm 13:10). Trong số các hoa trái của Chúa Thánh Thần mà Thnáh Tông Đồ liệt kê ở thư Galát 5:22, ta thấy tình yêu được liệt kê đầu tiên: “Hoa trái của Chúa Thánh Thần là tình yêu, niềm vui, sự bình an...” Nhất quán với điều này, ngài cũng khởi đầu lời khuyên của ngài về nhân đức trong thư gửi tín hữu Rôma bằng tình yêu. Trọn chương 12 là một loạt các lời khuyên về đức ái:

Đức ái phải chân thực... Anh em hãy thương mến nhau bằng tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình (Rm 12:9-10)

Muốn nắm được tinh thần vốn thống nhất hóa mọi huấn giáo này, tức ý tưởng nền tảng nằm ở bên dưới chúng, hay đúng hơn, cái “cảm nhận” của Thánh Phaolô đối với đức ái, ta cần bắt đầu với lời khuyên đầu tiên: “Đức ái phải chân thực”. Đây không phải là một lời khuyên trong các lời khuyên khác mà là cung lòng (matrix) của mọi lời khuyên khác. Nó chứa đựng bí quyết của đức ái.

Chữ nguyên thủy được Thánh Phaolô sử dụng mà ta dịch là “chân thực” là anhypokritos, và chữ này có nghĩa “không giả hình”. Thuật ngữ này là một loại ánh sáng dẫn đường. Thực tế, nó là một chữ hiếm hoi được sử dụng gần như độc quyền trong Tân Ước để định nghĩa tình yêu trong Kitô Giáo. Kiểu nói “tình yêu chân thực” xuất hiện một lần nữa trong 2 Cr 6:6 và trong 1Pr 1:22. Bản văn trong thư Phêrô cho phép ta hiểu, một cách hoàn toàn chắc chắn, ý nghĩa của chữ đang bàn vì ngài giải thích nó bằng cách nói vòng vo: ngài nói, tình yêu đích thực hệ ở việc yêu nhau một cách sâu sắc “từ cõi lòng”.

Như thế, với câu nói đơn giản “đức ái phải chân thực” Thánh Phaolô đã mang cuộc thảo luận vào tận gốc rễ của đức ái, đó là cõi lòng, là trái tim ta. Điều đòi hỏi ở tình yêu là nó phải trung thực, chân chính, chứ không giả bộ. Ở đây, Thánh Tông Đồ đã trung thành vang vọng lại suy nghĩ của Chúa Giêsu: thực vậy, Chúa Giêsu đã không ngừng và một cách nhấn mạnh cho thấy rõ trái tim là “nơi” xác định ra giá trị của điều người ta làm” (xem Mt 15:19).

Ta có thể nói tới cái nhìn thông sáng của Thánh Phaolô về đức ái: đàng sau vũ trụ hữu hình và ngoại giới gồm các việc làm và lời nói của nó, đức ái hệ ở việc tỏ lộ một vũ trụ khác, một vũ trụ hoàn toàn có tính nội giới và, khi so sánh với vũ trụ khác kia, nó là điều linh hồn vốn là đối với thân xác. Ta còn thấy cùng một cái nhìn thông sáng này một lần nữa trong bản văn tuyệt vời của ngài về đức ái, đó là thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô chương 13. Nếu ta nghiên cứu kỹ, mọi điều Thánh Phaolô nói ở đó đều chỉ về đức ái bên trong, tới những thiên hướng và cảm quan về đức ái:

Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang; đức ái chịu đựng tất cả, tin tất cả, hy vọng tất cả... Không điều nào trong những điều này trực tiếp liên hệ tới việc làm điều tốt hay công việc bác ái đúng nghĩa, nhưng thay vào đó, điều gì cũng dẫn chúng ta trở về với gốc rễ của việc ước muốn điều tốt. Lòng từ nhân (benevolence) đến trước việc từ nhân (beneficence).

Chính Thánh Tông Đồ là người đã làm cho sự khác nhau giữa hai loại bác ái trở thành minh nhiên. Ngài nói rằng hành vi bác ái bề ngoài (phân phát mọi của cải mình có) lớn lao nhất sẽ không là gì cả nếu không có đức bác ái bên trong (xem 1Cr 13:3). Nó sẽ là điều trái ngược hẳn với đức bác ái “chân thực”. Thực thế, bác ái không thành thực chính là làm điều tốt nhưng không ước ao điều tốt; nó chỉ biểu lộ ra bên ngoài 1 điều không tương ứng với cõi lòng, với trái tim. Trong trường hợp này, người có dáng bác ái có thể đã che dấu lòng vị kỷ, chỉ biết tìm kiếm mình, thao túng người khác, hay thậm chí chỉ hành hạ lương tâm mình.

Một sai lầm chết người là đặt lòng bác ái của cõi lòng đối nghịch với lòng bác ái của việc làm hay ẩn nấp trong lòng bác ái bên trong để tìm một thứ cớ bào chữa cho việc không chịu tích cực làm việc bác ái. Ta biết Chúa Giêsu (xem Mt 25: 16tt), Thánh Giacôbê (xem 2:16tt) và Thánh Gioan (xem 1Ga 3:18) đã mạnh mẽ thúc giục người ta làm việc bác ái xiết bao. Ta biết sự quan trọng mà chính Thánh Phaolô đã dành cho các cuộc lạc quyên cho người nghèo ở Giêrusalem.

Hơn nữa, việc nói rằng cho người nghèo mọi sự “nào có ích chi cho tôi đâu” nếu tôi làm thế mà không có đức ái không đồng nghĩa với việc nói rằng việc này chẳng gây ích cho ai và, do đó, vô dụng. Nó chỉ có nghĩa không có ích cho “tôi” thôi, nhưng nó quả có ích cho người nghèo là người nhận được nó. Do đó, đây không phải là chuyện tối thiểu hóa sự quan trọng của việc bác ái nhưng củng cố một nền tảng bền vững cho việc bác ái này chống lại thứ chủ trương lấy mình làm trung tâm và những ranh mãnh không cùng của chủ trương này. Thánh Phaolô muốn các Kitô hữu “bén rễ và đặt cơ sở trên tình yêu” (Ep 3:17) sao cho đức ái trở thành gốc rễ và nền tảng của mọi sự.

Khi chúng ta yêu “từ cõi lòng”, thì chính tình yêu Thiên Chúa “đã được đổ tràn vào trái tim ta qua Chúa Thánh Thần” (Rm 5:5), tình yêu này sẽ chẩy tràn qua chúng ta. Vì con người nhân bản nào hành động như thế quả là một sự thần hóa. Thực vậy, “trở thành những người chung hưởng bản tính của Thiên Chúa” (2Pr 1:4) có nghĩa trở thành những người tham dự vào hành động của Thiên Chúa, hành động yêu thương của Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu!

Chúng ta yêu những con người nhân bản không những chỉ vì Thiên Chúa yêu thương họ hoặc Người muốn chúng ta yêu thương họ, mà còn vì khi ban cho chúng ta Thần Khí của Người, Người đặt chính tình yêu họ vào trái tim ta. Điều này giải thích tại sao Thánh Tông Đồ nói liền sau đó rằng “Đừng mắc nợ ai điều gì, ngoại trừ yêu thương nhau; vì ai yêu thương người lân cận của mình là đã chu toàn lề luật” (Rm 13:8).

Ta có thể tự hỏi mình tại sao ta lại “mắc nợ” một tình yêu nào đó đối với người khác? Vì ta đã nhận được một lượng yêu thương vô vàn để phân phối trở lại cho các bạn cùng làm đầy tớ như ta (xem Lc 12:42; Mt 24:45tt). Nếu ta không làm thế, là ta đã lường gạt anh chị em ta về những gì ta mắc nợ họ. Một người anh em đến cửa nhà qúy vị và có lẽ xin một điều gì đó mà qúy vị không thể cho họ được, nhưng nếu qúy vị không thể cho điều họ xin, thì hãy ý tứ đừng đuổi họ đi mà không cho họ điều qúy vị mắc nợ họ, đó là tình yêu.

Kỳ sau: 3. Bác ái với những người ở bên ngoài Giáo Hội